(Dân trí) - Chúng ta lâu nay vẫn điều hành chính sách dựa trên thông lệ phổ biến quá khứ. Song dịch bệnh và khủng hoảng lần này không có tiền lệ. Nó không phải là một cỗ máy dừng lại do thiếu xăng dầu.
Trong cuộc trò chuyện với Dân trí, TS. Quách Mạnh Hào, PGS về Ngân hàng - Tài chính, sáng lập Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Kinh tế Việt Nam - Anh quốc tại Đại học Lincoln (Anh), cho rằng các hoạt động kinh tế rõ ràng bị gián đoạn bởi giãn cách và phong tỏa.
Do vậy, cần thiết phải chống dịch nhưng vẫn đảm bảo chuẩn bị sẵn sàng cho các hoạt động kinh tế trở lại.
Theo chuyên gia này, nền kinh tế giống như một cỗ máy. Một cỗ máy luôn có nhiều bộ phận nối với nhau, giống như các ngành nghề trong nền kinh tế. Tiền tệ giống như xăng và dầu máy, trong đó cần dầu máy để đảm bảo máy không gỉ và cần xăng để máy chạy. Nhưng việc cần ưu tiên là sửa cho máy không gỉ.
Tác động từ đợt bùng phát dịch Covid-19 vừa qua tới kinh tế Việt Nam được đánh giá là lớn. Theo ông tăng trưởng cuối năm nay sẽ như thế nào?
- Theo tôi, tác động là rõ ràng. Chúng ta cần quan sát thêm các tiêu chí phản ánh sức khỏe của nền kinh tế. Các chỉ số quan trọng như sản xuất công nghiệp, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng hay vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách Nhà nước… cho đến tháng 7 đều đã giảm so với cùng kỳ năm trước.
Đặc biệt, từ tháng 8, dịch bệnh nặng nề hơn và các biện pháp giãn cách, phong tỏa cũng nghiêm ngặt hơn, làm cho chuỗi cung ứng bị gián đoạn nên không thể nghĩ tới việc khả quan.
Chúng ta chỉ chờ đợi để xem con số giảm tới mức nào để ước lượng xem GDP sẽ giảm so với mục tiêu kế hoạch là bao nhiêu. GDP 6 tháng đầu năm tăng 5,64% so với cùng kỳ năm trước và đã xuất hiện nhiều dự báo cho GDP cả năm sẽ về dưới 5%.
Khu vực là động lực cho sự tăng trưởng kinh tế vừa qua là công nghiệp chế biến chế tạo và dịch vụ nội địa cũng sẽ giảm trong tình hình hiện tại, nghĩa là các động tăng trưởng chính yếu bị bịt kín. Bởi vậy, GDP dưới 5% là thực tế.
Vậy theo ông, giải pháp gì để "giảm đau" cho nền kinh tế trước những biến động do đại dịch gây ra?
- Việc điều hành kinh tế bây giờ là khó nói do các chính sách thường hoạt động hiệu quả khi không có sự đứt gãy chuỗi cung ứng.
Mục tiêu kép chúng ta đã nói nhiều rồi. Vấn đề bây giờ là "mở" với người dân về khả năng khó khăn còn kéo dài và có đối sách phù hợp cho từng đối tượng, từng ngành nghề, từng địa phương, thay vì chính sách kinh tế chung chung như kiểu chính sách tiền tệ và tài khóa cả gói như trước đây.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến cho dự thảo Nghị quyết về hỗ trợ doanh nghiệp. Gần như ngành lĩnh vực nào cũng kêu khó khăn, bàn về hỗ trợ lúc này chúng ta nên lưu ý gì thưa ông?
- Bài toán cần giải là mỗi người dân, đặc biệt người nghèo, cần bao tiền để sống; mỗi doanh nghiệp nhỏ, khó khăn cần bao tiền để duy trì hoạt động, trả lương cho công nhân, người lao động để tồn tại.
Cần tìm cơ chế giải ngân, phát tiền trực tiếp cho người lao động và dân nghèo. Ai cố tình gian dối để nhận bừa sau này sẽ phạt nặng sau.
Việc in tiền ra và trao tiền trực tiếp cho dân nghèo, giải ngân trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn có thể còn hiệu quả hơn là sử dụng chính sách tiền tệ nới lỏng và phụ thuộc hệ thống ngân hàng dẫn tới tiền chỉ chảy vào chỗ trũng...
Nhiều nơi lâu nay vẫn điều hành chính sách dựa trên các thông lệ phổ biến quá khứ. Nhưng dịch bệnh và khủng hoảng lần này không có tiền lệ.
Tưởng tượng nền kinh tế giống như một cỗ máy. Một cỗ máy có nhiều bộ phận nối với nhau, giống như các ngành nghề trong nền kinh tế. Tiền tệ giống như xăng và dầu máy, trong đó cần dầu máy để đảm bảo máy không gỉ và cần xăng để máy chạy.
Bình thường, chúng ta có thể sử dụng các chính sách tiền tệ và tài khóa để bơm xăng dầu cho nó, cho nó không gỉ, chạy nhanh hay chậm. Nhưng khi máy trục trặc, đổ xăng dầu như thông thường không làm máy hoạt động. Lúc này, điều cần thiết là làm cho máy không gỉ, đợi sửa xong nó rồi mới đổ xăng cho nó chạy. Trong cỗ máy, có những bộ phận gỉ trước, bộ phận gỉ sau. Trong nền kinh tế, có ngành bị ảnh hưởng, có ngành ít hoặc không.
Chính sách kinh tế lúc này không nhất thiết phụ thuộc vào lý thuyết và thông lệ truyền thống. Phát tiền trực tiếp cho doanh nghiệp khó khăn và người nghèo, lao động nghèo tương tự như bơm dầu máy làm cho máy không gỉ. Có thể có sai lệch, nhưng doanh nghiệp khó khăn và người lao động nghèo cần tồn tại trước đã.
Kinh tế khó khăn, nhiều kênh đầu tư khác "tắc" lại, dòng tiền tiếp tục đổ mạnh vào chứng khoán như ông vừa nhắc. Liệu có băn khoăn, lo ngại gì, thưa ông?
- Chúng ta rõ ràng đã nghĩ rằng cỗ máy kinh tế hoạt động trở lại và do vậy bơm tiền. Nhưng thực tế cho thấy cỗ máy kinh tế vẫn còn trục trặc và chúng ta cần sửa nó trước.
Tôi tin rằng hiện tại có nhiều doanh nghiệp mong muốn thà lãi suất cao hơn một chút mà họ được vay hỗ trợ còn hơn là lãi suất thấp mà họ lại không được vay hoặc vay không đủ. Vấn đề không nằm ở lãi suất, mà nằm ở chỗ tiền có đến tay họ hay không để chống chọi với khó khăn. Nếu không, tiền sẽ chảy vào các kênh tài sản, tạo ra ảo ảnh giá trị.
Và mục tiêu kép, theo ông lúc này cần gì làm gì?
- Mục tiêu kép theo cách hiểu của tôi nên là chống dịch đồng thời đảm bảo sức khỏe của nền kinh tế. Các hoạt động kinh tế rõ ràng bị gián đoạn bởi giãn cách và phong tỏa do vậy không nên hiểu rằng vừa chống dịch lại vừa hoạt động kinh tế bình thường, mà nên hiểu rằng vừa chống dịch, vừa đảm bảo chuẩn bị "sẵn sàng" cho các hoạt động kinh tế trở lại.
Cụm từ "sẵn sàng" ở đây rất quan trọng. Các hoạt động kinh tế thiết yếu cần phải được duy trì ở mức tối thiểu, ví dụ các hoạt động vận chuyển, hệ thống chợ, siêu thị đảm bảo cuộc sống dân cư. Vấn đề là chúng ta kiểm soát quá trình này, thay vì cấm triệt để.
Ví dụ như siêu thị, chợ hoàn toàn có thể mở thay vì cấm. Nhưng chúng ta cần những giải pháp thông minh, chẳng hạn thay vì vào chợ hay siêu thị chọn như thông thường thì chúng ta chỉ cho phép các "giỏ hàng mẫu", "thùng hàng mẫu" được bán do người bán chuẩn bị, người mua dễ dàng chọn và người vận chuyển cũng dễ dàng chuyển. Những cái này mới cần khoa học, tư vấn và cần một định nghĩa chung, chứ không phải là các dự đoán về việc khi nào dịch kết thúc.
Và nhân tố quan trọng nữa là duy trì sự sẵn sàng hoạt động trở lại của doanh nghiệp và người dân thông qua hỗ trợ trực tiếp như quan điểm của tôi là phát tiền trực tiếp. Tất nhiên, với đối tượng doanh nghiệp, sự hỗ trợ vẫn dựa trên nhu cầu của họ nhưng tạm bỏ qua các rào cản giấy tờ quá chặt chẽ...
Với người lao động và dân nghèo, theo đề nghị của chính quyền các địa phương hoặc một cách sàng lọc nào đó, tôi nghĩ rằng phát tiền phục vụ cuộc sống tối thiểu cho họ sẽ giải quyết được cả sức khỏe kinh tế, y tế và xã hội.
Chúng ta chắc chắn phải chấp nhận có những sự gian lận, nhưng chúng ta không vì thế mà không làm và cần tuyên bố rõ ràng về sự trừng phạt với những đối tượng gian lận sau này. Thà nhầm còn hơn mất cả sức khỏe kinh tế, y tế và xã hội.
Xin cám ơn ông!
Nội dung: Nguyễn Mạnh