1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

"Cá mập" mắc cạn khi "bơi" trên sóng Shark Tank

Hoàng Dung

(Dân trí) - Không chỉ liên quan đến câu chuyện không giải ngân đồng nào, một số "cá mập" lên sóng truyền hình phát ngôn sốc đã bị công chúng phản ứng. Thậm chí, có "cá mập" còn bị "cá con" bùng kèo.

"Cá mập" cam kết đầu tư nhưng khó giải ngân

Shark Phạm Thanh Hưng chính thức trở thành vị "cá mập" không giải ngân đồng nào sau Shark Tank mùa 4 vì không đầu tư 2 tỷ đồng vào Cello Fundamento.

Được biết, Cello Fundamento đã gọi vốn thành công trên Shark Tank mùa 4 với số tiền là 2 tỷ đồng. Với mức đầu tư trên, shark Hưng sẽ đổi lấy 70% lợi nhuận của 2 buổi hòa nhạc nằm trong Cello Fundamento số 6 (CF6) diễn ra trong năm nay.

Cá mập mắc cạn khi bơi trên sóng Shark Tank - 1

Shark Hưng đã không đầu tư 2 tỷ đồng vào Cello Fundamento như tuyên bố trên truyền hình (Ảnh: Hoàng Dung).

Xác nhận với Dân trí, nhà sáng lập Cello Fundamento Đinh Hoài Xuân cho biết, bà không thể cùng shark Hưng đi đến thỏa thuận đầu tư 2 tỷ đồng cho CF6.

"2 tỷ đồng của nhà đầu tư thực chất sẽ là một khoản nợ trách nhiệm của tôi và ekip, vẫn phải trả lại đầy đủ. Tuy không đầu tư nhưng công ty của shark Hưng sẽ trở thành một trong những nhà tài trợ cho chương trình", bà Xuân cho biết.

Cá mập mắc cạn khi bơi trên sóng Shark Tank - 2

Shark Louis Nguyễn cũng không giải ngân đồng nào trong Shark Tank mùa 4 (Ảnh: Shark Tank Việt Nam).

Ngoài shark Hưng và shark Linh, shark Louis Nguyễn là "cá mập" tiếp theo không giải ngân đồng nào trong Shark Tank mùa 4.

Trong mùa 4, shark Louis Nguyễn cam kết đầu tư 3 tỷ đồng cho 2 startup là Vmeat (1,5 tỷ đồng) và VNG Education 21(1,5 tỷ đồng). Tuy nhiên, thông tin từ chương trình cho thấy, đến thời điểm hiện tại, có 4 startup đã được giải ngân là Coolmate, Vua Cua, AnHome và BluSaigon, các "cá mập" còn lại chưa giải ngân cho dự án.

Cá mập mắc cạn khi bơi trên sóng Shark Tank - 3

Đóng máy Shark Tank cả 4 mùa, shark Thái Vân Linh là "cá mập" duy nhất chưa giải ngân đồng nào (Ảnh: Shark Tank Việt Nam).

Đóng máy Shark Tank cả 4 mùa, shark Thái Vân Linh là "cá mập" duy nhất chưa giải ngân đồng nào. Mùa đầu tiên, shark Linh đầu tư vào 4 dự án với tổng số vốn lên tới 26,8 tỷ đồng, đứng vị trí thứ 2 sau Shark Hưng.

Mùa 2, shark Linh cam kết đầu tư 25,116 tỷ đồng. Mùa 3, bà không có thương vụ đầu tư nào vì tham gia với vai trò khách mời.

Mùa 4, shark Linh cam kết rót vốn 6 tỷ đồng nhưng theo cập nhật của ban tổ chức, bà không có tên trong danh sách người đã giải ngân.

"Cá mập" xung đột với "cá con"

Trong tập 3 của Shark Tank mùa 5, startup Nerman đã huy động được 1 triệu USD từ shark Nguyễn Hòa Bình và shark Nguyễn Xuân Phú. Với mức đầu tư trên, các shark sẽ nhận 27% cổ phần, trong đó 7% từ cổ phần cá nhân của 3 nhà sáng lập. Tuy nhiên, thương vụ đã đổ vỡ và không đi đến cái kết tốt đẹp.

Shark Bình cho biết, ngay sau khi thương vụ được ghi hình từ tháng 5, đội ngũ thẩm định của công ty đã liên hệ với Nerman để lấy số liệu nhưng startup này luôn viện cớ bận để kéo dài thời gian.

Cá mập mắc cạn khi bơi trên sóng Shark Tank - 4

Shark Bình và shark Phú cùng đầu tư vào Nerman (Ảnh: Shark Tank Việt Nam).

Theo shark Bình, sau khi thương vụ lên sóng, Nerman từ chối thẩm định và từ chối nhận đầu tư, lý do được đưa ra là công ty thay đổi định hướng gọi vốn. Thậm chí, shark Bình còn gọi Nerman là "startup đào mỏ".

Đáp trả lại "cá mập", Nerman cho biết họ không phải kẻ đào mỏ. Thương vụ trên chỉ đổ bể với shark Bình và họ đang làm việc với shark Phú.

Phát ngôn gây sốc của "cá mập"

Trong tập 2 của Shark Tank Việt Nam mùa 4, CEO Wiibike Nguyễn Thị Thu Hằng đã nhận được đầu tư từ shark Nguyễn Xuân Phú với 1,5 tỷ đồng cho 10% cổ phần. 

Tuy nhiên, vấn đề gây tranh cãi từ thương vụ gọi vốn trên không phải việc đầu tư mà từ phát ngôn của shark Phú và shark Hưng trong chương trình.

Như lúc mới xuất hiện, CEO Thu Hằng hỏi các shark có thấy điều gì đặc biệt ở chiếc xe mình vừa đi không. Shark Phú cười tủm tỉm nói: "Anh chỉ mải nhìn em, nên chẳng thấy gì đặc biệt ở chiếc xe cả".

Sau đó, shark Hưng liền rời "ghế nóng" lên xem thử kết cấu của xe. Sau phần giải đáp, mô tả sơ lược về động cơ, kết cấu sản phẩm từ nữ CEO, shark Hưng đã buông một câu gây tranh cãi: "Tôi lên đây xem, hỏi cho vui thôi, chứ lúc đi vào, thấy shark Phú cười, biết cái deal này cũng nhanh thôi. Tức là, giải pháp là xanh, startup thì xinh, shark Phú vào cười rồi. Thôi, anh em mình về (shark Hưng nói với shark Bình)".

Cá mập mắc cạn khi bơi trên sóng Shark Tank - 5

CEO Wiibike chấp nhận đề nghị của shark Phú là 1,5 tỷ đồng cho 10% cổ phần (Ảnh: Shark Tank Việt Nam).

Đỉnh điểm, trong khi CEO Wiibike đang giới thiệu về sản phẩm, mô hình kinh doanh với những hoài bão về một môi trường xanh, sạch đẹp trong tương lai, shark Phú nói: "Em không cần giải thích gì thêm về business. Với anh, chỉ cần liếc mắt là biết business nào rồi. Nên anh đã nói ngay từ đầu, anh không quan tâm đến business, không quan tâm đến sản phẩm mà đang quan tâm đến mỗi em thôi. Anh chốt thế này, 1,5 tỷ đồng cho 10% cổ phần".

Khi thỏa thuận kết thúc, shark Hưng còn tiếp tục phán rằng: "Cứ xanh, sạch, xinh là xong".

Thời điểm đó, những phát ngôn trên đã khiến cộng đồng mạng dậy sóng trên mạng xã hội. Sau đó, CEO Wiibike đã phải lên tiếng giải thích.

Nữ startup cho biết, câu nói được cho là "gây bão" kể trên nằm ở phần "chốt deal" sau khi các shark đã không còn câu hỏi nào đặt ra cho Wiibike nữa. "Xét trong hoàn cảnh lúc đó thì tôi hiểu ý shark Phú là: "Anh hỏi xong rồi nên không còn quan tâm đến business của em nữa. Anh chỉ quan tâm đến người sáng lập thôi", bà nói.

"Cá mập" bị loại khỏi sóng truyền hình

Ông Hoàng Khải, người từng được shark Tank Việt Nam công bố là 1 trong 4 nhà đầu tư khách mời. Tuy nhiên, ông Hoàng Khải dính vụ bán lụa Trung Quốc gắn mác "Made in Vietnam". Ông cũng thừa nhận có bán hàng tơ lụa xuất xứ từ Trung Quốc và xin lỗi người tiêu dùng.

Ngay sau đó, Shark Tank Việt Nam xác nhận ông Hoàng Khải không còn là nhà đầu tư khách mời. Những chương trình đã ghi hình có sự xuất hiện của ông Hoàng Khải sẽ được chỉnh sửa.

Cá mập mắc cạn khi bơi trên sóng Shark Tank - 6

Ông Hoàng Khải, người từng được Shark Tank Việt Nam công bố là 1 trong 4 nhà đầu tư khách mời (Ảnh: Shark Tank Việt Nam).

Một trong những "cá mập" tiếp tục dính tới lùm xùm là ông Phạm Văn Tam, người được giới thiệu là nhà đầu tư khách mời của Shark Tank Việt Nam mùa 3. Sau đó không lâu, Tập đoàn của ông dính nghi vấn sản phẩm nhãn hiệu Asanzo là hàng Trung Quốc "đội lốt" xuất xứ Việt Nam.

Cá mập mắc cạn khi bơi trên sóng Shark Tank - 7

Ông Phạm Văn Tam rút lui khỏi ghế "cá mập" trong chương trình về khởi nghiệp (Ảnh: Shark Tank Việt Nam).

 Trước thông tin trên, ông Tam cũng bị loại khỏi chương trình.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm