DMagazine

Điều đọng lại trong một năm "bão tố" của thị trường chứng khoán Việt Nam

(Dân trí) - Trên chặng đường đầu tư sẽ có lúc thuận lợi, lúc khó khăn, có lúc gặt hái lợi nhuận lớn cũng có lúc thua lỗ song điều quan trọng nhất là cách hành xử của chúng ta với biến động thị trường.

Dần khép lại năm với việc chứng khoán Việt Nam trở thành một trong những thị trường giảm điểm mạnh nhất thế giới và cũng là năm có biến động mạnh nhất lịch sử, Dân trí đã có cuộc trò chuyện với chuyên gia Nguyễn Hồng Điệp, CEO tại Công ty cổ phần Tư Vấn Đầu Tư S-Talk, người từng có hơn 20 năm gắn bó với thị trường.

Chúng ta đã có được những trải nghiệm mà có lẽ nhiều năm sau nữa mới lặp lại

Chúng ta đang ở những ngày cuối năm 2022 rồi. Một năm qua của ông như thế nào?

- Đúng vậy, đã bước vào nửa cuối tháng 12 rồi, thời điểm này rất thích hợp để chúng ta ngồi lại, cùng nhìn về năm cũ với những điều đạt được cũng như những hạn chế, tồn tại để tự rút ra những bài học cho riêng mình.

Năm nay có thể nói là một năm khó khăn với hầu hết nhà đầu tư trên thị trường, và đương nhiên chúng tôi cũng vậy. Thị trường diễn biến khó lường, bị chi phối bởi nhiều yếu tố và đi chệch với dự báo, kỳ vọng của phần lớn giới phân tích trong và ngoài nước cũng như của các nhà đầu tư kỳ cựu. Rất nhiều người thua lỗ.

Song cũng chính bởi sự khắc nghiệt đó của chứng khoán, chúng ta đã có được những trải nghiệm mà có lẽ nhiều năm sau nữa mới lặp lại. Tôi cho rằng mỗi một thành công hay thất bại trên chặng đường đầu tư đều quý giá, quan trọng là ta phải nhận ra bài học và "công thức" để chiến thắng thị trường, cũng như chiến thắng bản thân.

Trên góc độ của một nhà tư vấn, ông đánh giá ra sao về thị trường chứng khoán (TTCK) năm 2022?

- Nhìn tổng quan, năm 2022, TTCK có biến động lớn, chỉ trong vòng 6 tháng kể từ tháng 4 khi VN-Index đạt đỉnh tại điểm số 1.536 điểm, thị trường đã có nhịp rơi rất dốc về 873 điểm tại ngày 16/11. Nếu tính về điểm số thì VN-Index giảm 45% chỉ trong vòng 6 tháng. Với biên độ giảm sâu như vậy, có thể nói 2022 là một năm đánh dấu mức độ giảm lớn nhất trong lịch sử của chứng khoán Việt Nam.

Điều gì đã khiến VN-Index giảm sâu như vậy, cùng lúc đó cũng đã khiến nhiều cổ phiếu mất đi 60% giá trị hoặc hơn thế? Theo tôi, có nhiều nguyên nhân khác nhau song ở đây tôi muốn nêu ra 2 nguyên nhân quan trọng nhất cần phân tích kỹ thuật.

Thứ nhất là dòng tiền. Vào nửa cuối năm 2020 và trong suốt năm 2021, dòng tiền đổ dồn vào chứng khoán - một kênh đầu tư tương đối thuận lợi và dễ dàng trong bối cảnh dịch bệnh khiến hoạt động sản xuất kinh doanh gặp khó khăn. Trong suốt năm 2021, chúng ta chứng kiến thanh khoản thị trường luôn ở mức cao. Các đợt tăng mạnh của TTCK trong nước luôn đi kèm với dòng tiền.

Trong năm 2022, dòng tiền có dấu hiệu rút ra khỏi thị trường, một phần do các doanh nghiệp quay trở lại trạng thái "bình thường cũ" và tập trung cho hoạt động sản xuất kinh doanh chính. Các nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng đã khá hài lòng với tỷ suất lợi nhuận thu được trong suốt "2 năm Covid" và thực hiện chốt lời song chưa quay trở lại.

Thứ hai, TTCK trong năm 2022 chưa kịp thích nghi với các chính sách mới. Năm nay, chúng ta có những chính sách mang tính "lần đầu tiên". Đơn cử như hồi tháng 9, lần đầu tiên sau nhiều năm, NHNN đã tăng lãi suất điều hành trong khi thị trường chưa chuẩn bị kịp về mặt tâm lý để thích nghi. Hay như Nghị định 65 mặc dù cần thiết phải có để chấn chỉnh lại hoạt động huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp, song thời điểm áp dụng Nghị định lại quá gấp rút khiến các doanh nghiệp không có thời gian để chuẩn bị và tự chấn chỉnh nên đã bị tác động, theo đó, tâm lý thị trường cũng tiêu cực và tương đối hoang mang. Vô hình trung, nghị định này trở thành cú đòn giáng vào dòng tiền.

Thêm vào đó, lại xuất hiện thêm những luồng suy diễn, cho rằng do áp lực đáo hạn trái phiếu trong thời gian ngắn nên doanh nghiệp phải bán cổ phiếu hoặc mang cổ phiếu của chính mình đi cầm cố để lấy tiền trả nợ trái phiếu. Có thể những vấn đề này không hẳn diễn ra trong thực tế nhưng do hiệu ứng thị trường cũng như giải thích chưa kỹ càng, chưa thật sự kịp thời của các bên liên quan nên tâm lý nhà đầu tư vốn dĩ đang yếu và mong manh nên đã có động thái "bán đuổi" khiến thị trường giảm điểm rất nhanh.

Chiều ngược lại, trong năm 2022 cũng không hẳn không có những điểm sáng.

Trước hết, phải nhấn mạnh rằng, đây là năm đánh dấu lần đầu tiên TTCK Việt Nam vượt qua mốc 1.500 điểm. Tuy vậy, sự đi lên "quá nóng", không mang tính chất bền vững.

Khi thị trường về dưới 900 điểm đã mở ra cơ hội mới và được các nhà đầu tư nước ngoài nhận định, nắm bắt rất nhanh chóng. Trong con mắt nhà đầu tư ngoại, thị trường đã trở nên rất rẻ và hấp dẫn, do vậy, trong tháng 11 vừa qua, TTCK Việt Nam chứng kiến đợt mua ròng kỷ lục của khối ngoại, chưa từng thấy trong suốt hơn 20 năm qua. Khi nhà đầu tư cá nhân trong nước tháo chạy thì nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 1 tỷ USD - một con số rất lớn, chiếm 3% tổng giá trị vốn hóa của thị trường. Lưu ý là mức vốn hóa ở đây tôi chỉ tính trên các mã cổ phiếu thực sự có thanh khoản.

Điều đọng lại trong một năm bão tố của thị trường chứng khoán Việt Nam - 1
Nhìn tổng quan, thị trường chứng khoán năm 2022 có những biến động lớn nhưng không hẳn không có những điểm sáng.
Chuyên gia Nguyễn Hồng Điệp

Đi kèm với tốc độ mua ròng rất nhanh và quyết liệt của khối ngoại thực hiện trong một thời gian ngắn như vậy thì trong 3 tuần kể từ ngày 16/11, TTCK trong nước đã tăng rất mạnh về điểm số. Chỉ trong hơn 2 tuần, VN-Index tăng từ 873 điểm lên gần 1.100 điểm, tăng hơn 200 điểm. Trong quá khứ cũng rất hiếm khi chúng ta chứng kiến những đợt tăng như vậy.

Nếu nhà đầu tư dũng cảm, hành động nhanh nhạy mà nắm bắt cơ hội để mua được cổ phiếu ở vùng giá thấp đó thì có lẽ chỉ trong vòng hơn 2 tuần họ đã thu hoạch được khoản lợi nhuận bằng 2 đến 3 năm gửi tiết kiệm. Tốc độ tăng lợi nhuận chỉ trong thời gian ngắn như vậy cũng có thể coi là điểm nhấn của chứng khoán những tháng cuối năm 2022.

Sau khi đạt được tốc độ tăng nhanh trong thời gian ngắn, hiện tại, thị trường đang điều chỉnh lại để tích lũy và tạo nền giá mới. Trong giai đoạn thị trường đang tạo nền tích lũy này, dòng tiền đã có dấu hiệu tham gia, quay trở lại. Mức thanh khoản bình quân 1 tỷ cổ phiếu tương ứng giá trị giao dịch 3 sàn từ 18.000-20.000 tỷ đồng/phiên cho thấy thị trường bắt đầu tiệm cận được mức thanh khoản cao của năm 2021.

Ngoài ra, những tháng cuối năm cũng đã xuất hiện hàng loạt thông tin mới như nới room tín dụng hay dự thảo sửa đổi Nghị định 65 với 2 điểm quan trọng là hoãn thời hạn 1 năm với việc áp dụng quy định về việc xác định tư cách của các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; cho phép các trái phiếu đã phát hành trước đây còn dư nợ được gia hạn thời gian đến 2 năm, qua đó, tháo gỡ rất lớn về mặt tâm lý với thị trường.

Tác động của các vụ việc xử lý sai phạm đều đã được phản ánh, TTCK sắp tới sẽ ổn định hơn

Ông nhìn nhận ra sao về hoạt động xử lý sai phạm trên thị trường chứng khoán với nhiều vụ án lớn diễn ra trong năm 2022?

- Trong năm nay chúng ta chứng kiến rất nhiều vụ việc lớn. Giai đoạn đầu năm xảy ra các sự kiện lớn như vụ án xảy ra tại FLC, Louis Holdings… liên quan đến thao túng thị trường chứng khoán hay Tân Hoàng Minh liên quan đến sai phạm trong chào bán, phát hành trái phiếu. Việc siết chặt hơn công tác quản lý thị trường và xử lý các hành vi thao túng là cần thiết, tuy nhiên, trong ngắn hạn không tránh khỏi đã có tác động nhất định đến tâm lý nhà đầu tư.

Mặc dù vậy, theo đánh giá của tôi thì các sự vụ như FLC và nhóm Louis có ảnh hưởng song mức độ chỉ là cục bộ, không ảnh hưởng quá lớn đến thị trường chung. Cổ phiếu thuộc "họ" FLC hay Louis hầu hết là cổ phiếu vốn hóa nhỏ, cho dù thanh khoản cao nhưng sự ảnh hưởng đến hành vi của khối ngoại hay giao dịch trên quy mô toàn thị trường là không lớn.

Đến tháng 9 xuất hiện một câu chuyện mới có sức ảnh hưởng hơn là Vạn Thịnh Phát. Mặc dù Vạn Thịnh Phát không trực tiếp là chủ sở hữu của doanh nghiệp niêm yết nào trên sàn nhưng mức độ ảnh hưởng thì lại mang tính toàn thị trường và tác động mạnh mẽ đến giới đầu tư bao gồm cả đầu tư chứng khoán lẫn đầu tư bất động sản. Sau khi vụ Vạn Thịnh Phát nổ ra thì lại xảy ra vấn đề tại SCB. Chính lúc này tâm lý của nhà đầu tư yếu nhất và giáng xuống thị trường những cú giảm điểm lớn.

Chính phủ sau đó đã phát đi những thông điệp rất rõ ràng, khẳng định sẽ không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự. Những đơn vị, tổ chức nào sai phạm thì sẽ trực tiếp chịu trách nhiệm trước pháp luật, tinh thần của Nhà nước là bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư.

Trong vấn đề phát hành trái phiếu, vụ Vạn Thịnh Phát có liên quan tới một vài công ty chứng khoán. Về mặt nghiệp vụ, chúng ta hiểu rằng để các ngân hàng, các doanh nghiệp lớn phát hành được trái phiếu thì cần phải có những đơn vị trung gian môi giới là các công ty chứng khoán. Theo đó, trong một thời gian, giá cổ phiếu của các công ty chứng khoán đã lao dốc rất mạnh, có mã giảm 70% chỉ trong khoảng thời gian 2 tháng.

Câu chuyện ở đây là sự thích nghi của thị trường với thông tin, với những quy định mới. Tôi cho rằng, tác động của những vụ việc trên đều đã phản ánh vào giá cổ phiếu trên thị trường và trong thời gian tới, thị trường sẽ ổn định hơn.

Gắn bó với thị trường từ những ngày đầu thành lập cho đến nay, trên góc độ của người tư vấn, ông có thể chia sẻ về những cảm nhận của mình trong một năm nhiều biến động như 2022? Ông có gặp khó khăn gì trong việc thuyết phục nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân?

- Ở Việt Nam hiện nay có đến 99,8% là các nhà đầu tư cá nhân. Nếu so sánh thì ở các nước, số lượng nhà đầu tư cá nhân cũng rất lớn nhưng họ được trang bị tương đối kỹ lưỡng về nền tảng kiến thức, về văn hóa đầu tư, họ có cách tiếp cận thị trường tốt hơn so với nhà đầu tư cá nhân ở thị trường chúng ta.

Điều đọng lại trong một năm bão tố của thị trường chứng khoán Việt Nam - 2
Cá nhân tôi vẫn hy vọng rằng, với sự đồng thuận, đến một lúc nào đó, trình độ nhà đầu tư cá nhân trong nước sẽ được nâng tầm, có thể sẽ tiệm cận với các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu…
Chuyên gia Nguyễn Hồng Điệp

Sự bùng nổ về số tài khoản mới trong 2 năm gần đây, đa số đều mới chỉ tham gia thị trường. Việc các nhà đầu tư cá nhân tham gia đúng vào thời điểm thị trường hưng phấn, chưa được đào tạo về kiến thức đầu tư song lại mang nhiều hoài bão về việc làm giàu nhanh chóng. Việc nhà đầu tư không có tính kỷ luật thực sự có tác động đáng kể đến thị trường thời gian qua.

Việc VN-Index giảm tới 45% chỉ trong vòng 6 tháng, như tôi đã phân tích ở trên, có hai lý do chính là dòng tiền và sự thích nghi chính sách, nhưng về bản chất, tác nhân chính là những nhà đầu tư cá nhân. Các nhà đầu tư cá nhân trong nước không thích ứng được với những biến động chính sách, chưa chuẩn bị kịp về mặt tâm lý cũng như cách hành xử, do đó, họ rất dễ bị chi phối và dễ đẩy thị trường vào tình trạng "thái quá". Trong cơn hưng phấn, thị trường có thể đạt được điểm số cao trong một thời gian vô cùng ngắn, song khi quay đầu giảm thì chỉ số cũng dễ lao dốc rất sốc.

Muốn thay đổi thực trạng này cần có sự đồng thuận trên bình diện chung, theo đó cần có những cách tiếp cận để hướng dẫn, hỗ trợ nhà đầu tư. Về phía mình, các nhà đầu tư cá nhân cũng cần có sự học hỏi, trau dồi.

Chính tôi khi đã lựa chọn đi theo con đường muốn mang lại giá trị cho nhà đầu tư thì khó khăn cần phải xác định là chuyện hàng ngày. Nhiều trường hợp quả thực rất khó để phân định đúng, sai.

Trong nghề tư vấn có một nỗi niềm quả thực khó chia sẻ, đó là khi thua lỗ, nhà đầu tư sẽ quy kết đó là lỗi của người tư vấn, còn khi gặt hái lợi nhuận thì thành tích đấy lại là của nhà đầu tư. Khi nhà đầu tư thắng, họ dễ cho rằng đó là do bản thân giỏi, nhưng nếu họ thua, họ sẽ lại đổ lỗi cho người tư vấn. Câu chuyện này rất thường xuyên và chúng tôi sẵn sàng đón nhận trên tinh thần tiếp thu để rút kinh nghiệm, đồng thời cũng cần kiên trì để cống hiến cho lợi ích chung của cộng đồng.

Cá nhân tôi vẫn hy vọng rằng, với sự đồng thuận, đến một lúc nào đó, trình độ nhà đầu tư cá nhân trong nước sẽ được nâng tầm, có thể sẽ tiệm cận với các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu… Trên chặng đường đầu tư sẽ có lúc thuận lợi, lúc khó khăn, có lúc gặt hái lợi nhuận lớn cũng có lúc thua lỗ song điều quan trọng nhất là cách hành xử của chúng ta với biến động thị trường ra sao.

Điều gì chờ đợi nhà đầu tư năm 2023?

Dù sao đi chăng nữa, chúng ta cũng chuẩn bị khép lại năm 2022 với rất nhiều cung bậc cảm xúc, lúc tràn trề hy vọng lại cũng có lúc tột cùng bi quan. Theo ông, có gì chờ đợi nhà đầu tư trong năm 2023 sắp tới?

- Chúng ta đang ở những ngày cuối cùng của năm 2022, thị trường sau đợt giảm mạnh thì đã có nhịp hồi phục. Sự hồi phục của thị trường đến mức nào rất khó nói, tuy nhiên tôi cho rằng, con số 873 điểm từ dưới mốc 900 điểm có thể là điểm số mà qua rất nhiều năm chúng ta không còn nhìn thấy được.

Lý do là những khó khăn lớn nhất về mặt vĩ mô đã được phản ánh vào giá cổ phiếu. Chứng khoán thế giới qua những biến cố lớn như dịch bệnh chẳng hạn, để cần một quãng thời gian để thẩm thấu. Năm 2022 này có thể coi là quãng thời gian điều chỉnh đó.

Điều đọng lại trong một năm bão tố của thị trường chứng khoán Việt Nam - 3
Thị trường có thể sẽ không còn tăng điểm nhanh hay giảm điểm sốc như giai đoạn 2021-2022, tôi kỳ vọng 2023 sẽ là một năm tăng trưởng ổn định hơn của thị trường và mang lại thành quả cho số đông nhà đầu tư.
Chuyên gia Nguyễn Hồng Điệp

Thực tế là không chỉ có Việt Nam mà nhiều thị trường chứng khoán khác trên thế giới cũng bị điều chỉnh mạnh, có những cú sụt giảm đáng kể. Dù không biến động mạnh như VN-Index song các chỉ số lớn của thế giới cũng giảm đã sâu.

Fed trong năm 2022 đã tăng lãi suất lên tới 4% trong một năm, đó là tốc độ tăng cao nhất trong vòng nhiều năm. Tuy nhiên, tốc độ tăng lãi suất đang chậm lại. Theo những thông điệp mới nhất thì thấy rằng, trong năm 2023, Fed có thể bắt đầu nghiên cứu, xem xét "quay xe" chính sách. Có thể là nửa cuối năm 2023 sẽ có nới lỏng tiền tệ.

Bên cạnh hành động chính sách của Fed thì trong năm 2023, vấn đề chiến sự ở Ukraine cũng có ảnh hưởng lớn đến thị trường chứng khoán toàn cầu. Cuộc chiến này đã kéo dài gần một năm, những viễn cảnh đưa ra mang tính cực đoan có vẻ là sẽ không trở thành hiện thực. Cuộc chiến có thể tiếp diễn song mức độ leo thang, sử dụng vũ khí hạt nhân thì rất khó xảy ra.

Câu chuyện thứ ba trong năm 2023 cần quan tâm là chính sách kiểm soát dịch của Trung Quốc. Trung Quốc là một nền kinh tế lớn, là thị trường đứng thứ 2 thế giới, có ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam. Thông điệp về việc nới lỏng dần các biện pháp chống dịch vào năm 2023 đã được Trung Quốc đưa ra. Khi nền kinh tế Trung Quốc khi đã giải quyết xong các vấn đề nội tại và mở cửa trở lại thì sự phát triển của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng tích cực đến các doanh nghiệp cũng như kinh tế Việt Nam.

Với thị trường chứng khoán Việt Nam, với việc Chính phủ đã xử lý loạt sai phạm trong năm 2022 cùng các chính sách mới đã ban hành, chúng ta hi vọng năm 2023 sẽ mang lại những điều tốt lành hơn cho thị trường chứng khoán. Thị trường có thể sẽ không còn tăng điểm nhanh hay giảm điểm sốc như giai đoạn 2021-2022, tôi kỳ vọng 2023 sẽ là một năm tăng trưởng ổn định hơn của thị trường và mang lại thành quả cho số đông nhà đầu tư.

Xin cảm ơn ông! 

Điều đọng lại trong một năm bão tố của thị trường chứng khoán Việt Nam - 4

Nội dung: Bích Diệp
Thiết kế: Thủy Tiên

Dòng sự kiện: Ngược dòng