DNews

Lãnh đạo ngân hàng, công ty bất động sản kỳ vọng gì cho năm mới?

Thảo Thu Khổng Chiêm Mai Chi

(Dân trí) - Nhiều tín hiệu vĩ mô dự báo tình hình kinh tế năm 2025 có nhiều chuyển biến và cải thiện tích cực. Các lãnh đạo ngành tài chính, bất động sản có niềm tin, sự kỳ vọng vào năm 2025 khởi sắc.

Lãnh đạo ngân hàng, công ty bất động sản kỳ vọng gì cho năm mới?

Ông Lucas Ignatius Loh Jen Yuh, Tổng giám đốc Tập đoàn Nam Long, đánh giá điểm tích cực trong năm 2024 là Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh Bất động sản được thông qua sớm, ngành bất động sản trở nên minh bạch hơn, đảm bảo quyền lợi người mua hàng.

Các quy định mới đặt ra yêu cầu chặt chẽ hơn với chủ đầu tư khi mở bán sản phẩm, công bố thông tin rõ ràng; quy định chặt chẽ về việc xin cấp phép dự án, cấp sổ hồng, giảm hiện tượng cư dân nhiều năm không được cấp sổ. Từ năm 2017, do các vướng mắc về pháp lý kéo dài, thị trường bất động sản thiếu nguồn cung. Do đó, các quy định mới về xác định giá đất rõ ràng hơn sẽ giúp tháo gỡ điểm nghẽn này, từ đó cũng tác động đến giá thành, giá bán sản phẩm.

Ông nêu, định hướng của doanh nghiệp sắp tới là đẩy mạnh các sản phẩm dễ bán, trong quá trình ngành bất động sản đang phục hồi trở lại. Năm 2025, tập đoàn này dự kiến mở bán và ghi nhận doanh số từ các dự án tại Long An, Đồng Nai, Cần Thơ và các sản phẩm đầu tiên tại Hải Phòng.

Ông Nguyễn Việt Quang, Phó chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup, cho rằng năm 2025 đánh dấu một giai đoạn mới đầy triển vọng của kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng.

Lãnh đạo ngân hàng, công ty bất động sản kỳ vọng gì cho năm mới? - 1

Ông Nguyễn Việt Quang, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup (Ảnh: VIC).

"Chúng tôi tin rằng sự phục hồi kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục được thúc đẩy bởi xu hướng chuyển đổi số, phát triển bền vững, và các bước tiến vượt bậc trong công nghệ xanh. Đối với Việt Nam, đây là thời điểm vàng để khẳng định vị thế quốc gia trên bản đồ kinh tế khu vực và thế giới, khi đất nước đang mạnh mẽ bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc", ông Quang nói.

Là một trong những doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam, ông Quang cho biết Vingroup sẽ nỗ lực hết sức mình để góp sức cho sự thịnh vượng của đất nước trong giai đoạn phát triển mới.

"Chúng tôi sẽ luôn kiên định với các giá trị bền vững, đổi mới sáng tạo và tinh thần phụng sự xã hội. Vingroup cũng quyết tâm thúc đẩy mạnh mẽ các giải pháp xanh và bền vững, nhằm hiện thực hóa sứ mệnh Vì tương lai xanh để góp phần tạo dựng một thế giới tốt đẹp hơn cho các thế hệ mai sau", Tổng giám đốc Vingroup nêu.

Bà Nguyễn Thị Vân Khanh, Phó tổng giám đốc Gamuda Land Việt Nam, đánh giá năm 2024, thị trường bất động sản được hỗ trợ tích cực từ chính sách pháp lý hoàn thiện, nhiều dự án hạ tầng giao thông được đầu tư mạnh mẽ, nhu cầu ở thực rất lớn, xu hướng đầu tư bền vững và phát triển xanh ngày càng được chú trọng.

Về pháp lý, việc ban hành các luật, nghị định mới về nhà ở, đất đai đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc tạo ra môi trường kinh doanh minh bạch, tăng cường niềm tin và thu hút đầu tư.

Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh Bất động sản 2023, Luật Đất đai 2024 đã chính thức có hiệu lực từ 1/8, sớm hơn 5 tháng so với dự kiến. Đây là minh chứng cho nỗ lực của Chính phủ trong việc cải thiện khung pháp lý, giảm thiểu rủi ro và đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư, góp phần phát triển bền vững thị trường bất động sản tại Việt Nam.

Về hạ tầng, các dự án giao thông trọng điểm được đẩy nhanh tiến độ, tạo động lực phát triển cho thị trường bất động sản như dự án đường cao tốc Bắc - Nam, hệ thống metro tại các đô thị lớn, sân bay quốc tế Long Thành, Đường vành đai 4 tại Hà Nội và TPHCM...

Tuy nhiên, thị trường vẫn đối mặt với khó khăn về lãi suất, cạnh tranh nguồn cung, thủ tục hành chính nhiều rào cản. Trong đó, lãi suất vay vốn tiếp tục duy trì ở mức cao đang tạo áp lực tài chính lớn cho cả người mua nhà và các nhà đầu tư; làm giảm khả năng tiếp cận tín dụng của khách hàng, ảnh hưởng đến hiệu quả tài chính của các dự án bất động sản.

Về nguồn cung, thị trường đang chứng kiến sự gia tăng đáng kể về nguồn cung căn hộ, đặc biệt là các dự án cao cấp, tạo áp lực cạnh tranh mạnh mẽ, khiến các nhà phát triển phải điều chỉnh chiến lược giá và giá trị gia tăng để thu hút khách hàng.

Nói về triển vọng, bà Khanh kỳ vọng nguồn cung thị trường sẽ được cải thiện, tăng trở lại trong năm 2025 và 2026. Tuy nhiên, thị trường sẽ khó đạt được mức cao như giai đoạn 2018-2019. Giá cả ổn định hơn, tránh tình trạng tăng quá nóng. Mức giá hợp lý sẽ mang lại lợi ích cho cả chủ đầu tư và người mua nhà.

Thị trường cũng đứng trước các cơ hội như chính sách đẩy mạnh đầu tư hạ tầng, mở rộng mạng lưới giao thông kết nối. Chính phủ đang có các chính sách hỗ trợ thị trường bất động sản, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp. Xu hướng đầu tư vào bất động sản xanh ngày càng gia tăng.

Tuy nhiên, những thách thức có thể gặp phải như cạnh tranh gay gắt trong ngành với nhiều nhà phát triển lớn; áp lực từ chi phí xây dựng và vốn đầu tư; biến động kinh tế vĩ mô và khả năng tiếp cận tín dụng của người mua nhà.

Lãnh đạo ngân hàng, công ty bất động sản kỳ vọng gì cho năm mới? - 2

Tình hình vĩ mô 2025 được dự báo nhiều tín hiệu tích cực (Ảnh: Hải Long).

Đại diện Công ty cổ phần Thương mại Bách Hóa Xanh (thành viên của Tập đoàn Thế Giới Di Động) nhận định năm 2024, tình hình vĩ mô thế giới chưa rõ ràng nhưng nền kinh tế Việt Nam đang có những chuyển biến tích cực.

Trong đó, ngành bán lẻ dần hồi phục và có tín hiệu khởi sắc, đặc biệt là ở các kênh bán lẻ hiện đại và thương mại điện tử. Thách thức lớn nhất đối với các nhà bán lẻ nói chung trong thời đại này là phải thay đổi nhanh chóng để thích nghi với những thay đổi trong nhu cầu và thói quen mua sắm của người tiêu dùng.

Năm 2025, Bách Hóa Xanh kỳ vọng ngành bán lẻ sẽ khởi sắc hơn nữa, nhờ sự đẩy mạnh quản lý và kiểm soát của Chính phủ. Những nỗ lực này sẽ thúc đẩy môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch và đảm bảo sự cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp cũng như các kênh thương mại điện tử.

Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank, nhận định năm 2025, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục phải đối mặt với không ít thách thức và áp lực khi vừa phải duy trì lãi suất hợp lý, vừa phải đảm bảo lợi nhuận cho ngân hàng, đồng thời hỗ trợ cho nền kinh tế không bị ảnh hưởng quá mạnh bởi chi phí vay cao.

Lãnh đạo ngân hàng, công ty bất động sản kỳ vọng gì cho năm mới? - 3

Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank (Ảnh: TPB).

Nhưng ngược lại, năm 2025 chắc chắn sẽ mở ra không ít cơ hội cho ngành ngân hàng. Với sự phát triển nhanh chóng của các ngành chiến lược như công nghiệp 4.0, năng lượng tái tạo, hay các sáng kiến phát triển bền vững, nếu nắm bắt cơ hội đầu tư vào các ngành này, các ngân hàng có thể đảm bảo tín dụng tăng trưởng bền vững.

"Hay các dự án phát triển hạ tầng, cải tiến năng suất lao động và chuyển đổi số cũng cần nguồn vốn lớn, các ngân hàng hoàn toàn có thể cung cấp các sản phẩm tài chính phù hợp", ông Hưng nêu.

Mảng tài chính cá nhân cũng hứa hẹn sẽ bùng nổ khi dân số Việt Nam vẫn đang trong độ tuổi lao động, với một tầng lớp trung lưu ngày càng lớn. Điều này tạo ra nhu cầu mạnh mẽ đối với các dịch vụ tài chính cá nhân như cho vay mua nhà, tiêu dùng, đầu tư và bảo hiểm. Các ngân hàng có thể tận dụng nhu cầu này để phát triển các sản phẩm tín dụng tiêu dùng, thẻ tín dụng, và dịch vụ quản lý tài chính cá nhân.

"Tôi tin rằng năm 2025 sẽ thuận lợi hơn, lãi suất có thể sẽ thấp hơn và kinh tế phát triển hơn, từ đó tạo thuận lợi và đem đến triển vọng kinh doanh tích cực cho ngành ngân hàng nếu các ngân hàng tận dụng cơ hội từ nhu cầu tín dụng, đồng thời quản lý hiệu quả các rủi ro tín dụng và biến động kinh tế. Đặc biệt, các ngân hàng cần chú trọng vào đổi mới công nghệ, tối ưu hóa dịch vụ khách hàng và đảm bảo chất lượng tín dụng để tăng cường sức cạnh tranh, duy trì và phát triển trong bối cảnh mới", ông Hưng nêu.

Ông Park Jong Il, Tổng giám đốc Woori Bank Việt Nam, chọn 3 điểm mấu chốt để phát triển cho ngành ngân hàng năm 2025 là đa dạng hóa dịch vụ ngân hàng số, bảo mật thông tin khách hàng và tăng trưởng bền vững.

Theo vị này, trong bối cảnh Việt Nam đẩy mạnh tốc độ hội nhập kinh tế, việc chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trong mọi mặt của nền kinh tế và đặc biệt là ngành ngân hàng. Các ngân hàng đã và đang chủ động đa dạng hóa dịch vụ ngân hàng số để không ngừng gia tăng tiện ích và nâng cao trải nghiệm cho khách hàng.

Lãnh đạo ngân hàng, công ty bất động sản kỳ vọng gì cho năm mới? - 4

Ông Park Jong Il, Tổng giám đốc Woori Bank Việt Nam (Ảnh: Woori Bank).

Ông đánh giá thị trường Việt Nam thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ, kéo theo hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt càng ngày càng phát triển. Tuy nhiên, điều này cũng khiến cho ngành ngân hàng phải đối mặt với những rủi ro liên quan, đặc biệt là rủi ro về an ninh mạng, số vụ lừa đảo qua không gian mạng không ngừng tăng cao, gây bức xúc cho khách hàng và cũng là thách thức không hề nhỏ đối với ngành ngân hàng.

Chính vì vậy, "bảo mật thông tin khách hàng" theo ông sẽ là một trong những vấn đề mà ngành ngân hàng Việt Nam đặc biệt quan tâm trong năm tới để ứng dụng các giải pháp kỹ thuật tân tiến, các công nghệ hiện đại trên thế giới nhằm giảm thiểu những rủi ro nêu trên.

"Cùng với đó, tăng trưởng bền vững, theo tôi cũng là mục tiêu mà ngành ngân hàng tiếp tục hướng tới trong tương lai", ông nêu.

Ông Phạm Như Ánh, Tổng giám đốc MB, lựa chọn 3 từ khóa cho ngành ngân hàng năm 2025 là "sáng tạo, an toàn, hiệu quả".

Ông cho biết ngành ngân hàng, với kỳ vọng dẫn đầu trong thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, cần tiên phong đổi mới - sáng tạo, áp dụng các công nghệ tiên tiến (Gen AI, Big Data…) trong mô hình kinh doanh và dịch vụ số.

Lãnh đạo ngân hàng, công ty bất động sản kỳ vọng gì cho năm mới? - 5

Ông Phạm Như Ánh, Tổng giám đốc MB (Ảnh: MB).

Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh sự sáng tạo này cần được thực hiện trong khuôn khổ thử nghiệm có kiểm soát nhằm đảm bảo kiểm soát rủi ro và tuân thủ các quy định pháp lý, bảo vệ sự ổn định của hệ thống tài chính, đảm bảo bảo mật và quyền lợi của khách hàng. Thể chế chính sách cho chuyển đổi số của ngành ngân hàng cũng cần được tháo gỡ vướng mắc, ví dụ như Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng chưa được ban hành.

Còn an toàn là yếu tố cốt lõi đối với hoạt động ngân hàng, đặc biệt trong một thế giới đầy biến động về cả kinh tế và chính trị. Các ngân hàng cần nghiêm ngặt tuân thủ các quy định và quy trình của quốc tế, quốc gia và nội bộ để duy trì sự an toàn trong hoạt động ngân hàng.

"Ngành ngân hàng chú trọng hoạt động kinh doanh vốn an toàn, kiểm soát chặt nợ xấu, nợ quá hạn, ứng dụng các công cụ, hệ thống quản trị rủi ro tiên tiến đảm bảo hiệu quả hoạt động để phát triển bền vững. Ứng dụng công nghệ, tự động hóa quy trình, tối ưu thời gian, nguồn lực sẽ giảm chi phí hoạt động", vị này nhấn mạnh.