Chi tiêu Tết thế nào với 20 triệu đồng?

Minh Huyền

(Dân trí) - Tết Nguyên đán luôn là dịp cần chi tiêu nhiều nhất năm, nhiều người vì thế nảy sinh tâm lý "sợ Tết". Do đó, tùy điều kiện từng người và từng gia đình mà lên kế hoạch chi tiêu hợp lý.

Năm nay, công ty chị Thùy Linh (quận Đống Đa, Hà Nội) cắt giảm nhân sự sát Tết. May mắn không nằm trong diện cắt giảm nhưng thưởng Tết của chị chỉ được vỏn vẹn hơn 10 triệu đồng, giảm hơn một nửa so với năm ngoái. "Kinh tế khó khăn việc sắm Tết của gia đình cũng sẽ hạn chế hơn, chỉ tập trung mua sắm những đồ thiết yếu, đơn giản hơn trước và biếu Tết bố mẹ", chị nói.

Không chỉ chị Linh mà dịp Tết Nguyên đán năm nay, nhiều người đã dần quen với việc mua sắm tiết kiệm, chú trọng chất lượng sản phẩm và tận hưởng thời gian để nghỉ ngơi. Bên cạnh đó, thu nhập, thưởng Tết giảm so với mọi năm cũng khiến họ cân nhắc kỹ hơn trước mỗi khoản mua sắm. 

Dè dặt mua sắm Tết

Cận Tết Nguyên đán, Bích Ngọc (quận Hà Đông, Hà Nội) dự định dành ra khoảng 8 triệu đồng cho dịp Tết. Trong đó, 4 triệu đồng biếu bố mẹ, 2 triệu đồng chi tiêu cá nhân như quần áo, giày dép, phụ kiện và 2 triệu còn lại sẽ dành cho các khoản dự phòng như lì xì người thân, ăn uống với bạn bè.

"Mọi năm, tôi đều làm tóc, móng dịp Tết nhưng năm nay, mọi thứ đều cắt giảm. Việc mua sắm cũng được ưu tiên vào các đợt sale cuối năm. Vì chưa có gia đình nên việc sắm Tết khá đơn giản", Ngọc nói và thừa nhận vài năm gần đây, tinh thần sắm Tết không còn rộn ràng như trước.

Thực tế, còn khoảng một tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ, nhưng nhiều người thừa nhận họ cảm nhận không khí mua sắm năm nay ảm đảm hơn so với mọi năm, các điểm bày bán hoa, cây cảnh cũng thưa thớt.

Chi tiêu Tết thế nào với 20 triệu đồng? - 1

Kinh tế khó khăn, việc sắm Tết của người dân chủ yếu tập trung các mặt hàng bánh kẹo, thức uống, hàng tươi sống, đồ khô, thực phẩm thiết yếu... (Ảnh: Thành Đông).

Trên đoạn đường dài khoảng 600m tại đường Lê Quang Đạo (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), các quầy hàng nằm san sát nhau với số lượng đào, quất, mai... lên đến hàng nghìn chậu. Tuy nhiên, lượng khách mua không đông. Thậm chí, có tiểu thương còn tranh thủ chợp mắt vì... vắng khách.

Tương tự, trên các tuyến phố ở Hà Nội như Hoàng Minh Giám, Lê Văn Lương (quận Cầu Giấy), hay Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân)... chỉ có lác đác vài điểm bán quất cảnh. Một số người dừng lại hỏi giá rồi rời đi. 

Theo báo cáo Xu hướng mua sắm Tết 2025 được Kantar Worldpanel Việt Nam - thuộc công ty nghiên cứu thị trường có trụ sở tại Anh, cũng dự báo hành vi mua sắm Tết của người Việt dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ sẽ có nhiều thay đổi. 

Tình hình tài chính của các gia đình đang dần ổn định nhưng chưa hoàn toàn phục hồi so với trước Covid-19. Điều này tác động nhiều đến hành vi mua sắm của họ. Người tiêu dùng sẽ tiếp tục so sánh giá cả, khám phá các kênh khác nhau để có được ưu đãi tốt nhất và ưu tiên các dịch vụ hướng đến giá trị.

Kantar dự đoán tốc độ tăng trưởng ngành hàng tiêu dùng nhanh trong dịp Tết 2025 sẽ đạt 1-3%, trong đó khu vực thành thị có mức tăng trưởng thấp hơn khu vực nông thôn. 

"Những sản phẩm, dịch vụ tiết kiệm thời gian, tiền bạc, công sức, đồng thời mang lại giá trị và những nhu cầu thiết yếu sẽ được đặc biệt ưu ái trong dịp Tết 2025. Người tiêu dùng Việt mong muốn một mùa Tết an nhàn, thoải mái khi có thể dành nhiều thời gian hơn cho bản thân và gia đình", báo cáo đánh giá.

Chi tiêu ra sao với 20 triệu đồng?

Chi tiêu thông minh trong dịp Tết Nguyên đán luôn là vấn đề được nhiều người quan tâm. Việc lập kế hoạch chi tiêu một cách hợp lý sẽ giúp gia đình bạn có được một cái Tết đủ đầy mà không quá lo lắng về vấn đề tài chính.

Việc tiêu Tết phụ thuộc vào cách mỗi người phân bổ số tiền của mình theo từng nhu cầu. Tuy nhiên điều quan trọng để tránh "vung tay quá trán" là cần lập bảng chi tiêu cụ thể các khoản cần chi trong dịp Tết.

Cụ thể, từ các khoản chi tiêu làm đẹp cho bản thân đến lên danh sách các đồ cần mua, các khoản tiền cần biếu, lì xì… Trước khi đi mua sắm Tết nên lập kế hoạch cụ thể mua gì, dự trù bao nhiêu tiền cho sản phẩm đó rồi đến nơi chỉ cần đi tìm những đồ mình cần nhằm tránh sa đà vào các chương trình khuyến mãi, giảm giá.

Từ kinh nghiệm của nhiều người tiêu dùng, dưới đây là một số gợi ý việc chi tiêu 20 triệu đồng cho gia đình dịp Tết:

- Thực phẩm Tết (4 triệu đồng): Với 4 triệu đồng, bạn có thể chuẩn bị những món ăn truyền thống như: Bánh chưng, thịt gà, giò chả, thịt đông, dưa hành... và các loại mứt, bánh kẹo Tết. Việc chuẩn bị một số món ăn truyền thống tại nhà thay vì mua sẵn sẽ giúp bạn tiết kiệm được một khoản đáng kể.

- Lì xì bố mẹ và các cụ già, cháu nhỏ (8 triệu đồng): Với ngân sách 8 triệu đồng, bạn nên dành khoảng 6 triệu đồng để lì xì bố mẹ hai bên nội, ngoại và 2 triệu đồng còn lại để lì xì người lớn tuổi và cháu nhỏ. 

Chi tiêu Tết thế nào với 20 triệu đồng? - 2

Nhiều người đã quen với xu hướng sắm Tết đơn giản, chú trọng chất lượng sản phẩm, tận hưởng thời gian để nghỉ ngơi (Ảnh: Thành Đông).

- Trang trí nhà cửa (2 triệu đồng): Trong dịp Tết, việc trang trí nhà cửa với đào, quất, hoa sẽ mang lại không khí rộn ràng và ấm cúng. Bạn có thể dành khoảng 2 triệu đồng để mua một cành đào và hoa tươi trang trí đơn giản.

- Quần áo cho gia đình (4 triệu đồng): Đón Tết với quần áo mới, sạch sẽ luôn là phong tục của người Việt, có ý nghĩa là bỏ cái cũ và chào đón cái mới. Với ngân sách 4 triệu đồng, bạn có thể tìm mua vài bộ quần áo mới cho từng thành viên trong gia đình, đặc biệt nên tận dụng khuyến mãi lớn của các cửa hàng dịp cuối năm.

- Các khoản dự phòng phát sinh (2 triệu đồng): Phần ngân sách này sẽ dành cho các chi phí phát sinh, giúp bạn có thể linh hoạt trước những tình huống bất ngờ mà không làm ảnh hưởng đến kế hoạch chi tiêu đã đề ra.

Thực tế, một số người cho rằng, hãy sắm Tết thật đơn giản, đừng đặt nặng giá trị quà tặng, tiền lì xì; đừng mua quá nhiều thực phẩm vì mùng 1 Tết một số chợ, siêu thị vẫn mở cửa... mà hãy tập trung tận hưởng thời gian để nghỉ ngơi, gặp gỡ người thân, bạn bè.

iMoney là dòng sản phẩm chuyên các bài viết về tư vấn đầu tư, tư vấn tiêu dùng, được đăng tải vào thứ 4 mỗi tuần trên báo Dân trí.

iMoney sẽ giải đáp thắc mắc của độc giả về đầu tư, tiêu dùng, tư vấn tài chính, các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản, tiền mã hóa, tư vấn tiêu dùng cũng như chia sẻ các tip tiêu dùng thông minh, hiệu quả...