Cuộc đổi ngôi bất ngờ của hai ông trùm xây dựng Hòa Bình và Coteccons

Việt Đức

(Dân trí) - Trong quý II, kết quả kinh doanh của Coteccons sụt giảm mạnh, đứng phía sau Hòa Bình về cả doanh số lẫn lợi nhuận. Điểm chung của 2 đại gia ngành xây dựng là đang chạy đua hoàn thành kế hoạch năm.

Hòa Bình tăng mạnh lợi nhuận nhưng còn cách xa chỉ tiêu

Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã chứng khoán: HBC) công bố doanh thu thuần quý II đạt 3.179 tỷ đồng, chỉ tăng nhẹ 8% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, chi phí giá vốn tăng cao khiến hiệu quả kinh doanh của Hòa Bình đi xuống. 

Biên lợi nhuận gộp trong quý vừa qua chỉ còn 6% so với 8% của cùng kỳ năm trước. Lãi gộp của Hòa Bình theo đó chỉ đạt 195 tỷ đồng. 

Tuy nhiên, công ty lại ghi nhận khoản doanh thu đột biến 65 tỷ đồng từ hoạt động tài chính. Trong đó có 51 tỷ đồng tiền lãi từ chuyển nhượng các khoản đầu tư. Từ đầu tháng 6, Hòa Bình đã thông qua chủ trương thoái vốn ở các dự án đầu tư địa ốc trong nước.

Nhờ khoản thu đột biến trên cùng việc tiết giảm các chi phí lãi vay, quản lý doanh nghiệp, Hòa Bình đạt lợi nhuận sau thuế 58 tỷ đồng trong quý II, vượt xa mức lãi 2 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước. 

Lũy kế 6 tháng, doanh thu thuần của Hòa Bình đạt 5.443 tỷ đồng, không chênh lệch so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lãi ròng lên tới 67 tỷ đồng, gấp hơn 7 lần so với nửa đầu năm 2020.

Cuộc đổi ngôi bất ngờ của hai ông trùm xây dựng Hòa Bình và Coteccons - 1

Biểu đồ: Việt Đức.

Tuy nhiên, Hòa Bình năm nay đặt mục tiêu doanh thu 13.500 tỷ đồng và lãi sau thuế 235 tỷ đồng. Như vậy, so với kế hoạch kinh doanh năm, công ty mới chỉ hoàn thành chưa đến 30% chỉ tiêu lợi nhuận dù đã nửa năm trôi qua.

Tổng tài sản của Hòa Bình tại thời điểm 30/6 hơn 16.000 tỷ đồng. Trong đó, nợ phải trả gần 12.000 tỷ đồng. 

Trong bối cảnh ngành xây dựng, bất động sản gặp khó khăn vì dịch bệnh, doanh nghiệp đã giảm gần 600 tỷ đồng dư nợ vay ngắn hạn còn gần 4.400 tỷ đồng, qua đó giảm chi phí lãi vay. 

Đà thụt lùi được báo trước của Coteccons

Trong khi đó, một doanh nghiệp đầu ngành khác là Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons (Coteccons, mã chứng khoán: CTD) chứng kiến doanh thu sụt giảm nặng trong quý II. 

Doanh thu thuần hợp nhất của Coteccons giảm 36% so với cùng kỳ 2020, chỉ còn 2.550 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp của Coteccons cũng chỉ đạt 5%, thấp hơn 1% so với quý II năm trước.

Với lượng tiền mặt "khủng" hơn 2.900 tỷ đồng gửi ngân hàng kỳ hạn ngắn, Coteccons bổ sung nguồn thu đáng kể với 43 tỷ đồng lãi tiền gửi trong quý II. 

Tuy nhiên, chi phí quản lý doanh nghiệp của Coteccons lại tăng mạnh lên 122 tỷ đồng so với mức 71 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, chi thu nhập cho nhân viên tăng hơn 30 tỷ đồng, trái ngược với xu hướng giảm quỹ lương của nhiều doanh nghiệp trước tác động của dịch Covid-19. 

Lợi nhuận sau thuế của Coteccons quý II theo đó sụt giảm hơn 70% chỉ còn 45 tỷ đồng. Đây là mức lãi trong một quý thấp nhất lịch sử đại gia ngành xây dựng từ năm 2014. 

Như vậy, trong quý II, Coteccons có lần hiếm hoi tụt lại phía sau so với Hòa Bình về cả doanh thu lẫn lợi nhuận. 

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Coteccons đạt doanh thu thuần 5.119 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 99 tỷ đồng. So với cùng kỳ 2020, hai chỉ tiêu kinh doanh quan trọng trên lần lượt giảm 32% và 68%. Còn đối chiếu theo kế hoạch năm, doanh thu và lợi nhuận của Coteccons chưa đạt đến mốc 30% dù 2 quý đã đi qua. 

Cuộc đổi ngôi bất ngờ của hai ông trùm xây dựng Hòa Bình và Coteccons - 2

Biểu đồ: Việt Đức.

Trong ngành xây dựng, doanh thu sẽ được ghi nhận từ những hợp đồng trúng thầu trước đó. Trong khi đó, số lượng hợp đồng trúng thầu năm ngoái của Coteccons sụt giảm, kéo theo doanh thu năm 2021 bị ảnh hưởng. Đây là điều lãnh đạo Coteccons từng chia sẻ với cổ đông.

Quãng thời gian Coteccons không có hợp đồng mới gắn liền với sự xáo trộn về thượng tầng khi nhà sáng lập Nguyễn Bá Dương từ chức Chủ tịch HĐQT và nhiều nhân sự lâu năm dưới thời ông Dương cũng rời đi. 

Người ngồi vào vị trí chủ tịch là ông Bolat Duisenov, đại diện nhóm cổ đông ngoại Kusto. Song song đó, đến tháng 3 năm nay, Coteccons mới kiện toàn ban điều hành, tuy nhiên ghế tổng giám đốc hiện vẫn đang để trống.