DMagazine

Hé lộ điểm sáng của bức tranh kinh tế Việt Nam sau 2 năm đại dịch biến động

(Dân trí) - GDP cả năm tăng trưởng 8%, lạm phát được kiềm chế, Việt Nam trở thành điểm sáng trong khu vực đối với nhiều tổ chức quốc tế.

Bức tranh kinh tế Việt Nam sau 2 năm đại dịch

Đầu tháng 10/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP, cả nước bắt đầu bước vào quá trình thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Thời điểm đó, Việt Nam vừa trải qua quý III tăng trưởng âm 6,17% do nhiều địa phương, đặc biệt là đầu tàu kinh tế TPHCM phải giãn cách xã hội nhiều tháng liền để phòng chống dịch Covid-19.

Nhưng chỉ tròn một năm sau, nền kinh tế Việt Nam đã hồi phục mạnh mẽ. Quý III/2022, tăng trưởng GDP lập mức kỷ lục 13,67% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng, GDP của Việt Nam tăng 8,83%, mức cao nhất trong 10 năm qua. Theo báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp thứ 4  Quốc hội khóa XVI, dự kiến tăng trưởng GDP năm nay đạt khoảng 8%, vượt mục tiêu ban đầu 6,5%.

Trong cuộc gặp với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại khuôn khổ Hội nghị cấp cao APEC tại Thái Lan vào trung tuần tháng 11, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF Kristalina Georgieva đánh giá kinh tế Việt Nam là điểm sáng về tăng trưởng và ổn định tại khu vực. Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo Việt Nam sẽ dẫn đầu khu vực về tăng trưởng năm nay trong báo cáo về tình hình kinh tế khu vực Đông Á - Thái Bình Dương vào tháng 10.

Xuất khẩu - một trong những động lực chính của Việt Nam - tăng trưởng mạnh trở lại trong năm nay. Sau 11 tháng đầu năm, tổng giá trị xuất khẩu đạt hơn 342 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ 2021. Cán cân thương mại tiếp tục thặng dư với giá trị xuất siêu 10,6 tỷ USD sau 11 tháng, gấp 18 lần cùng kỳ năm trước.

Nhiều tháng liền, tăng trưởng xuất khẩu liên tục duy trì ở mức hai chữ số. Tuy nhiên, trước nhu cầu suy yếu của các thị trường lớn như Mỹ, EU khi lạm phát ở những khu vực này tăng cao, hoạt động xuất khẩu bắt đầu chững lại từ đầu quý IV. Trong tháng 11, giá trị xuất khẩu vẫn đạt gần 30 tỷ USD nhưng tăng trưởng âm 8,4% so với cùng kỳ 2021.

Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI - Purchasing Managers' Index) - một trong những chỉ dấu quan trọng nhất về sức khỏe của ngành sản xuất sau khi chạm đáy vào tháng 8-9/2021 đã tăng trở lại khi Việt Nam bắt đầu mở cửa.

PMI là chỉ số thể hiện triển vọng của ngành sản xuất, thông qua câu trả lời của chính những người quản lý việc mua hàng tại các doanh nghiệp tham gia khảo sát. Chỉ số PMI vượt 50 điểm thể hiện sự lạc quan của các doanh nghiệp sản xuất, khả năng mở rộng quy mô. Ngược lại, PMI rơi xuống dưới 50 điểm đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp có xu hướng bi quan, thu hẹp sản xuất. 

Trong biểu đồ bên dưới, có thể thấy chỉ số PMI của Việt Nam luôn nằm trên mức 50 điểm từ quý IV/2021. Tuy nhiên, PMI giảm còn 50,6 điểm trong tháng 10 và rơi xuống 47,4 điểm trong tháng 11 cho thấy các doanh nghiệp sản xuất đang có góc nhìn kém lạc quan về triển vọng đơn hàng trong thời gian tới.

Trong bối cảnh hoạt động xuất khẩu chịu nhiều thách thức, thị trường trong nước vững vàng là yếu tố thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, theo khối nghiên cứu của HSBC. Sau khi giảm sâu vào quý III/2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam đã nhanh chóng tăng trưởng trở lại và đạt mức cao nhất trong gần 2 năm qua khi vượt mốc 500.000 tỷ đồng trong tháng 11. 

Một trong những ngành dịch vụ hồi phục nhanh nhất sau đại dịch là du lịch. Từ tháng 4, khi Việt Nam chính thức mở cửa du lịch quốc tế và bỏ các thủ tục khai báo y tế với người nhập cảnh, số lượng khách nước ngoài nhanh chóng tăng vọt.

Sau 11 tháng, Việt Nam đã đón gần 3 triệu khách nước ngoài, cao gấp 21 lần cùng kỳ năm 2021 nhưng vẫn còn cách xa mục tiêu đón 5 triệu lượt khách quốc tế năm nay. Vắng bóng khách du lịch Trung Quốc - thị trường trọng điểm trước đại dịch, Việt Nam đã chủ động khai thác những thị trường mới như Ấn Độ. Theo Tổng cục Du lịch, khách Ấn Độ chiếm khoảng 4% tổng lượng khách đến Việt Nam trong năm nay tính đến hiện tại. Dù quy mô chưa lớn, HSBC cho rằng việc mở rộng sang các thị trường mới sẽ hỗ trợ cho quá trình phục hồi của ngành du lịch.

Về tình hình đăng ký doanh nghiệp, cả nước có gần 195.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong 11 tháng đầu năm, tăng 33% so với cùng kỳ 2021. Như vậy, bình quân 17.700 doanh nghiệp tham gia mới và quay lại thị trường mỗi tháng. Ở chiều ngược lại, khoảng 12.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường mỗi tháng, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước.

Hoạt động thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục ổn định. Vốn đăng ký FDI vào Việt Nam sau 10 tháng đầu năm đạt gần 25 tỷ USD, giảm nhẹ 5% so với cùng kỳ 2021. Ngược lại, vốn thực hiện đạt 19,7 tỷ USD, tăng 15%, lập cột mốc số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 11 tháng trong 5 năm qua

Lạm phát là một trong những áp lực lớn nhất được nhắc đến thường xuyên trong năm nay. Trong tháng 11, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 4,37% so với cùng kỳ năm trước và 0,39% so với tháng trước. Bình quân 11 tháng đầu năm, CPI bình quân tăng 3,02% và mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 4% của Việt Nam trong năm nay nhiều khả năng sẽ đạt được. 

Trong bối cảnh cơn bão giá lương thực toàn cầu đẩy lạm phát ở nhiều quốc gia tăng vọt, Việt Nam dường như nằm ngoài vòng xoáy này nhờ lợi thế của quốc gia sản xuất gạo hàng đầu, theo Wall Street Journal (WSJ).WSJ cũng đưa ra nhận định Việt Nam có thể tiếp tục là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Á trong năm tới khi các động lực tăng trưởng vẫn được duy trì như đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng, tự do hóa thương mại, chi phí nhân công rẻ.

Vào tháng 9, Moody's nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ mức Ba3 lên Ba2 với triển vọng "ổn định". Trước đó, S&P Global Ratings cũng đã nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ mức BB lên mức BB+ cũng với mức triển vọng "ổn định".

Hoàn thành nhiều chỉ tiêu quan trọng trong năm 2022 nhưng các tổ chức quốc tế cho rằng Việt Nam không thể chủ quan trong năm tới khi các nền kinh tế lớn trên thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Ngân hàng Thế giới (World Bank), UOB, HSBC đưa ra dự báo tăng trưởng GDP 2023 của Việt Nam lần lượt là 6,7%, 6,6% và 6%.

Hé lộ điểm sáng của bức tranh kinh tế Việt Nam sau 2 năm đại dịch biến động - 1

Nội dung: Việt Đức - Quỳnh Ngọc

Dòng sự kiện: Ngược dòng