DBiz

Ngân hàng hết thời trên đỉnh lợi nhuận?

Thảo Thu
Ngân hàng hết thời trên đỉnh lợi nhuận?

Ngành ngân hàng trước đây "sống khỏe" bất chấp dịch Covid-19 nhưng hiện câu chuyện dường như đã thay đổi. Lợi nhuận nhiều đơn vị không còn duy trì được mức tăng tốt. Một số đơn vị thậm chí có lãi "đi lùi".

Thống kê của Dân trí từ báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2023 cho thấy, lợi nhuận toàn ngành ngân hàng đã giảm tốc. Năm ngoái, lợi nhuận quý đầu năm vẫn duy trì tăng trưởng 2 chữ số nhưng năm nay tổng lợi nhuận giảm khoảng 4%.

Ngân hàng lãi nghìn tỷ nhưng quy mô tăng trưởng chậm lại

Không phải nhà băng nào cũng sụt giảm lợi nhuận. 3 ngân hàng có vốn Nhà nước BIDV, Vietcombank, VietinBank đạt tổng lợi nhuận 24.120 tỷ đồng, tương ứng hơn 1 tỷ USD quy đổi và tăng hơn 20% so với cùng kỳ.

"Quán quân" quý I năm nay là Vietcombank với 11.221 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước, cách biệt lớn so với những ngân hàng còn lại.

Vietcombank lấy lại vị trí từ VPBank. Quý đầu năm nay, VPBank ghi nhận lợi nhuận sụt giảm tính bằng lần do không còn cách "kiếm tiền" khác. Quý đầu năm ngoái, VPBank soán ngôi đầu bảng lợi nhuận, do ghi nhận khoản thu nhập bất thường hơn 7.000 tỷ đồng - cao hơn nhiều so với lợi nhuận tạo ra được từ các hoạt động kinh doanh cốt lõi. Phần lớn khoản thu bất thường này đến từ việc ghi nhận doanh thu trả trước từ hợp đồng bảo hiểm độc quyền tái ký với Bảo hiểm AIA.

VPBank không phải nhà băng duy nhất sụt giảm lợi nhuận. 3 tháng đầu năm, có 8 đơn vị báo lãi giảm so với cùng kỳ.

Techcombank - nhà băng nổi bật về cho vay bất động sản - ghi nhận lợi nhuận trước thuế hơn 5.600 tỷ đồng quý I, giảm 17% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khoản mục có ảnh hưởng lớn nhất là thu nhập lãi thuần giảm gần 20%, còn 6.527 tỷ đồng.

LPBank (tên cũ: LienVietPostBank), ngân hàng ông Nguyễn Đức Thụy làm Chủ tịch HĐQT, cũng ghi nhận lợi nhuận "đi lùi" hơn 12%. Thu nhập lãi thuần của nhà băng này giảm 3,5% so với cùng kỳ.

Hay với SeABank, lợi nhuận trước thuế 3 tháng đầu năm cũng chỉ đạt 1.070 tỷ đồng, giảm 18%.

BVBank (tên cũ: Vietcapital Bank) 3 tháng năm nay cũng chỉ lãi vỏn vẹn 25,5 tỷ đồng, giảm tới 85%.

NCB cũng chỉ đạt lợi nhuận trước thuế 5,5 tỷ đồng, giảm tới 78,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Hầu hết nguồn thu của ngân hàng đều sụt giảm, thậm chí báo lỗ.

Bảng xếp hạng lợi nhuận các ngân hàng đã có sự xáo trộn trong quý I so với cùng kỳ năm trước. Quý đầu năm, nhóm nhà băng quốc doanh vẫn được coi là điểm tựa cho tăng trưởng lợi nhuận toàn ngành.

Chất lượng tài sản xấu đi

Không chỉ kinh doanh kém sắc, nợ xấu của nhiều đơn vị đã "phình to". Số dư nợ xấu tại thời điểm cuối quý I tăng khoảng 24% so với hồi đầu năm. Nhiều đơn vị có số dư nợ xấu tăng 2 chữ số. NCB, VPBank, Vietbank, ABBank, VIB thậm chí ghi nhận tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng vượt 3% - ngưỡng được cho là quan trọng đánh giá chất lượng tài sản ngân hàng.

Theo quy định tại Thông tư 16/2021, ngân hàng sẽ không được mua trái phiếu doanh nghiệp hay theo Thông tư 22/2019 sẽ không được cấp tín dụng cho khách hàng đầu tư kinh doanh cổ phiếu cũng như mua, nắm giữ cổ phiếu các ngân hàng khác nếu không kiểm soát nợ xấu dưới ngưỡng này.

Nếu tính theo số tuyệt đối, top 5 nhà băng có tỷ lệ nợ xấu cao nhất quý đầu năm là VPBank, BIDV, VietinBank, SHB, NCB. Trong đó, VPBank là ngân hàng có số dư nợ xấu cao nhất, với 28.939 tỷ đồng. Phần lớn trong đó là nợ xấu tiêu dùng, đến từ FE Credit, còn nợ xấu của ngân hàng mẹ là hơn 13.500 tỷ đồng.

Top 5 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất là Bac A Bank, Vietcombank, Techcombank, ACB, Sacombank, đều ở dưới ngưỡng 1%.

Sau 2 năm 2020-2021 đẩy mạnh trích lập, đặc biệt cho các khoản vay cơ cấu lại thời hạn trả nợ vì dịch Covid-19, nhiều ngân hàng đã phần nào trút bỏ được áp lực này. Tại hầu hết ngân hàng, tỷ lệ này đang có xu hướng giảm trong quý đầu năm nay. Tuy nhiên, điều đó đang khiến mức độ tăng của nợ xấu cao hơn tăng dự phòng rủi ro.

Có 10 đơn vị có tỷ lệ bao phủ nợ xấu vượt ngưỡng 100%, gồm Vietcombank, Bac A Bank, VietinBank, BIDV, MB, Techcombank, ACB, LPBank, SeABank và Sacombank.

Tỷ lệ trên 100% tương ứng trong trường các khoản nợ xấu không thể thu hồi, ngân hàng vẫn còn dự phòng để bao phủ khoản nợ này, không làm ảnh hưởng đến lợi nhuận. Đây cũng được coi là "của để dành" của các nhà băng.

Ngược lại, những nhà băng có tỷ lệ này ở mức thấp có thể kể đến VPBank, BVBank, VIB, ABBank, NCB, Eximbank…

Những yếu tố khác động đến lợi nhuận ngân hàng

Trước đây, với mức lợi nhuận tăng trưởng phổ biến trên 50%, ngân hàng là một trong số ít ngành chống chọi tốt giữa tâm dịch Covid-19.

Một trong nhiều nguyên nhân giúp lợi nhuận ngành này tăng trưởng mạnh là nhiều đơn vị nới rộng được chênh lệch thu, chi từ lãi đến từ nghiệp vụ huy động và tín dụng.

Trong khi thu nhập lãi và thu nhập tương tự vẫn tăng tốt, tốc độ tăng chi lãi và các chi phí tương tự của một số ngân hàng, chủ yếu gồm chi lãi tiền gửi và chi lãi phát hành giấy tờ có giá tăng chậm so với cùng kỳ, thậm chí ở một số đơn vị còn giảm.

Tuy nhiên, câu chuyện năm nay đã khác khi dư nợ tăng trưởng tín dụng quý đầu năm ở mức thấp. Chưa kể, sau cuộc đua lãi suất huy động diễn ra mạnh vào nửa cuối năm ngoái, một số ngân hàng thậm chí đang phải "gồng mình" trả lãi tiền gửi.

Có 9 nhà băng tăng trên 100%. Nhiều loại chi phí khác như trả lãi tiền vay, trả lãi phát hành giấy tờ có giá, hoạt động tín dụng khác cũng tăng lên ở đa số các ngân hàng.

Quý đầu năm, biên lãi thuần (NIM) toàn ngành ngân hàng giảm xuống 3,61%, từ mức 3,79% của quý IV/2022. Đây là tỷ lệ chênh lệch giữa thu từ lãi và chi phí trả lãi mà ngân hàng phải trả, cũng là thước đo đánh giá khả năng sinh lời từ dòng tiền của ngân hàng.

Trong đó, VPBank, MB, Techcombank - 3 đơn vị có NIM cao nhất tại thời điểm cuối năm 2022, sang quý đầu năm nay đã sụt giảm gần 10%. Diễn biến này trùng thời điểm kênh trái phiếu doanh nghiệp và cho vay tiêu dùng gặp khó khăn. Đây vốn là 2 lĩnh vực có lợi suất cao hơn các khoản vay thông thường.

Tỷ lệ CASA (tiền gửi không kỳ hạn) càng cao sẽ giúp các ngân hàng giảm chi phí hoạt động, tăng lợi thế cạnh tranh, hiệu quả hoạt động.

Tuy nhiên, từ cuối năm 2022, tỷ lệ này tại hầu hết ngân hàng đều có xu hướng giảm và diễn biến này tiếp tục trong quý đầu năm nay. Trong bối cảnh lãi suất vẫn ở mức tốt, khách hàng có xu hướng gửi tiền có kỳ hạn để lấy lãi thay vì để tiền nhàn rỗi trong tài khoản thanh toán, phục vụ cho nhu cầu đầu tư, tiêu dùng…

Techcombank - đơn vị từng đạt CASA kỷ lục 50,5% thời điểm đầu năm 2022 sau đó đã có 4 quý giảm liên tiếp ở chỉ tiêu này. Tỷ lệ CASA của Techcombank đến hết ngày 31/3/2023 giảm còn 32%. MB cũng là đơn vị có mức biến động CASA lớn khi giảm từ 40,6% xuống 35,5%.

Đâu là động lực tăng trưởng năm 2023?

Theo ước tính của phần lớn chuyên gia, lợi nhuận ngân hàng năm 2023 sẽ tăng chậm lại. Một số đơn vị cũng đã giảm kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận, như Techcombank và NamABank, còn lại vẫn đặt kế hoạch tăng trưởng dương. VPBank thậm chí tham vọng lãi cả tỷ USD.

Trong cuộc họp thường niên của các ngân hàng năm nay, một vấn đề được không ít cổ đông đứng ra chất vấn là cơ sở đặt mục tiêu lợi nhuận tham vọng trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Dù thế, hầu hết lãnh đạo ngân hàng đều tin sẽ thực hiện được kế hoạch. 

Yếu tố tác động đến bức tranh ngành ngân hàng năm nay có thể kể đến là "các công cụ cần thiết" mới đây nhà điều hành tiền tệ cung cấp để xử lý các vấn đề liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp và các khoản cho vay bất động sản.

Cụ thể, tháng 4 vừa rồi, Ngân hàng Nhà nước ban hành liên tiếp 2 thông tư điều chỉnh hoạt động kinh doanh trái phiếu doanh nghiệp của các ngân hàng (Thông tư 03) và quy định việc cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng gặp khó khăn (Thông tư 02).

Với Thông tư 02, các ngân hàng sẽ có quyền lựa chọn cơ cấu lại thời hạn trả nợ trong phạm vi tối đa là 12 tháng và giữ nguyên nhóm nợ trong khi các khoản dự phòng có thể được trích dần trong 2 năm. Theo nhận định của Chứng khoán SSI, người đi vay có thêm thời gian để thực hiện các nghĩa vụ nợ trong khi chờ nền kinh tế phục hồi hoàn toàn vào thời điểm thích hợp. Về phía ngân hàng, áp lực lên cả bảng cân đối kế toán và báo cáo kết quả kinh doanh sẽ giảm bớt phần nào, do rủi ro tỷ lệ nợ xấu gia tăng sẽ được chuyển sang đến nửa cuối năm 2024.

Áp lực lợi nhuận cũng giảm bớt ít nhất trong năm 2023, cho đến nửa cuối năm 2024 - khi con số nợ xấu sẽ phản ánh thực tế hơn tình trạng của người đi vay.

Ngân hàng hết thời trên đỉnh lợi nhuận? - 1

Lợi nhuận ngành ngân hàng suy yếu trong quý I/2023 (Ảnh minh họa: Mạnh Quân).

Với Thông tư 03, ngân hàng được mua lại ngay trái phiếu chưa niêm yết hoặc chưa đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM mà đơn vị này đã bán ra. Điều kiện là bên mua trái phiếu trước đó đã thanh toán đủ tiền cho tổ chức tín dụng tại thời điểm ký hợp đồng. Đồng thời, doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải được xếp hạng ở mức cao nhất, theo quy định xếp hạng tín dụng nội bộ của các nhà băng.

Với việc mua lại trái phiếu doanh nghiệp, các chuyên gia đến từ công ty chứng khoán kỳ vọng một phần rủi ro tín dụng sẽ được quay lại bảng cân đối kế toán của các ngân hàng, sau đó có thể được giải quyết thông qua các phương án đàm phán/cơ cấu lại thời hạn theo quy định mới của Thông tư 02. Tuy nhiên, các đơn vị cũng lưu ý thực tế áp dụng là khác nhau, tùy thuộc khẩu vị rủi ro từng ngân hàng. 

Bên cạnh đó, giới chuyên gia đánh giá từ nay tới cuối năm, lợi nhuận ngành ngân hàng sẽ còn phân hóa đậm nét hơn. 

Năm vừa rồi, hầu hết nhà băng đã đẩy mạnh đa dạng hóa nguồn thu từ bảo hiểm, thư tín dụng, chứng khoán, ngoại hối… bên cạnh thu từ mảng cho vay. Năm nay, hoạt động bảo hiểm liên kết đầu tư được bán chéo qua kênh ngân hàng (bancassurance) có thể sẽ giảm lại do nhiều ngân hàng đã phát triển quá mạnh năm trước. Hoạt động tín dụng cũng có thể sẽ chậm lại so với năm 2022 theo định hướng của cơ quan quản lý tiền tệ. 

Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng chậm lại, cộng với NIM thu hẹp và chi phí tín dụng tăng, các chuyên gia cho rằng mức tăng trưởng ngành ngân hàng năm nay chỉ trong khoảng 10-15%, trái với mức hơn 40% năm ngoái.