(Dân trí) - Kinh tế đang phục hồi với nhiều điểm sáng nhưng theo TS Nguyễn Quốc Việt, vẫn còn đó những rủi do, dấu hiệu nhà điều hành chính sách cần lưu tâm trong những tháng cuối năm.
Phía sau những con số ấn tượng của nền kinh tế sau 9 tháng
Tháng 9 khép lại cũng là lúc Tổng cục Thống kê công bố những con số tăng trưởng ấn tượng. GDP quý III tăng 13,67% so với cùng kỳ năm trước. GDP của cả 9 tháng đầu năm tăng 8,83%, mức cao nhất trong 10 năm qua.
Dù nền kinh tế, xã hội đang phục hồi nhanh chóng sau đại dịch Covid-19, người dân, doanh nghiệp vẫn còn đó nhiều nỗi lo thường trực như lạm phát, khát vốn, lãi suất tăng cao. Dân trí có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thuộc Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, về chủ đề chất lượng tăng trưởng của kinh tế Việt Nam.
Nhiều điểm sáng không thể phủ nhận
Theo ông, đâu là những điểm sáng đáng ghi nhận của nền kinh tế trong 9 tháng?
- Khu vực sản xuất công nghiệp và xuất khẩu với đầu tàu FDI vẫn là điểm sáng tích cực nhất. Chúng ta đã tận dụng được những hiệp định thương mại tự do kiểu mới để gia tăng xuất khẩu hàng hóa, thâm nhập vào những thị trường mới, các chuỗi giá trị sản xuất mới.
Giá trị xuất khẩu tăng trưởng 17%, xuất siêu hơn 6,5 tỷ USD là những con số rất tích cực. Không những thế, nhiều thông tin cho thấy một số tập đoàn lớn của nước ngoài cũng đang nghiên cứu đầu tư vào việc sản xuất sản phẩm công nghệ cao tại Việt Nam như chip bán dẫn, điều này cho thấy Việt nam đã bắt đầu thu hút FDI thế hệ mới với giá trị gia tăng cao hơn.
Cũng cần nói thêm, Trung Quốc vẫn đang đóng, mở nhiều thành phố lớn với chiến lược "zero-Covid". Trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng phục hồi hậu Covid-19, nguồn cung thiếu hụt còn công xưởng lớn nhất thế giới có phần loay hoay với việc đóng cửa, giãn cách, Việt Nam chúng ta có thể đã tận dụng được cơ hội để gia tăng xuất khẩu, có thêm thị phần ở một số lĩnh vực.
Một điểm sáng khác là Việt Nam vẫn đảm bảo được các cân đối vĩ mô, ổn định giá cả trong bối cảnh lạm phát nhiều khu vực trên thế giới cao kỷ lục. Khả năng chúng ta vẫn có thể đạt được mục tiêu kiềm chế lạm phát năm nay dưới 4%. Tỷ giá của Việt Nam vẫn tương đối ổn định từ đầu năm là một thành công. Tất nhiên câu chuyện liệu có thể giữ được tỷ giá trong thời gian tới hay không trong bối cảnh các nước đều tăng lãi suất là một câu chuyện khác.
Con số tăng trưởng GDP cao nhất trong 10 năm qua chứng tỏ nền kinh tế của chúng ta thật sự hồi phục nhanh chóng hay do yếu tố kỹ thuật nền so sánh của năm trước quá thấp trong giai đoạn mọi hoạt động đình trệ vì đại dịch?
- Phải khẳng định có sự phục hồi tăng trưởng trong bối cảnh nhiều yếu tố khó khăn đó là sự thành công. Tuy nhiên, vui vì GDP tăng trưởng cao nhưng đừng vì đánh giá quá cao nó mà quên đi vấn đề rủi ro đằng sau những con số, điều quan trọng là chất lượng và sự tăng trưởng bền vững.
Ví dụ giá trị tăng trưởng xuất khẩu rất tốt nhưng phải lưu ý rằng thời gian qua, giá hàng hóa trên thế giới cũng tăng rất cao đóng góp phần nhiều vào gia tăng giá trị xuất khẩu so với các năm trước đại dịch. Vì vậy, cần phân tích cụ thể giá trị gia tăng thật sự trong tăng trưởng xuất khẩu là bao nhiêu và bao nhiêu đơn thuần do giá hàng hóa tăng.
Dấu hiệu cần lưu tâm
Vậy theo ông, đâu là vấn đề cần lưu ý sau bức tranh tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm?
- Chúng ta vẫn chưa công bố số liệu về cán cân thanh toán quốc tế quý III. Còn theo thông tin mới nhất trên website của Ngân hàng Nhà nước, cán cân thanh toán quốc tế đang trong chiều hướng suy giảm khá nhanh từ quý IV/2021 đến nay.
Trong quý II, giá trị cán cân vãng lai của chúng ta đã thâm hụt lên đến gần 5 tỷ USD. Còn trong quý I, cán cân vãng lai cũng âm 2 tỷ USD.
Thông thường, chúng ta chỉ nói đến cán cân thương mại hàng hóa mà ít chú ý đến thương mại dịch vụ. Việt Nam vẫn xuất siêu về hàng hóa, tuy nhiên lại nhập siêu dịch vụ rất lớn. Nhiều lĩnh vực dịch vụ quan trọng như vận tải biển, bảo hiểm, thương mại điện tử, quảng cáo xuyên biên giới, kinh tế số đều do các tập đoàn lớn nước ngoài chi phối, chúng ta bị phụ thuộc vào họ. Chính vì vậy, dù xuất siêu hàng hóa, cán cân vãng lai của Việt Nam vẫn thâm hụt vì nhập khẩu ròng dịch vụ rất lớn.
Ngoài ra, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang chiếm hơn 74% tổng giá trị xuất khẩu. Việc lợi nhuận từ hoạt động xuất khẩu tập trung chủ yếu ở các doanh nghiệp FDI, chảy về nước ngoài cũng làm tài khoản vãng lai của Việt Nam bị thâm hụt.
Tôi muốn nhắc lại thời điểm 2008 khi khủng hoảng tài chính nổ ra trên thế giới, ban đầu Việt Nam chưa bị tác động mạnh. Tuy nhiên, cán cân vãng lai của chúng ta lúc đó cũng thâm hụt lớn. Và đến năm 2009-2010, kinh tế Việt Nam bắt đầu gặp khó khăn, có độ trễ so với thế giới. Do đó, việc cán cân vãng lai hiện nay đang thâm hụt và trong chiều hướng suy giảm là dấu hiệu cần lưu tâm.
Dường như cảm nhận của người dân, doanh nghiệp về nền kinh tế không tích cực như con số tăng trưởng GDP. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
- Một vấn đề rõ ràng hiện nay là doanh nghiệp trong nước rất khát vốn. Nhu cầu về vốn rất lớn trong khi room tín dụng có sự hạn chế nhất định, lãi suất lại tăng mạnh nên doanh nghiệp nội cảm thấy khó khăn, chưa kể vấn đề lạm phát, giá hàng hóa đầu vào tăng cao. Ngược lại, khối FDI lại không phụ thuộc vào nguồn tín dụng trong nước.
Theo ước tính, doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ hiện chiếm đến hơn 95% tổng số doanh nghiệp của cả nước. Trong khi đó, với việc room tín dụng bị hạn chế, rõ ràng các ngân hàng sẽ ưu tiên doanh nghiệp lớn có tên tuổi có độ rủi ro thấp để cho vay. Thực tế, doanh nghiệp càng nhỏ càng khó tiếp cận vốn.
Có một chỉ số chúng ta đáng quan tâm là dù số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong 9 tháng đầu năm tăng 32% thì số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động cũng tăng thêm 28% so với cùng kỳ 2021. Nếu so sánh, chưa chắc các doanh nghiệp mới đăng ký đã bù đắp được thiệt hại do các doanh nghiệp đã hoạt động một thời gian nay rút khỏi thị trường. Bản thân các doanh nghiệp mới thành lập thường có vốn mỏng, khả năng có đơn hàng, tuyển dụng lao động ổn định vẫn còn là dấu hỏi.
Song song đó, nền kinh tế còn chịu nhiều thách thức từ bên ngoài như việc các ngân hàng trung ương trên thế giới cùng tăng lãi suất, chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, bất ổn về nguồn cung năng lượng, xung đột địa chính trị. Nhiều tổ chức đã dự báo nguy cơ suy thoái toàn cầu vào năm tới.
Vì vậy, một mặt chúng ta có quyền tự hào về các chỉ tiêu tăng trưởng GDP, xuất khẩu, xuất siêu hàng hóa, thu hút đầu tư nước ngoài ổn định. Tuy nhiên, không nên vì vậy mà lạc quan thái quá vì vẫn còn rất nhiều rủi ro.
Đừng bỏ quên doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh
Theo ông, các chính sách điều hành trong thời gian tới cần lưu ý những gì trước những rủi ro vừa được liệt kê?
- Theo tôi, cần theo dõi kỹ cán cân thanh toán quốc tế, cán cân vãng lai. Chúng ta mới đang tập trung vào cán cân thương mại hàng hóa. Dù hiện tại xuất khẩu của chúng ta vẫn tăng trưởng tốt nhưng nguy cơ thế giới suy thoái là có thật, người tiêu dùng trên toàn cầu thắt lưng buộc bụng. Khi đó, đơn hàng Việt Nam nhận được chắc chắn sẽ suy giảm.
Việt Nam vẫn duy trì tỷ giá tương đối ổn định so với đồng USD. Tuy nhiên, vô hình trung điều này khiến VNĐ tăng giá trong tương quan với đồng tiền của các quốc gia trong khu vực. Như vậy, sức cạnh tranh của doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam sẽ giảm đi phần nào do giá hàng hóa cao hơn các nước khác. Trong khi đó, sản phẩm xuất khẩu của chúng ta phần lớn vẫn là hàng hóa lắp ráp, gia công ở mức cơ bản. Có thể thấy nhiều biến số sẽ tác động lên xuất khẩu thời gian tới.
Nếu tăng trưởng xuất khẩu chậm lại, cán cân vãng lai của Việt Nam sẽ lại càng thâm hụt. Chúng ta cần tập trung hỗ trợ nhiều hơn cho lĩnh vực dịch vụ trong nước. Với bất kỳ nền kinh tế muốn chuyển từ mức thu nhập thấp, trung bình sang thu nhập cao, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ sẽ ngày càng lớn.
Nếu chuyển đổi số thực chất, khai thác đúng cách, chúng ta hoàn toàn có thể tham gia sâu, tạo ra giá trị gia tăng lớn với nhiều dịch vụ như sáng tạo nội dung số, công nghệ thông tin. Với xu hướng chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ để tăng năng suất lao động, thu nhập, cần có chính sách để những doanh nghiệp trong nước chiếm lĩnh được những lĩnh vực quan trọng, qua đó tạo ra tăng trưởng bền vững thay vì phụ thuộc vào các tập đoàn lớn nước ngoài.
Thứ hai, bộ phận thiệt thòi, gặp nhiều khó khăn trong nền kinh tế vẫn luôn là kinh tế tư nhân, doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ, siêu nhỏ, ngoài ra còn có hộ kinh doanh. Cần có những chính sách riêng, có địa chỉ cụ thể để ưu tiên hỗ trợ nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh tiếp cận vốn, thị trường, chuyển đổi số thực chất. Có thể thấy nhiều gói hỗ trợ từ đầu năm vẫn còn dàn trải, thiếu hiệu quả.
Nếu không được hỗ trợ kịp thời, doanh nghiệp nội sẽ ngày càng thất thế trên chính sân nhà, không thể nào cạnh tranh với doanh nghiệp FDI và có nguy cơ bị mua lại, thâu tóm.
Vậy còn lạm phát, một trong những rủi ro được nhắc đến nhiều nhất, liệu sẽ diễn biến thế nào trong thời gian tới?
- Từ đầu năm đến nay, lạm phát chủ yếu vẫn nằm ở chi phí đầu vào tăng khi cầu tiêu dùng chưa quá cao, túi tiền của người tiêu dùng vẫn còn bị ảnh hưởng sau đại dịch. Tuy nhiên, cuối năm sẽ là thời điểm nhạy cảm khi nhu cầu mua sắm hàng hóa, dịch vụ đều sẽ tăng mạnh khi dịp Tết cận kề.
Khi áp lực từ cầu kéo lớn hơn, việc lạm phát chuyển từ giá nguyên vật liệu đầu vào sang người tiêu dùng cuối sẽ rõ ràng hơn. Do đó, chúng ta cần phải tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình giá hàng hóa trong những tháng cuối năm.
Ngoài ra, một ẩn số đối với lạm phát là liệu tỷ giá USD có ổn định hay không. Đồng USD có độ nhạy lớn với kỳ vọng lạm phát. Nếu VNĐ mất giá sẽ đẩy kỳ vọng lạm phát tăng lên và chuyển vào lạm phát thực cuối năm nay, đầu năm sau. Đặc biệt, tỷ giá USD phụ thuộc rất nhiều yếu tố bên ngoài chứ không chỉ riêng việc điều hành của Ngân hàng Nhà nước.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện.
Nội dung: Việt Đức