DMagazine

Một năm xung đột Nga - Ukraine: Nhà giàu cũng khóc

(Dân trí) - Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã kéo dài 1 năm, tác động đến mọi mặt của chính trị, kinh tế, xã hội trên phạm vi toàn cầu, trong đó trực tiếp và sâu rộng nhất là các nhà tài phiệt của 2 nước.

Một năm xung đột Nga - Ukraine: Nhà giàu cũng khóc

Trong sảnh tối om chỉ leo lắt vài ngọn đèn ở một khách sạn đã đóng cửa tại thành phố lớn thứ hai của Ukraine, Vsevolod Kozhemyako - một trong những người đàn ông giàu có nhất Ukraine - đang ngồi bên chiếc piano màu trắng, thả những nốt nhạc chậm rãi và buồn bã. Là người sáng lập kiêm CEO của Agrotrade Group - một trong những công ty sản xuất, lưu trữ và xuất khẩu ngũ cốc lớn nhất Ukraine, nhưng bây giờ mọi sự quan tâm của ông Kozhemyako đổ dồn cho cuộc chiến.

"Vâng, tôi là một doanh nhân. Và bây giờ tôi là chỉ huy của một đơn vị quân đội ở Ukraine", ông nói.

Trước khi xung đột xảy ra, trang Instagram của ông tràn ngập những bức ảnh chụp các kỳ nghỉ trượt tuyết và du ngoạn trên du thuyền của Thụy Sĩ và Áo. Giờ đây, ở ông toát ra phong thái của một chỉ huy quân sự trong thời chiến.

Một năm xung đột Nga - Ukraine: Nhà giàu cũng khóc - 1

Tỷ phú Vsevolod Kozhemyako - lãnh đạo doanh nghiệp trở thành chỉ huy quân sự trong cuộc xung đột Nga - Ukraine (Ảnh: Reuters).

Tài phiệt Nga lao đao với lệnh trừng phạt

Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã kéo dài 1 năm và vẫn chưa có dấu hiệu đi đến hồi kết. Cuộc chiến đã tác động đến mọi mặt của chính trị, kinh tế, xã hội trên phạm vi toàn thế giới. Giới giàu cũng không ngoại lệ, đặc biệt là các nhà tài phiệt của 2 nước.

Trong vòng chưa đầy 24 giờ sau khi xung đột xảy ra, tài sản ròng của 22 người giàu nhất nước Nga đã giảm tổng cộng 39 tỷ USD, theo Bloomberg Billionaires Index. Số tiền này lớn hơn so với số tiền họ đã mất từ đầu năm 2022 đến trước khi xung đột diễn ra.

Người mất nhiều nhất là ông Vagit Alekperov, Chủ tịch công ty dầu mỏ Lukoil có trụ sở tại Moscow. Tài sản của nhà tài phiệt này giảm 1/3, từ 19,2 tỷ USD xuống còn 13 tỷ USD chỉ trong một ngày khi giá cổ phiếu của công ty "bốc hơi" 32%.

Vladimir Potanin, người đàn ông được biết đến giàu nhất nước Nga (với khối tài sản chưa được xác định), mất 3 tỷ USD sau khi giá cổ phiếu của Norilsk Nickel - công ty mà ông giữ vai trò chủ tịch - giảm 26%.

Tình hình sau đó càng trở nên tồi tệ hơn đối với những cá nhân giàu nhất nước Nga khi các biện pháp trừng phạt của phương Tây ngày một gia tăng. Mỹ trước đó đã công bố các biện pháp trừng phạt bao gồm các biện pháp chống lại các nhà tài phiệt Nga và các thành viên gia đình của họ. 

Vương quốc Anh cũng công bố lệnh trừng phạt đối với 5 ngân hàng và 3 cá nhân của Nga, bao gồm nhà tài phiệt Gennady Timchenko, người có quan hệ mật thiết với ông Putin, theo Reuters. Ông Timchenko là người giàu thứ 11 ở Nga với tài sản ròng trị giá 12,1 tỷ USD, theo Bloomberg.

Theo tính toán của Forbes, khoảng 116 tỷ phú của Nga đã mất hơn 126 tỷ USD kể từ ngày 16/2. Trong đó, ước tính khoảng 71 tỷ USD đã bị xóa sổ trong vòng 3 ngày sau khi chỉ số Moex của Nga đóng cửa giảm 33% và đồng rúp giảm xuống mức thấp kỷ lục so với đồng USD. 

Một năm xung đột Nga - Ukraine: Nhà giàu cũng khóc - 2

Số lượng và tài sản của tỷ phú Nga giảm mạnh sau khi xung đột với Ukraine nổ ra (Ảnh: Getty).

Gennady Timchenko, một trong những nhà tài phiệt đầu tiên bị Anh trừng phạt, đã mất gần 1/2 giá trị tài sản ròng trong năm 2022, tương đương 10,6 tỷ USD. Cổ đông của Novatek, Leonid Mikhelson, cũng chứng kiến số tiền 10,2 tỷ USD trong khối tài sản của mình biến mất trong năm 2022.

Cuộc khủng hoảng tại Ukraine cũng tác động mạnh đối với ông Roman Abramovich, một trong những tỷ phú nổi tiếng nhất với tài sản bao gồm cổ phần của nhà sản xuất thép Evraz Plc và Câu lạc bộ bóng đá Chelsea. Ông Abramovich đã buộc phải bán Câu lạc bộ Chelsea sau 19 năm sở hữu.

Ngoài câu lạc bộ bóng đá có thể trị giá hơn 2 tỷ USD, nhiều tài sản khác của ông ở Anh cũng bị phong tỏa. Theo chỉ số tỷ phú của Bloomberg, chỉ trong năm 2022, ông Abramovich đã mất khoảng 5 tỷ USD.

Mới đây nhất, Ukraine cũng đã tịch thu một nhà máy alumin quan trọng liên kết với Rusal International và các tài sản khác được cho là thuộc sở hữu của tỷ phú người Nga Oleg Deripaska, theo lệnh trừng phạt mà chính phủ nước này áp đặt.

Hơn 300 tài sản liên quan đến tỷ phú Deripaska và tập đoàn Rusal đã được chuyển giao cho nhà nước Ukraine, Bộ Tư pháp nước này cho biết. Rusal được kiểm soát bởi Tập đoàn En+ đã đăng ký tại Nga, trong đó ông Deripaska nắm giữ khoảng 45% cổ phần.

Một năm xung đột Nga - Ukraine: Nhà giàu cũng khóc - 3

Tỷ phú Nga Oleg Deripaska bị Ukraine phong tỏa tài sản (Ảnh: Getty).

"Bộ Tư pháp Ukraine sẽ không dừng lại ở đó mà sẽ tiếp tục thực hiện lệnh trừng phạt bằng cách tịch thu tài sản của những người bị trừng phạt", Thứ trưởng Bộ Tư pháp Iryna Mudra cho biết trong tuyên bố.

Quốc hội Ukraine đầu năm 2023 đã thông qua luật quốc hữu hóa tài sản của công dân Nga, cũng như các công ty mà người Nga được hưởng lợi.

Tỷ phú Ukraine cũng khóc ròng

Phần lớn sự chú ý của thế giới đổ dồn vào các nhà tài phiệt Nga và những thiệt hại tiềm ẩn mà họ đang đối mặt do các lệnh trừng phạt quốc tế. Nhưng Ukraine là đất nước chịu ảnh hưởng trực tiếp từ cuộc chiến và các tỷ phú nước này cũng chịu thiệt hại lớn.

Kể từ khi cuộc chiến nổ ra, các nhà tài phiệt khét tiếng nhất của Ukraine đã mất hàng tỷ USD doanh thu.

Theo Forbe Ukraine, chiến dịch quân sự toàn diện của Nga đã cắt giảm giá trị tài sản ròng của những người giàu nhất Ukraine, phá hủy các nhà máy và xí nghiệp và thu hẹp 1/3 nền kinh tế của đất nước.

Tổng cộng, 20 người giàu nhất Ukraine đã chứng kiến khối tài sản "bốc hơi" hơn 20 tỷ USD so với thời điểm trước chiến sự, tháng 2/2022.

Người đàn ông giàu nhất Ukraine Rinat Akhmetov giữ vị trí đầu tiên trong bảng xếp hạng, giống như năm ngoái. Tuy nhiên, ông chủ của công ty năng lượng DTEK và tập đoàn khai thác và thép Metinvest đã mất 9,3 tỷ USD do cuộc chiến tổng lực của Nga ở Donbas, quê hương ông. Giá trị tài sản ròng của ông hiện ước tính khoảng 4,4 tỷ USD.

Một năm xung đột Nga - Ukraine: Nhà giàu cũng khóc - 4

Nhà tài phiệt hàng đầu Ukraine Akhmetov mất một nửa tài sản vì chiến sự (Ảnh: Vyacheslav Ratynskiy).

Danh sách những thua lỗ kinh doanh đau đớn của ông trùm này còn bao gồm nhà máy thép Azovstal có trụ sở tại Mariupol, một trong những nhà máy lớn nhất ở châu Âu, và doanh nghiệp luyện kim lớn thứ hai của Ukraine, Ilyich Iron & Steel Works.

Nhiều tài sản của ông Akhmetov cũng đã biến thành chiến trường và bị phá hủy. Tài sản năng lượng của Akhmetov bị ảnh hưởng không ít khi Nga tấn công vào các cơ sở hạ tầng năng lượng quan trọng trên khắp Ukraine vào đầu tháng 10.

DTEK Energy - Công ty năng lượng tư nhân lớn nhất Ukraine, kiểm soát 1/3 thị trường năng lượng và chịu trách nhiệm khai thác phần lớn than của nước này, là một phần của Tập đoàn SCM do ông Akhmetov kiểm soát.

Với hy vọng Nga bù đắp những tổn thất mà họ đã gây ra cho doanh nghiệp của mình, tháng 6/2022, Akhmetov ông đã đệ đơn kiện Moscow lên Tòa án Nhân quyền châu Âu, đòi bồi thường lên tới 20 tỷ USD.

Trong khi các ông trùm lâu đời của Ukraine phải đối mặt với những tổn thất đáng kể, các doanh nhân công nghệ đã giành được vị trí trong danh sách những người giàu có nhất của nước này. Maksym Lytvyn và Oleksii Shevchenko, 2 nhà sáng lập của công cụ kiểm tra ngữ pháp, Grammarly, công ty khởi nghiệp công nghệ đắt giá nhất Ukraine, đã lọt vào danh sách tỷ phú của Forbes lần lượt ở vị trí giàu thứ 2 và 3 ở Ukraine, với giá trị tài sản 2,3 tỷ USD/người. 

Sự thay đổi trong bảng xếp hạng người giàu nhất Ukraine này cho thấy "thời của những doanh nhân kiểu cũ đang qua đi". "Đã có 6 doanh nhân trong top 20 kiếm bộn tiền trong nền kinh tế tri thức. Họ gần như có bất kỳ liên hệ nào với nhà nước Ukraine", Forbes cho biết.

Cuộc xung đột Nga - Ukraine đã làm thay đổi sâu sắc chế độ chính trị và trật tự xã hội ở nước này. Bởi trước đó, ngoài sự giàu có đáng kinh ngạc, các nhà tài phiệt Ukraine còn nổi tiếng với việc nắm giữ quyền lực chính trị.

Tuy nhiên, cuộc xung đột đã làm tăng thêm tình trạng mất thu nhập đối với giới siêu giàu Ukraine.

"Cuộc chiến này là khởi đầu cho sự chấm hết của giới tài phiệt ở Ukraine", Sevgil Musayeva, tổng biên tập của trang web tin tức nổi tiếng Ukrainska Pravda, nói. "Khi chiến sự leo thang, nó khiến cuộc sống của các nhà tài phiệt thậm chí còn khó khăn hơn. Họ đã buộc phải tập trung vào sự sống còn hơn là chính trị trong nước."

Một năm xung đột Nga - Ukraine: Nhà giàu cũng khóc - 5

Giới tài phiệt Ukraine chứng kiến tài sản "bốc hơi" trong năm 2022 do xung đột (Ảnh: Forbes/ Getty).

Forbes đã phân tích giá trị tài sản ròng của 129 doanh nhân Ukraine nằm trong top 100 người giàu nhất trong 2 năm qua, trong đó lưu ý rằng một số người trong số họ có thể lọt vào bảng xếp hạng năm 2022 dựa trên giá trị tài sản ròng của họ nhưng đã bị loại khỏi danh sách do mất quyền công dân. Chẳng hạn, Ihor Kolomoiskyi, người năm ngoái đứng thứ 4 trong bảng xếp hạng trị giá 1,8 tỷ USD, đã bị Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cáo buộc tước quyền công dân Ukraine vào tháng 7/2022.

Ngoài Ihor Kolomoiskyi, Hennadiy Korban và Vadim Rabinovich cũng nằm trong số những tỷ phú bị mất quyền công dân. Việc hủy bỏ quyền công dân của những nhân vật nổi tiếng này đã gây thêm áp lực chung cho tất cả các nhà tài phiệt.

Ảnh hưởng kinh tế toàn cầu

Một năm xung đột Nga - Ukraine đã làm sứt mẻ sự thịnh vượng của thế giới. Gần như ngay lập tức, cuộc xung đột đã làm trầm trọng thêm những thiệt hại kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra như nợ công tăng kỷ lục, khủng hoảng chi phí sinh hoạt do lạm phát và tình trạng thiếu lao động trong các lĩnh vực thiết yếu.

Robert Kahn, chuyên gia tại công ty tư vấn Eurasia Group, cho biết: "Cú sốc của cuộc chiến về nhu cầu và giá cả đã giáng xuống nền kinh tế toàn cầu, cùng với Covid-19 và các quyết định chính sách khác, đã tạo ra những cơn gió ngược này đối với tăng trưởng".

Chiến tranh đã tàn phá nền kinh tế Ukraine, khiến nền kinh tế này bị thu hẹp 1/3, trong khi các biện pháp trừng phạt hiện đang bắt đầu thu hẹp nguồn thu từ năng lượng và các mặt hàng xuất khẩu khác của Nga. Nhưng thật khó để định lượng tác động của nó đối với phần còn lại của thế giới.

Các nước láng giềng châu Âu cho đến nay đã tránh được việc phân phối năng lượng hàng loạt và làn sóng phá sản đáng sợ, nhờ những nỗ lực xây dựng kho dự trữ nhiên liệu và kiềm chế nhu cầu năng lượng, và - cũng không kém phần quan trọng - là nhờ một mùa đông ôn hòa bất thường.

Giá lương thực và năng lượng toàn cầu đã tăng vọt khi thế giới thoát khỏi đợt phong tỏa do đại dịch năm 2020 và tăng vọt sau khi chiến tranh bùng nổ.

Một năm xung đột Nga - Ukraine: Nhà giàu cũng khóc - 6

Cuộc xung đột kéo dài và chưa biết hồi kết ảnh hưởng sâu rộng lên kinh tế thế giới (Ảnh: Brookings).

Chiến tranh chưa có hồi kết, mối đe dọa chính vẫn là leo thang, bao gồm cả việc Nga sử dụng vũ khí hạt nhân trên chiến trường. Điều đó khiến triển vọng kinh tế toàn cầu và hòa bình rộng lớn hơn vẫn chưa chắc chắn.

Nhiều doanh nhân, nhà tài phiệt đã lên tiếng phản đối xung đột bằng nhiều cách khác nhau. Trong đó, nhiều người đã tạm gác công việc kinh doanh để trực tiếp tham gia cuộc chiến với ước muốn đơn giản "khi thời chiến kết thúc, chúng tôi lại là dân thường" như mong muốn của tỷ phú Kozhemyako. Và những người lính trong nhóm của ông có thể quay lại công việc thường ngày, trồng lúa mì và xây nhà.

Kozhemyako cho biết, khi cuộc chiến kết thúc, ông sẽ quay lại làm CEO điều khiển máy bay phản lực.

Nội dung: Cẩm Hà (tổng hợp)