Chiêu "phù phép" của kiểm toán giúp Tân Hoàng Minh gom gần 14.000 tỷ đồng
(Dân trí) - 2 công ty kiểm toán là Nam Việt, CPA Hà Nội chấp nhận các bút toán ghi nhận doanh thu khống, giả chữ ký của kiểm toán viên... của 3 công ty con thuộc Tân Hoàng Minh. Nhiều chi tiết gây sốc được hé lộ.
3 công ty con của Tân Hoàng Minh Không đủ điều kiện phát hành trái phiếu
Theo kết luận điều tra, con trai ông Đỗ Anh Dũng là Đỗ Hoàng Việt (Phó tổng giám đốc phụ trách Tài chính - kế toán) nghiên cứu phương án, cách thức huy động vốn cho doanh nghiệp.
Đỗ Hoàng Việt cùng các đối tượng tại Trung tâm Tài chính - kế toán đã chọn 3 công ty con để phát hành trái phiếu riêng lẻ 9 lô trái phiếu, thu về 10.030 tỷ đồng.
3 công ty con này gồm: Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt (vốn điều lệ 1.600 tỷ đồng), Công ty cổ phần Đầu tư và dịch vụ khách sạn Soleil (vốn điều lệ 350 tỷ đồng), Công ty cổ phần Cung điện Mùa Đông (vốn điều lệ 216,6 tỷ đồng).
Theo quy định của Nghị định 153/2020 của Chính phủ về chào bán, giao dịch trái phiếu riêng lẻ, báo cáo kiểm toán với ý kiến chấp nhận toàn phần, không có nợ quá hạn là một trong số các điều kiện bắt buộc trong hồ sơ phát hành, chào bán trái phiếu.
Đối với Công ty Ngôi Sao Việt, theo báo cáo kê khai thuế kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty tại thời điểm 3 năm trước khi phát hành trái phiếu là: năm 2018 lỗ 10 tỷ đồng, năm 2019 lãi 216,4 tỷ đồng, năm 2020 lỗ 1 tỷ đồng (kê khai lần thứ 1 lãi 32,4 tỷ đồng; kê khai lần thứ 2 lãi 10,9 tỷ đồng).
Đối với Công ty Soleil, báo cáo kê khai thuế cho thấy năm 2018 lỗ 1,6 tỷ đồng, năm 2019 lãi 71,5 tỷ đồng, năm 2020 lỗ 135 tỷ đồng.
Đối với Công ty Cung Điện Mùa Đông, báo cáo kê khai thuế cho thấy năm 2018 lãi 9,4 tỷ đồng, năm 2019 lãi 210,4 tỷ đồng, năm 2020 lãi 63,8 tỷ đồng, năm 2021 lãi 1,8 tỷ đồng.
Kết luận điều tra cho thấy, với tình hình, kết quả hoạt động kinh doanh, sự liên quan, hiện hữu của các công ty con, công ty liên kết tại Công ty Ngôi Sao Việt và Công ty Soleil không đủ điều kiện để kiểm toán báo cáo tài chính với ý kiến chấp nhận toàn phần, để phát hành trái phiếu theo quy định tại Nghị định 53/2020.
Còn Công ty Cung Điện Mùa Đông có các chỉ tiêu tài chính nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục, có nợ quá hạn, không đủ điều kiện để kiểm toán báo cáo tài chính với ý kiến chấp nhận toàn phần.
Chiêu thức "làm đẹp" báo cáo tài chính của các công ty kiểm toán
Để phát hành được trái phiếu, Đỗ Hoàng Việt đã chỉ đạo cấp dưới tìm kiếm, thỏa thuận với các công ty kiểm toán đồng ý đưa ra ý kiến chấp nhận toàn phần đối với báo cáo tài chính của 3 công ty con, đảm bảo thời gian nhanh nhất.
Cuối tháng 5, đầu tháng 6/2021, các đối tượng đã thống nhất với Bùi Thị Ngọc Lân, Giám đốc Công ty Kiểm toán Nam Việt chi nhánh phía bắc kiểm toán báo cáo tài chính năm 2020 của Công ty Ngôi Sao Việt, Công ty Soleil; Lê Văn Dò, Tổng giám đốc Công ty CPA Hà Nội để kiểm toán báo cáo tài chính năm 2020, 2021 của Công ty Cung Điện Mùa Đông.
Phía Tân Hoàng Minh đặt vấn đề với Lân và Dò đồng ý đưa ra ý kiến chấp nhận toàn phần, phục vụ mục đích phát hành trái phiếu.
Tại Công ty Kiểm toán Nam Việt chi nhánh phía bắc, Bùi Thị Ngọc Lân thay vì làm việc với ban giám đốc, ban quản trị của Công ty Ngôi Sao Việt, Công ty Soleil thì lại trực tiếp thống nhất, thỏa thuận với đối tượng được Đỗ Hoàng Việt chỉ đạo với trị giá mỗi hợp đồng 121 triệu đồng (đã gồm VAT).
Bùi Thị Ngọc Lân phụ trách tổng thể 2 cuộc kiểm toán đã thực hiện không đầy đủ các quy định của Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam. Nhiều khoản mục chủ chốt chưa thực hiện kiểm tra hoặc thiếu bằng chứng kiểm toán vẫn được đưa ra kết luận.
Ví dụ như khi tiếp cận hồ sơ pháp lý, hồ sơ kế toán của Công ty Ngôi Sao Việt và Công ty Soleil cho đến khi phát hành Báo cáo kiểm toán độc lập, đối tượng này đã không trao đổi, làm việc với ban giám đốc, ban quản trị các công ty để tìm hiểu về tình hình quản trị, hoạt động kinh doanh, chấp nhận khách hàng, các vấn đề về nội dung, kết quả kiểm toán.
Đối với hạng mục đầu tư tài chính ngắn hạn và dài hạn, công ty kiểm toán này không kiểm tra, soát xét đối chiếu các tài liệu gốc mà chỉ căn cứ vào các hợp đồng chuyển nhượng photocopy. Ngoài ra công ty kiểm toán còn chấp nhận các bút toán ghi nhận doanh thu "khống" từ hoạt động tài chính của 2 công ty này.
Việc điều chỉnh các bút toán này đã "làm đẹp" tình hình hoạt động tài chính, sản xuất kinh doanh của Công ty Ngôi Sao Việt và Công ty Soleil, thể hiện các công ty làm ăn có lãi trong năm 2020.
Trên báo cáo tài chính có các dấu hiệu nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục nhưng các đối tượng không làm việc với ban giám đốc, không yêu cầu có phương án nhằm đảm bảo khả năng hoạt động liên tục và cũng không nêu ý kiến trên tại báo cáo kiểm toán độc lập.
Tại Công ty CPA Hà Nội, thay vì ký với ban giám đốc, ban quản trị theo quy định trong Chuẩn mực kế toán Việt Nam, Lê Văn Dò cũng ký hợp đồng với đối tượng do Đỗ Hoàng Việt chỉ đạo.
Tháng 6/2021, Lê Văn Dò phụ trách chung cuộc kiểm toán tại Công ty Cung Điện Mùa Đông. Tuy nhiên do dịch Covid-19, đến tháng 10/2021, Công ty CPA Hà Nội mới tiến hành kiểm toán và do Nguyễn Thị Hải, Phó tổng giám đốc, phụ trách chung.
Lê Văn Dò và 3 đối tượng khác soát xét báo cáo kiểm toán độc lập với ý kiến chấp nhận toàn phần mà chưa thu thập đủ bằng chứng kiểm toán. Ngày 3/11/2011, Phan Anh Hùng (Phó giám đốc Công ty CPA Hà Nội chi nhánh Sài Gòn) ký giả chữ ký Kiểm toán viên để công ty này phát hành báo cáo kiểm toán độc lập.
Tài liệu điều tra xác định Lê Văn Dò là người tiếp cận hồ sơ pháp lý, hồ sơ kế toán nhưng đã bỏ qua nhiều nội dung kiểm tra, đánh giá, đưa ra một số thông tin không chính xác.
Ví dụ như năm 2020 là năm đầu tiên kiểm toán nhưng lại xác định ý kiến của kiểm toán viên đối với báo cáo tài chính năm 2019 là chấp nhận toàn phần, đánh giá không có giao dịch bất thường cuối năm, không có giao dịch với bên liên quan, không có nghi ngờ về hoạt động liên tục, không làm việc, trao đổi với ban giám đốc, ban quản trị công ty các nội dung công việc của cuộc kiểm toán... trái với Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam.
Các đối tượng này cũng không làm việc với công ty về việc dòng tiền hoạt động sản xuất kinh doanh âm 180,9 tỷ đồng, không yêu cầu công ty có phương án nhằm đảm bảo khả năng hoạt động liên tục, không đánh giá về dòng tiền dự kiến, khả năng trả các khoản nợ ngân hàng và trái phiếu, không nêu ý kiến tại báo cáo kiểm toán độc lập.
Ngoài ra khi soát xét dự thảo báo cáo kiểm toán độc lập năm 2020, bà Vũ Thị Toản, cố vấn thuế của Công ty CPA Hà Nội, có nêu nội dung liên quan đến khoản tiền phạt do chậm nộp thuế thể hiện trên báo cáo tài chính nhưng các đối tượng này không điều chỉnh, không đưa ra ý kiến về nội dung này, mà đồng ý cho phát hành báo cáo kiểm toán với ý kiến chấp nhận toàn phần.
Sau khi có hồ sơ đủ điều kiện, nhóm công ty con này phát hành 9 gói trái phiếu, tổng giá trị phát hành là 10.030 tỷ đồng. Sau đó Tân Hoàng Minh ký hợp đồng giả cách mua lại tổng cộng 10.029,96 tỷ đồng, trở thành trái chủ sơ cấp.
Tân Hoàng Minh bán ra và huy động được 13.972,5 tỷ đồng. Trong đó 5.165,3 tỷ đồng là tiền của người mua sau trả cho người mua trước, còn lại chiếm đoạt 8.807,3 tỷ đồng của 6.631 khách hàng.