DBiz

"Khúc cua" của Tập đoàn Lộc Trời

Khổng Chiêm
"Khúc cua" của Tập đoàn Lộc Trời

Miễn nhiệm tổng giám đốc 7x được giới thiệu dày dặn kinh nghiệm

Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (mã chứng khoán: LTG) vừa công bố miễn nhiệm chức vụ Tổng giám đốc đối với ông Nguyễn Duy Thuận kể từ ngày 15/7. Ông Thuận có trách nhiệm bàn giao công việc, các hồ sơ, tài liệu, thiết bị có liên quan cho ông Huỳnh Văn Thòn - Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) kiêm Đại diện pháp luật hoặc do cá nhân phụ trách do ông Thòn chỉ định.

Theo báo cáo thường niên 2023 của Tập đoàn Lộc Trời, ông Thuận sinh năm 1970, được giới thiệu có trình độ Thạc sĩ Quản trị chiến lược. Ông Thuận cũng được giới thiệu có nhiều năm công tác tại các công ty nước ngoài lớn như Sony, Philips, Unilever, Nestle; từng có 5 năm làm việc tại Bệnh viện Đại học Y Dược.

Từ năm 2019 đến nay, ông Thuận làm việc tại Tập đoàn Lộc Trời, không sở hữu cổ phiếu của doanh nghiệp. Thời điểm được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc (tháng 4/2020), ông Thuận giữ vị trí Giám đốc Tài chính, Giám đốc Nhân sự, Phó trưởng ban Điều hành các ngành Vật Tư Nông Nghiệp và Lương Thực.

Trước đó hồi tháng 2 năm nay, tập đoàn này cũng công bố ông Lê Thanh Hạo Nhiên không còn giữ chức Giám đốc Tài chính kể từ ngày 7/2.

Việc miễn nhiệm ông Thuận diễn ra trong bối cảnh quý đầu năm nay, Tập đoàn Lộc Trời lỗ hơn 96 tỷ đồng và cùng kỳ năm trước cũng lỗ hơn 81 tỷ đồng. Công ty lý giải nguyên nhân thua lỗ do một số chi phí tăng cao như nguyên vật liệu đầu vào, lãi vay, lỗ do tỷ giá hối đoái.

Trước đó, Lộc Trời vướng lùm xùm nợ tiền mua lúa của nông dân An Giang và Đồng bằng sông Cửu Long, tổng số tiền 472 tỷ đồng, chiếm khoảng 19% tổng giá trị lúa mua trong vụ Đông Xuân năm nay. Sau đó, công ty đã trả xong các khoản nợ này cho nông dân.

Trong thư ngỏ của Chủ tịch HĐQT Huỳnh Văn Thòn mới đây, ông thông báo việc sẽ trực tiếp chỉ đạo và điều hành các hoạt động của tập đoàn cho đến khi có quyết định bổ nhiệm Tổng giám đốc mới. Ông cũng cam kết sau khi ổn định nhân sự, ổn định sản xuất kinh doanh hiệu quả sẽ hoàn thành mọi trách nhiệm và nghĩa vụ với các cơ quan quản lý, đối tác, ngân hàng, nhà phân phối, bà con nông dân...

Mới đây, tại kỳ họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, Tập đoàn Lộc Trời đã kiện toàn đội ngũ trong HĐQT gồm 5 thành viên và Ban kiểm soát gồm 3 thành viên. Trong đó, ông Thòn là Chủ tịch HĐQT, các thành viên HĐQT gồm ông Võ Trí Thành, Johan Sven Richard Boden, Mandrawa Winston Leo, bà Võ Hồng Trang.

Cổ đông xót xa về kế hoạch lãi chỉ 50 tỷ đồng

Tập đoàn Lộc Trời tiền thân là Công ty cổ phần Bảo vệ Thực vật An Giang, được thành lập năm 1993, đến nay đã 31 năm. Doanh nghiệp bắt đầu với lĩnh vực cung ứng thuốc bảo vệ thực vật, sau đó bén duyên với ngành kinh doanh hạt giống; trồng lúa và tham gia vào chuỗi giá trị lúa gạo; các sản phẩm hữu cơ sinh học...

Theo báo cáo thường niên 2023, Lộc Trời đạt diện tích liên kết, sản xuất với nông dân đạt 256.000ha và liên tục tăng, có thể đạt gần 300.000ha từ vụ Đông Xuân 2022-2023. Cuối năm này, Lộc Trời còn trúng thầu và giao thành công 180.000 tấn gạo trong các gói thầu cung ứng gạo cho Bulog, cơ quan hậu cần của Chính phủ Indonesia.

Là doanh nghiệp đầu ngành, Lộc Trời có bức tranh kết quả lợi nhuận khả quan trong nhiều năm qua. Hàng năm, công ty có lãi vài trăm tỷ đồng đều đặn, còn doanh thu 3 năm qua đều trên 10.000 tỷ đồng.

Năm 2023, tập đoàn đạt doanh thu kỷ lục 16.088 tỷ đồng, tăng 38% so với năm trước. Sự tăng trưởng ấn tượng đến chủ yếu từ lĩnh vực lương thực với doanh thu 11.000 tỷ đồng, chiếm 70% cơ cấu.

Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt gần 16,5 tỷ đồng, giảm 96% so với năm trước. Công ty cho biết năm 2023, tình hình lãi suất từ các ngân hàng tăng làm chi phí lãi vay tăng 244% so với năm trước.

Tình hình giá lúa nguyên liệu tăng mạnh so với mặt bằng những năm trước. Đỉnh điểm, vào những tháng cuối năm, có thời điểm giá lúa thu mua từ nông dân lên đến 10.000 đồng/kg, tăng gần 30% so với giá bình quân của năm. Giai đoạn này trùng với lịch giao hàng của ngành lương thực, gây ảnh hưởng một phần đến kết quả kinh doanh.

Về nguồn vốn, nợ dài hạn luôn chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu. Lộc Trời duy trì nợ ngắn hạn cao để tài trợ cho các hoạt động thu mua lúa gạo. Đến cuối năm 2023, dư nợ vay ngắn hạn đạt 6.228 tỷ đồng, tăng 66% so với cuối năm trước.

Năm nay, Lộc Trời không đặt kế hoạch doanh thu mà chỉ đưa mục tiêu lợi nhuận sau thuế 50 tỷ đồng. Trong biên bản họp đại hội cổ đông thường niên 2024, cổ đông đề nghị bổ sung mục tiêu doanh thu vào kế hoạch năm và "dự kiến lãi 50 tỷ đồng là rất xót xa".

Khúc cua của Tập đoàn Lộc Trời - 1

Cánh đồng mẫu lớn của Lộc Trời (Ảnh: LTG).

Khi đó, Tổng giám đốc Nguyễn Duy Thuận cho biết doanh thu năm nay đã được xác định chính xác, dự kiến từ 20.000 tỷ đồng đến 24.000 tỷ đồng, đến từ hoạt động xuất khẩu gạo và các hoạt động khác. Từ nay đến cuối năm, công ty ký được các hợp đồng xuất khẩu gạo tương đương 400 triệu USD.

Về đầu vào, lúa đã trồng, giống đã có, thuốc và phân đã chuẩn bị, diện tích đã có. Đầu vào đủ, đầu ra có nên dự báo doanh thu 20.000-24.000 tỷ đồng. Lý do không đưa doanh thu vào mục tiêu kế hoạch vì điều cổ đông muốn nhất là cam kết về lợi nhuận, ông Thuận cho biết.

Nói về kết quả năm 2023 chỉ lãi 16 tỷ đồng trong khi năm trước trên 411 tỷ đồng, năm nay chỉ cam kết 50 tỷ đồng, ông Thuận giải thích hoạt động của Lộc Trời dựa rất nhiều vào nguồn vốn. Mô hình kinh doanh của Lộc Trời diễn ra từ trồng lúa, thu mua lúa, bán gạo, bán phụ phẩm, sau đó quay lại chăm lo cho bà con nông dân và đảm bảo các yếu tố về môi trường, giảm phát thải, giảm chi phí.

Khi gặp sự cố về dòng tiền, công ty không đủ tiền mua lúa nên xoay dòng tiền bằng cách khác nên lợi nhuận năm nay dự kiến chỉ 50 tỷ đồng. Mức này đưa ra dựa vào nhiều yếu tố, trong đó có việc trích lập dự phòng.

"Lộc Trời là công ty có tầm nhìn dài hạn, muốn chăm lo cho nông dân, bảo vệ môi trường. Nếu cổ đông nào thấy Lộc Trời là công ty đáng để kỳ vọng thì hãy ở lại. Sau khi chúng tôi có đủ tiền, tổ chức canh tác, giảm phát thải, giảm chi phí, bảo vệ môi trường, chăm lo sức khỏe thì tiếp tục với những phần cổ đông quan tâm như doanh thu, lợi nhuận, cổ tức, giá cổ phiếu. Bây giờ Lộc Trời cần khoảng thời gian dự kiến vài năm để vượt qua khó khăn", Tổng giám đốc Nguyễn Duy Thuận nói.

Chủ tịch Lộc Trời Huỳnh Văn Thòn bày tỏ "day dứt và xấu hổ" khi ảnh hưởng đến nông dân, cổ đông và nhân viên. Ông cũng nhận trách nhiệm, bày tỏ quyết tâm đưa Lộc Trời quay trở lại thời kỳ trước để xứng đáng với sự tin tưởng của cổ đông.

Định hướng hoạt động năm 2024-2025, Lộc Trời quyết tâm chinh phục mục tiêu 1 tỷ USD doanh thu. Doanh nghiệp cũng sẽ chú trọng cải thiện dòng tiền từ hoạt động kinh doanh với việc rút ngắn chu kỳ thu tiền từ khách hàng, giúp thanh toán tiền mua lúa gạo của nông dân và thanh toán công nợ.

Năm nay, tập đoàn sẽ tăng cường doanh số ngành vật tư nông nghiệp, ngành giống. Đồng thời, doanh nghiệp sẽ cân đối cán cân tài chính vốn để đảm bảo hài hòa cơ cấu vốn, tăng hiệu quả sử dụng vốn, tăng vốn chủ sở hữu thông qua phát hành cổ phiếu.

Về đầu tư và phát triển, Lộc Trời đang lên kế hoạch huy động nguồn vốn dài hạn để xây dựng nhà máy gạo công suất 10.000 tấn/ngày tại Long An. Dự án đã có giấy phép đầu tư, mặt bằng sạch. Khi nhà máy đi vào hoạt động, tập đoàn phấn đầu nâng công suất sản xuất gạo thành phẩm lên 15.000 tấn/ngày vào năm 2028.