DNews

Khi doanh nhân "say sóng"

Khổng Chiêm

(Dân trí) - Nhiều lãnh đạo các doanh nghiệp lớn đã vướng vòng lao lý trong thời gian qua. Cùng với đó, một số ông chủ bị bán tháo cổ phiếu, thậm chí nhận án phạt vì có giao dịch "chui".

Khi doanh nhân "say sóng"

Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp lớn vướng vòng lao lý

Ông Trần Quí Thanh và 2 con gái Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích đều là các lãnh đạo cấp cao tại Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Tân Hiệp Phát (Tập đoàn Tân Hiệp Phát). Họ bị khởi tố đầu tháng 4 năm nay, về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Trong đó, ông Thanh và bà Phương bị bắt tạm giam.

Quyết định khởi tố này được đưa ra sau khi Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) điều tra, xác minh, giải quyết nội dung đơn của một số công dân tại TPHCM và Đồng Nai tố cáo các cá nhân này có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, trốn thuế, cưỡng đoạt tài sản là các dự án, bất động sản có giá trị đặc biệt lớn tại tỉnh Đồng Nai và TPHCM từ tháng 11/2020.

Khi doanh nhân say sóng - 1

Ông Trần Quí Thanh và 2 con gái vướng lao lý (Thiết kế: Thủy Tiên).

Tập đoàn Tân Hiệp Phát đến nay đã trải qua gần 30 năm hình thành, phát triển, là doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam về hàng tiêu dùng nhanh (FMCG). Các sản phẩm của doanh nghiệp bao gồm trà thảo mộc, trà xanh, trà bí đao, nước uống vận động, nước tăng lực, sữa đậu nành và nước tinh khiết, phân phối khắp cả nước và gần 20 quốc gia trên thế giới.

Tuy nhiên, lãnh đạo doanh nghiệp này vướng vòng lao lý lại liên quan tới bất động sản - ngành từng được ông Thanh đánh giá là "ngành thú vị, được quan tâm đặc biệt". Ông Thanh từng tuyên bố sẽ dùng vài nghìn tỷ đồng để đầu tư cho lĩnh vực này. Ông cùng các con còn tham gia đấu giá và trúng nhiều lô đất tại Bà Rịa - Vũng Tàu.

Bất động sản có lẽ cũng là ngành "nóng", được quan tâm đặc biệt từ cuối năm 2022, khi Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát - bà Trương Mỹ Lan - cùng nhiều lãnh đạo khác của doanh nghiệp này, bị bắt. Vừa qua, ông chủ Tập đoàn Tân Hoàng Minh là Đỗ Anh Dũng cũng bị đề nghị truy tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trước đó, hồi tháng 4/2022, ông Dũng cùng con trai là Đỗ Hoàng Việt đã bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo kết luận điều tra của Bộ Công an, ông Dũng và cấp dưới đã gian dối trong 9 đợt phát hành trái phiếu, huy động tổng trị giá 10.300 tỷ đồng của nhà đầu tư trái quy định. Số tiền này, theo kết luận điều tra, được Tân Hoàng Minh sử dụng vào các hoạt động kinh doanh không đúng theo hồ sơ phát hành trái phiếu.

Cũng liên quan tới việc phát hành trái phiếu, Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an cho biết qua điều tra, xác định Vạn Thịnh Phát lừa đảo 30.000 tỷ đồng của khoảng 42.000 nhà đầu tư. Cơ quan điều tra thông báo đang tìm bị hại trong vụ án tại Vạn Thịnh Phát và các công ty có liên quan.

Khi doanh nhân say sóng - 2

Ông Nguyễn Cao Trí vướng lao lý vì cáo buộc liên quan vụ chiếm đoạt 40 triệu USD của Chủ tịch Vạn Thịnh Phát (Ảnh: FBNV).

Một vụ việc khác là ông Nguyễn Cao Trí, Tổng giám đốc Công ty Sài Gòn - Đại Ninh, đã bị khởi tố, bắt tạm giam vì cáo buộc chiếm đoạt 40 triệu USD của bà Trương Mỹ Lan (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát). Theo báo cáo của cơ quan cảnh sát điều tra, trong quá trình mở rộng điều tra vụ án Công ty An Đông (Vạn Thịnh Phát), cơ quan này phát hiện bà Trương Mỹ Lan có quan hệ làm ăn, đầu tư với ông Nguyễn Cao Trí.

Bà Lan đã chuyển cho ông Trí hơn 40 triệu USD để mua bán dự án, kinh doanh. Nhưng khi bà Lan bị bắt, ông Trí nảy sinh ý định chiếm đoạt số tiền trên. Người phát ngôn Bộ Công an cho biết tại cơ quan điều tra, ông Trí đã nhận tội và sẽ phải nộp lại toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt. Cơ quan cảnh sát điều tra cũng đã kê biên, phong tỏa tài sản của ông Trí để đảm bảo thu hồi tài sản cho vụ án.

Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng, tiêu cực do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban hồi tháng 8 có yêu cầu các vụ án như Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát... cần được đẩy nhanh tiến độ, kết thúc điều tra, truy tố, xét xử.

Cổ phiếu bị bán tháo, nhiều ông chủ lao đao

Từ cuối năm 2022 và ngay những ngày cuối tháng 9 vừa qua, khi thị trường chứng khoán trải qua nhiều biến động khó lường, một số mã cổ phiếu ngành bất động sản bị giảm giá. Khi đó, nhiều công ty chứng khoán ồ ạt bán giải chấp cổ phiếu của lãnh đạo và doanh nghiệp.

Một số mã cổ phiếu điển hình rơi vào tình trạng này như DXG - DXS liên quan Tập đoàn Đất Xanh, PDR của Công ty Phát Đạt, HPX của Công ty Đầu tư Hải Phát, Novaland của Tập đoàn Novaland.

Khi doanh nhân say sóng - 3

Chứng khoán biến động, nhiều cổ phiếu bị bán tháo (Ảnh: Hải Long).

Có giai đoạn, cổ phiếu PDR giảm sàn 12 phiên liên tiếp (tháng 11/2022). Sau đó, 7 công ty chứng khoán cùng bán giải chấp số lượng lớn cổ phiếu của ông Nguyễn Văn Đạt - Chủ tịch Phát Đạt.

Cổ phiếu DXS của Công ty cổ phần Dịch vụ Bất động sản Đất Xanh - Đất Xanh Service cũng gặp những phiên bị bán giải chấp. Công ty này là công ty con của Tập đoàn Đất Xanh (mã chứng khoán: DXG). Trong nửa đầu tháng 9, Tập đoàn Đất Xanh bị bán giải chấp gần 2 triệu cổ phiếu DXS vào ngày 5/9 và 13/9 và làm giảm tỷ lệ sở hữu về mức 55,8%.

Hay ông Đỗ Quý Hải - Chủ tịch Công ty Hải Phát Invest mới đây cũng bị nhiều công ty chứng khoán thông báo bán giải chấp khoảng 7 triệu cổ phiếu HPX. Điều này diễn ra trước khi cổ phiếu HPX bị đình chỉ giao dịch kể từ ngày 18/9 do vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin. Giá cổ phiếu HPX cũng lao dốc về khoảng 5.400 đồng/cổ phiếu.

Gia đình ông Bùi Thành Nhơn - Chủ tịch Novaland và các công ty liên quan cũng gặp nỗi buồn giải chấp từ cuối năm 2022, sang giữa năm 2023. Cuối năm 2022, vợ ông Nhơn bị bán giải chấp 29 triệu cổ phiếu NVL (ngày 29/11). Hay các công ty liên quan ông Nhơn như Diamond Properties hay NovaGroup đều từng bị bán giải chấp vài triệu cổ phiếu. Điều này khiến nhóm ông Bùi Thành Nhơn giảm tỷ lệ sở hữu ở Novaland dưới mức 50%.

Ông Bùi Thành Nhơn hồi tháng 4 năm nay cũng không thể vui khi vắng mặt trong danh sách tỷ phú Việt Nam năm 2023 của Forbes. Trước đó năm 2022, ông lần đầu lọt vào danh sách này với giá trị tài sản 2,9 tỷ USD.

Theo Forbes, 6 tỷ phú Việt gồm Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, CEO VietJet Air Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long, Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương và Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang.

Cũng liên quan tới cổ phiếu, người "không thể đen hơn" là ông Phạm Khánh Hưng, Chủ tịch Công ty cổ phần Đầu tư LDG (mã chứng khoán: LDG). Ông Hưng bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính vì đã có hành vi vi phạm hành chính "Không báo cáo về việc dự kiến giao dịch". Cụ thể, ông Hưng đã bán hơn 2,6 triệu cổ phiếu LDG vào ngày 15/8 nhưng không báo cáo Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HoSE) về việc dự kiến giao dịch.

Ngoài ra, ông Chủ tịch LDG còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán có thời hạn 4 tháng, kể từ ngày 25/8. Giao dịch bán cổ phiếu mà không báo cáo, không công bố thông tin trước khi thực hiện của ông Hưng đã bị HoSE thông báo hủy bỏ vào ngày 16/8.

Ông Hưng gửi lời xin lỗi sâu sắc đến cổ đông về giao dịch bán cổ phiếu mà chưa công bố thông tin. Ông khẳng định không có bất kỳ toan tính hay thủ thuật gì về giao dịch này. Giải trình với cơ quan quản lý nhà nước, ông Hưng cho biết thời gian thực hiện giao dịch đang đi công tác nên giao cho thư ký thực hiện công bố thông tin. Tuy nhiên, do nhân sự mới chưa nắm rõ quy định nên dẫn đến sai sót, làm chậm trễ quá trình công bố thông tin.