DMagazine

Những được - mất của nền kinh tế Nga một năm sau chiến sự

(Dân trí) - Tròn 1 năm kể từ khi cuộc xung đột Nga-Ukraine nổ ra, nền kinh tế Nga vẫn trụ vững bất chấp nhiều dự đoán nền kinh tế sẽ sụp đổ hoặc tê liệt trước loạt đòn trừng phạt kỷ lục từ phương Tây.

Những được - mất của nền kinh tế Nga một năm sau chiến sự

Gần tròn 1 năm kể từ khi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra vào 24/2 năm ngoái, nền kinh tế Nga vẫn trụ vững bất chấp nhiều dự đoán nền kinh tế sẽ sụp đổ hoặc tê liệt trước loạt đòn trừng phạt kỷ lục từ phương Tây.

Hứng chịu 11.000 đòn trừng phạt...

Sau khi chiến sự nổ ra, hàng loạt đòn trừng phạt của phương Tây đã dội xuống Nga. Đất nước này đã trở thành quốc gia đầu tiên trong lịch sử phải hứng chịu số lệnh trừng phạt cao kỷ lục, vào khoảng 11.000 lệnh trừng phạt.

Các biện pháp trừng phạt từ phương Tây được áp dụng trên diện rộng nhằm vào các cá nhân, ngân hàng, doanh nghiệp, cũng như các lĩnh vực như tài chính, xuất nhập khẩu nhiều mặt hàng và năng lượng của nước này. Trong đó, đáng kể như việc Nga bị Mỹ và các nước phương Tây loại khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu (SWIF). Nga cũng không được tiếp cận với các công cụ tài chính toàn cầu như phái sinh, phát hành trái phiếu bằng ngoại tệ; bị "đóng băng" kho dự trữ ngoại hối trị giá 300 tỷ USD ở nước ngoài. 

Những được - mất của nền kinh tế Nga một năm sau chiến sự - 1

Nga trở thành quốc gia đầu tiên trong lịch sử phải hứng chịu số lệnh trừng phạt cao kỷ lục (Ảnh: Acamstoday.org).

Mỹ cũng ngăn Moscow tiếp cận các công nghệ tiên tiến của phương Tây như cấm bán chất bán dẫn, linh kiện điện tử, thiết bị định vị… cho Nga khiến ngành hàng không vũ trụ, sản xuất xe hơi, điện tử… của Nga bị thiệt hại. 

Mỹ cũng ban hành lệnh cấm vận với hơn 3.000 cá nhân là giới tinh hoa Nga. Nhiều nước phương Tây cũng liên tiếp tuyên bố tịch thu và phong tỏa nhiều tài sản như bất động sản, siêu du thuyền của tỷ phú Nga ở nước ngoài. Theo thống kê của Bloomberg, tài sản của các tỷ phú Nga trong năm ngoái đã giảm gần 95 tỷ USD do tác động của các lệnh cấm vận.

Nhằm cắt giảm nguồn thu từ dầu của Nga, kể từ tháng 12 năm ngoái, EU đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga vận chuyển bằng đường biển, đồng thời cùng các nước G7 và Australia áp trần giá đối với dầu thô của Nga. Gần đây nhất, ngày 5/2, nhóm các nước này cũng tuyên bố tiếp tục áp giá trần lên các sản phẩm dầu tinh chế của Nga, bao gồm xăng, dầu diesel và dầu nhiên liệu.

Trước "mưa" trừng phạt liên tiếp dội xuống Nga, tháng 3/2022 đồng rúp Nga đã rơi xuống mức thấp kỷ lục, có thời điểm xuống 121,5 rúp đổi 1 USD. Nga cũng đã đóng cửa thị trường chứng khoán từ ngày 25/2 đến ngày 24/3 nhằm ngăn chặn giá cổ phiếu lao dốc trên diện rộng.

Khi đó, nhiều chuyên gia đều dự báo nền kinh tế Nga sẽ giảm 10-15%, thậm chí 20%. Ngay cả ngân hàng trung ương Nga cũng có những nhận định bi quan về triển vọng của nền kinh tế, khi ước tính lạm phát đến cuối năm 2022 sẽ ở mức 20-22%. Gần như mọi dự đoán của phương Tây khi đó đều cho rằng nền kinh tế Nga sẽ sụp đổ, sẽ quay trở về thời kỳ những năm 1990.

Tuy nhiên, điều này đã không xảy ra.

…nhưng vẫn trụ vững

"Diễn biến thực tế tốt hơn dự báo từ nhiều chuyên gia. Theo Bộ Phát triển Kinh tế Nga, GDP 11 tháng đầu năm 2022 của Nga chỉ giảm 2,1%", Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết trong cuộc họp báo chính phủ ngày 11/1. Ông nhận định, GDP cả năm của nước này chỉ giảm 2,5%.

Phát biểu trên truyền hình Nga hôm 15/1, ông Putin một lần nữa nhấn mạnh nền kinh tế Nga vẫn đang trong tình trạng tốt hơn so với dự kiến và mọi thứ đang trên đà ổn định.

"Tình hình kinh tế không những ổn định mà còn tốt hơn nhiều. Một trong những chỉ số chính - tỉ lệ thất nghiệp - đang ở mức thấp lịch sử. Lạm phát thấp hơn dự kiến và đang có xu hướng giảm", ông Putin nhấn mạnh.

Những được - mất của nền kinh tế Nga một năm sau chiến sự - 2

Tổng thống Nga Putin khẳng định nền kinh tế Nga không những ổn định mà còn tốt hơn nhiều (Ảnh: Reuters).

Kết thúc năm 2022, lạm phát của Nga ở mức 11,9%, thấp hơn dự đoán hơn 12% của cả ngân hàng trung ương Nga và Bộ Phát triển Kinh tế Nga. Trước đó, lạm phát tại Nga đã đạt đỉnh 17,83% vào tháng 4, tuy nhiên sau đó đã giảm dần.

Một chỉ tiêu quan trọng khác là doanh thu từ dầu và khí đốt, chiếm hơn 1/3 nguồn thu ngân sách của Nga, vẫn tăng trong năm 2022. Mặc dù, doanh thu hàng tháng từ dầu khí của Nga giảm kỷ lục trong các tháng 8 và 9 năm ngoái, nhưng nhờ giá dầu cao, tính chung cả năm nguồn thu này vẫn tăng.

RT dẫn lời Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak tại cuộc họp chính phủ hôm 16/1 cho biết, xuất khẩu năng lượng của Nga trong năm ngoái vẫn tăng bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây. Cụ thể, xuất khẩu dầu tăng 7%, trong khi xuất khẩu khí đốt tăng 8%. Sản lượng khai thác dầu tăng 2% so với năm 2021, đạt 535 triệu tấn. Nhìn chung, doanh thu từ xuất khẩu năng lượng của Nga trong năm 2022 tăng khoảng 28%, tương đương tăng 2.500 tỷ rúp (tức 36,6 tỷ USD) so với năm 2021.

"Bất chấp mọi khó khăn, ngành nhiên liệu và năng lượng đã hoạt động ổn định vào năm ngoái, chống lại các thách thức bên ngoài, đảm bảo an ninh năng lượng và hiện thực hóa tiềm năng xuất khẩu, đóng góp đáng kể vào ngân sách quốc gia", ông Novak khẳng định.

Thực tế đời sống người dân ra sao?

Đó là những con số thống kê. Còn thực tế đời sống của người dân Nga ra sao trong vòng vây của loạt các biện pháp trừng phạt? Theo Moscow Times, các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga có thể không dẫn đến sự sụp đổ kinh tế nghiêm trọng như một số dự đoán nhưng chúng vẫn có tác động sâu rộng đến doanh nghiệp và đời sống của người dân.

Tình trạng thiếu hàng hóa, hạn chế tiếp cận dịch vụ và các hạn chế khác đang dần thay đổi cuộc sống hàng ngày của người dân nơi đây, từ công thức làm kẹo bị thay đổi, tốc độ internet chậm hơn cho đến việc các lò hỏa táng bị đóng cửa và có ít xe bus hơn.

Những được - mất của nền kinh tế Nga một năm sau chiến sự - 3

Lệnh trừng phạt đang có tác động sâu rộng đến doanh nghiệp và đời sống của người dân Nga (Ảnh: Moskva News Agency).

Tháng 10 năm ngoái, Boris Shvaytser - chủ một nhà máy bánh kẹo lớn nhất ở thành phố Perm - cho biết nhà máy đã phải thay đổi công thức một số sản phẩm sau khi lệnh trừng phạt của phương Tây khiến một số nguyên liệu chính không nhập khẩu được. Ngoài việc thay đổi công thức, nhà máy này còn buộc phải tìm kiếm các thiết bị mới sau khi các nhà cung cấp từ Italy, Đức và Anh ngừng hợp tác.

Tốc độ internet ở Nga cũng trở nên tồi tệ hơn khi những gã khổng lồ viễn thông châu Âu như Nokia và Ericsson rời khỏi nước này. Tốc độ internet di động của Nga đã giảm trung bình 0,6 megabit/giây so với thời điểm trước chiến sự, theo cơ quan phân tích thông tin Nga TelecomDaily.

Tỷ lệ mặt bằng trống ở các tòa nhà văn phòng và trung tâm thương mại ở Nga tiếp tục tăng lên do sự ra đi của các nhà bán lẻ lớn nước ngoài. Theo dữ liệu từ công ty tư vấn bất động sản NF Group, tỷ lệ trống tại các trung tâm mua sắm lớn ở Moscow ước đạt 17% vào cuối năm 2022. Trong khi 12% tòa nhà văn phòng ở Moscow cũng trong tình trạng bỏ trống, theo hãng tư vấn CORE.XP.

Hồi tháng 3 năm ngoái, khi nhiều công ty nước ngoài rục rịch tuyên bố rời khỏi Nga, nhiều chuyên gia đã dự báo tỷ lệ thất nghiệp của Nga sẽ tăng vọt. Tuy nhiên, theo công bố mới đây của Bộ Phát triển Kinh tế Nga, tỷ lệ thất nghiệp năm 2022 của nước này lại thấp nhất mọi thời đại khi ở mức 3,7%.

Những được - mất của nền kinh tế Nga một năm sau chiến sự - 4

Tỷ lệ mặt bằng trống ở các tòa nhà văn phòng và trung tâm thương mại ở Nga tiếp tục tăng lên do sự ra đi của các nhà bán lẻ lớn nước ngoài (Ảnh: Getty).

Trong cuộc phỏng vấn với hãng Itar Tass mới đây, Thứ trưởng Bộ Phát triển Kinh tế Nga Polina Kryuchkova cho biết việc các công ty phương Tây rời khỏi Nga không ảnh hưởng nhiều đến thị trường lao động nước này.

"Tôi khẳng định không có làn sóng di cư nào trên thị trường lao động", bà nói và cho rằng mặc dù số lượng nhân sự ở các công ty tuyên bố rời khỏi Nga rất lớn, song không có ý nghĩa gì đối với nền kinh tế, bởi khi một công ty rời đi thì sẽ có một công ty Nga thế chỗ.

Mặt khác, kể từ năm 2014, nhiều thương hiệu phương Tây ở Nga đã nội địa hóa một số hoặc tất cả chuỗi cung ứng. Vì vậy, khi các công ty này rời đi, người Nga vẫn có thể dễ dàng mua lại và tiếp tục vận hành bằng cách đơn giản chỉ thay đổi thương hiệu, bao bì và giấy gói.

Vận may bắt đầu cạn?

Tờ Washington Post mới đây cũng thừa nhận, sau 1 năm, Nga vẫn kiên cường hơn nhiều dự đoán nhờ xuất khẩu dầu khí và sự điều hành khéo léo của ngân hàng trung ương Nga. Ngoài ra, sự hồi phục về thương mại với Trung Quốc và các nước khác gần đây đã giúp Nga tiếp cận được một số công nghệ bị cấm.

Đến tháng 11/2022, chỉ riêng xuất khẩu chip từ Trung Quốc và Hồng Kông vào Nga đã chiếm 55% tổng lượng chip mà Nga nhập khẩu từ các quốc gia trước chiến tranh, theo dữ liệu từ Silverado Policy Accelerator.

Nhưng theo Washington Post, "vận may" của ông Putin có thể bắt đầu cạn dần khi các nước phương Tây áp các giới hạn nghiêm ngặt đối với xuất khẩu năng lượng của Nga, điều mà ban đầu họ né tránh vì lo sợ làm tê liệt châu Âu và làm trầm trọng thêm lạm phát toàn cầu.

Cùng với việc giá dầu và khí đốt hạ nhiệt trong những tháng cuối năm, lệnh cấm vận dầu Nga của EU và cơ chế giá trần từ các nước G7 có hiệu lực từ ngày 5/12/2022 cũng đã bắt đầu tác động đến nguồn thu từ dầu khí của Nga.

Những được - mất của nền kinh tế Nga một năm sau chiến sự - 5

Lệnh cấm vận dầu Nga của EU và cơ chế giá trần của G7 bắt đầu tác động đến nguồn thu từ dầu khí của Nga (Ảnh: EPA-EFE/Shutterstock).

Theo Bộ Tài chính Nga, nguồn thu từ dầu khí trong tháng 1 đã giảm 46% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 426 tỷ rúp (tương đương 6 tỷ USD). Dầu Urals, loại dầu thô xuất khẩu chính của Nga, đã buộc phải chiết khấu sâu so với dầu Brent.

Theo dữ liệu từ Argus Media, vào đầu năm nay, dầu Urals của Nga tại cảng Primorsk ở Biển Baltic có thời điểm giao dịch ở mức 37,8 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent thời điểm đó là 78,57 USD/thùng. Mức giá này thậm chí còn thấp hơn nhiều so với mức giá trần 60 USD/thùng mà G7 áp đặt kể từ ngày 5/12/2022.

Doanh thu từ dầu mỏ và khí đốt sụt giảm trong khi chi tiêu cho quốc phòng tăng nên thâm hụt ngân sách của Nga trong năm 2022 lên 3.300 tỷ Rúp (khoảng 47 tỷ USD), tương đương khoảng 2,3% GDP. Chỉ riêng trong tháng 1 vừa qua, theo Bộ Tài chính Nga, mức thâm hụt đã lên đến 1.760 tỷ rúp, tương đương 24,75 tỷ USD, chiếm 60% con số thâm hụt mà Nga dự kiến cho cả năm 2023.

Để bù đắp thâm hụt, chính phủ Nga đã phải thực hiện các biện pháp tăng thu khẩn cấp như phát hành trái phiếu trong nước, đánh thuế thu nhập bất thường đối với các công ty năng lượng. Nga cũng dự kiến sử dụng quỹ dự phòng khẩn cấp gồm chủ yếu là vàng và đồng nhân dân tệ. Tuy nhiên, các nhà kinh tế cho rằng, quỹ này có thể cạn kiệt trong 2 năm tới.

Và mặc dù các nhà lãnh đạo Nga tự hào về mức sụt giảm GDP trong năm ngoái thấp hơn dự báo, cho thấy các biện pháp trừng phạt của phương Tây không có tác dụng, song các nhà kinh tế phương Tây ước tính nếu so với dự báo ban đầu GDP của Nga sẽ tăng trưởng 2,2% đến 3,5% trong năm 2022 thì mức sụt giảm là 10% hoặc hơn.

Một quan chức Nga giấu tên cũng thừa nhận, thống kê chính thức có thể sụt giảm không đáng kể, nhưng con số không chính thức có thể giảm sâu hơn. Ông cho biết một cuộc khảo sát gần đây cho thấy nhiều công ty Nga đã "bật chế độ sinh tồn" và "không thực hiện khoản đầu tư đáng kể nào".

Nội dung: Nhật Linh (tổng hợp)