DMagazine

Nhìn lại nền kinh tế Ukraine một năm trong bom đạn

(Dân trí) - Cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine đã gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế Ukraine. Nước này ước tính sẽ cần 1.000 tỷ USD để tái thiết đất nước sau chiến tranh.

Nhìn lại nền kinh tế Ukraine một năm trong bom đạn

Một năm kể từ khi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra, cuộc chiến vẫn đang bước vào giai đoạn gay cấn. Các chính phủ phương Tây đã đồng ý cung cấp cho Ukraine xe tăng chiến đấu đề phòng cuộc giao tranh ác liệt vào mùa xuân. Tuy nhiên, vẫn còn một mặt trận khác đòi hỏi sự quan tâm nhiều hơn đó là nền kinh tế đang bị tàn phá của Ukraine.

Thảm họa kinh tế

Sau khi mất 4% GDP tương đối khiêm tốn vì đại dịch Covid-19 vào năm 2020, nền kinh tế Ukraine đã tăng trưởng ở mức ổn định 3,2% vào năm 2021 và được dự kiến tăng trưởng với tốc độ tương tự vào năm 2022. Tuy nhiên, cuộc xung đột nổ ra vào ngày 24/2/2022 đã làm đảo lộn dự báo này.

Ngay sau khi chiến sự nổ ra, nền kinh tế Ukraine đã giảm hơn 45% trong tháng 3/2022 và giảm 19,1% trong quý I; 37,2% trong quý II. Tính cả năm 2022, theo số liệu chính thức do Phó Thủ tướng thứ nhất kiêm Bộ trưởng Phát triển Kinh tế và Thương mại Ukraine Yulia Svyrydenko công bố, GDP đã giảm 30,4%. Mức giảm này cao hơn nhiều so với ngưỡng giảm 15% mà các nhà kinh tế bắt đầu gọi là thảm họa kinh tế.

Cuộc chiến đã khiến 1/3 trong số 44 triệu dân Ukraine phải rời bỏ nhà cửa tìm nơi trú ẩn an toàn. Hơn 8 triệu người rời bỏ đất nước ra nước ngoài lánh nạn. Theo đánh giá sơ bộ của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) hồi tháng 5/2022, những người đi sơ tán chủ yếu là phụ nữ, trẻ em và những người trên 60 tuổi, trong đó có khoảng 2,75 triệu người trong độ tuổi lao động. ILO dự báo nếu cuộc xung đột leo thang, ước tính có khoảng 7 triệu việc làm, tương đương 43,5% bị mất.

Nhìn lại nền kinh tế Ukraine một năm trong bom đạn - 1

Nền kinh tế Ukraine giảm hơn 30% sau khi chiến sự nổ ra (Biểu đồ: Tradingeconomics.com).

Một con số cho thấy hậu quả của chiến tranh thậm chí còn tồi tệ hơn là tỷ lệ nghèo cùng cực tăng mạnh. Trước chiến sự, chỉ có 2,5% người Ukraine sống trong cảnh nghèo đói cùng cực, tương tự Italy và Tây Ban Nha. Nhưng cuộc chiến đã đột ngột thay đổi điều này. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), số người Ukraine trong tình trạng nghèo cùng cực có thể tăng gấp 10 lần vào năm 2022 và sẽ tiếp tục tăng trong năm nay. Tỷ lệ nghèo đói thậm chí còn cao hơn ở các khu vực gần chiến tuyến hơn do thiếu thốn mọi thứ.

Tỷ lệ tăng lạm phát đang ngày càng trở thành vấn đề đối với nền kinh tế Ukraine. Nếu như vào tháng 1/2022, lạm phát của nước này chỉ ở mức 10% thì đến tháng 9/2022 đã lên tới 24,6% và dự kiến đạt 30% vào cuối năm 2022, theo dự báo của Ngân hàng Quốc gia Ukraine.

Giá lương thực tăng mạnh đã ảnh hưởng nhiều đến đời sống người dân, chi tiêu tiêu dùng chủ yếu cho các nhu cầu thiết yếu. Giá bánh mì tăng 36,6%, cá tăng 40,7% và rau xanh tăng 84,8% do tỉnh Kherson, nơi sản xuất rau chính của Ukraine, bị chiếm đóng. Bên cạnh đó, giá nhiên liệu cũng tăng 66,2% khiến chi phí vận tải tăng 41,1%.

Nền kinh tế thời chiến

Bất chấp nguy cơ pháo kích liên tục, các tòa nhà và thiết bị bị phá hủy hàng loạt, và thiếu hụt nhân công do di tản, hầu hết doanh nghiệp ở Ukraine vẫn tiếp tục hoạt động.

Theo tờ The Conversation của Australia, việc nhiều doanh nghiệp chuyển sản xuất đến các khu vực an toàn hơn đã giúp kinh tế của các khu vực này tăng trưởng mạnh mẽ. Ví dụ, 3 khu vực ở miền trung và miền tây Ukraine không bị ảnh hưởng bởi chiến tranh đã tăng hơn 8% vào tháng 3/2022 so với một năm trước đó.

Lĩnh vực công nghệ thông tin hầu như vẫn hoạt động. Các lĩnh vực ở xa chiến trường như bán lẻ gần như đã hoạt động trở lại bình thường như trước chiến sự vào tháng 9.

Tuy nhiên, các ngành nằm trong các khu vực giao tranh ác liệt hoặc đòi hỏi vốn cao như sản xuất kim loại đã phải thu hẹp quy mô đáng kể. Metinvest, nhà sản xuất thép lớn nhất ở Ukraine, đã mất 2 nhà máy ở Mariupol. Song các nhà máy khác gần Zaporizhzhia ở miền nam Ukraine và Kamianske ở miền trung nước này vẫn đang hoạt động với tổng sản lượng giảm 50-70% so với trước đó.

Thỏa thuận ngũ cốc được đàm phán vào tháng 7 do Liên Hợp Quốc đứng ra làm trung gian đã cho phép Ukraine xuất khẩu một phần ngũ cốc, giúp nền kinh tế nước này ổn định vào đầu mùa thu.

Tuy nhiên, kể từ đầu tháng 10, Nga đã tăng cường tấn công vào các cơ sở hạ tầng trọng yếu, phá hủy khoảng 40% lưới điện của Ukraine. Theo ông Vitali Klitschko, thị trưởng của Kiev, cơ sở hạ tầng bị phá hủy khiến 80% thủ đô không có điện hoặc nước. Chính phủ Ukraine đã phải phân phối điện năng, ưu tiên cho các lĩnh vực quan trọng như chăm sóc sức khỏe và giao thông công cộng.

Nhìn lại nền kinh tế Ukraine một năm trong bom đạn - 2

Cơ sở hạ tầng bị phá hủy khiến 80% thủ đô không có điện hoặc nước (Ảnh: Bloomberg).

Nhiều cơ sở kinh doanh phải hoạt động cầm chừng theo lịch trình phân phối điện. Thậm chí, hoạt động sản xuất được tiến hành vào ban đêm. Các cửa hàng cà phê cũng chuyển từ bán cà phê pha bằng máy sang cà phê phin.

Doanh nghiệp sống sót

Ngày càng nhiều doanh nghiệp ở Ukraine xem việc chuyển hướng kinh doanh sang phục vụ cho quân đội là cách họ có thể tồn tại trong cuộc chiến và ngay cả khi cuộc chiến kết thúc.

Kể từ khi chiến sự nổ ra, ông Yuriy Zakharchuk, chủ công ty chuyên làm trang phục cổ trang Steel Mastery, đã quyết định chuyển từ phục vụ thế giới ảo sang phục vụ đời thực bằng cách sản xuất các bộ đồ bảo hộ cho người dân và quân đội.

Không chỉ Steel Mastery, trên khắp Ukraine, nhiều doanh nghiệp cũng đang thích nghi với tình hình mới bằng cách chuyển hướng kinh doanh sang phục vụ thời chiến. Một thương hiệu thời trang địa phương ở phía nam thành phố Odesa cũng đã chuyển sang may áo giáp phục vụ cho quân đội. Thậm chí một số doanh nghiệp còn đổ xô đến Lviv, khu vực an toàn hơn ở phía tây Ukraine, để sản xuất vỏ bọc thép cho các phương tiện hiện có, quân trang và thậm chí là đạn dược.

Nhìn lại nền kinh tế Ukraine một năm trong bom đạn - 3

Nhiều doanh nghiệp đã chuyển hướng kinh doanh sang phục vụ thời chiến (Ảnh: New York Times).

Theo Oksana Cherepanych, chủ công ty may mặc Gregory Textile, có trụ sở ở Lviv, quyết định chuyển hướng từ sản xuất đồng phục cho khách sạn, nhà hàng sang sản xuất trang phục cho quân đội không chỉ vì lợi ích kinh tế mà còn để giúp người lao động có việc làm, để họ không phải di cư ra nước ngoài. "Đó cũng là cách chúng tôi hỗ trợ nền kinh tế", người phụ nữ 36 tuổi nói và cho biết công ty của cô đã may mắn có được hợp đồng may đồng phục cho quân đội Ukraine. Nhờ đó mà công ty của cô đã duy trì được công ăn việc làm cho 40 thợ may, thậm chí còn tuyển thêm 10 vị trí nữa. Mặc dù công ty chỉ kiếm được 60% lợi nhuận so với trước chiến tranh, song dù sao công ty vẫn có lãi.

Tương tự, Roman Khristin, 31 tuổi, cũng đang bắt đầu công việc kinh doanh áo giáp. Cuộc chiến đã khiến anh mất đi công việc tư vấn logistics và xử lý khủng hoảng khi nhiều công ty rời khỏi Ukraine. Ban đầu anh làm vận chuyển đồ tiếp tế đến các khu vực tiền tuyến, nhưng sau đó anh nhận ra anh nên tham gia vào mặt trận kinh tế chứ không phải mặt trận quân sự. "Tôi không phải là một người lính. Tôi có mạng lưới, có thể xuất và nhập khẩu các mặt hàng và tôi biết cách khởi nghiệp kinh doanh", Khristin chia sẻ với New York Times.

Anh hy vọng không chỉ góp phần duy trì nền kinh tế Ukraine trong thời chiến mà còn mang đến cho bản thân một cơ hội để có thể tồn tại.

Cherepanych cũng hy vọng sẽ duy trì hoạt động kinh doanh đồng phục quân đội và sẽ trở lại với mảng kinh doanh đồng phục nhà hàng, khách sạn khi cuộc chiến kết thúc.

1.000 tỷ USD để tái thiết

Kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột, chính phủ của Tổng thống Volodymyr Zelenskiy chủ yếu dựa vào viện trợ nước ngoài để trả lương cho công chức và duy trì các dịch vụ cơ bản. Điều nguy hiểm là hiện nay các chính sách bù đắp trong năm ngoái đã không còn ổn định. Với mức thâm hụt hàng tháng khoảng 5 tỷ USD (tức khoảng 30% GDP hàng tháng của nước này trước chiến sự), Ngân hàng Quốc gia Ukraine không còn sự lựa chọn nào khác là in thêm tiền. Trái phiếu chiến tranh cũng là một kênh thu hút vốn, song lãi suất quá thấp nên không đủ hấp dẫn người mua. Ngay cả với mức lãi suất 25%, chính sách kinh tế này cũng khó mà kiềm chế lạm phát đang ở mức trên 26%.

Do đó, theo Bloomberg, nếu không có nguồn viện trợ mới, Ukraine có khả năng đối mặt với cuộc khủng hoảng tiền tệ, siêu lạm phát hoặc cả hai.

Nhìn lại nền kinh tế Ukraine một năm trong bom đạn - 4

Ukraine đã bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh. Nước này ước tính cần hơn 1.000 tỷ USD để tái thiết (Ảnh: Getty).

Mặc dù các nhà tài trợ nước ngoài cam kết hỗ trợ tài chính hơn 50 tỷ USD cho chính phủ Ukraine (ngoài viện trợ quân sự và nhân đạo) nhưng sự ủng hộ của công chúng phương Tây đối với sự hào phóng đó không kéo dài mãi. Đó là lý do Ukraine cần các nguồn viện trợ ngay từ bây giờ để tái thiết lại đất nước giúp người dân kiếm sống và cứu giúp những người Ukraine dễ bị tổn thương nhất khỏi cảnh nghèo đói cùng cực.

Để khắc phục những hậu quả nặng nề do cuộc chiến gây ra, Ukraine kêu gọi các đồng minh tăng cường thêm viện trợ. Phát biểu vào cuối tháng 11 năm ngoái, Tổng thống Volodymyr Zelensky ước tính Ukraine cần hơn 1.000 tỷ USD để tái thiết đất nước. Ông Zelensky tiết lộ nhiều quốc gia phương Tây, trong đó có Pháp, Anh, Hà Lan, Đức, Đan Mạch, Phần Lan, Italia, Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Sĩ, Mỹ, Nhật Bản và Australia đã bày tỏ sự quan tâm về kế hoạch xây dựng lại Ukraine sau xung đột.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng đang lên kế hoạch cho gói viện trợ trong nhiều năm lên tới 16 tỷ USD cho Ukraine, giúp Kiev trang trải các nhu cầu thiết yếu và tạo động lực để huy động thêm nhiều nguồn tài trợ quốc tế. Nếu được thông qua, chương trình viện trợ sẽ kéo dài 3-4 năm, trong đó năm đầu tiên dự kiến giải ngân từ 5-7 tỷ USD. Kế hoạch này hy vọng được thông qua vào cuối tháng 3 tới và đợt giải ngân sớm nhất là vào tháng 4.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh EU-Ukraine diễn ra mới đây, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cũng đã cam kết hỗ trợ vô điều kiện cho Ukraine, một ứng cử viên cho tư cách thành viên EU. Nhưng các tổ chức của EU vào cuối năm ngoái mới chỉ giải ngân được 26,7% số tiền cam kết, trong khi Mỹ đã giải ngân được 60,4%. Hơn nữa, gói viện trợ trị giá 18 tỷ euro/năm mà EU thông báo vào tháng 11 năm ngoái lại dưới hình thức cho vay. Dù các điều khoản có thuận lợi đi chăng nữa thì khoản vay này cũng chỉ làm tăng gánh nặng nợ cho Ukraine, cản trở khả năng tái thiết của nước này.

Nội dung: Nhật Linh