DNews

Kế hoạch áp thuế của ông Trump sẽ "giáng đòn trực diện" vào loạt quốc gia?

Phương Liên

(Dân trí) - Lệnh áp thuế đối ứng của Tổng thống Mỹ Donald Trump với các đối tác thương mại có thể dẫn tới 2 kịch bản là các bên bước vào đàm phán để giảm thuế hoặc châm ngòi cho những đòn trả đũa qua lại.

Kế hoạch áp thuế của ông Trump sẽ "giáng đòn trực diện" vào loạt quốc gia?

Mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh áp thuế nhập khẩu đối ứng với tất cả các nước áp thuế lên hàng hóa Mỹ.

"Chúng tôi muốn một sân chơi sòng phẳng. Hệ thống thuế nhập khẩu đối ứng có thể mang lại sự công bằng", ông cho biết trong cuộc họp báo trước thềm cuộc họp với Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi.

Các chuyên gia nhận định động thái này có thể khởi động một loạt cuộc đàm phán dẫn tới giảm thuế, song cũng có nguy cơ châm ngòi cho những đòn trả đũa qua lại.

Thuế quan đối ứng là gì?

Thuế quan là thuế áp dụng với hàng hóa nhập khẩu từ một quốc gia vào một quốc gia khác. Còn thuế quan đối ứng, như ông Trump tuyên bố trong chiến dịch tranh cử: "Ăn miếng trả miếng, thuế quan trả thuế quan, cùng chính xác một số tiền".

Theo đó, Mỹ sẽ áp thuế nhập khẩu với hàng hóa các nước tương đương mức họ hiện áp với hàng hóa Mỹ.

"Họ tính thuế hoặc thuế nhập khẩu đối với chúng tôi và chúng tôi cũng tính thuế tương tự đối với họ. Không ai biết con số đó là bao nhiêu trừ khi bạn tính theo từng quốc gia", ông Trump giải thích.

Kế hoạch áp thuế của ông Trump sẽ giáng đòn trực diện vào loạt quốc gia? - 1

Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh ngày 13/2 (Ảnh: Reuters).

Một quan chức Nhà Trắng cho biết đối tượng là mọi quốc gia, không quan trọng đó là đối thủ cạnh tranh chiến lược hay là các nước đồng minh. "Mỗi quốc gia trong số này đều lợi dụng chúng ta theo những cách khác nhau, và tổng thống mô tả đây là tình trạng thiếu có đi có lại", quan chức này nói.

Thuế quan có đi có lại đồng nghĩa Washington sẽ tăng thuế nhập khẩu cùng mức các quốc gia khác đang áp dụng vào sản phẩm nhập khẩu Mỹ, do đó các khoản sẽ áp dụng theo từng quốc gia.

Bên cạnh xem xét mức thuế với hàng hóa Mỹ, ông Trump cũng suy tính tới các yếu tố phi thuế quan như thuế giá trị gia tăng (VAT).

Khi nào có hiệu lực?

Ông Howard Lutnick - người được ông Trump đề cử làm Bộ trưởng Thương mại Mỹ - cho biết các nhân viên dưới quyền sẽ sẵn sàng trình kế hoạch lên Tổng thống Mỹ vào ngày 1/4.

Sau đó, ông Trump sẽ toàn quyền quyết định thời điểm ban hành bất kỳ mức thuế quan mới được khuyến nghị nào. Họ sẽ xem xét trước các trường hợp có thặng dư thương mại lớn nhất và áp dụng thuế nhập khẩu cao nhất với Mỹ.

Quá trình này có thể mất nhiều tuần hoặc nhiều tháng. Quy định thuế quan mới sẽ được áp dụng theo các thẩm quyền pháp lý liên quan đến an ninh quốc gia, thương mại không công bằng hoặc quyền hạn kinh tế khẩn cấp.

Quan chức Nhà Trắng cho biết thuế nhập khẩu đối ứng có thể không có hiệu lực ngay. Có thể phải vài tuần hoặc vài tháng sau mới được áp dụng. Động thái này nhằm cho phép các quốc gia có thời gian đàm phán các điều khoản thương mại mới với Mỹ.

Kế hoạch áp thuế của ông Trump sẽ giáng đòn trực diện vào loạt quốc gia? - 2

Một góc cảng container ở Liên Vân Cảng, Giang Tô, Trung Quốc (Ảnh: Reuters).

Bà Christine McDaniel, nhà nghiên cứu cấp cao tại Đại học George Mason, nhận định rằng thông báo mới của ông Trump giống lời mời đàm phán.

Tổng thống Mỹ cũng gợi ý các nước giảm thuế nhập khẩu hoặc loại bỏ hoàn toàn thuế này. Các nước có áp dụng hệ thống VAT cũng bị coi là áp thuế nhập khẩu, và việc chuyển hàng sang nước thứ 3 để né thuế sẽ không được chấp nhận. Ông ví dụ châu Âu áp dụng VAT tới 20%, khiến nhiều doanh nghiệp Mỹ phải chịu thiệt hại.

Thuế quan mới của ông Trump thực sự nhắm vào ai?

Kế hoạch áp thuế nhập khẩu đối ứng đã được ông công bố từ cuối tuần trước. Khi đó, ông Trump khẳng định việc này sẽ giúp Mỹ "được đối xử công bằng như các nước khác". Giới phân tích của JPMorgan dự đoán thuế quan có đi có lại sẽ tác động tới những nền kinh tế mới nổi đang áp dụng mức thuế quan cao với các sản phẩm của Mỹ.

Nhà Trắng nhắc đến một số quốc gia như Brazil và Ấn Độ khi công bố kế hoạch thuế quan mới nhất. Họ chỉ ra mức thuế ethanol của Mỹ là 2,5%, trong khi Brazil áp 18% với ethanol xuất khẩu của Mỹ.

Ông Trump cũng tuyên bố sẽ sớm áp thuế nhập khẩu riêng với ô tô vào Mỹ. Tổng thống Mỹ từ lâu đã phàn nàn về việc Liên minh châu Âu (EU) áp thuế 10% với xe hơi nhập khẩu. Trong khi đó, mức này ở Mỹ chỉ là 2,5%. Ông thường xuyên chỉ trích châu Âu không mua xe Mỹ nhưng xuất khẩu hàng triệu chiếc vào Mỹ mỗi năm.

Trong các cuộc điều trần gần đây, ông Howard Lutnick bày tỏ lo ngại về thuế nhập khẩu cao của Ấn Độ. Ông Jamieson Greer - người được ông Trump đề cử vào chức Đại diện Thương mại Mỹ - cũng phàn nàn về thuế nhập khẩu và rào cản thương mại của Brazil.

Kế hoạch áp thuế của ông Trump sẽ giáng đòn trực diện vào loạt quốc gia? - 3

Nhà Trắng nhắc đến một số quốc gia như Brazil và Ấn Độ khi công bố kế hoạch thuế quan mới nhất (Ảnh: FT).

Trước đó, chuyên gia từ Goldman Sachs nhận định việc áp thuế quan đối ứng để giải quyết những vấn đề phi thuế quan như VAT sẽ làm tăng đáng kể mức thuế quan trung bình thực tế.

Ông Maurice Obstfeld, thành viên cấp cao tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, cảnh báo các quốc gia có thể trả đũa nếu ông Trump tăng gấp đôi các khoản thuế khác nhau: "Càng nhiều nước lớn hành động, càng có nhiều quốc gia có động lực tiếp bước".

Việc Mỹ tăng thuế quan cũng sẽ tác động đến chính những nhà nhập khẩu của nước này.

Ông Obstfeld nói thêm chính sách của ông Trump dường như muốn các quốc gia phân biệt đối xử có lợi cho Mỹ. Ví dụ như Brazil giảm thuế đối với ô tô của Mỹ, nhưng vẫn giữ nguyên với tất cả ô tô nước khác.

Liệu có còn quá sớm để đánh giá tác động?

Áp thuế nhập khẩu đối ứng là một trong những cam kết cốt lõi trong chiến dịch vận động tái tranh cử tổng thống của ông Trump nhằm cân bằng lợi ích với các quốc gia áp thuế vào hàng hóa Mỹ và giải quyết những gì chính khách Cộng hòa này coi là hoạt động thương mại không công bằng.

Tuy nhiên, nguồn tin của Reuters cho biết việc cấu trúc loại thuế này là một thách thức với các quan chức chính quyền Trump. Vì họ sẽ phải rà soát thuế hiện áp dụng với hàng nghìn sản phẩm của gần 190 quốc gia. Đó là lý do ông Trump chưa thể công bố thuế nhập khẩu đối ứng ngay đầu tuần như tuyên bố trước đó.

Các động thái mới của Tổng thống Trump khiến không khí thương chiến ngày càng nóng. Ủy ban châu Âu, cơ quan đàm phán các mối quan hệ thương mại cho khối, cho biết chưa rõ các biện pháp đối phó nào sẽ được áp dụng. Trong khi đó, giới chức và các nhà quan sát cho rằng chính sách mới sẽ nhắm vào các bang Cộng hòa và các mặt hàng xuất khẩu truyền thống mạnh của Mỹ.

Ngay sau quyết định của Tổng thống Trump, Bộ trưởng Thương mại EU đã lên lịch cuộc họp khẩn cấp để bàn về cách đối phó. Theo Reuters, EU có thể chọn tái kích hoạt các mức thuế mà khu vực này áp dụng với rượu, xe máy nhập khẩu Mỹ từ năm 2018, nhưng đã được cựu Tổng thống Mỹ Joe Biden thỏa thuận đình chỉ tới cuối tháng 3 năm nay.

AP cũng cho rằng các biện pháp đối phó của EU có thể tương tự như lần ông Trump phát động thuế quan lên hàng hóa châu Âu nhiệm kỳ đầu. Bernd Lange, Chủ tịch Ủy ban Thương mại Nghị viện châu Âu, cảnh báo các biện pháp đáp trả lần đó chỉ là tạm hoãn và có thể dễ dàng được khôi phục hợp pháp.

Căng thẳng thương mại toàn cầu leo thang vài tuần qua, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 1/2 ký sắc lệnh áp thuế 25% với hàng hóa Canada, Mexico và 10% với hàng hóa Trung Quốc. Tuy nhiên, ngày 3/2, ông thông báo hoãn áp thuế nhập khẩu với Mexico và Canada, sau khi đạt thỏa thuận siết hoạt động buôn lậu và nhập cư với 2 nước này.

Thuế nhập khẩu của Mỹ với Trung Quốc vẫn có hiệu lực từ ngày 4/2. Ngay lập tức, Trung Quốc áp thuế trả đũa với mức 10-15%. Nước này cũng điều tra chống độc quyền với Google, siết xuất khẩu hàng loạt kim loại quan trọng và đưa 2 công ty Mỹ vào danh sách đen.

Đầu tuần này, ông Trump cũng thông báo áp thuế 25% lên toàn bộ nhôm, thép nhập khẩu vào Mỹ.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh Chính phủ Thế giới tổ chức ở Dubai ngày 11/2, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva nhận xét thuế nhập khẩu của Mỹ "là vấn đề biến đổi liên tục".

"Nhiều chính sách thương mại đã được công bố từ trong chiến dịch tranh cử, nhưng vẫn còn rất nhiều ẩn số. Hiện tại còn quá sớm để nói về tác động của việc này lên kinh tế toàn cầu", bà cho biết.

Tổng giám đốc IMF nhấn mạnh việc đánh giá tác động phụ thuộc chủ yếu vào triển vọng lạm phát toàn cầu. Tuy nhiên, lạm phát hiện cũng khó đoán. "Chúng ta cần quan sát xem mọi việc diễn ra như thế nào. Vì có thể ở một số nước, tăng trưởng xuống dốc sẽ khiến các ngân hàng trung ương phải hạ lãi suất. Sức ép lạm phát có thể không lớn", bà cho biết.

Bên cạnh đó, phản ứng của các quốc gia trước chính sách của Mỹ cũng khó dự báo, khiến việc đánh giá ảnh hưởng của thuế nhập khẩu càng mơ hồ.

Cũng tại sự kiện, bà Georgieva nhận định kinh tế toàn cầu hiện rất sôi động, bất chấp nhiều cú sốc chưa từng có tiền lệ gần đây. Tổ chức này dự báo GDP thế giới tăng 3,3% năm 2025, nhỉnh hơn so với 3,2% năm ngoái.

Một số nhà quan sát cảnh báo, dù vẫn còn nhiều câu hỏi lớn về các kế hoạch, nhưng động thái mới của chính quyền Trump có thể châm ngòi nổ cho một cuộc chiến tranh thương mại toàn cầu và làm trầm trọng vấn đề lạm phát đang gia tăng ở Mỹ.