(Dân trí) - Lãnh đạo các doanh nghiệp lớn như Dragon Capital, IBM Việt Nam, Thế Giới Di Động, FPT Retail chia sẻ với Dân trí về một năm đã qua và những kỳ vọng cho 12 tháng tới.
Công ty của chúng tôi từ ngày thành lập đến nay gần 30 năm vẫn luôn đi theo những chu kỳ tăng - giảm của thị trường. Bao nhiêu cuộc khủng hoảng trước đây, chúng tôi đều đối diện và vượt qua. Cuộc khủng hoảng trên thị trường tài chính năm 2022 chắc chắn cũng chưa phải là cuộc khủng hoảng cuối cùng.
2022 là năm thị trường tài chính gặp phải cùng lúc nhiều khó khăn. Nếu những lần khủng hoảng trước đây thường bắt nguồn từ một nguyên nhân nào đó như xung đột chiến tranh, dịch bệnh, thanh khoản, chuỗi cung ứng, vấn đề bơm tiền rút tiền, năm nay có đủ những yếu tố này. Dù vậy, vì cuộc khủng hoảng lần này chưa kết thúc nên chưa thể đánh giá liệu nó có phải là giai đoạn khó khăn nhất với chúng tôi hay không.
Nhưng trong tất cả cuộc khủng hoảng, đều có rủi ro và cơ hội. Rủi ro của người này có thể chính là cơ hội của người kia hoặc ngược lại. Sau mỗi lần đi qua một cuộc khủng hoảng trên thị trường tài chính, công ty chúng tôi lại lớn lên về quy mô, suy nghĩ, kinh nghiệm. Lần này, chúng tôi cũng phải tính toán việc quản lý công ty như thế nào để hạn chế ảnh hưởng, tận dụng cơ hội để vượt lên sau đó.
Tôi nghĩ bất kỳ công ty nào trên thị trường tài chính lúc này cũng có cùng ưu tiên giữ sự ổn định, giữ nhân sự, giữ chân nhà đầu tư, làm thế nào để giá trị tài sản đang quản lý sụt giảm ít nhất có thể để chờ cơ hội khi mặt trời lên.
Năm 2022, Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh tăng trưởng khá tốt về cả doanh thu và lợi nhuận trong 9 tháng đầu năm. Tuy nhiên, trong quý cuối năm, sức mua của thị trường không được như kỳ vọng nên cả năm 2022, doanh thu của 2 chuỗi tăng trưởng khoảng hơn 15%.
Mọi năm, chúng tôi đều đặt mục tiêu doanh thu tăng trưởng khoảng 20%. Kể cả năm 2021, dù đóng cửa nhiều tháng vì dịch nhưng ngay sau giãn cách, doanh số của chúng tôi tăng rất mạnh, công ty vẫn về đích. Còn năm 2022, cá nhân tôi chưa hoàn toàn hài lòng vì kết quả chưa được như như kỳ vọng.
Tuy nhiên, đây là khó khăn chung của cả thị trường bán lẻ mà các doanh nghiệp đều đối diện. Tình hình sức mua giảm, hàng hóa dồn ứ tại các nhà máy, bán ra thị trường chậm không chỉ ở Việt Nam mà diễn ra cả trong khu vực. Dù tăng trưởng có chậm hơn, tôi tin chúng tôi vẫn có kết quả tốt nhất so với mặt bằng chung thị trường.
Về năm 2023, tôi chưa dám dự báo xa nhưng riêng 2 quý đầu tiên thì không tự tin lắm. Trong bối cảnh phải thận trọng khi tình hình thị trường chung chưa khởi sắc, chúng tôi sẽ tập trung củng cố sức mạnh nội tại, tìm cách gia tăng doanh thu trên các điểm bán hiện hữu chứ chưa mở rộng, tối giản chi phí, ưu tiên kiểm soát hàng tồn kho.
Sau 2 năm đại dịch, nền kinh tế, các doanh nghiệp đã bắt đầu phục hồi. Sau dịch Covid-19, nhiều hành vi đã thay đổi nhờ công nghệ như hạn chế sử dụng tiền mặt, mua bán hàng hóa trực tuyến, làm việc từ xa.
Trong thời đại chuyển đổi số, các doanh nghiệp, tổ chức sẽ tiếp tục đầu tư vào công nghệ để có những công cụ hữu ích, tận dụng cơ hội kinh doanh tốt hơn để tăng trưởng. Số hóa vẫn sẽ là lĩnh vực then chốt, được các doanh nghiệp tập trung đầu tư dù có thể gặp những thách thức trong năm tới.
Với chúng tôi, còn đó thách thức nhưng cũng không ít những cơ hội. Trong năm tới, chúng tôi sẽ tập trung phát triển một số lĩnh vực như bảo mật, quản lý và khai thác dữ liệu, chuẩn bị những giải pháp để các doanh nghiệp có thể tự động hóa quy trình, quản lý tốt hơn.
Sau đại dịch Covid-19, ngành bán lẻ nói chung, FPT Retail nói riêng đã đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, trong đó có những vấn đề lớn như sự thận trọng hơn trong chi tiêu của người tiêu dùng; đứt gãy chuỗi cung ứng trong kinh doanh và khó khăn trong khâu vận chuyển, chi phí đầu vào, vận hành, đảm bảo an toàn cho nhân viên và khách hàng; sự thay đổi trong cách thức mua sắm của người tiêu dùng… Tuy nhiên, ban lãnh đạo cũng như toàn thể cán bộ công nhân viên công ty đã sớm có dự báo trước về những khó khăn và luôn trong tâm thế sẵn sàng thích ứng, linh động ứng biến với từng giai đoạn của thị trường.
Các chuỗi bán lẻ của chúng tôi kinh doanh những mặt hàng thiết yếu, được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn như máy tính, các thiết bị di động phục vụ việc liên lạc, làm việc và học tập, dược phẩm, các sản phẩm chăm sóc sức khỏe… Việc kinh doanh theo chuỗi cũng giúp chúng tôi có lợi thế hơn khi làm việc với các nhà cung cấp để có được giá cả đầu vào tốt, nguồn hàng dồi dào hơn. Bên cạnh đó thì ngay từ trong giai đoạn dịch, công ty cũng đã lên sẵn các kịch bản cũng như chuẩn bị sẵn sàng các kế hoạch về hàng hóa, khuyến mại, nguồn lực để đáp ứng tốt nhu cầu thị trường. Song song đó, trong những giai đoạn thấp điểm của thị trường, công ty sẽ tăng cường việc đào tạo chuyên môn, nâng cao kỹ năng cho cán bộ nhân viên để ngay khi bước vào giai đoạn bình thường mới là có thể thực hiện tốt công việc.
Kết thúc 9 tháng năm 2022, FPT Retail có doanh thu hợp nhất lũy kế 21.708 tỷ đồng, tăng trưởng 55% so với cùng kỳ năm ngoái, hoàn thành 80% kế hoạch năm. Cả hai chuỗi FPT Shop và Nhà thuốc Long Châu đều đã hoàn thành kế hoạch mở cửa hàng mới trong năm 2022, sớm hơn kế hoạch đã đặt ra.
Nhìn nhận một cách tích cực thì trong thời gian tới, tăng trưởng doanh thu bán lẻ vẫn được hỗ trợ bởi các yếu tố như tăng trưởng thu nhập bình quân trong 6 tháng đầu năm 2022; sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch cũng như các ngành nghề liên quan như vận tải, lưu trú, tăng tốc độ giải ngân đầu tư công, và các gói kích thích kinh tế cũng như nỗ lực kiềm chế lạm phát của các nhà điều hành.
Nhìn chung, tuy lạm phát sẽ gây một áp lực nhất định lên tiêu thụ nội địa, tăng trưởng của ngành bán lẻ nói chung vẫn có nhiều yếu tố tích cực. Phương thức phân phối thay đổi không ngừng cùng ứng dụng của công nghệ cũng là một yếu tố giúp ngành bán lẻ duy trì triển vọng tích cực. Trong dài hạn, thị trường bán lẻ Việt Nam còn được thúc đẩy bởi các yếu tố khác khi là một nước có dân số gần 100 triệu dân, được xếp vào nhóm các quốc gia phát triển tầng lớp trung lưu mạnh nhất thập kỷ, và trở thành một điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư nước ngoài.
Nội dung: Việt Đức - Bích Diệp
Thiết kế: Đỗ Diệp