DMagazine

Một năm ông Nguyễn Bá Dương rời đi, Coteccons còn gì?

(Dân trí) - Mất nửa năm để tái cấu trúc bên trong, kiện toàn bộ máy lãnh đạo sau ngày nhà sáng lập Nguyễn Bá Dương rời công ty, Coteccons lại tiếp tục đối phó với đại dịch khi chưa kịp đi những con đường mới.

Một năm sóng dữ của ông trùm xây dựng Coteccons sau cuộc bể dâu

Từ phòng họp trên tầng cao nhất của tòa nhà văn phòng Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons (Coteccons, mã chứng khoán: CTD) trên đường Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh (TPHCM), có thể dễ dàng nhìn thấy dự án căn hộ cao cấp ở khu Ba Son, quận 1. Dự án này từng do Coteccons làm tổng thầu, nhưng đã chuyển sang nhà thầu xây dựng mới là Newtecons sau khi chủ đầu tư thay đổi từ Alpha King qua Masterise.

Mất dự án vào tay đối thủ cạnh tranh, từng là thành viên trong hệ sinh thái hiện được dẫn dắt bởi người cũ của công ty, là một trong những cơn đau đầu của ban lãnh đạo mới của Coteccons, mà đứng đầu là Chủ tịch HĐQT Bolat Duisenov. Tròn một năm sau ngày nhà sáng lập rời đi, Coteccons đối diện nguy cơ lung lay vị thế trong quá trình thực hiện nhiều tham vọng mới.

Con sóng 1: Chảy máu chất xám 

Ngày 5/10/2020, ông Nguyễn Bá Dương từ chức Chủ tịch HĐQT Coteccons, rời công ty xây dựng do chính mình sáng lập và đứng đầu suốt 16 năm. Sau khi rời đi, ông Dương cũng "dứt tình" với Coteccons bằng việc bán cổ phần, không còn là cổ đông lớn công ty.

Ngay từ trước khi ông Dương chính thức rời Coteccons, nhiều nhân sự cấp cao đã lần lượt rút khỏi công ty. Sau khi nhà sáng lập từ chức chủ tịch, hàng loạt thành viên lâu năm trong ban điều hành Coteccons cũng nối gót ra đi.

Nhưng không chỉ có các nhân sự cấp cao nghỉ việc. Báo cáo năm 2020 của Coteccons cho biết số lượng nhân sự của tập đoàn vào cuối năm 2020 chỉ còn 1.659 người, giảm gần 30% so với con số 2.272 người vào cuối năm 2019. Đến cuối tháng 6 vừa qua, số nhân sự của công ty cũng chỉ tăng nhẹ lên 1.718 người.

Tại họp đại hội thường niên cuối tháng 4, chảy máu chất xám chính là một trong những vấn đề được cổ đông chất vấn ban lãnh đạo mới của Coteccons nhiều nhất cùng với hiện tượng mất dự án vào tay nhà thầu khác. Phó Tổng Giám đốc Phạm Quân Lực giải thích trong một công ty đang tái cơ cấu, việc có những người không phù hợp ra đi là đương nhiên. Một lãnh đạo khác của Coteccons cho biết do tỷ lệ doanh thu/nhân viên luôn ổn định, việc nhân sự hao hụt khi doanh số công ty sụt giảm là việc khách quan.

Một năm ông Nguyễn Bá Dương rời đi, Coteccons còn gì?  - 1

Biểu đồ: Việt Đức.

Nhưng những ồn ào liên quan đến cuộc chia tay với nhà sáng lập Nguyễn Bá Dương và ekip của vị thuyền trưởng này suốt 16 năm còn kéo dài ngay cả khi công ty đã "thay máu" ban tổng giám đốc còn kéo dài sau đó.

Ít ngày sau họp đại hội cổ đông, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông báo xử phạt Coteccons 155 triệu đồng vì giao dịch "chui" với các công ty liên quan nhưng chưa nhận được sự phê chuẩn của HĐQT, đại hội cổ đông và không công bố thông tin trong báo cáo quản trị trong thời gian từ năm 2018 đến tháng 6/2020, giai đoạn ông Dương còn làm chủ tịch công ty. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến xung đột giữa ban lãnh đạo cũ của Coteccons với nhóm cổ đông ngoại dẫn đầu là Kusto.

Đến giữa tháng 8, những cái tên liên quan ông Nguyễn Bá Dương lại được Coteccons nhắc đến khi thông báo từ chối ký hợp đồng mới với các công ty xây dựng Newtecons, Ricons, Dcons, nhà cung cấp gồm SOL E&C, BM Windows, Boho Decor, nhóm công ty An Gia Minh vì có dấu hiệu mâu thuẫn lợi ích, đồng thời cũng chính là những đối thủ cạnh tranh trực tiếp với tập đoàn.

Con sóng 2: Sau tái cấu trúc là dịch bệnh

Cuối tháng 4, ông Bolat Duisenov lần đầu xuất hiện chính thức trước truyền thông. Vài ngày sau, Chủ tịch mới của Coteccons "ra mắt" cổ đông tại đại hội thường niên. Không áo vest, không cà vạt, ông Duisenov đứng trên sân khấu với một chiếc áo sơ mi màu xanh da trời, tay đeo smartwatch thay vì đồng hồ Thụy Sĩ. Chủ tịch mới của Coteccons không "gánh" hết phần thuyết trình, chỉ nói về những định hướng chung nhất và để lần lượt từng thành viên trong ban điều hành trình bày những hoạt động cụ thể cũng như trả lời cổ đông.

Phong cách của ông Duisenov, người đồng thời là CEO Kusto Việt Nam, mang thông điệp nhất quán với những chia sẻ của doanh nhân người Kazakhstan về Coteccons sau khi tái cấu trúc: trẻ trung, năng động và không phụ thuộc vào bất kỳ cá nhân nào.

Một năm ông Nguyễn Bá Dương rời đi, Coteccons còn gì?  - 2

Chủ tịch HĐQT Coteccons Bolat Duisenov thuyết trình tại đại hội thường niên tổ chức hồi tháng 4 (Ảnh: CTD).

Trong cả hai buổi chia sẻ với truyền thông, cổ đông, ông Duisenov đều tự tin nói về khát khao của đội ngũ sau khi tái cấu trúc, tầm nhìn đa dạng hóa lĩnh vực kinh doanh, đưa thương hiệu của Coteccons không chỉ xuất hiện ở những dự án cao ốc căn hộ, văn phòng mà tiến vào các lĩnh vực tổng thầu EPC, cơ sở hạ tầng, năng lượng tái tạo.

Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau họp đại hội cổ đông, những ca mắc Covid-19 đầu tiên trong làn sóng dịch thứ 4 xuất hiện. Vừa trải qua 6 tháng giai đoạn tập trung tái cấu trúc bên trong sau những xáo trộn lớn, lãnh đạo của Coteccons không thể lường trước thử thách chưa từng có tiền lệ từ yếu tố bên ngoài lại xuất hiện: các công trình xây dựng gần như đều phải tạm ngưng hoạt động trong suốt 3 tháng của quý III.

"Dư âm từ năm 2020 cùng với những yếu tố khách quan từ thị trường và tình hình dịch bệnh diễn ra phức tạp tại Việt Nam gây ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình kinh doanh của công ty. Làn sóng Covid-19 thứ 4 là một trong những điều kiện bất khả kháng và khó khăn lớn nhất từ trước đến nay", Chủ tịch Coteccons Bolat Duisenov thừa nhận với Dân trí.

Mất ngôi số một - nguy cơ dài hạn hay hiện tượng nhất thời?

Dịch bệnh trở thành đòn giáng nặng nề vào kế hoạch kinh doanh năm nay của Coteccons. Trong năm đầu tiên tiếp quản công ty, ban lãnh đạo mới đặt mục tiêu doanh thu thuần 17.413 tỷ đồng, tăng 20% và lợi nhuận sau thuế 340 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước.

Những ngày cuối năm ngoái, khi bộ máy nhân sự tạm ổn định, ban lãnh đạo mới của Coteccons bắt đầu tăng tốc để giành hợp đồng mới. Tuy nhiên, suốt nhiều tháng liền trước đó khi mâu thuẫn xảy ra nơi thượng tầng, Coteccons không trúng thầu mới. Hậu quả xuất hiện ngay trong 6 tháng đầu năm nay. Doanh thu của Coteccons chỉ đạt 5.119 tỷ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ 2020.

Một năm ông Nguyễn Bá Dương rời đi, Coteccons còn gì?  - 3

Biểu đồ: Việt Đức.

Doanh thu sụt giảm sâu nhưng Coteccons vẫn còn đó nguồn thu hơn 115 tỷ đồng từ hoạt động tài chính, phần lớn là lãi tiền gửi ngân hàng. Đây chính là một trong những di sản mà ông Nguyễn Bá Dương để lại tại Coteccons với bảng cân đối kế toán thuộc nhóm lành mạnh nhất trong ngành, hơn 3.000 tỷ đồng tiền mặt và không có bất kỳ một đồng vay nợ ngân hàng nào.

Nguồn thu từ hoạt động tài chính nói trên đóng góp lớn vào khoản lợi nhuận sau thuế 99 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay của Coteccons khi biên lợi nhuận gộp ngày càng mỏng. Tuy nhiên, mức lợi nhuận này chỉ tương đương 35% cùng kỳ 2020 và chưa đến 30% kế hoạch năm.

Đặc biệt, chỉ tính riêng trong quý II, Coteccons mất ngôi số một về cả doanh thu và lợi nhuận trong nhóm các công ty xây dựng niêm yết trên sàn chứng khoán, vị trí nhà thầu này độc tôn suốt một thời gian dài. "Đó chỉ là hiện tượng tạm thời trong bối cảnh khó khăn chung của cả ngành", ông Duisenov khẳng định.

Chủ tịch Coteccons nhấn mạnh với diễn biến phức tạp của dịch bệnh và những bất ổn trong thị trường, cộng hưởng giá nguyên vật liệu xây dựng leo thang, toàn ngành xây dựng đã gặp khó khăn. Theo ông, không thể nói trước về việc Coteccons có đạt kết quả kinh doanh năm nay hay không, tuy nhiên công ty đã đang và sẽ luôn cố gắng hết sức để có kết quả tốt nhất.

Một năm ông Nguyễn Bá Dương rời đi, Coteccons còn gì?  - 4

Ông Bolat Duisenov tin tưởng việc suy giảm kết quả kinh doanh hiện tại chỉ là hiện tượng nhất thời (Ảnh: CTD).

Bao giờ cổ đông được hái "quả táo ngọt"?

"Tầm nhìn mới của Coteccons không còn chỉ là một nhà thầu đơn thuần mà trở thành một tập đoàn cung cấp đa dạng các giải pháp xây dựng, hạ tầng và đầu tư. Cổ phiếu Coteccons sẽ là một bluechip trên sàn chứng khoán Việt Nam, nhà đầu tư sẽ nhìn chúng tôi như một doanh nghiệp đáng để đổ tiền vào", ông Bolat Duisenov tự tin chia sẻ với truyền thông trong lần đầu xuất hiện chính thức vào tháng 4.

Tuy nhiên, trên sàn chứng khoán, các nhà đầu tư dường như chưa chia sẻ tầm nhìn này với Chủ tịch mới của Coteccons.

So với thời điểm kết thúc năm 2020, giá cổ phiếu CTD của Coteccons giảm 10% trong khi VN-Index tăng hơn 25%. Thị giá CTD hiện tại chỉ tương đương với thời điểm tháng 11/2019, trong khi đó nhiều cổ phiếu đã tăng trưởng bằng lần từ đầu năm 2020 đến nay.

Hiện tại, hệ số P/B (giá cổ phiếu trên giá trị sổ sách) của CTD chỉ khoảng 0,6 lần, theo YSRadar. Điều này đồng nghĩa với giá cổ phiếu trên sàn của Coteccons thậm chí còn thấp hơn cả giá trị sổ sách. Trong nhóm các công ty xây dựng trên sàn chứng khoán, định giá cổ phiếu của Coteccons cũng thuộc hàng thấp nhất, dù doanh nghiệp này vẫn là một trong những nhà thầu đứng nhóm đầu về doanh thu, lợi nhuận lẫn mức độ lành mạnh trong cấu trúc tài chính.

Một năm ông Nguyễn Bá Dương rời đi, Coteccons còn gì?  - 5

Diễn biến giá cổ phiếu CTD của Coteccons từ đầu năm 2021 đến nay (Ảnh: TV).

"Tôi không muốn và cũng không thể thuyết phục các đối tác nhà đầu tư giữ vững niềm tin ở Coteccons chỉ bằng lời nói. Chúng tôi sẽ làm những gì chúng tôi đã nói. Tôi chỉ muốn nhắc lại rằng, những quả táo ngọt nhất được chăm sóc bằng những đôi bàn tay kiên nhẫn nhất", ông Duisenov chia sẻ với Dân trí.

Nhưng cổ đông của Coteccons sẽ phải kiên nhẫn đến khi nào để hái được "quả táo ngọt" cho mình? Dưới góc nhìn của các công ty chứng khoán, thời điểm đó có thể vẫn còn xa.

Nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán Mirae Asset cho rằng các công ty xây dựng, đặc biệt ở mảng dân dụng, sẽ trải qua giai đoạn khó khăn và khốc liệt nhất trong năm nay với kết quả kinh doanh tiêu cực, ít nhất là đến hết quý III và có thể là quý IV. Coteccons cũng không nằm ngoài sự ảnh hưởng này. "Tuy nhiên, với cấu trúc tài chính bền vững, Coteccons có khả năng chống chịu cao so với các công ty trong ngành. Một khi khó khăn qua đi, Coteccons sẽ có nhiều nguồn lực và dư địa để bứt tốc trước các đối thủ", Mirae Asset nhận định.

Chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cũng kỳ vọng giá trị hợp đồng mới của Coteccons sẽ phục hồi, nhưng lưu ý do ngành xây dựng phải giãn tiến độ vì dịch nên việc ghi nhận lợi nhuận năm nay cũng bị trì hoãn. VCSC đồng thời nhấn mạnh sự cạnh tranh gay gắt từ cả doanh nghiệp hiện hữu, những cái tên mới trong ngành sẽ tạo áp lực lên khả năng tăng trưởng của Coteccons.

Một năm ông Nguyễn Bá Dương rời đi, Coteccons còn gì?  - 6

Giai đoạn dài trong năm 2020 không có dự án mới giữa bối cảnh diễn ra những xung đột nơi thượng tầng của Coteccons ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu năm nay (Ảnh: CTD).

 

Chia sẻ với Dân trí, lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản phát triển nhiều dự án tại TPHCM cho biết việc lựa chọn nhà thầu dựa vào nhiều yếu tố như chất lượng, giá cả, quan hệ hợp tác. Trong đó, chất lượng thi công và giá cả giữa những nhà thầu thuộc nhóm đầu gần như không quá chênh lệch.

Với trường hợp của Coteccons, vị này cho rằng dù ông Nguyễn Bá Dương rời đi, công ty vẫn còn đó bộ khung, hệ thống chuẩn mực uy tín xây dựng nhiều năm. "Quan trọng là người tiếp quản có làm tốt, quản lý chặt chẽ, có mối quan hệ tốt để giành được nhiều hợp đồng hay không", ông chia sẻ.

Còn với Chủ tịch Coteccons Bolat Duisenov, những bài học trên thế giới chỉ ra hai yếu tố ảnh hưởng lớn đến quyết định chọn nhà thầu của chủ đầu tư là năng lực tài chính vững mạnh và khả năng quản lý dự án đúng tiến độ. Theo doanh nhân người Kazakhstan, Coteccons sở hữu đúng những thế mạnh này.

Vừa trải qua giai đoạn tái cấu trúc đầu tiên, Coteccons đã phải đối mặt với việc ngành xây dựng đóng băng vì đại dịch. Ông Duisenov cho rằng có thể nhiều người nghĩ đó là điều không may mắn, nhưng ở đại dịch cũng mang đến cơ hội để đẩy giới hạn của nhân sự, công ty lên đến cực đỉnh, buộc công ty phải nhanh chóng thích ứng hơn, sáng tạo hơn, linh hoạt, ứng biến nhanh hơn nữa.

"Công ty bình thường gặp đại dịch sẽ khó khăn và có khi phải dừng lại. Công ty tốt sẽ xoay xở để tồn tại. Còn công ty vĩ đại sẽ tìm ra con đường để tồn tại và tiếp tục phát triển. Coteccons là một công ty như thế nào, thời gian này sẽ chứng tỏ được điều đó", ông Bolat Duisenov kết thúc phần trả lời Dân trí với câu tục ngữ "lửa thử vàng, gian nan thử sức" của Việt Nam.