(Dân trí) - Việt Nam hoàn toàn có thể đạt mục tiêu trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045 với GDP đầu người đạt trên 12.535 USD.
KINH TẾ VIỆT NAM XẾP 19 THẾ GIỚI NĂM 2035: ĐỪNG CHỈ BIẾT HOÀI NGHI, CƯỜI KHẨY!
"Lẽ nào chúng ta không dám mơ, không dám tin rằng 25-30 năm nữa Việt Nam sẽ làm được những kỳ tích", ông Đỗ Cao Bảo - thành viên sáng lập Tập đoàn FPT - đã chia sẻ như vậy về mục tiêu Việt Nam thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.
Trao đổi với Dân trí, ông Đỗ Cao Bảo cho biết điều mà ông cảm thấy băn khoăn là không ít người Việt Nam tỏ ra thiếu tin tưởng trong khi rất nhiều tổ chức quốc tế đều dự báo triển vọng tươi sáng và vị trí đáng tự hào của kinh tế Việt Nam trong 15 năm, 25 năm và 30 năm nữa.
Theo ông, thái độ đúng đắn nhất của mỗi người Việt Nam chúng ta là bàn cách làm sao biến các dự báo ấy trở thành hiện thực, đặc biệt là hãy tích cực tham dự, là một phần của quá trình đổi thay kỳ diệu ấy chứ không phải đứng bên lề rồi "hoài nghi" hay "cười khẩy".
CÓ NHIỀU TRANH CÃI NHƯNG HÃY XEM 25 NĂM QUA CHÚNG TA LÀM ĐƯỢC GÌ
Góc nhìn của ông với niềm tin vào mục tiêu Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045 ra sao?
Thực tế, rất nhiều người Việt tỏ ra thiếu tin tưởng vào mục tiêu đến năm 2045 Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập cao (GDP đầu người trên 12.535 USD).
Thậm chí, có người "cười khẩy" với dự báo của PwC rằng năm 2050 Việt Nam sẽ là nền kinh tế lớn thứ 20 thế giới tính theo PPP (GDP quốc gia 3.176 tỷ USD và GDP đầu người 28.200 USD).
Bên cạnh đó, rất nhiều người nhất định không tin dự báo của CEBR (UK) rằng năm 2035 Việt Nam trở thành nền kinh tế lớn thứ 19 thế giới, thứ 2 Đông Nam Á.
Cụ thể, theo dự báo này, năm 2035 nền kinh tế Việt Nam sẽ có quy mô 1.539 tỷ USD, đứng thứ 19 thế giới, đứng trên Thái Lan (21), Philippines (22), Malaysia (28) và Singapore (40).
Không những thế, chúng ta còn đứng trên cả Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Israel, Ba Lan, Hungary, Czech, Rumani, Na Uy, Áo, Đan Mạch, Hy Lạp, Bỉ, Argentina, Bồ Đào Nha, Đài Loan, UAE, Nam Phi.
Đúng là tranh luận về tương lai 15-25 năm nữa về những con số và thứ hạng kinh tế của tương lai thì hiển nhiên mỗi quan điểm đều phụ thuộc rất lớn vào góc nhìn của mỗi người, rất khó thống nhất. Vậy thì cách tốt nhất là chúng ta hãy xem trong quá khứ 25 năm qua chúng ta đã làm được gì.
Tôi có niềm tin vào mục tiêu về kinh tế trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.
LẼ NÀO CHÚNG TA KHÔNG DÁM MƠ?
Ông vừa nhắc đến ý "cách tốt nhất là chúng ta hãy xem trong quá khứ 25 năm qua chúng ta đã làm được cái gì". Ông có thể phân tích rõ hơn về điều này?
Đây là số liệu năm 1995 và 2020 của kinh tế Việt Nam đã được các tổ chức quốc tế ghi nhận:
Năm 1995:
- GDP đầu người: 358,7 USD, đứng thứ 175/195 quốc gia, là một trong 20 quốc gia nghèo nhất thế giới.
- GDP quốc gia: 26,4 tỷ USD, là nền kinh tế lớn thứ 58 thế giới, thứ 6 Đông Nam Á.
- Viettel là công ty kéo cáp thuê cho VNPT; các doanh nghiệp như: Vingroup, Thế giới di động, Trường Hải, Vietjet, Sun Group, Masan chưa ra đời; Còn FPT, Hòa Phát, Doji, VPBank, Techcombank thì chỉ bé bằng 1/100 các tổng công ty và các ngân hàng nhà nước.
Năm 2020 (sau 25 năm):
- GDP đầu người: 3.497 USD, đứng thứ 121/195 quốc gia.
- GDP quốc gia: 340,6 tỷ USD, là nền kinh tế lớn thứ 37 thế giới, thứ 4 Đông Nam Á.
- Viettel, FPT là công ty Viễn thông và công ty IT lớn nhất Đông Nam Á. VPBank, Techcombank lợi nhuận đã lớn hơn cả BIDV và Agribank. Khối doanh nghiệp tư nhân chiếm tỷ trọng 40% GDP, chiếm 85% lực lượng lao động.
Số liệu trên đã chỉ ra rằng sau 25 năm, thu nhập đầu người Việt Nam đã cao gấp 9,75 lần, tăng 54 hạng (từ 175 lên 121, trong ASEAN vượt qua Philippines) và về quy mô nền kinh tế lớn gấp 12,9 lần, vượt qua 21 quốc gia (trong ASEAN có Singapore và Malaysia).
Điều đó có nghĩa rằng 25 năm qua, chúng ta đã làm được kỳ tích, đưa nền kinh tế tăng gấp 10 lần cả về quy mô lẫn mức sống của người dân, tăng 21 hạng về quy mô nền kinh tế và tăng 54 hạng về thu nhập đầu người trên bảng xếp hạng các quốc gia.
Vậy lẽ nào chúng ta không dám mơ, không dám tin rằng 25-30 năm tới chúng ta cũng làm được điều tương tự? Chúng ta phải có khát vọng đủ lớn, tiếp tục đổi mới, cải cách về thể chế, tiếp tục tự do hóa nền kinh tế, đẩy mạnh kinh tế tư nhân, đẩy mạnh khoa học và công nghệ, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hội nhập quốc tế sâu rộng hơn nữa.
Khi mà rất nhiều tổ chức quốc tế đều dự báo triển vọng tươi sáng và vị trí đáng tự hào của kinh tế Việt Nam trong 15-25-30 năm nữa thì thái độ đúng đắn nhất của mỗi người Việt Nam chúng ta là bàn cách làm sao biến các dự báo ấy trở thành hiện thực. Đặc biệt, chúng ta hãy tích cực tham dự, là một phần của quá trình đổi thay kỳ diệu ấy chứ không phải là người đứng bên lề rồi hoài nghi hay cười khẩy.
VIỆT NAM CÓ NHIỀU TIỀN ĐỀ QUAN TRỌNG...
Đó là câu chuyện khi chúng ta nhìn lại một chặng đường đã qua. Vậy những tiền đề quan trọng nào ông nhận thấy khi đoán định chúng ta có khả năng đạt được những mục tiêu như Việt Nam trở thành nền kinh tế lớn thứ 19 thế giới, thứ 2 Đông Nam Á năm 2035?
Phải thừa nhận rằng xã hội ngày nay còn nhiều điểm bất cập cần được loại bỏ và thay đổi. Tuy nhiên, nhìn chung, tôi có niềm tin vào mục tiêu về kinh tế trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. Riêng với mục tiêu trở thành nước có công nghiệp hiện đại thì tôi không tin lắm.
Lý do là GDP, GDP đầu người, thu nhập đầu người là những con số tường minh, dễ hiểu, dễ thống nhất. Còn nước có công nghiệp hiện đại là một khái niệm không tường minh. Định nghĩa thế nào là công nghiệp hiện đại là một định nghĩa còn nhiều tranh cãi.
Theo lịch sử tăng trưởng 25 năm qua 1995-2020, Việt Nam thuộc top quốc gia tăng trưởng cao nhất thế giới, cao nhất Đông Nam Á. Trong khi chúng ta tăng trưởng từ 5,5% đến 9,5% thì các nước phương Tây chỉ tăng trưởng từ 0% đến 4,0%, còn hầu hết các nước đang phát triển khác chỉ tăng trưởng từ 3,0% đến 6,5%.
Mỗi năm cứ tăng trưởng cao hơn các nước khác 3%, 4%, 5%, 6% thì khoảng cách sẽ càng ngày càng thu hẹp và đến thời điểm chúng ta vượt lên là điều có thể.
Đánh giá các tiêu chí về nội lực, sức hút đầu tư, nguồn nhân lực, vị trí địa chính trị, sự ổn định về chính trị và kinh tế vĩ mô, tiềm năng... thì thấy rất rõ là chúng ta sẽ tiếp tục tăng trưởng tiếp cỡ 7% năm trong chặng đường 10-15-25 năm tiếp theo.
Trong khi đó các quốc gia khác đều có những vấn đề của họ, không dễ giải quyết. Ví như các nước phương Tây là động lực tăng trưởng thấp; các nước như Thái Lan, Philippines, Malaysia, Singapore, Myanmar, Ấn Độ, Nam Á, và một số nước châu Phi... đều có những vấn đề cản trở sự tăng trưởng.
Các tổ chức quốc tế như PwC, CEBR, HSBC... họ đều dự đoán tương đối thống nhất, họ có mô hình dự đoán, có dữ liệu, có phương pháp luận chứ họ không dự võ đoán.
Như ông nói ở trên, có nhiều người Việt tỏ ra thiếu niềm tin về những dự báo, những mục tiêu như năm 2045 Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập cao (GDP đầu người trên 12.535 USD). Thậm chí, có người "cười khẩy" với dự báo của PwC rằng năm 2050 Việt Nam sẽ là nền kinh tế lớn thứ 20 thế giới tính theo PPP. Vì sao lại có những thái độ này?
Thực ra xã hội nào, giai đoạn lịch sử nào cũng có những người thiếu niềm tin, mất niềm tin. Thường thì những người đang thành công, đang hạnh phúc, đang hài lòng với cuộc sống sẽ có niềm tin cao hơn, còn những người không hài lòng với cuộc sống sẽ dễ mất niềm tin, bởi họ thường thích tiếp nhận những tin xấu, tin tiêu cực.
Với thời đại bùng nổ thông tin, thời đại 4.0, mạng xã hội nên tin xấu dễ lan truyền, dễ tuyên truyền, dễ tiếp nhận tin xấu hơn.
Trong khi đó, những người mất niềm tin lại rất tích cực đi tuyên truyền, tích cực tiếp nhận những tin xấu, còn những người có niềm tin lại không tích cực phản bác thành ra dễ tạo ra cảm giác xã hội nhiều người mất niềm tin.
HÃY LÀ MỘT PHẦN CỦA SỰ THAY ĐỔI KỲ DIỆU
Có niềm tin sẽ giúp chúng ta chiến thắng. Vậy làm sao để vực dậy niềm tin rằng chúng ta đồng lòng, đoàn kết, chúng ta có mục tiêu, có ý chí, thì chúng ta có thể trở thành nước có thu nhập cao?
Để vực dậy niềm tin thì cần những kết quả tốt, cụ thể, bằng những con số để phủ định lại những tin xấu, tin thất thiệt. Ví dụ như đợt chống dịch Covid-19 vừa qua chúng ta làm rất tốt, số người nhiễm và tử vong thấp, kinh tế tăng trưởng tốt đã tạo được niềm tin tốt trong dân chúng.
Điểm nữa là cần giao lưu quốc tế nhiều, đi nhiều, người dân dần dần sẽ hiểu đất nước nào, quốc gia nào cũng có vấn đề cả.
Ông có cho rằng thái độ đúng đắn nhất của mỗi người Việt Nam chúng ta là bàn cách làm sao biến các dự báo ấy trở thành hiện thực? Ông nghĩ sao về vai trò của Nhà nước, bộ máy công chức, doanh nghiệp… trong sự phát triển chung của xã hội?
Tôi cho rằng Chính phủ cần tiếp tục nỗ lực thay đổi về thể chế, tạo thị trường tự do cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế theo đúng quy luật kinh tế thị trường, làm hạ tầng giao thông, thu hút đầu tư, thay đổi tư duy quản trị, giám sát sang tư duy phục vụ người dân, doanh nghiệp, tinh gọn bộ máy, phòng chống tham nhũng...
Mỗi cán bộ công chức phải nỗ lực chuyển từ tư duy quản lý, giám sát sang tư duy phục vụ người dân, doanh nghiệp
Còn với doanh nghiệp phải chủ động, sáng tạo, có chiến lược dài hạn, có chiến thuật phù hợp, nắm bắt nhanh sự thay đổi về công nghệ, về xu thế tiêu dùng, về mô hình kinh doanh, quản trị để kịp thời thay đổi khi thế giới thay đổi, đặc biệt là cần tiến ra nước ngoài, kinh doanh toàn cầu, tạo ra những sản phẩm "made in Viet Nam" có chất lượng, có dịch vụ đẳng cấp quốc tế…
Xin cảm ơn ông!
Nội dung: Nguyễn Mạnh