DBiz

Không ai làm thép mãi, tỷ phú Trần Đình Long "hốt bạc" từ bất động sản

Khổng Chiêm
Không ai làm thép mãi, tỷ phú Trần Đình Long "hốt bạc" từ bất động sản

Dấu chân tỷ USD

Tập đoàn Hòa Phát - doanh nghiệp được dẫn dắt bởi tỷ phú Trần Đình Long - vừa đề xuất phương án bố trí mặt bằng quy hoạch cảng Bãi Gốc, thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên.

Theo quy hoạch tổng thể, khu cảng này có chức năng phục vụ trực tiếp nhu cầu hình thành và phát triển khu công nghiệp Bãi Gốc, liên hiệp lọc dầu, luyện kim và ngành năng lượng, có bến tổng hợp, hàng rời, hàng lỏng hoặc khí.

Tập đoàn đề xuất bố trí mặt bằng quy hoạch gồm quy mô bến cảng, công suất, đê chắn sóng, quy mô nhà máy thép; phân tích ưu, nhược điểm của từng phương án và đề xuất phương án khả thi… Việc bố trí mặt bằng khu vực cảng được phân chia riêng biệt cho các khu chức năng: Cảng dầu, cảng phục vụ nhà máy thép, bến cảng tổng hợp, bến công vụ.

Động thái mới nhất này của Hòa Phát nằm trong kế hoạch đầu tư khoảng 5 tỷ USD (120.000 tỷ đồng) tại Phú Yên, liên quan đến 4 dự án thuộc Khu kinh tế Nam Phú Yên. Cảng Bãi Gốc là 1 trong 4 dự án đó, còn lại là Khu công nghiệp Hòa Tâm, Khu liên hợp gang thép Hòa Phát tại Khu công nghiệp Hòa Tâm và dự án khu thương mại - dịch vụ.

Kế hoạch đầu tư một số dự án tại Phú Yên đã khuấy động thông tin của Hòa Phát trong mảng bất động sản vốn khá yên ắng từ đầu năm đến nay. Trước đó, hồi tháng 2, tập đoàn này cùng Tổng công ty Đầu tư Hợp Nghĩa là liên danh duy nhất đạt yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm thực hiện dự án Khu dân cư nông thôn sinh thái Cao Xá, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Tổng mức đầu tư dự án dự kiến hơn 5.600 tỷ đồng.

Hay vào tháng 6, công ty con của Hòa Phát cũng là nhà đầu tư duy nhất đăng ký thực hiện Khu đô thị Minh Hải - Phan Đình Phùng tại Hưng Yên, vốn đầu tư hơn 3.200 tỷ đồng.

Ai rồi cũng làm bất động sản

Tỷ phú Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT Hòa Phát - từng phát biểu: Không ai làm thép mãi, Hòa Phát phải đa ngành và bất động sản là một hướng đi trong chiến lược đa ngành đó, tại cuộc họp đại hội cổ đông thường niên 2021 của doanh nghiệp.

Thực tế, tập đoàn này đã tham gia vào mảng bất động sản được hơn 20 năm với 2 lĩnh vực chính là khu công nghiệp và đô thị. 

Các khu công nghiệp của tập đoàn tập trung ở Hưng Yên, Hà Nam. Theo thông tin tổng kết hồi cuối năm 2021, Hòa Phát khai thác 3 khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 1.100ha sau 20 năm đầu tư mảng này.

Còn với nhà ở, tập đoàn này có một số dự án ở Cầu Giấy, Hoàng Mai, Đống Đa... và một đô thị lớn diện tích 262ha tại Hưng Yên.

Tham gia gần 2 thập kỷ nhưng chỉ đến năm 2020, Hòa Phát mới xác định bất động sản là mảng kinh doanh chính, bên cạnh thép. Tổng công ty bất động sản được thành lập, là 1 trong 5 tổng công ty chủ chốt của tập đoàn. 

Để gia tăng quỹ đất, tỷ phú Trần Đình Long từng xác định hướng đi là tham gia đấu thầu, phát triển dự án tại các địa phương. Ông Long nói rõ hướng đi này có triển vọng tốt vì doanh nghiệp tham gia đầu tư từ đầu, công ty có tiền nên không chịu áp lực về tài chính.

Lý giải về chiến lược này, Chủ tịch Hòa Phát nói việc phát hành trái phiếu diễn ra dễ dàng nên doanh nghiệp bất động sản nhiều tiền đã đi mua nhiều dự án dẫn tới giá đất tăng. Vì thế, Hòa Phát chưa mua dự án bất động sản nào, tại cuộc họp ĐHCĐ thường niên 2022.

Đầu năm nay, cũng trong cuộc họp với cổ đông, ông Trần Đình Long tiếp tục cập nhật định hướng này. Đánh giá về khu công nghiệp, ông Long thừa nhận không đem lại quá nhiều tiền nhưng ổn định, tỷ suất lợi nhuận không tồi. Lại có kinh nghiệm nên Hòa Phát sẽ vừa triển khai những khu công nghiệp đang có, vừa mua lại hoặc xin mới để mở rộng 4-6 khu nữa, đến năm 2030 sẽ có 10 khu công nghiệp.

Với khu đô thị, Hòa Phát vẫn tiếp tục đăng ký đầu tư ban đầu ở các địa phương, hoàn thiện thủ tục. Theo ông Long, cách làm này có thể "rất lâu" nhưng Hòa Phát sẽ bình tĩnh làm, không đặt mục tiêu phải có bao nhiêu hecta. Công ty cũng đang đẩy mạnh pháp lý nên không bỏ nhiều tiền mua dự án. Tương lai có thể bỏ tiền mua dự án khác nhưng thời điểm này thì chưa.

Với hướng đi "đấu thầu", trong mấy năm qua, Hòa Phát đã đề xuất đầu tư, tài trợ quy hoạch các dự án diện tích hàng trăm ha ở nhiều tỉnh, thành như Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Hải Dương, Cần Thơ, Thừa Thiên Huế, Đắc Nông... Năm 2022, Hòa Phát đã tham gia đấu thầu các dự án nhà ở tại Bắc Giang, Hưng Yên, Phú Thọ.

Tổng công ty bất động sản có 3 công ty con trong lĩnh vực này, gồm Công ty cổ phần Xây dựng và Phát triển Đô thị Hòa Phát (vốn điều lệ 6.500 tỷ đồng), Công ty cổ phần Bất động sản Hòa Phát Hà Nội (550 tỷ đồng) và Công ty cổ phần Bất động sản Hòa Phát Sài Gòn (500 tỷ đồng). Ngoài ra, công ty còn có các công ty cấp 2, cấp 3, cấp 4 khác.

Năm 2022, tỷ phú Trần Đình Long nhìn nhận ngành bất động sản "từ nóng chuyển sang nguội dần và đóng băng vào cuối năm".

Mặc dù là ngành chủ chốt nhưng năm 2022, bất động sản chỉ chiếm 1% tỷ trọng doanh thu và 3% tỷ trọng lợi nhuận của Hòa Phát.

Không ai làm thép mãi, tỷ phú Trần Đình Long hốt bạc từ bất động sản - 1

Bất động sản đóng góp tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu doanh thu, lợi nhuận Hòa Phát năm 2022 (Nguồn: BCTN 2022).

Báo cáo của tập đoàn cho thấy doanh thu bất động sản 2022 giảm 59% còn lợi nhuận giảm 41% (đạt chỉ tiêu so với kế hoạch được giao). Cụ thể, doanh thu đạt 686 tỷ đồng còn lợi nhuận thuần đạt 299 tỷ đồng.

Mặc dù kết quả giảm so với năm trước, tỷ trọng vẫn nhỏ trong cơ cấu kinh doanh của tập đoàn nhưng hiệu quả kinh doanh mảng bất động sản khá tốt. Công ty cứ thu về 2 đồng sẽ lãi 1 đồng. Biên lợi nhuận sau thuế đạt gần 47%, tăng nhiều so với mức 31% so với năm trước.

Một lợi thế của doanh nghiệp ông Trần Đình Long khi làm bất động sản là doanh nghiệp luôn sẵn tiền. Lượng tiền mặt, tiền nhàn rỗi mỗi năm đều cao. Năm 2022, con số này gần 34.600 tỷ đồng, chiếm 43% tổng tài sản ngắn hạn.

Thách thức từ vòng xoáy biến động

Hòa Phát được định hướng trở thành doanh nghiệp đa ngành với 5 lĩnh vực khác nhau. Năm 2022, bất động sản và điện máy gia dụng đạt được mục tiêu đề ra; ngành điện lạnh đạt gấp đôi kế hoạch. Tuy nhiên, ngành thép giảm 76% lợi nhuận và nông nghiệp giảm 92% so với cùng kỳ.

Ông Trần Đình Long gọi năm 2022 là năm của vòng xoáy biến động của chiến tranh, lãi suất, lạm phát, tỷ giá. Trong đó, bất động sản "từ nóng chuyển sang nguội dần và đóng băng vào cuối năm". Còn tỷ giá, lãi suất cũng lên cơn sốt chưa từng có và chỉ hạ nhiệt vào tháng 12/2022. Hòa Phát lần đầu tiên ghi nhận kết quả kinh doanh lỗ sâu liên tiếp trong nửa cuối năm 2022.

Nhìn nhận lại, khó khăn của ngành bất động sản không chỉ ảnh hưởng riêng nó. Trên thực tế, thép cũng bị ảnh hưởng lớn theo bất động sản mà đây lại là mảng kinh doanh đang đem lại lợi nhuận lớn cho Hòa Phát. Năm 2022, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của mảng này lần lượt chiếm 94% và 95% cơ cấu.

Cụ thể, bất động sản suy yếu sẽ khiến lượng tiêu thụ trên thị trường giảm, trong khi nguồn hàng tại các nhà máy sản xuất còn chồng chất hàng tồn kho.

Trước tình trạng đóng băng của thị trường bất động sản từ nửa cuối năm 2022, Hòa Phát đã điều tiết sản xuất theo cung cầu thị trường theo hướng giảm vòng quay hàng tồn kho, tiết giảm chi phí sản xuất. Tập đoàn cũng kỳ vọng đầu tư công sẽ là động lực thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ thép thời gian tới.

Năm nay, tập đoàn này đánh giá ngành thép còn nhiều khó khăn, trong đó rào cản về khuôn khổ thể chế chưa được tháo gỡ, đặc biệt nhóm ngành bất động sản, liên quan đến đầu ra của ngành sản xuất thép.

Thị trường tiêu thụ thép nội địa vẫn duy trì ở mức thấp trong nửa đầu năm và cạnh tranh với các sản phẩm thép nhập khẩu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, doanh nghiệp ông Trần Đình Long làm Chủ tịch HĐQT đang đẩy mạnh kênh xuất khẩu và ghi nhận dấu hiệu tích cực khi sản lượng thép xuất khẩu đạt 98.000 tấn trong tháng 8, gấp đôi trung bình của 6 tháng đầu năm.