DNews

Khách "thắt chặt hầu bao" sắm Tết?

Huỳnh Anh Mỹ Tâm

(Dân trí) - Dịp Tết Nguyên đán năm nay, người tiêu dùng ưu tiên chi tiêu tiết kiệm, cắt giảm những khoản không cần thiết, tập trung vào hàng hóa thiết yếu và tận dụng các chương trình khuyến mại.

Khách "thắt chặt hầu bao" sắm Tết?

"Không bày vẽ, cắt giảm được gì tốt cho ví tiền thứ đấy"

Chị Ngọc Anh (Hà Nội) cho biết quyết định năm nay không biếu rượu trong giỏ quà Tết mà bổ sung thêm một ít bánh mứt sản xuất trong nước. "Hàng nội địa nhưng nếu khéo chọn các loại đặc sản vẫn đảm bảo tiêu chí ngon, bổ rẻ", chị nói. Theo chị, tiêu chí mua sắm bây giờ là "không bày vẽ, cắt giảm được gì tốt cho ví tiền thứ đấy".

Chị Ngọc Anh không phải người tiêu dùng duy nhất chọn cách chi tiêu này.

Thanh Huyền (Hà Nội) dự kiến Tết này không sắm quần áo mới và không làm tóc để dồn tiền cho các khoản cần thiết hơn. Cơ quan nơi Huyền đang làm năm nay chỉ có lương tháng 13, không có thưởng Tết. Để gói gọn chi tiêu Tết trong 30 triệu đồng, Huyền dự định giảm bớt lì xì cho họ hàng và tự chuẩn bị quà biếu như mứt dừa, ô mai, thay vì hoa quả nhập.

Thu Hiền (Hà Nội), nhân viên của một cơ quan Nhà nước, vừa chính thức nghỉ việc sát Tết. "Năm nay, tôi không có lương tháng 13 và thưởng Tết, chỉ có khoản tiền thưởng Tết dương còn lại", Hiền nói. "Cuối năm là dịp để gặp gỡ nên tôi vẫn chuẩn bị quà cho 2 bên nội, ngoại, nhưng phải thay bằng các túi quà tết với giá trị phù hợp hơn chứ không được như năm ngoái", Hiền chia sẻ.

Khi người tiêu dùng cắt giảm mức chi tiêu, hạn chế mua hàng hơn trước, nhiều tiểu thương cũng phải xoay xở về chiến lược kinh doanh. Chị Lưu, chủ một tiệm tạp hóa trên đường Trần Thái Tông (Hà Nội), chủ động gói những set quà Tết vừa phải, không đắt đỏ để tránh tình trạng ế ẩm.

"Nếu mọi năm, giỏ quà, set tự chọn phổ biến ở mức giá 800.000-900.000 đồng thì giờ chỉ còn 400.000-600.000 đồng", chị Lưu cho hay. Theo chị, khách hàng năm nay chuộng mua bánh kẹo, đồ uống, các sản phẩm vệ sinh nhà cửa - những hàng hóa liên quan trực tiếp, không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên đán.

Khách thắt chặt hầu bao sắm Tết? - 1

Các siêu thị đẩy mạnh các chương trình khuyến mại, mua 1 tặng 1 (Ảnh: Mỹ Tâm).

Tuy giá trị đơn hàng chỉ đi ngang hoặc giảm, song sức mua của người dân tăng so với những ngày thường. Tranh thủ những ngày cận Tết, chị Vy Anh rủ con gái đi sắm Tết. "Sát Tết, việc công ty lẫn việc nhà dồn ứ khiến tôi đến giờ này mới có thời gian mua sắm", chị nói.

Ngoài ra, chị cũng muốn chắc chắn về khoản thưởng của 2 vợ chồng để phân bổ các khoản chi, tránh thiếu trước hụt sau. Thêm nữa, chị cho rằng dịp Tết có nhiều khuyến mại. Đi mua sẽ có nhiều lựa chọn về giá cả.

Nhân viên của một cửa hàng Winmart ở Hà Nội cho biết, các năm trước, từ đầu tháng Chạp là khách bắt đầu mua sắm. Nhưng năm nay, 2-3 tuần trước Tết, mọi người vẫn chưa mạnh tay, chỉ mới sôi nổi hơn khoảng vài ngày gần đây. Ngoài ra, theo nhân viên này, để tiết kiệm hơn, người tiêu dùng có xu hướng ưu tiên mua hàng vào những ngày mà các hệ thống siêu thị có nhiều khuyến mại.

"Hầu hết mặt hàng đều có khuyến mại dịp này", cô nói. "Phải chờ đợi, chen chúc, nhưng cận Tết, các đợt khuyến mại nhiều, sâu hơn. Đi mua sắm lúc này cũng có không khí nhộn nhịp", cô bổ sung. 

Thắt chặt hầu bao khi sắm Tết

Số liệu từ công ty dữ liệu Kantar Worldpanel Việt Nam cho thấy, 3 năm qua, giá trị đóng góp của 2 tháng Tết vào kết quả cả năm trong ngành tiêu dùng nhanh (FMCG) đã giảm dần, từ 21% xuống 19% ở thành thị và 24% xuống 21% ở nông thôn.

Vì vậy, các nhà sản xuất và nhà phân phối phải nắm bắt và đáp ứng được xu hướng của người tiêu dùng muốn đón và chuẩn bị cho Tết Nguyên đán giản đơn hơn, tiện lợi hơn.

Tương tự, theo báo cáo "Khảo sát Người tiêu dùng tại châu Á - Thái Bình Dương năm 2024" của PwC tại Việt Nam cũng cho thấy lạm phát là rủi ro hàng đầu đối với đại đa số người tiêu dùng Việt trong 12 tháng tới.

Cụ thể, 63% người tiêu dùng dự kiến sẽ tăng chi tiêu cho các mặt hàng nhu yếu phẩm, tiếp theo là quần áo (52%) và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe (48%). Dữ liệu này cho thấy bên cạnh việc chuẩn bị cho ngày Tết, người dân cũng quan tâm đến việc chăm sóc sức khỏe bản thân và gia đình. 

Khách thắt chặt hầu bao sắm Tết? - 2

Lạm phát là rủi ro hàng đầu đối với đại đa số người tiêu dùng Việt trong 12 tháng tới (Ảnh: Thành Đông).

Bên cạnh đó, nền tảng dữ liệu Metric cũng dự đoán doanh số bán lẻ trên các sàn thương mại điện tử sẽ tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán.

Báo cáo về hành vi mua sắm của người tiêu dùng trong dịp Tết do Metric thực hiện mới đây cho thấy, trong dịp Tết, các nhóm hàng, ngành hàng có tiềm năng tăng trưởng mạnh trên các sàn thương mại điện tử là thực phẩm đồ uống, đặc biệt là thực phẩm tươi sống, rau củ, bánh kẹo, đồ uống không cồn. Ngoài ra, các sản phẩm làm đẹp, thời trang và quà tặng Tết được dự báo cũng sẽ tăng trưởng.

Theo đơn vị này, người tiêu dùng cũng có xu hướng mua sắm tiết kiệm hơn bằng cách chủ động mua sắm Tết sớm, tìm kiếm khuyến mại gần Tết. Chi tiêu cho thực phẩm và đồ uống tốt cho sức khỏe cũng sẽ được ưu tiên. 

Để thu hút người tiêu dùng dịp Tết, các nhà bán hàng trên mạng được khuyến cáo đẩy mạnh ngân sách chạy quảng cáo cao hơn 10-30% so với ngày thường. Trước đó, trong dịp Tết năm 2024, tổng doanh số trên các sàn bán lẻ trực tuyến chiếm 4,6% tổng doanh thu của thị trường bán lẻ Việt Nam, tăng hơn 100% so với năm 2023.

Xu hướng sắm Tết tiết kiệm, đơn giản

Xu hướng mua sắm năm nay được nhìn nhận là tiết kiệm, chỉ tập trung vào hàng hóa thiết yếu. Các mặt hàng được ưa chuộng chủ yếu là mặt hàng thiết yếu như thực phẩm tươi sống, các mặt hàng được tiêu thụ nhiều trong dịp lễ Tết là bánh kẹo, nước giải khát... với phân khúc giá tầm trung.

Cụ thể, khách hàng chủ yếu chọn bánh kẹo ở phân khúc giá từ 100.000 đồng đến 250.000 đồng, ưu tiên các sản phẩm của thương hiệu uy tín và có thiết kế bao bì đẹp mắt.

Dự kiến trong những ngày tới, nhu cầu tiêu dùng sẽ tiếp tục gia tăng mạnh mẽ khi Tết Nguyên đán cận kề.

WinCommerce ghi nhận lượng khách đến mua sắm tại hệ thống siêu thị bắt đầu tăng khoảng 10-20% so với ngày thường, đặc biệt đông vào các khung giờ cao điểm buổi tối và cuối tuần.

Tương tự, sức mua tại GO!, Big C, Tops Market đang tăng dần từng ngày, sức mua tập trung vào các mặt hàng như bánh kẹo, bia rượu, nước ngọt, thịt nguội, trái cây nhập khẩu, đồ trang trí Tết và nhóm hàng mùa vụ Tết như lạp xưởng, dưa món, củ kiệu, giò chả cũng như các mặt hàng tươi sống như thịt heo, thịt gà, trái cây...

Các hệ thống siêu thị dự báo sức mua dịp Tết Nguyên đán sẽ tăng khoảng 20% so với ngày thường. Về phía cung ứng, các hệ thống siêu thị đã chủ động thực hiện công tác dự trữ hàng hóa từ sớm với lượng dự trữ tăng 10-20%, bảo đảm lượng hàng hóa đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong suốt dịp Tết.

Các siêu thị cũng đã chủ động dự trữ nhằm đảm bảo nguồn cung và duy trì mức giá ổn định trong suốt dịp Tết, đặc biệt là đối với những mặt hàng thực phẩm tươi sống như thịt lợn, gà, rau củ quả, các sản phẩm cúng Tết hay các loại gia vị, mặt hàng có lượng tiêu thụ cao như bánh mứt kẹo, đồ uống... 

Khách thắt chặt hầu bao sắm Tết? - 3

Xu hướng mua sắm năm nay được nhìn nhận là tiết kiệm, chỉ tập trung vào hàng hóa thiết yếu (Ảnh: Đỗ Ngọc Lưu).

Để thúc đẩy tiêu dùng trong nước và tạo tiền đề cho tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa trong năm nay, Bộ Công Thương chỉ đạo Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động triển khai thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

Sở Công Thương các tỉnh, thành phố cũng cần tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp để dự báo nhu cầu tiêu dùng, từ đó xây dựng kế hoạch cung ứng hàng hóa phù hợp; tăng cường tổ chức các chương trình khuyến mại tập trung quy mô lớn, đồng bộ trên toàn quốc, tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ, khuyến khích người dân mua sắm hàng Việt Nam.