DNews

Kỳ vọng mới cho thị trường vốn 2025: Nâng hạng chứng khoán

Mai Chi

(Dân trí) - Các bên liên quan đều mong chờ thị trường chứng khoán được đánh giá đúng với vị thế và chất lượng đang có.

Kỳ vọng mới cho thị trường vốn 2025: Nâng hạng chứng khoán

Khối ngoại bán ròng kỷ lục

Nguyễn Anh Tuấn (35 tuổi), một kỹ sư phần mềm tại Hà Nội, đầu tư chứng khoán từ năm 2018. Là một trong số hơn 9 triệu tài khoản cá nhân trên thị trường, anh Tuấn cũng như nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ khác thường quan sát "dấu chân của những người khổng lồ" để đưa ra quyết định, bao gồm động thái mua vào - bán ra từ khối ngoại.

Diễn biến khá bất ngờ là mặc dù các yếu tố vĩ mô có xu hướng tốt lên, nền kinh tế Việt Nam trở lại với quỹ đạo tăng trưởng cao (GDP tăng 7,09%), thế nhưng nhà đầu tư nước ngoài vẫn liên tục rút ròng.

Năm 2024, khối ngoại bán ròng gần 94.450 tỷ đồng trên toàn thị trường, tương ứng khoảng 3,7 tỷ USD, vượt qua mức bán ròng kỷ lục trong lịch sử ghi nhận vào năm 2021 (trên 58.000 tỷ đồng).

Dù tỷ lệ giao dịch của các nhà đầu tư nước ngoài chiếm tầm 10%, mức độ tác động không nhiều nhưng ảnh hưởng đến tâm lý của các nhà đầu tư khác. Chính vì vậy, kỳ vọng triển vọng nâng hạng trong thời gian sắp tới sẽ giúp thay đổi dòng vốn nước ngoài vào thị trường Việt Nam.

Hiệu ứng tích cực của Thông tư 68

Theo SSI Research, kết quả khả quan sau khi Thông tư 68 có hiệu lực cho phép nhà đầu tư nước ngoài có thể đặt lệnh mua cổ phiếu không cần đủ tiền (NPS) và các đánh giá tích cực của FTSE Russell với quy định này sẽ là yếu tố có thể thu hút dòng tiền khối ngoại quay trở lại Việt Nam trong năm nay khi dòng tiền chuyển dịch tìm tới thị trường đang phát triển.

Việt Nam đã đáp ứng 7/9 tiêu chí của FTSE Russell để được nâng hạng lên thị trường mới nổi. Hai tiêu chí còn lại là gỡ bỏ yêu cầu ký quỹ trước giao dịch (prefunding) và xử lý giao dịch không thành công (failed trade management).

Đầu tháng 11/2024, ngay sau khi Thông tư 68 có hiệu lực, Chủ tịch UBCKNN Vũ Thị Chân Phương đã lập tức chủ trì buổi tiếp, làm việc và trao đổi thông tin với đoàn công tác của FTSE Russell và Morgan Stanley về việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.

Tại đây, ông Young Lee - Giám đốc điều hành hoạt động kinh doanh cổ phiếu khu vực Châu Á, Morgan Stanley - cho biết, những quy định mới tại Thông tư số 68 đã giúp TTCK Việt Nam phù hợp hơn với các yêu cầu bắt buộc của FTSE Russell.

Ông Lee đánh giá việc bỏ quy định phải có đủ tiền khi đặt lệnh là yêu cầu quan trọng từ phía các nhà đầu tư và cần nhiều thời gian để sửa đổi cơ chế, chính sách. Thực tế, Việt Nam đã có những thay đổi quan trọng về tiêu chí này chỉ trong một thời gian ngắn. Vị này bày tỏ rất vui mừng, cũng như đánh giá cao những nỗ lực này từ phía các cơ quan quản lý TTCK tại Việt Nam. 

Về triển vọng trong thời gian tới, đại diện Morgan Stanley cho rằng trường hợp TTCK Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi có thể giúp thu hút 800 triệu USD từ các nhà đầu tư thụ động sử dụng bộ chỉ số FTSE và 2 tỷ USD từ các nhà đầu tư thụ động sử dụng bộ chỉ số khác. Đồng thời, khi thị trường nâng hạng thì các quỹ chủ động sẽ tham gia tích cực hơn và dự kiến sẽ có khoảng 4-6 tỷ USD vào Việt Nam.

Kỳ vọng mới cho thị trường vốn 2025: Nâng hạng chứng khoán - 1

Chứng khoán Việt Nam kỳ vọng được nâng hạng trong năm nay (Ảnh minh họa: Hữu Khoa).

Nhận định về Thông tư 68, ông Barry Weisblatt David - Giám đốc Khối Phân tích, Công ty cổ phần Chứng khoán VnDirect cho rằng đây là thông tư quan trọng vì nó thể hiện cam kết của Chính phủ trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Ông hy vọng sẽ là một phần trong xu hướng biến Việt Nam trở thành một điểm đến đầu tư hấp dẫn.

Sẽ có 2 tác động chính gồm tác động trực tiếp và gián tiếp của Thông tư 68 trong việc cải thiện khả năng nâng hạng của FTSE vào tháng 3. 

Thông tư 68 sẽ khiến một số nhà quản lý quỹ tích cực gia tăng phân bổ cho Việt Nam do đầu tư trở nên hiệu quả hơn về chi phí (chủ yếu nhắm tới các quỹ khu vực hoặc các quỹ chuyên các thị trường cận biên và mới nổi toàn cầu có quan tâm đến Việt Nam).

Tác động lớn hơn là tác động gián tiếp của việc nâng cao khả năng FTSE sẽ công bố nâng hạng lên thị trường mới nổi vào tháng 3. Thông báo này sẽ cải thiện tâm lý thị trường và lực mua của nhà đầu tư cá nhân một cách tích cực.

Bên cạnh đó, các ETFs nước ngoài mô phỏng thị trường Việt Nam có thể gia tăng tài sản quản lý khi nhà đầu tư tại các thị trường nước ngoài kỳ vọng vào nâng hạng thị trường mới nổi. Yếu tố này có thể là một sự kiện quan trọng và giúp tăng giá cổ phiếu trong quý I.

"Khi Việt Nam chính thức được FTSE nâng hạng vào tháng 9 và các công ty Việt Nam được đưa vào các chỉ số thị trường mới nổi, chúng ta có thể kỳ vọng dòng vốn lớn từ các ETF thị trường mới nổi. Dù có nhiều ước tính khác nhau, tôi nghĩ rằng khoảng 500 triệu - dưới 1 tỷ USD là hợp lý. Những công ty được hưởng lợi có thể bao gồm những doanh nghiệp hiện đang chiếm ưu thế trong chỉ số FTSE FM", ông Barry Weisblatt David kỳ vọng.

Mong chờ thị trường chứng khoán được đánh giá đúng

"Hiện nay, nhiều quỹ đầu tư quốc tế và các tổ chức tín nhiệm như MSCI, FTSE đều đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam đang chơi ở một sân chơi nhỏ hẹp hơn so với hạng cân", Tổng giám đốc Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC) - bà Tạ Thanh Bình - chia sẻ tại một sự kiện về đầu tư vào ngày 8/11/2024.

Tất cả bên liên quan đều đang rất mong chờ thị trường chứng khoán được đánh giá đúng với vị thế và chất lượng đang có.

Theo bà Bình, sau khi bãi bỏ quy định ký quỹ bắt buộc cho nhà đầu tư nước ngoài thì tiêu chí xử lý giao dịch không thành công, giải pháp áp dụng cơ chế thanh toán bù trừ trung tâm (CCP) được xem là bước đi quan trọng.

Luật Chứng khoán sửa đổi và các nghị định liên quan đang tạo cơ sở pháp lý để VSDC triển khai công ty con thực hiện chức năng CCP, không chỉ là bước tiến trong việc nâng cao năng lực quản lý rủi ro thanh toán mà còn hướng tới đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe hơn của MSCI.

Đối với MSCI Global, Việt Nam đã đạt 10/18 tiêu chí nhưng vẫn cần cải thiện ở một số tiêu chí quan trọng như giới hạn sở hữu nước ngoài (FOL), mức độ tự do hóa thị trường ngoại hối, và khả năng cung cấp thông tin minh bạch. Nhiều giải pháp đang được triển khai, từ áp dụng công bố thông tin bằng tiếng Anh đến cải cách thể chế, nhằm chuẩn bị cho việc nâng hạng và duy trì vị thế sau khi được xếp hạng.

Trao đổi với phóng viên báo Dân trí, chuyên gia chứng khoán Bùi Văn Huy đánh giá, để thị trường phát triển bền vững, quan trọng nhất vẫn là sức mạnh nội tại và xây dựng niềm tin cho nhà đầu tư.

"Sau 24 năm vận hành, có thể thị trường Việt Nam lớn hơi chậm nhưng tôi vẫn có niềm tin trong giai đoạn hiện tại. Khi những yếu tố khó khăn nhất qua đi và thị trường ngày càng minh bạch, chuẩn mực hơn, chứng khoán sẽ trở lại một cách bền vững. Dòng tiền không bao giờ ngủ yên và khi có những cơ hội rõ ràng, giai đoạn ảm đạm sẽ dần qua đi" - ông Huy nói.