(Dân trí) - Theo ông Kulachet Dharachandra, Giám đốc quốc gia của SCG tại Việt Nam, sự hợp tác chặt chẽ giữa chính phủ, doanh nghiệp và khách hàng sẽ tạo ra môi trường năng động và lý tưởng để mở rộng kinh tế tuần hoàn, giúp đất nước tiến bộ toàn diện.
Tại Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn Việt Nam 2024: Từ kế hoạch đến hành động, Tập đoàn SCG một lần nữa nhấn mạnh thông điệp "Hợp tác là vấn đề mấu chốt để thực hiện thành công các chiến lược trong kinh tế tuần hoàn" trong bài phát biểu của mình.
Thực tế, suốt nhiều năm qua, tập đoàn này đã góp phần vào mục tiêu tăng trưởng xanh của Việt Nam thông qua thực hiện cam kết của chiến lược ESG 4Plus với lộ trình bao gồm: Hướng đến phát thải ròng bằng không (Set Net-Zero) - Phát triển Xanh (Go Green) - Giảm bất bình đẳng (Reduce Inequality) - Thúc đẩy hợp tác (Embrace Collaboration), Công bằng (Fairness) và Minh bạch trong tất cả hoạt động kinh doanh (Transparency in all operations).
Bên lề diễn đàn, ông Kulachet Dharachandra, Giám đốc quốc gia của SCG tại Việt Nam, đã có những chia sẻ cụ thể hơn với phóng viên báo Dân trí về vai trò của hợp tác ba bên, chính phủ - doanh nghiệp - khách hàng, cùng những nỗ lực đồng hành của SCG trong từng mảng kinh doanh chính về phát triển bền vững, cách thức để đưa con người về đúng vị trí trung tâm trong tiến trình phát triển kinh tế tuần hoàn.
Dưới góc nhìn của ông, hợp tác đóng vai trò ra sao trong việc thúc đẩy tác động của kinh tế tuần hoàn nói chung và với tập đoàn SCG nói riêng?
- Theo tôi, hợp tác là chìa khóa cho kinh tế tuần hoàn bởi nó có sự tham gia của nhiều bên liên quan, từ chính phủ đến doanh nghiệp, nhà sản xuất, nhà cung cấp và người tiêu dùng.
Để nhận thức đầy đủ tiềm năng của kinh tế tuần hoàn, điều quan trọng là phải xây dựng một hệ sinh thái, nơi các bên liên quan đều đóng góp thế mạnh của mình. Chính phủ vạch ra khuôn khổ pháp lý và chính sách ưu đãi; doanh nghiệp đầu tư vào chuyên môn công nghệ đi kèm với những hiểu biết sâu sắc về sản phẩm và thị trường; các tổ chức tài chính đảm bảo nguồn cung ứng vốn và hỗ trợ tiếp cận tài trợ tín dụng cho các doanh nghiệp có nhu cầu; người tiêu dùng có hiểu biết và sẵn sàng đồng hành trong các hành vi mua sắm của mình. Cách tiếp cận này sẽ thúc đẩy tạo ra môi trường năng động để mở rộng các hoạt động kinh tế tuần hoàn, cho phép quốc gia tiến bộ toàn diện.
Cụ thể, Chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc hoạch định chính sách, khuôn khổ pháp lý và đưa ra các chế tài khuyến khích cũng như hạn chế. Chính sách, như đã đề cập, liên quan đến thuế như thuế môi trường, thuế carbon nên đi song hành với khuyến khích đầu tư công nghệ vào việc giảm carbon và rác thải.
Trong khi đó, các doanh nghiệp, nhà sản xuất đầu tư công nghệ, tái thiết kế lại sản phẩm, hoặc giảm tiêu hao năng lượng, tái chế tốt hơn. Về phía khách hàng, nhận thức đầy đủ về sản phẩm xanh, sản phẩm tuần hoàn của chính nhóm này sẽ tạo ra động lực thúc đẩy phần còn lại của nền kinh tế. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là chính phủ, doanh nghiệp và người tiêu dùng phải kết hợp chặt chẽ với nhau.
Lấy ví dụ như trường hợp của SCG, chúng tôi sản xuất bao bì với công nghệ tạo ra sản phẩm từ nhựa tái chế hoặc sản phẩm có thể tái chế được để cung ứng ra thị trường. Nhưng việc cung ứng lại phụ thuộc vào các đối tác - khách hàng của chúng tôi. Nếu chủ sở hữu các thương hiệu không có hứng thú với việc sử dụng bao bì xanh hoặc bao bì có thể tái chế thì chuỗi cung ứng sẽ bị gián đoạn. Do đó, khuyến khích người tiêu dùng chuyển đổi hành vi của mình sẽ thúc đẩy việc doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào kinh tế tuần hoàn.
Tương tự với việc sản xuất xi măng carbon thấp. Nếu các đơn vị phát triển bất động sản chỉ hỏi về giá mà không hiểu được lợi ích thực sự của sản phẩm tuần hoàn thì chúng tôi sẽ phải làm việc với họ, giải thích để họ hiểu những lợi ích về xã hội và môi trường, đồng thời hiểu rằng nếu ưu tiên sử dụng loại sản phẩm này, đối tác đó có thể tạo nên danh tiếng tốt cho cả công ty lẫn thương hiệu.
Ở một phía khác, với các nhà cung ứng cho SCG, chúng tôi cũng ưu tiên doanh nghiệp sản xuất theo kinh tế tuần hoàn. Đó là những hoạt động mà chúng tôi gọi là mua sắm xanh, và nó không liên quan gì đến giá cả hay chi phí nữa.
Riêng với nhóm ngân hàng và các tổ chức tín dụng, tôi tin rằng nhóm này đóng vai trò then chốt trong toàn bộ nền kinh tế tuần hoàn, đặc biệt đối với công ty vừa và nhỏ, tài nguyên còn hạn chế. Do vậy, việc ngân hàng có thể cung cấp tài chính xanh hấp dẫn sẽ tạo ra điều kiện lý tưởng để họ gia nhập kinh tế tuần hoàn sớm hơn và tốt hơn.
Xét riêng nhãn Green Choice trong lĩnh vực xi măng và vật liệu xây dựng, đâu là thuận lợi và thách thức của việc thực hành ESG khi phải cạnh tranh trong một nền kinh tế đang phát triển mạnh mẽ về bất động sản và cơ sở hạ tầng như tại Việt Nam? Tập đoàn đã vượt qua các thách thức này như thế nào?
- SCG Green Choice là nhãn hiệu chuyên dành cho các sản phẩm thân thiện với môi trường, như xi măng carbon thấp và ngói lợp của SCG, cho thấy vai trò tiên phong của SCG trong ngành xi măng - vật liệu xây dựng bền vững.
Xét về ưu thế, các sản phẩm được gắn nhãn SCG Green Choice thường tạo nên sự khác biệt so với các sản phẩm khác trên thị trường, không chỉ chinh phục người tiêu dùng và các nhà xây dựng quan tâm đến môi trường, mà còn mở rộng cơ hội thâm nhập vào các thị trường quốc tế ưu tiên vật liệu bền vững, điển hình là hoạt động xuất khẩu xi măng SCG Low Carbon Super Cement sang khu vực Đông Nam Á.
Ngoài ra, việc đầu tư vào công nghệ tiên tiến như hệ thống thu hồi nhiệt thải (Waste Heat Recovery) và sử dụng nhiên liệu sinh khối, nhiên liệu thay thế không chỉ giúp chúng tôi giảm phát thải carbon mà còn tối ưu chi phí vận hành.
Dẫu vậy, chúng tôi vẫn phải đối mặt với không ít thách thức bởi chi phí đầu tư ban đầu cho các phương pháp sản xuất bền vững khá cao, việc đảm bảo nguồn cung ổn định cho các vật liệu xanh đạt chứng nhận hay để khách hàng hiểu và tiếp cận sản phẩm cũng khó khăn hơn so với các doanh nghiệp sản xuất truyền thống.
Để giải quyết các thách thức trên, SCG cam kết phát triển bền vững thông qua chiến lược Tăng trưởng xanh toàn diện (Inclusive Green Growth), chúng tôi sẽ nghiên cứu thêm các ý tưởng đổi mới xanh, củng cố quan hệ đối tác trên nhiều lĩnh vực.
Với ngành bao bì, hợp tác với các đối tác đã mang tới những cơ hội và bài toán mới nào cho SCG? Trong tương lai, khi người tiêu dùng ngày càng có ý thức hơn về sản phẩm xanh, sản phẩm tái chế, SCG có kế hoạch gì để phát triển các sáng kiến bền vững cho ngành này tại Việt Nam?
- Việc hợp tác với hơn 40 công ty toàn cầu đã thúc đẩy SCG phát triển các giải pháp bao bì thân thiện với môi trường, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng về các sản phẩm bền vững. Điển hình như SCGP, ngành kinh doanh bao bì của SCG đã hợp tác với các doanh nghiệp địa phương để thiết kế bao bì bền vững, trong đó có sản phẩm chai nước không nhãn sử dụng công nghệ in phun mực, giúp việc tái chế trở nên dễ dàng hơn.
SCGP đã hợp tác với những công ty như SCGC và CP Foods để phát triển bao bì thực phẩm thân thiện với môi trường, tận dụng chuyên môn của SCGP về vật liệu bền vững nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng đối với các sản phẩm bảo vệ môi trường.
Thực tế, các sáng kiến bền vững của SCG đã góp phần nâng cao uy tín của công ty và thu hút người tiêu dùng có ý thức bảo vệ môi trường. Tại Việt Nam, SCGP đã hợp tác với Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TPHCM (SAC) và các tổ chức khác để tổ chức cuộc thi thiết kế bao bì "Packaging Speak Out" - khuyến khích các nhà thiết kế trẻ tại Việt Nam sáng tạo ra những mẫu bao bì bền vững.
Để phát triển các sáng kiến bền vững này, SCGP có kế hoạch mở rộng các sáng kiến thành công từ Thái Lan như bao bì đơn chất - thiết kế bao bì hoàn toàn có thể tái chế và các giải pháp sinh học vào thị trường Việt Nam, nhằm đáp ứng nhu cầu và điều kiện địa phương.
SCGP cũng sẽ hợp tác với các đối tác địa phương để nâng cao hệ thống thu gom và tái chế chất thải, góp phần thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn, đồng thời quảng bá lợi ích của bao bì bền vững thông qua các chương trình giáo dục và hoạt động cộng đồng.
Vậy còn những đổi mới công nghệ và phát triển sản phẩm ngành hóa dầu mà SCG đang áp dụng tại Việt Nam?
- Với tổ hợp hóa dầu Long Sơn (LSP), một dự án chủ lực của tập đoàn, chúng tôi sẽ tập trung cải thiện hiệu quả vận hành và chất lượng sản phẩm thông qua ứng dụng công nghệ số tiên tiến. Trong suốt quá trình khởi công, SCG cũng sẽ đầu tư 100 triệu USD vào công nghệ bảo vệ môi trường đạt tiêu chuẩn quốc tế, cụ thể như hệ thống đuốc đốt kín mặt đất, lò hơi phát thải thấp…
Hiện tại, LSP đã thiết lập một quan hệ đối tác vững mạnh với Trung tâm i2P của SCGC. Trung tâm này giúp biến các ý tưởng thành sản phẩm bằng cách hỗ trợ lựa chọn vật liệu, thiết kế, tạo mẫu và tư vấn quy trình. Trung tâm hợp tác với các khách hàng trong nhiều ngành công nghiệp, bao gồm bao bì, ô tô, nông nghiệp, tiện ích và năng lượng. Tận dụng chuyên môn về khoa học vật liệu, thiết bị tiên tiến và mạng lưới đối tác của SCG, trung tâm thúc đẩy sự sáng tạo chung và phát triển các giải pháp đáp ứng nhu cầu thị trường.
Trong các nhóm ngành kinh doanh cốt lõi của SCG, đâu sẽ là sản phẩm chiến lược mà tập đoàn tập trung phát triển hướng đến kinh tế tuần hoàn và đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế bền vững của Việt Nam?
- Tương tự mục tiêu bền vững của Việt Nam, SCG cũng cam kết triển khai chiến lược Tăng trưởng xanh toàn diện (Inclusive Green Growth) của cả tập đoàn. Chúng tôi đưa tư duy xanh vào quá trình sản xuất, vào sản phẩm cũng như con người.
Nói đến sản phẩm xanh, chúng tôi tận dụng kinh nghiệm và công nghệ của tập đoàn để tạo ra các sản phẩm tuần hoàn giúp giảm thiểu nguyên vật liệu và năng lượng sử dụng trong quá trình sản xuất, đồng thời tăng khả năng tái chế của sản phẩm.
Về quy trình xanh, SCG tăng mức độ sử dụng nhiên liệu sinh khối lên 30-40%, đầu tư nhiều hơn vào mái ngói điện mặt trời với công suất hiện tại đạt 40 megawatt, và sử dụng xe nâng điện.
Về con người xanh, chúng tôi tập trung đào tạo và khuyến khích tất cả nhân viên định hình tư duy bền vững theo các nguyên tắc ESG, cũng như tham gia vào các chương trình CSR của tập đoàn và các công ty thành viên.
Vậy còn đóng góp cho cộng đồng và người dân thì sao, thưa ông?
- Dưới góc nhìn của SCG, kinh tế tuần hoàn, bền vững phải bắt đầu từ chính con người. Do đó, chúng tôi xây dựng nhiều chiến dịch để khuyến khích người dân, cộng đồng nhận thức đầy đủ về kinh tế tuần hoàn, sản xuất tiêu dùng bền vững.
Cụ thể, chúng tôi phát triển mô hình quản lý rác thải thí điểm, gọi là "Rác không thải" tại xã Long Sơn, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về phân loại rác thải, từ đó tận dụng và biến rác thải thành sản phẩm giúp tăng sinh kế.
Bên cạnh việc thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, khi đề cập đến ESG, một trong những yếu tố quan trọng mà SCG đang nỗ lực thực hiện, đó là giảm thiểu bất bình đẳng, trong đó chúng tôi tập trung vào mang đến cơ hội giáo dục tốt cho học sinh thông qua chương trình học bổng SCG Sharing the Dream.
Hiện chúng tôi trao học bổng cho các sinh viên tại các trường đại học toàn quốc, sắp tới sẽ mở rộng hơn cho các nhóm sinh viên khác. Ngoài ra, chúng tôi còn đào tạo tư duy bền vững cho các bạn trẻ tiềm năng này để tạo nên một thế hệ xanh bền vững thông qua chương trình Đại sứ ESG của SCG.