Ông Phạm Nhật Vượng có bị chủ tịch Hòa Phát soán ngôi giàu nhất?
(Dân trí) - Với việc giá HPG đạt đỉnh 1 năm, ông Trần Đình Long trở thành người giàu nhất sàn chứng khoán Việt. Tuy nhiên, dữ liệu Forbes thể hiện giá trị tài sản ông Phạm Nhật Vượng vẫn gấp đôi so với ông Long.
Sau khi kết thúc một tuần giao dịch thuận lợi với 4 trên 5 phiên tăng giá và tổng mức tăng 8,78%, HPG lại giảm nhẹ trong phiên đầu tuần.
Mã này lùi bước 0,79% còn 25.200 đồng. Dù vậy, với mức giá hiện tại, HPG vẫn đang trên vùng đỉnh 1 năm.
Tại mức thị giá này, thị giá HPG đã hồi phục và tăng rất mạnh kể từ sau giai đoạn lao dốc trong nửa cuối 2022. Cụ thể, so với đầu năm, HPG đã tăng giá 40% và tăng tới 108,26% so với đáy thiết lập trung tuần tháng 11/2022.
Hiện tại, tại Hòa Phát, ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT - vẫn đang là cổ đông lớn nhất, sở hữu hơn 1,5 tỷ cổ phiếu HPG. Giá trị tài sản của ông Long thông qua sở hữu cổ phiếu HPG hiện đạt khoảng 38.211 tỷ đồng.
Trong khi đó, cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup lại có phiên tăng nhẹ vào phiên 26/6, tăng 0,38% lên 52.200 đồng/cổ phiếu. Như vậy, xét về thị giá, VIC đang gấp đôi với HPG, tuy nhiên, về giá trị vốn hóa thị trường thì HPG đang dần thu hẹp khoảng cách. Trong khi vốn hóa của VIC đang là 199.087,4 tỷ đồng giá trị vốn hóa HPG là 146.532,6 tỷ đồng.
Hồi tháng 3 vừa qua, ông Phạm Nhật Vượng - cổ đông cá nhân lớn nhất tại Vingroup - đã giảm sở hữu về còn 691,27 triệu cổ phiếu VIC (tương đương 17,87% vốn điều lệ Vingroup) sau khi chuyển nhượng thành công 50,8 triệu cổ phiếu này (tương ứng 1,31% vốn điều lệ Vingroup) để góp vốn vào Công ty cổ phần Di chuyển xanh và thông minh (GSM).
Theo đó, tính theo giá tham chiếu của VIC tại đầu phiên hôm nay (27/6) thì giá trị tài sản của ông Phạm Nhật Vượng thông qua sở hữu trực tiếp cổ phiếu VIC trên thị trường chứng khoán là 36.084 tỷ đồng.
Như vậy, nếu xét về giá trị tài sản thông qua giá trị cổ phiếu nắm giữ trực tiếp thì ông Trần Đình Long đã chính thức vượt qua ông Phạm Nhật Vượng, trở thành người giàu nhất thị trường chứng khoán hiện nay.
Tuy nhiên, ông Phạm Nhật Vượng mặc dù chuyển quyền sở hữu cổ phiếu cá nhân để góp vốn vào tổ chức khác nhưng đó đều là các doanh nghiệp do ông Vượng hoặc vợ chồng ông thành lập.
Sở hữu của nhóm cổ đông liên quan đến ông Phạm Nhật Vượng tại Vingroup vẫn duy trì xấp xỉ 63% mặc dù đã có những giao dịch chuyển quyền giảm sở hữu trực tiếp của ông tại tập đoàn này.
Bên cạnh sở hữu của cá nhân ông Vượng và GSM như đề cập ở trên, tại Vingroup, bà Phạm Thu Hương (vợ ông Vượng) nắm 4,5%; Tập đoàn Đầu tư Việt Nam - cũng là cổ đông lớn nhất nắm 33% và Công ty Quản lý và đầu tư bất động sản VMI - công ty do ông Vượng và vợ thành lập hồi cuối năm 2022 - nắm 6,29% cổ phần.
Về phía gia đình ông Trần Đình Long, cùng với chồng, bà Vũ Thị Hiền là cổ đông lớn nắm 7,34% vốn điều lệ Tập đoàn Hòa Phát (tương ứng 426,6 triệu cổ phiếu HPG).
Theo cập nhật của Tạp chí Forbes, hiện tại ông Phạm Nhật Vượng vẫn đang là người giàu nhất Việt Nam với giá trị tài sản ròng đạt 4,2 tỷ USD, xếp thứ 662 thế giới. Ông Trần Đình Long đã vượt qua bà Nguyễn Thị Phương Thảo - CEO Vietjet Air - trên bảng xếp hạng người giàu thế giới, xếp thứ 1.420 với giá trị tài sản ròng là 2,1 tỷ USD.