(Dân trí) - Nhiều startup lên sóng truyền hình gọi được vốn nhưng vẫn ra về "tay trắng" vì không qua vòng thẩm định. Một số khác vượt qua bài kiểm tra của "cá mập" nhưng lại không trụ được lâu trên thị trường.
Lên truyền hình gọi vốn, có dễ lấy được tiền từ túi "cá mập"?
Một "cá con" vừa rời bể "cá mập" Shark Tank mùa 5 - chương trình truyền hình thực tế về khởi nghiệp ở Việt Nam - hào hứng cho biết, sau chương trình, lượng đơn đặt hàng tăng lên gấp đôi so với trước.
Từng theo dõi các mùa Shark Tank trước, startup này nhận thấy chưa cần biết lên truyền hình có gọi được vốn hay không nhưng rõ ràng với độ phủ về mặt truyền thông, thương hiệu sẽ được nhiều người biết đến hơn.
Tuy nhiên, startup này cũng thừa nhận, muốn đến được bể "cá mập" không phải dễ, thí sinh phải trải qua nhiều vòng sơ loại. Cách đây 2 năm, "cá con" này đã bị trượt từ "vòng gửi xe" do hồ sơ chưa đầy đủ, chưa mang tính thuyết phục.
Hiện tại, dù đã gọi vốn thành công trên truyền hình, nỗi lo lớn nhất của startup này là có vượt qua được vòng thẩm định hay không. Vì sau khi thương vụ lên sóng, phía "cá mập" vẫn chưa có phản hồi tiếp theo dù doanh nghiệp đã gửi báo cáo tài chính theo yêu cầu. Tính đến thời điểm hiện tại, thương vụ của "cá con" này đã lên sóng hơn 40 ngày.
Miếng mồi ngon sau "bể cá mập"
Trong Shark Tank mùa 4, Vua Cua - một startup xuất hiện trong tập đầu tiên - đã "gây bão" mạng xã hội. Thương vụ đã gọi vốn thành công với 3,5 tỷ đồng cho 10% cổ phần và người đứng ra đầu tư là shark Đỗ Thị Kim Liên, nhà sáng lập ứng dụng bảo hiểm công nghệ LIAN.
Thời điểm đó, nhà sáng lập của Vua Cua Đoàn Thị Anh Thư tiết lộ, chỉ sau một ngày lên sóng, trang cá nhân facebook của chị nhận được nhiều lời mời kết bạn, còn website của thương hiệu rơi vào tình trạng quá tải do lượng truy cập tăng đột biến. "Sau một ngày, fanpage tăng lên con số 177.307 người theo dõi, website dự đoán cũng tăng khoảng 300% lượng traffic. Tất cả những hiệu ứng trên, có thể giúp doanh thu tăng 20% trong thời gian tới", nhà sáng lập thông tin.
Cũng trong tập đầu tiên Shark Tank mùa 4, Coolmate - một thương hiệu thời trang nam - khoe "nổ đơn" nhờ gọi vốn thành công trên sóng truyền hình. Thậm chí, CEO Coolmate Phạm Chí Nhu còn cho biết, doanh số bán hàng tăng gấp 5 lần ngày thường trong 5 ngày liên tiếp, lượt truy cập website mỗi giờ tăng gấp 15 lần so với ngày thường trong khi đó không mất chi phí quảng cáo nào.
Trong chương trình, startup này gây chú ý khi có màn thương thảo quyết liệt với các nhà đầu tư. Cuối cùng "cá con" cũng lấy được 500.000 USD từ túi "cá mập" với 10% cổ phần, 2,5% cổ phần tư vấn với sự tham gia của shark Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch tập đoàn NextTech.
Xuất hiện trong tập đầu tiên của Shark Tank mùa 3, CEO Luxstay Nguyễn Văn Dũng gây chú ý khi gọi vốn thành công 6 triệu USD từ shark Việt (ông Nguyễn Thanh Việt - Chủ tịch HĐTV Tổ hợp Y tế Phương Đông), shark Hưng (ông Phạm Thanh Hưng - Phó Chủ tịch HĐQT Cen Land), shark Thủy (ông Nguyễn Ngọc Thủy - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Egroup). Đến giờ thì đây vẫn là số tiền cam kết đầu tư lớn nhất của chương trình truyền hình thực tế về khởi nghiệp tại Việt Nam.
Sau màn ra mắt hoành tráng, một số người cho rằng Luxstay lên sóng truyền hình với mục đích PR thương hiệu và tăng thêm kịch tính cho chương trình nhiều hơn là gọi vốn. Vì trước đó, CEO Luxstay từng bỏ ra 40 tỷ đồng để đặt mua 36 ô tô VinFast.
Đặc biệt, mối quan hệ giữa "cá con" và "cá mập" cũng gây ra nhiều tranh cãi khi 2/3 nhà đầu tư vào Luxstay tại Shark Tank từng tham dự lễ ký kết của startup này với đối tác Nhật vào năm 2018.
Thời điểm đó, shark Việt đã lên tiếng thừa nhận biết CEO Luxstay từ trước nhưng việc đầu tư và quen biết là 2 chuyện khác nhau. Còn shark Hưng cho rằng, việc hiểu startup trước khi tham gia chương trình sẽ giúp "cá mập" đưa ra mức định giá phù hợp hơn.
Sau đó một năm, startup này cũng gây bão cộng đồng mạng khi công bố nhà đầu tư mới của công ty là ca sĩ Sơn Tùng M-TP, ngôi sao hạng A của làng giải trí Việt khi đó. Tuy nhiên, giá trị khoản đầu tư không được tiết lộ.
Lấy được tiền từ túi "cá mập" có khó?
Nhiều "cá con" cho rằng, gọi vốn trên sóng truyền hình chỉ là bước khởi đầu, phần "khó nhằn" nhất nằm ở giai đoạn thẩm định hay còn gọi là DD (Due diligence). Một startup từng xuất hiện tại Shark Tank mùa 4 nhận thấy, sự chuẩn bị để lên sóng là quan trọng nhưng sự chuẩn bị sau khi lên sóng còn quan trọng hơn.
Do gọi vốn thành công, sau khi ghi hình được 2 tuần (lúc chưa phát sóng), startup này đã được các shark liên hệ làm việc để gửi hồ sơ, tài liệu nhằm thẩm định.
Trong quá trình đó, startup phải giải trình được các số liệu cũng như nêu được thế mạnh, triển vọng của doanh nghiệp trong tương lai. Sau nhiều lần kiểm tra và trả bài, "cá con" đã không thể qua được vòng thẩm định của "cá mập".
Tuy nhiên, không phải mối quan hệ nào giữa người đi gọi vốn và nhà đầu tư cũng kết thúc êm đẹp. Điển hình như vụ shark Bình (ông Nguyễn Hòa Bình - Chủ tịch Tập đoàn NextTech) tố Nerman, startup trong tập 3 Shark Tank mùa 5 là "bùng kèo, đào mỏ".
Tại chương trình, Nerman đã huy động được 1 triệu USD từ shark Bình và shark Phú (ông Nguyễn Xuân Phú - Chủ tịch HĐQT tập đoàn Sunhouse). Với mức đầu tư trên, các shark sẽ nhận 27% cổ phần, trong đó 7% từ cổ phần cá nhân của 3 nhà sáng lập.
Shark Bình cho biết, ngay sau khi thương vụ được ghi hình từ tháng 5, đội ngũ thẩm định của công ty đã liên hệ với Nerman để lấy số liệu nhưng startup này luôn viện cớ bận để kéo dài thời gian.
Theo shark Bình, sau khi thương vụ lên sóng, Nerman từ chối thẩm định và từ chối nhận đầu tư, với lý do là công ty thay đổi định hướng gọi vốn. Thậm chí, shark Bình còn gọi Nerman là "startup đào mỏ".
Đáp trả lại vị "cá mập", Nerman cho biết họ không phải kẻ đào mỏ và cho biết thương vụ trên chỉ đổ bể với shark Bình và họ đang làm việc với shark Phú.
Hay trường hợp "cá mập" làm bể kèo thương vụ dù trước đó cam kết giải ngân. Điển hình như Cello Fundamento, chuỗi hòa nhạc quốc tế từng được Shark Tank Việt Nam công bố vượt qua giai đoạn thẩm định và được giải ngân nhưng cuối cùng Cello Fundamento vẫn ra về "tay trắng" khi shark Hưng thông báo không đầu tư 2 tỷ đồng vào dự án mà đổi sang hình thức tài trợ.
Được biết, dự án đã gọi vốn thành công trên Shark Tank mùa 4 với số tiền là 2 tỷ đồng. Với mức đầu tư trên, shark Hưng sẽ đổi lấy 70% lợi nhuận của 2 buổi hòa nhạc nằm trong Cello Fundamento số 6 (CF6) diễn ra vào năm 2022.
Thời điểm đó, shark Hưng tuyên bố, nếu có lợi nhuận, toàn bộ lợi nhuận đó sẽ chuyển vào để thành lập công ty. "Nếu lỗ, bạn phải tự bù để trả tôi 2 tỷ đồng tiền gốc. Lãi thì tôi để lại, lợi nhuận thì cho bạn đầu tư và thành lập công ty mới nhưng trong mọi trường hợp tôi sẽ rút lại 2 tỷ đồng gốc ban đầu", ông Hưng nói.
Hồi tháng 6, nhà sáng lập Cello Fundamento Đinh Hoài Xuân cho biết, bà không thể cùng shark Hưng đi đến thỏa thuận đầu tư 2 tỷ đồng cho CF6. Mặc dù Cen Land không trở thành nhà đầu tư nhưng sẽ là nhà tài trợ cho chương trình. "2 tỷ đồng của nhà đầu tư thực chất sẽ là một khoản nợ trách nhiệm của tôi và ekip, vẫn phải trả lại đầy đủ. Tuy không đầu tư nhưng Cen Land sẽ trở thành một trong những nhà tài trợ cho chương trình", bà Xuân cho biết.
Shark Hưng cũng xác nhận thông tin trên là đúng. Trên fanpage chính thức của mình, ông Phạm Thanh Hưng cho biết, thương vụ đã không thể diễn ra, đồng nghĩa với việc shark Hưng không rót vốn cho chương trình CF6.
Gọi được vốn trên "sóng", ra thương trường liệu có thành công?
Xuất hiện trên chương trình Shark Tank mùa 1, Soya Garden - startup về đậu nành hữu cơ - được shark Thủy cam kết đầu tư 4 tỷ đồng cho 45% cổ phần và 11 tỷ đồng dưới dạng trái phiếu doanh nghiệp với lộ trình hoàn vốn 3 năm.
Dù huy động được nhiều vốn nhưng số cổ phần của nhà sáng lập Soya Garden Hoàng Anh Tuấn ngày càng ít đi theo thời gian. Cụ thể, tháng 3/2018, Soya Garden tăng vốn điều lệ từ 30 triệu đồng lên 20 tỷ đồng. Lúc đó, 82% cổ phần thuộc về Tập đoàn Ozen (công ty của shark Thủy), ông Hoàng Anh Tuấn chỉ còn sở hữu 9,54% cổ phần, bà Hoàng Thu Thủy (chị gái ông Tuấn) giữ 8,46% cổ phần.
Tháng 3/2019, Soya Garden tăng vốn điều lệ gấp 5 lần 100 tỷ đồng. Được biết, nguồn vốn trên chủ yếu đến từ tập đoàn giáo dục Egroup của shark Thủy.
Với nguồn vốn dồi dào, startup này liên tục mở rộng quy mô với nhiều cửa hàng trên cả nước. Tuy nhiên, sự phát triển nóng lại không mang về hiệu quả như kỳ vọng, trong đó có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan (ảnh hưởng bởi dịch Covid-19).
Tháng 8/2020, ông Hoàng Anh Tuấn đã rời ghế CEO sau khi công ty liên tiếp đón nhận kết quả tài chính không mấy khả quan.
Tháng 5/2020, công ty đã cho đóng loạt cửa hàng vì dịch Covid-19 bùng phát. Thời điểm đó, ông Hoàng Anh Tuấn chia sẻ: "Giống như tất cả các chuỗi F&B, Soya Garden cũng bị tác hại nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Nếu xét thêm khía cạnh là người mới ở thị trường cùng hầu hết cửa hàng đều ở vị trí đắc địa, tổn thương của chúng tôi còn sâu sắc hơn người khác". Theo ông, việc chuyển đổi mô hình mới sẽ giúp tiết giảm chi phí và hoạt động hiệu quả hơn.
Còn shark Thủy cho rằng, Soya Garden đang trong quá trình tối ưu hóa mô hình. "Ngày trước, chúng tôi tập trung vào không gian trải nghiệm tại chỗ nhưng sau một thời gian hoạt động thì đánh giá những mô hình ít chỗ ngồi, ví dụ như kiosk và đẩy mạnh giao hàng tận nơi sẽ mang lại hiệu quả hơn", ông nói.
Đến nay, Soya Garden chỉ còn 4 cửa hàng tại Hà Nội, trong đó có 1 cửa hàng là nhượng quyền, thông tin chính thức từ website. Trước đó, vào tháng 7/2021, thương hiệu có 10 điểm bán dù đã đóng toàn bộ cửa hàng ở TPHCM. Điều này cho thấy, tham vọng mở hơn 300 cửa hàng trên toàn quốc của Soya Garden đã không thành hiện thực.
Từng được mệnh danh là "bom tấn" gọi vốn trên Shark Tank, Luxstay bất ngờ thay đổi nhận diện và tên thương hiệu vào đầu tháng 7. Trên fanpage chính thức, nền tảng này đổi tên từ Luxstay sang LuxWorld. Tuy nhiên, website chính thức của nền tảng không có sự thay đổi nhiều, ngay cả kể cái tên thương hiệu cũ là Luxstay vẫn được giữ lại.
Đầu tháng 6, website chính thức Luxstay là Luxstay.com không thể truy cập được trong một khoảng thời gian. Trả lời với truyền thông, đại diện hãng cho biết đây là động thái nằm trong kế hoạch sắp được công bố của công ty.
Đúng như dự báo, ngày 4/6, fanpage chính thức của Luxstay bất ngờ thay đổi ảnh bìa sang màu cam kèm nội dung "We're Rebranding", nghĩa là chúng tôi đang tái cấu trúc thương hiệu.
Theo quan sát, từ khi Luxstay đổi tên thương hiệu và nhận diện thì trên fanpage gần 1 triệu lượt theo dõi không có cập nhật gì thêm, chỉ có 1 bài đăng duy nhất, song lượng tương tác chỉ còn 20 lượt thích, một con số quá khiêm tốn.
Có thể nhìn thấy, dịch Covid-19 bùng phát là cơn ác mộng của nhiều startup.
Thay vì bị động, một số thương hiệu khác lại chọn cách linh động chuyển đổi mô hình và gặt hái được thành công như Vua Cua, startup xuất hiện trong Shark Tank mùa 4. Thời điểm hiện tại, startup này sở hữu nhiều chi nhánh và áp dụng chuyển đổi số toàn bộ hệ thống.
Tương tự với Coolmate, startup xuất hiện trong Shark Tank mùa 4 được các nhà đầu tư đánh giá là phát triển nhanh. Khi mới đây, Coolmate lọt top 10 "người khổng lồ mới nổi" của thị trường startup Việt Nam do KPMG & HSBC bình chọn.
Hồi tháng 5, startup này huy động được 2 triệu USD trong vòng gọi vốn Series A với sự dẫn dắt của Access Ventures.
Còn dĩ nhiên, tương lai ra sao lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Nội dung: Hoàng Dung