Nỗi lo giảm thuế trước bạ ô tô trong nước đi ngược lộ trình Net Zero
(Dân trí) - Đề xuất giảm 50% thuế trước bạ được xem là trợ lực cho thị trường ô tô trong nước, góp phần thúc đẩy kinh tế song lại đặt ra câu hỏi liệu có đi ngược lộ trình Net Zero của Chính phủ.
Bộ Tài chính mới đây đã hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô được sản xuất, lắp ráp trong nước.
Đây là năm thứ 4 ưu đãi lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước được áp dụng. Lần đầu tiên là từ nửa cuối năm 2020, sau đó là tháng 12/2021, tháng 5/2022 và lần gần nhất là nửa cuối năm 2023. Ưu đãi kéo dài 6 tháng.
Theo dự thảo, từ ngày 1/8 năm nay đến hết ngày 31/1/2025, mức thu lệ phí trước bạ bằng 50% mức hiện hành. Giống như những lần trước, ưu đãi lệ phí trước bạ chỉ dành cho xe lắp ráp trong nước, còn xe nhập khẩu thì không. Từ ngày 1/2/2025 trở đi, mức thu lệ phí trước bạ tiếp tục thực hiện theo mức cũ, quy định tại Nghị định số 10/2022.
Bộ Tài chính dự kiến chính sách hỗ trợ này có thể làm giảm thu ngân sách Nhà nước về lệ phí trước bạ bình quân khoảng 867 tỷ đồng/tháng. Tuy nhiên, việc này khả năng sẽ làm tăng số lượng xe ô tô tiêu thụ và đăng ký nên số thu từ lệ phí trước bạ, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng có thể tăng.
Doanh số có thể sụt giảm trước khi tăng trở lại
Theo nhìn nhận của TS Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Vietnam, chính sách giảm lệ phí trước bạ nằm trong nỗ lực kích cầu tiêu dùng những tháng cuối năm, đóng góp cho tổng cầu của nền kinh tế, hỗ trợ tăng trưởng GDP.
Trong bối cảnh thị trường kém sôi động như hiện nay, ưu đãi lệ phí trước bạ được phần lớn chuyên gia xem là trợ lực cho thị trường ô tô trong nước. Nguyên nhân do khi lệ phí trước bạ giảm, sẽ kéo theo chi phí lăn bánh một mẫu xe giảm, từ đó kích thích nhu cầu mua sắm. Thanh khoản thị trường từ đó tốt hơn, tạo điều kiện để các doanh nghiệp tăng quy mô sản xuất.
Thị trường ô tô Việt Nam đang trải qua nửa đầu 2024 trầm lắng. Sức ép lạm phát, tỷ giá, giá vàng tăng cao... ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý người tiêu dùng, dẫn đến thắt chặt chi tiêu đối với những mặt hàng có giá trị cao, trong đó có ô tô.
Số liệu từ Hiệp hội các nhà Sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA) cho thấy 4 tháng đầu năm nay, toàn thị trường tiêu thụ 96.935 xe, giảm 14% so với cùng kỳ 2023. Hầu hết các hãng trên thị trường đều giảm doanh số.
Tuy nhiên, chuyên gia Lê Duy Bình cũng cho rằng, có nhiều vấn đề cần lưu ý nếu thực hiện giảm 50% lệ phí trước bạ như đề xuất của Bộ Tài chính.
Thứ nhất, khi đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ từ 1/8, sẽ dẫn đến tình trạng "nghe ngóng": người tiêu dùng muốn mua ô tô ở thời điểm này sẽ tạm dừng kế hoạch và chờ đến sau 1/8 mới mua.
Thực tế cho thấy ưu đãi lệ phí trước bạ luôn khiến thị trường chững lại ở giai đoạn trước khi áp dụng, sau đó tăng mạnh vào các tháng cuối khi chính sách hỗ trợ này gần hết hiệu lực. Nhiều đại lý bán xe lắp ráp trong nước cũng thông tin không ít khách hàng trì hoãn việc mua xe để chờ ưu đãi lệ phí trước bạ được áp dụng.
Thứ 2, theo ông Bình, chính sách này khi áp dụng sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách khác nhau của các địa phương.
Chẳng hạn, theo Luật Ngân sách Nhà nước, nguồn thu từ lệ phí trước bạ các địa phương được hưởng. Do đó, các thành phố lớn, có mức tiêu thụ xe lớn có khả năng sẽ bị giảm nguồn thu từ lệ phí trước bạ.
Bên cạnh đó, việc giảm 50% lệ phí trước bạ có thể sẽ kích thích tiêu dùng nên doanh số xe bán ra có thể gia tăng vào những tháng cuối năm, kéo theo thu từ thuế tiêu thụ đặc biệt và giá trị gia tăng (VAT) sẽ tăng. Song các loại thuế đó sẽ chỉ ảnh hưởng đến các địa phương có nhà máy lắp ráp ô tô, những địa phương này sẽ được hưởng lợi.
"Như vậy, tác động của chính sách giảm lệ phí trước bạ ô tô lắp ráp trong nước sẽ không đồng đều với các địa phương. Từ đó đặt ra bài toán phải cân đối về mặt ngân sách giữa các địa phương sao cho phù hợp", ông Bình nói.
Giảm thuế trước bạ có hỗ trợ người giàu?
Không ít tranh cãi liên quan đến việc giảm thuế trước bạ không hỗ trợ "người yếu thế" được đưa ra. Điều này đặt ra trong bối cảnh tỷ lệ nội địa hóa của xe lắp ráp trong nước còn thấp, một phần không nhỏ là nhập khẩu. Các linh kiện sản xuất trong nước cũng được sản xuất nhiều từ doanh nghiệp FDI. Chính sách này vô tình hỗ trợ nước ngoài.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, một chính sách "không thể bắn được nhiều đích". Chính sách giảm 50% phí trước bạ này sẽ kích cầu khi người dân mua được xe với chi phí lăn bánh thấp hơn trước đây, tạo điều kiện cho doanh nghiệp ngành ô tô "vượt khó". Ô tô hiện có nhiều phân khúc và về lâu dài không nên xem đây là mặt hàng xa xỉ. Lượng người được hưởng chính sách không ít.
Trước câu hỏi giảm phí trước bạ có phải ưu đãi cho người giàu, ông Phan Phương Nam, Phó khoa luật thương mại, Trường đại học Luật TPHCM, cho rằng việc kích cầu có thể thúc đẩy nền sản xuất trong nước, tạo tác động lan tỏa chứ không chỉ người giàu hưởng lợi.
Ông Nam lưu ý, cơ quan chức năng cần có giải pháp hài hòa, tránh bất cập thuế phí. Nhiều doanh nghiệp nhập khẩu thời gian qua đã lên tiếng phản đối, đứng ngồi không yên về việc này. "Những phản ứng này cũng cần được tính đến", ông Nam nói.
Ông Nam nhắc lại năm 2023 chính Bộ Tài chính cũng từng không đồng ý giảm lệ phí trước bạ cho ô tô trong nước vì lo ảnh hưởng tới cam kết quốc tế.
Để phát triển ngành ô tô theo hướng bền vững hơn, ông Nam cho rằng cần có lộ trình rõ ràng, sòng phẳng. "Từ đó tạo điều kiện cho chính doanh nghiệp sản xuất lắp ráp nội địa lẫn phía nhập khẩu chủ động, thay vì cảnh thấp thỏm và bị động", vị này cho hay.
Thúc đẩy tiêu thụ xe xăng, dầu đi ngược xu hướng Net Zero?
Doanh số xe có thể tăng cao với chính sách giảm lệ phí trước bạ song ở góc độ môi trường, việc giảm lệ phí theo đánh giá, có thể đi ngược với lộ trình phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050 của Chính phủ.
Hay Chiến lược Giao thông xanh theo Quyết định 876/QĐ-TTg năm 2022 cũng đặt ra các chỉ tiêu quan trọng để phát triển ngành giao thông vận tải hướng tới mục Net Zero vào năm 2050. Các chỉ tiêu này bao gồm tăng tỷ trọng phương thức vận tải sử dụng điện và năng lượng xanh, bắt đầu từ năm 2025, cũng như kế hoạch chuyển dịch nhu cầu vận tải sang phương thức công cộng tại các đô thị chính.
Đối với vấn đề này, ông Lê Duy Bình, cho rằng việc kích thích tiêu dùng xe ô tô cá nhân sẽ ảnh hưởng đến lượng phát thải, ở góc độ môi trường là không khuyến khích. "Tuy nhiên, đây là bài toán khó do hệ thống giao thông công cộng trong nước hiện chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân", ông Bình nói.
Chính sách này nếu áp dụng thì cả xe xăng và xe điện sản xuất, lắp ráp trong nước đều được hưởng như nhau.
Chuyên gia Phạm Việt Anh, Cố vấn Bền vững, ESG-S, cho rằng, với việc coi Net Zero là mục tiêu dài hạn thì chính sách cần ưu tiên hỗ trợ chuyển đổi xanh, trong khi từng bước giảm dần tiêu thụ sản phẩm động cơ đốt trong.
Theo ông, chính sách giảm lệ phí trước bạ cho xe sản xuất trong nước (các loại xe bao gồm cả xe xăng và xe điện) nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế, nhưng chỉ nên có thời hạn nhất định, ngắn, và chỉ thực hiện khi những ngoại tác tiêu cực lên môi trường và xã hội trong dài hạn không vượt quá lợi ích thu được trong ngắn hạn.
"Điều đó có nghĩa là, việc hỗ trợ cho xe xanh đặc biệt như thế nào, để khuyến khích chuyển đổi xanh nhanh hiệu quả trong dài hạn phải được ưu tiên hàng đầu, qua đó tính hấp dẫn của chính sách cho chuyển đổi xanh phải vượt trội hơn các sản phẩm công nghiệp phát thải CO2 nói riêng, khí nhà kính nói chung", ông Phạm Việt Anh nhấn mạnh.
Lưu ý việc "cân bằng đối xử"
Chuyên gia về thuế Nguyễn Ngọc Tú, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Thuế, Giảng viên Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, cho rằng, bản chất mức lệ phí trước bạ 10-12% đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước là rất cao, lớn hơn một số sắc thuế (VAT 10%, sau khi giảm 2% còn 8%; thuế thu nhập cá nhân 10%...). Chính sách giảm lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước áp dụng thời kỳ Covid-19 mang tính chất "giải cứu", áp dụng 3 lần, mỗi lần 6 tháng.
Mục tiêu của chính sách giãn, giảm thuế, phí chính là hỗ trợ phần nào cho các doanh nghiệp sản xuất vượt qua khó khăn, thúc đẩy tiêu dùng. Tuy nhiên, vị chuyên gia về thuế cũng nhìn nhận, cách điều hành chính sách "on-off" như vậy khó tránh khỏi mang tính "giật cục", khiến người dân chờ đợi còn doanh nghiệp bị động, không dám mạnh dạn đầu tư. Muốn có một thị trường tốt, theo ông Tú, cần phải có chính sách ổn định, dài hơi.
Nếu như trước đây, việc giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất trong nước nhằm "giải cứu" doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19 thì hiện nay, tình hình đã bình thường trở lại, đòi hỏi chính sách phải ổn định.
Ông Tú đề nghị cần luật hóa lệ phí trước bạ chứ không nên cứ một thời gian mới kiến nghị giảm, ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng cũng như kế hoạch của doanh nghiệp. Phải có chính sách dài hạn, ổn định thì doanh nghiệp mới tập trung mở rộng sản xuất, tăng tỷ lệ nội địa hóa, nâng cao giá trị gia tăng.
Bên cạnh đó, chuyên gia Nguyễn Ngọc Tú lưu ý, nếu giảm lệ phí thì cần phải tính đến việc áp dụng cho cả xe trong nước và xe nhập khẩu do Việt Nam đã là thành viên WTO, tham gia sân chơi toàn cầu. Một trong những nguyên tắc là không "phân biệt đối xử", không thể chỉ ưu đãi hàng sản xuất trong nước mà vi phạm cam kết.
Đồng quan điểm, ông Lê Duy Bình lưu ý việc giảm 50% lệ phí trước bạ chỉ đề xuất áp dụng với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước dẫn đến chính sách này bị đánh giá là "phân biệt đối xử" giữa các nhà sản xuất ở trong nước và các nhà sản xuất ở nước ngoài có xe được nhập khẩu vào Việt Nam.
"Nếu đề xuất được thông qua, Việt Nam đứng trước nguy cơ vi phạm một số điều ước quốc tế trong WTO hay một số hiệp định thương mại tự do đã ký kết", ông Bình nhìn nhận
"Trong quá trình thiết kế và thực thi chính sách cần để ý đến những vấn đề này, để tránh được các yêu cầu giải trình về sau, thậm chí bị kiện tụng bởi các quốc gia khác. Những tranh chấp như vậy hoàn toàn có thể xảy ra", vị chuyên gia cho biết.