DNews

Xuất khẩu nhôm, thép của Việt Nam sẽ ra sao khi ông Trump áp thuế 25%?

Phương Liên Thanh Thương

(Dân trí) - Tổng thống Trump vừa ký sắc lệnh áp thuế 25% đối với thép và nhôm nhập khẩu, đánh dấu bước leo thang mới trong chính sách thương mại. Liệu thị trường xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng ra sao?

Xuất khẩu nhôm, thép của Việt Nam sẽ ra sao khi ông Trump áp thuế 25%?

Sắc lệnh áp thuế mạnh tay của Tổng thống Trump

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh áp thuế 25% đối với tất cả thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ. Thuế nhập khẩu nhôm sẽ tăng từ mức 10% áp dụng từ năm 2018 lên 25%.

Mức thuế này cao hơn thuế kim loại nhập khẩu vào Mỹ hiện nay, đánh dấu một bước leo thang lớn khác trong cuộc cải tổ chính sách thương mại của ông Trump. Các nước đang được miễn thuế nhôm, thép cũng sẽ không còn được quyền lợi này.

Thuế mới sẽ có hiệu lực từ ngày 4/3. Ông Trump cam kết nỗ lực này sẽ giúp thúc đẩy sản xuất và mang nhiều việc làm về Mỹ, đồng thời cảnh báo mức thuế có thể được nâng lên cao hơn.

Xuất khẩu nhôm, thép của Việt Nam sẽ ra sao khi ông Trump áp thuế 25%? - 1

Tổng thống Mỹ Donald Trump cầm sắc lệnh nâng thuế nhôm, thép (Ảnh: Reuters).

Tổng thống Trump cũng bổ sung quy định mới, yêu cầu thép nhập khẩu phải được "nung chảy và đúc" tại Bắc Mỹ để hạn chế thép và nhôm từ Trung Quốc vào Mỹ. 

Cố vấn Thương mại Nhà Trắng Peter Navarro khẳng định đây không phải là động thái "thuần thương mại". Ông giải thích rằng nỗ lực này sẽ đảm bảo Mỹ không còn phải dựa vào các nước khác trong các ngành quan trọng như nhôm, thép; chấm dứt việc nước ngoài xả hàng giá rẻ vào Mỹ và thúc đẩy sản xuất trong nước và bảo vệ các ngành công nghiệp trụ cột với an ninh quốc gia.

Nước nào xuất khẩu nhôm, thép vào Mỹ nhiều nhất?

Nền kinh tế Mỹ ngày nay không còn tập trung vào lĩnh vực sản xuất như trong quá khứ, nhưng mỗi năm vẫn tiêu thụ hàng chục triệu tấn thép. Vậy nên, siêu cường số một thế giới vẫn đều đặn nhập khẩu thép mỗi năm.

Thép nhập khẩu thường phục vụ cho các ngành công nghiệp như ô tô, hàng không vũ trụ, dầu mỏ và xây dựng. Thuế quan sẽ làm gia tăng chi phí sản xuất trong các ngành này bởi kim loại nhập khẩu sẽ trở nên đắt đỏ hơn. Đồng thời, các nhà sản xuất thép Mỹ cũng có khả năng sẽ tăng giá bán khi áp lực cạnh tranh từ các sản phẩm nhập khẩu giá rẻ giảm bớt, theo CNN

Theo Viện Sắt và Thép Mỹ (AISI), trong cả năm 2024, Canada là nước cung ứng nhiều thép nhất cho Mỹ. Canada xuất khẩu 5,95 triệu tấn thép sang Mỹ, giảm 5% so với năm trước đó. Kế tiếp lần lượt là Brazil, Mexico và Hàn Quốc.

Đáng chú ý, Việt Nam cũng nằm trong top 5 nhà cung cấp thép cho Mỹ trong năm 2024, đồng thời ghi nhận mức tăng trưởng lớn nhất trong số các thị trường. 

Cụ thể, Việt Nam có mức tăng lớn nhất trong số tất cả các sản phẩm thép nhập khẩu vào Mỹ trong năm ngoái, với lượng tăng 143%, tương đương 1,3 triệu tấn. Sự gia tăng này đồng nghĩa với việc Việt Nam đã vươn lên từ nguồn nhập khẩu thép lớn thứ 9 của Mỹ lên vị trí thứ 5.

Bên cạnh đó, Mỹ hiện phụ thuộc vào nhôm nhập khẩu, chủ yếu từ Canada, Các Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) và Trung Quốc, để đáp ứng phần lớn nhu cầu sản xuất của nước này, theo Bloomberg

Dữ liệu chính thức của Mỹ cho thấy Canada cũng là nhà cung ứng nhôm lớn nhất của nước này, chiếm lần lượt 56% và 58% khối lượng nhôm nhập khẩu vào Mỹ năm 2023 và 2024.

Trong năm 2024, 4 quốc gia tiếp theo cung ứng nhiều nhôm cho Mỹ nhất là UAE, Trung Quốc, Hàn Quốc và Bahrain. Các chuyên gia dự báo Canada có nguy cơ chịu ảnh hưởng lớn nhất khi các mức thuế quan kim loại mới của Mỹ được áp dụng.

Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump từng áp thuế quan 25% lên sản phẩm thép và 10% lên nhôm nhập khẩu, nhưng sau đó đã miễn thuế cho một số đối tác bao gồm Canada, Mexico và Brazil.

Việt Nam liệu có bị ảnh hưởng?

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Đỗ Ngọc Hưng - tham tán thương mại, trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam (Bộ Công Thương) tại Mỹ - cho biết kể từ năm 2018, hầu hết xuất khẩu thép của Việt Nam sang Mỹ đã chịu mức thuế 25% với thép và 10% với nhôm.

"Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, một số quốc gia lớn như Canada, Mexico, Brazil, Nhật Bản, Hàn Quốc... đã được miễn trừ khỏi mức thuế này, tạo ra sự không công bằng trong môi trường cạnh tranh cho các nhà xuất khẩu không được miễn trừ, trong đó có Việt Nam", ông Hưng nhìn nhận.

Theo ông, Việt Nam không nằm trong danh sách miễn trừ từ năm 2018, vì vậy thép xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ sẽ tiếp tục chịu mức thuế 25% trong giai đoạn tới.

Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ đánh giá, việc Mỹ sẽ áp dụng bổ sung thuế 25% với nhôm và thép nhập khẩu sẽ gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến các nước xuất khẩu nhôm thép vào Mỹ trong thời gian tới. Hiện Mỹ phụ thuộc vào nhu cầu nhập khẩu thép (chiếm 12-15%) và nhôm (chiếm 40-45%).

"Tuy nhiên, nếu Mỹ áp dụng với toàn bộ hàng hóa nhập khẩu, Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội tiếp tục xuất khẩu vì thực tế, năng lực sản xuất của các nhà sản xuất thép, nhôm của Mỹ chưa thể đáp ứng ngay nhu cầu trong nước. Tuy nhiên, biên độ lợi nhuận của các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ giảm xuống", ông Hưng nói.

Theo vị này, việc khó khăn trong xuất khẩu vào Mỹ cũng sẽ khiến chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng, thép và nhôm các nước khó xuất khẩu vào Mỹ sẽ tìm đường xuất khẩu sang các nước khác trong đó có Việt Nam.

Xuất khẩu nhôm, thép của Việt Nam sẽ ra sao khi ông Trump áp thuế 25%? - 2

Những cuộn thép tại nhà máy Hyundai Steel ở Hàn Quốc (Ảnh: Reuters).

Thêm vào đó, việc áp thuế cao đối với các mặt hàng xuất khẩu sẽ khiến các công ty thép quay trở lại thị trường nội địa và khiến các nước tăng cường bảo hộ với mặt hàng thép và nhôm. Điều này sẽ khiến quốc gia xuất khẩu thép như Việt Nam gặp khó khăn tại các thị trường khác, ngoài Mỹ.

Bên cạnh đó, ông Hưng cho rằng việc áp dụng mức thuế chung này có thể tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp thép Việt Nam. Khi không còn sự phân biệt giữa các quốc gia xuất khẩu vào Mỹ, các công ty Việt Nam sẽ không còn phải đối mặt với sự cạnh tranh về giá từ các quốc gia có mức thuế thấp hơn như Canada, Mexico hay Brazil trong quá khứ.

"Điều này giúp các doanh nghiệp của Việt Nam giảm bớt sức ép cạnh tranh về giá nếu tận dụng được các lợi thế so sánh. Tuy nhiên bất cứ điều chỉnh chính sách về thuế cũng sẽ tác động đến thị trường xuất khẩu", ông nhận định.

Do đó, trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ cho rằng doanh nghiệp Việt Nam cần đánh giá tình hình để có chiến lược kinh doanh phù hợp, mở rộng xuất khẩu sang các thị trường có FTA với Việt Nam, tránh phụ thuộc vào một thị trường.

"Tuân thủ các quy định của Mỹ về nguồn gốc xuất xứ và luôn sẵn sàng tham gia đầy đủ quá trình giải trình của cơ quan điều tra Mỹ các vụ việc Phòng vệ thương mại. Phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương (Cục Phòng vệ thương mại) và cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài theo dõi sát tình hình để có phản ứng phù hợp", ông Hưng lưu ý.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết thực tế từ năm 2018 đến nay, thép và nhôm Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ đã phải chịu mức thuế 25% và 10% đối với nhôm. "Vì vậy, doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng này sang Mỹ sẽ không chịu thêm nhiều ảnh hưởng sau tuyên bố mới của ông Trump", ông Đa nói.

Lãnh đạo Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng trước mắt, việc áp thuế này sẽ khiến thép Việt Nam gặp khó khăn trong việc cạnh tranh tại các thị trường khác, ngoài Mỹ. "Thời gian tới, Hiệp hội sẽ có đánh giá cụ thể tác động của việc Mỹ áp thuế nhập khẩu với mặt hàng này", ông Đa chia sẻ.

Theo một số chuyên gia, quyết định áp thuế không loại trừ bất cứ quốc gia nào của ông Trump sẽ mở ra cơ hội mới, tạo ra môi trường cạnh tranh công bằng cho tất cả nhà xuất khẩu thép vào Mỹ. "Các công ty thép Việt Nam sẽ không còn đối mặt với sự cạnh tranh không công bằng về chênh lệch thuế quan và hạn ngạch thuế quan từ các quốc gia như Canada, Mexico, Brazil", một chuyên gia ngành thép nhận định.

Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 12,62 triệu tấn thép, tăng 13,47% so với cùng kỳ năm 2023. Giá trị xuất khẩu đạt 9,08 tỷ USD tăng 8,78% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong đó, lượng thép xuất khẩu sang Mỹ trong năm vừa qua đạt gần 1,7 triệu tấn, trị giá 1,3 tỷ USD. Tỷ trọng xuất khẩu thép sang Mỹ của Việt Nam lên 13%, tăng hơn 3% so với năm 2023.

Hiện, Mỹ là thị trường lớn thứ 3 trong tổng lượng xuất khẩu thép của Việt Nam, sau EU (23%) và ASEAN (26%). Các thị trường khác như Ấn Độ chiếm 6%, Đài Loan 4%, Brazil 3%, Thổ Nhĩ Kỳ 3%...

Trước đó, tại họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương diễn ra hồi tháng 1, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, cho biết Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Năm 2024, Việt Nam cũng là đối tác lớn thứ 8 của Mỹ, chiếm 4,13% tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này. 

"Trước đây, ảnh hưởng của hàng Việt Nam từ thuế quan của thị trường Mỹ chưa lớn. Trong năm nay, Bộ Công Thương đã vạch ra 2 kịch bản. Kịch bản khả quan là Mỹ duy trì chính sách thuế hiện hành đối với hàng Việt Nam. Trong xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng, Việt Nam hoàn toàn có thể đón nhận dòng đầu tư để gia tăng xuất khẩu", ông Hải nói.

Ở kịch bản thứ hai, lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu cho rằng nếu tác động thuế quan gắt gao, chặt hơn có thể tác động đến kinh tế toàn cầu, khiến xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam có thể ảnh hưởng ít nhiều. 

"Thị trường Trung Quốc - đối tác lớn của Mỹ nếu gặp khó khăn do bị áp thuế cũng sẽ tạo ra sức ép tại Mỹ và tạo sức ép với nước ta. Đối với kịch bản này, Bộ Công Thương sẽ xem xét báo cáo Chính phủ để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trong việc đa dạng hóa thị trường trong thời gian tới", ông Hải nhìn nhận.