Những nhà băng sớm báo lãi hàng nghìn tỷ đồng
(Dân trí) - Những khoản lãi hàng nghìn tỷ đồng quý đầu năm nay được hé lộ tại các cuộc họp đại hội đồng cổ đông của nhiều ngân hàng. Một số đơn vị báo lợi nhuận "đi lùi".
Những khoản lãi hàng nghìn tỷ đồng đầu tiên
Tại phiên họp cổ đông thường niên 2023, Chủ tịch HĐQT Vietcombank Phạm Quang Dũng thông tin lợi nhuận riêng lẻ của nhà băng này trong quý I đạt 11.050 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất đạt hơn 11.200 tỷ, tăng gần 14% so với cùng kỳ năm trước và đạt 26% kế hoạch năm 2023. Trong số các ngân hàng sớm hé lộ kết quả kinh doanh, ngân hàng này hiện vẫn là "quán quân" lợi nhuận.
Ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc ACB, cho biết lợi nhuận quý I đạt 5.120 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ và thực hiện được 26% kế hoạch cả năm.
Một nhà băng khác ghi nhận khoản lãi trước thuế nghìn tỷ đồng là TPBank. Dù chưa họp đại hội đồng cổ đông, ngân hàng của ông Đỗ Minh Phú đã công bố báo cáo tài chính với mức lãi 1.765 tỷ đồng, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2022. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.413 tỷ đồng.
Tuy không nêu con số cụ thể nhưng Chủ tịch Trần Minh Bình của VietinBank và Chủ tịch Hồ Hùng Anh của Techcombank đều báo kết quả kinh doanh quý đầu năm khả quan trong phiên họp cổ đông thường niên mới diễn ra.
Một số ngân hàng tầm trung khác cũng báo lãi hàng trăm tỷ đồng. Ông Trần Tấn Lộc, Tổng giám đốc Eximbank, cho biết kết quả kinh doanh quý I đạt khoảng 900 tỷ đồng.
PGBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý I/2023 ở mức 153 tỷ, tăng 21% so với cùng kỳ.
Lợi nhuận trước thuế BacABank thì đạt 335 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2022.
Lãi nghìn tỷ đồng nhưng tăng trưởng âm
Một số đơn vị cũng báo lãi hàng nghìn tỷ đồng, song mức tăng trưởng là con số âm.
Tại phiên họp thường niên, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank cho biết lợi nhuận trước thuế của ngân hàng mẹ VPBank quý I đạt 4.000 tỷ đồng, giảm hơn 62% so với cùng kỳ năm 2022, thực hiện được 1/5 kế hoạch lợi nhuận tỷ USD (hơn 24.000 tỷ đồng) được đại hội cổ đông thông qua.
Quý I là thời điểm ngân hàng này ghi nhận khoản phí hỗ trợ từ thỏa thuận độc quyền phân phối bảo hiểm với AIA Việt Nam. Ngân hàng này cũng phải trích lập dự phòng tới 2.600 tỷ đồng rủi ro tín dụng hay công ty con FE Credit vẫn đang thua lỗ.
LienVietPostBank, ngân hàng ông Nguyễn Đức Thụy làm Chủ tịch HĐQT, cũng ghi nhận lợi nhuận "đi lùi" hơn 12%. Quý đầu năm nay, nhà băng này lãi 1.566 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước là 1.795 tỷ đồng.
Thực tế, ngay cả những ngân hàng báo lợi nhuận tăng trưởng dương thì mức tăng trưởng cũng đã chậm lại so với cùng kỳ.
Theo chia sẻ của bà Ngô Thu Hà, Tổng giám đốc SHB, tại phiên họp thường niên, lợi nhuận trước thuế ngân hàng tăng 10,3% so với cùng kỳ năm ngoái, tương ứng đạt hơn 3.500 tỷ đồng, thực hiện được 35% chỉ tiêu lợi nhuận năm theo kế hoạch được cổ đông thông qua là vượt mốc 10.000 tỷ đồng. Mức 10,3% thấp hơn nhiều nếu so với mức tăng trưởng lợi nhuận 94% nhà băng này ghi nhận được trong quý I/2022.
Tổng giám đốc MSB Nguyễn Hoàng Linh cũng hé lộ nhà băng này đạt hơn 1.500 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế quý đầu năm nay, tăng 2% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, quý I/2022, tăng trưởng lợi nhuận của nhà băng này lên đến 30%.
Các số liệu trên trùng với kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của Vụ Dự báo, Thống kê (Ngân hàng Nhà nước) khi các ngân hàng giảm kỳ vọng tăng trưởng. Theo đó, tình hình kinh doanh của hệ thống ngân hàng trong quý I năm nay có sự cải thiện, nhưng tốc độ cải thiện chậm lại so với quý trước. Trong khi đó, các ngân hàng đánh giá lợi nhuận trước thuế của hệ thống quý đầu năm có tăng trưởng nhưng chưa đạt được như kỳ vọng. Có đơn vị lo ngại lợi nhuận tăng trưởng âm trong năm 2023. Một số khác ước tính lợi nhuận không thay đổi.
Trong cuộc họp thường niên của các ngân hàng năm nay, một vấn đề được chất vấn tại hầu hết đơn vị là cơ sở đặt mục tiêu lợi nhuận tham vọng trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Song hầu hết lãnh đạo đều tin rằng sẽ thực hiện được kế hoạch. Năm nay, ngoại trừ Techcombank và NamABank đặt kế hoạch lợi nhuận chậm lại, các đơn vị khác đều đặt kế hoạch tăng trưởng dương, có nhà băng tham vọng lãi cả tỷ USD.
Hàng loạt chuyên gia đến từ các công ty chứng khoán trước đó cũng dự báo tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng sẽ chậm lại, đạt khoảng 10-15% trong quý I năm nay, thay vì mức trên 30% cùng kỳ năm trước, khi tín dụng tăng chậm và biên lãi ròng (NIM) thu hẹp.