(Dân trí) - Tiền bạc dù lợi nhuận, hay vốn đầu tư, cũng giống như mèo. Nếu muốn có ngay và luôn, lao tới bắt, chú mèo sẽ chạy mất. Nhưng bình tĩnh chuẩn bị để có được những thứ mà mèo muốn, nó sẽ tự đến tìm.
Năm Nhâm Dần đi qua theo đúng cái kiểu hổ không gầm lại tưởng "Hello Kitty". Việc kiếm tiền trở nên khó khăn như câu ngạn ngữ Ấn Độ "tiền được giấu trong tai con hổ".
Nhìn bề ngoài, các con số về tăng trưởng kinh tế toàn cầu vẫn không quá xấu nếu không muốn nói là "khá tích cực", nhưng mọi người cũng dần dần nhận ra những mùa hoa đẹp nhất đã trôi qua. Lạm phát liên tục đạt những mức đỉnh mới của hàng thập kỷ, rồi xung đột quân sự Nga-Ukraine chỉ làm cho liều thuốc đắng chữa lạm phát (đồng loạt thắt chặt chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương) càng đắng hơn.
Đối với Việt Nam, điểm sáng nhất trong năm 2022 không phải là câu chuyện tăng trưởng mà là ở khả năng kiểm soát được lạm phát, với khá nhiều chính sách tương đối mạnh mẽ như giảm VAT với nhiều loại hàng hóa và dịch vụ, giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu… Giá cả hàng hóa và dịch vụ nhìn chung không có mức tăng quá mạnh ngay cả trong thời kỳ bắt đầu mở cửa trở lại.
Tất nhiên về cuối năm 2022, áp lực lạm phát có tăng cao (trong đó đáng lưu ý nhất là giá thuê nhà), nhưng tính trung bình cả năm vẫn ở mức dưới 4%, thấp hơn so với mục tiêu đề ra từ đầu năm.
Về tăng trưởng, ngay từ đầu năm, không khó để có sự đồng thuận về dự báo tốc độ tăng trưởng cao của kinh tế trong năm 2022, thậm chí còn vượt kế hoạch, do hiệu ứng nền thấp của giai đoạn 2020-2021. Có thể cũng không cần phải sa đà vào so sánh với các quốc gia khác, do mỗi quốc gia có một lộ trình mở cửa nền kinh tế khác nhau. Song có thể thấy đà hồi phục của Việt Nam là tương đối mạnh mẽ trong nửa đầu năm và sau đó chậm dần từ quý III.
Những dấu hiệu chậm dần, có thể thấy lác đác từ việc Samsung giảm dần quy mô của việc sản xuất điện thoại thông minh, hay các doanh nghiệp xuất khẩu như dệt may, da giày… gặp khó khi đơn hàng có xu hướng giảm (do tồn kho hàng hóa tại các thị trường phát triển tăng cao - có thể do hiệu ứng "cái roi da" của chuỗi cung ứng. Nghĩa là đã có sự thổi phồng về tăng trưởng của nhu cầu qua từng nấc của chuỗi cung ứng, dẫn tới việc tồn kho thực tế tăng cao.
Ngay cả với các doanh nghiệp chế biến chế tạo trong nước, thì ví dụ dễ thấy nhất là đến từ các doanh nghiệp ngành thép (phải dừng một số lò do tồn kho tăng cao). Và như thế ngay cả các chỉ số như chỉ số sản xuất công nghiệp, PMI cũng cho thấy các dấu hiệu xấu từ tháng 10. Hiệu ứng này dĩ nhiên không thể kéo dài mãi mãi, nhưng những ảnh hưởng đến đơn hàng sản xuất cuối năm 2022 và những tháng đầu 2023 là không thể phủ nhận.
Đối với tiêu dùng, mức tăng trưởng hai con số là đáng khích lệ, nhưng có thể thấy hiện nay tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ năm 2022 không có nhiều chênh lệch so với năm 2019, và khi loại trừ yếu tố lạm phát, có thể thấy tiêu dùng còn chưa quay lại mức trước đại dịch Covid-19. Bên cạnh các yếu tố như người tiêu dùng trở nên dè dặt hơn trong môi trường lạm phát gia tăng, tăng trưởng chậm lại và điều kiện tài chính thắt chặt, thì còn một yếu tố nữa là khách du lịch quốc tế đến Việt Nam vẫn ở mức khá thấp, kể cả khi Việt Nam đã tổ chức thành công Sea Games vào đầu năm.
Thêm nữa, có thể thấy các vấn đề đối với thị trường bất động sản, thị trường vốn mới là tâm điểm của năm 2022. Các vấn đề như thao túng với thị trường chứng khoán, đầu cơ đối với thị trường bất động sản, hay việc phát triển bùng nổ thiếu kiểm soát của thị trường trái phiếu doanh nghiệp… không phải là các vấn đề mới.
Nhưng, việc thanh lọc, lành mạnh hóa thị trường đến vào thời điểm lãi suất tăng cao, điều kiện tài chính (financial condition) thắt chặt, khiến cho ảnh hưởng đến thị trường tài chính trở nên mạnh mẽ hơn. Các thị trường có sự liên thông với nhau, nên ảnh hưởng tiêu cực từ một thị trường này sẽ được lan truyền rất nhanh sang các thị trường khác.
Cũng phải thừa nhận là, vào thời tiền rẻ, dòng tiền sau khi đã đầu tư vào các kênh đầu tư truyền thống, an toàn, còn thừa chẳng biết chạy đi đâu thì lao vào các kênh đầu cơ rủi ro như chạy ra các van xả khí dư. Đến khi dòng tiền hạn chế rồi, làm gì còn khí dư mà xả. Các nhà đầu tư (hay đầu cơ bất đắc dĩ), dù là cổ phiếu hay trái phiếu, lại thành "ky cóp cho cọp nó xơi".
Nói một cách khác, việc các thị trường tăng nóng đã giúp che mờ đi các vấn đề cố hữu, và như ông Buffet nói, chỉ đến khi thủy triều xuống mới hiện ra. Điều này không chỉ đúng với những thứ như crypto (tiền điện tử), mà còn với nhiều hoạt động đầu tư mang tính rủi ro cao khác.
Bối cảnh kinh tế thế giới năm 2023 cũng không mấy khả quan, với việc các nền kinh tế lớn (đặc biệt là tại châu Âu - ví dụ như Đức, Anh..) rơi vào suy thoái và cũng không loại trừ danh sách này còn bao gồm cả Hoa Kỳ. Điểm sáng duy nhất có lẽ là Trung Quốc, khi họ mở cửa lại nền kinh tế trong năm 2023.
Tuy nhiên sau khi trải qua một năm 2022 đầy biến động, cũng không nhiều người kỳ vọng Trung Quốc có thể giải cứu kinh tế toàn cầu khỏi rủi ro suy thoái. Xung đột quân sự, cạnh tranh công nghệ giữa các nước lớn, và những rủi ro không thể lường trước theo kiểu các sai lầm về chính sách (với các ví dụ đã xảy ra ở Anh - quỹ hưu trí bị margin call, hay ở Hàn Quốc - vụ Legoland) sẽ khiến cho tâm lý thận trọng còn kéo dài, ít nhất trong nửa đầu năm 2023.
Nói một cách đơn giản hơn, tăng trưởng chậm, lạm phát và lãi suất đạt đỉnh (nhưng có thể vẫn duy trì ở mức cao do tốc độ quay xe sẽ chậm), và việc giải quyết hậu quả của việc giảm nợ (deleveraging) sẽ là một quá trình khó khăn, nhất là khi được pha trộn với các chính sách mang màu sắc dân túy, không mang tính thị trường - những điều tưởng như chỉ hay xảy ra ở các nước đang phát triển, mà bây giờ, là chuyện thường ngày ở các nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Năm 2022 mối quan tâm chính là lạm phát, năm 2023 có thể là rủi ro suy thoái kinh tế. Và như thế, đối với Việt Nam, nền kinh tế Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức hơn, với mức lạm phát dự kiến tiếp tục tăng và sẽ đạt đỉnh trong nửa đầu năm 2023. Với tính chất lạm phát của Việt Nam thường có độ trễ nhất định so với thế giới, lạm phát sẽ là vấn đề được ưu tiên xử lý xuyên suốt năm 2023 do hiện tại các dư địa thông thường để kiểm soát lạm phát không còn nhiều.
Như vậy, có thể thấy bối cảnh toàn cầu thì rủi ro, suy thoái vẫn hiện hữu và nhu cầu tiêu dùng trong nước bị ảnh hưởng tiêu cực từ lạm phát và triển vọng tăng trưởng. Do đó, trong các động lực tăng trưởng, có lẽ vốn, hay tiền đâu, là yếu tố được nhiều người quan tâm, bên cạnh các yếu tố mang tính dài hạn hơn như năng suất lao động.
Đầu tiên, không thể không bắt đầu bằng thị trường tài chính, với những vấn đề khó khăn của năm 2022 chuyển sang, như lãi suất tăng, điều kiện tài chính thắt chặt, thị trường vốn gặp nhiều khó khăn kể cả về cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp (với lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn năm 2023 ở mức kỷ lục, trong khi thị trường sơ cấp và thứ cấp đều rất vắng vẻ, thưa thớt - khi mà các nhà đầu tư kể cả chuyên lẫn không chuyên đều có xu hướng tránh xa kênh đầu tư này).
Giải cứu, có lẽ là một trong những từ được nhắc tới nhiều, nhưng có lẽ lựa chọn tốt hơn là tự giải cứu mình, giảm nợ, giảm đầu tư hay M&A đối với các dự án đầu tư chỉ để đầu tư, đầu tư để giữ chỗ… và hơn hết là tự sử dụng các nguồn lực của bản thân doanh nghiệp để xử lý các vấn đề của doanh nghiệp, trước khi chờ "biệt đội" giải cứu. Những hỗ trợ từ phía Nhà nước, nếu có, cũng sẽ chỉ là tạo ra khuôn khổ pháp lý để chủ nợ và con nợ có thể thương lượng với nhau, chứ sẽ không có sự can thiệp trực tiếp.
Tín dụng ngân hàng cũng không phải là một cứu cánh hiển nhiên, khi các ngân hàng vẫn phải đảm bảo duy trì tiêu chuẩn cho vay để đảm bảo an toàn cho bản thân và hệ thống tài chính nói chung. Dòng vốn của doanh nghiệp một phần dùng để lo mua lại trái phiếu, và vì thế, kỳ vọng vào sự tăng trưởng của đầu tư tư nhân là rất khó khăn đối với năm 2023.
Vậy nên, khi mà ngoài kia gió rét vù vù thì lựa chọn tốt nhất vẫn là trông vào những yếu tố bên trong. Đầu tư tư nhân còn nhiều khó khăn như đã nói ở trên, nên giải ngân đầu tư công (từ chương trình hồi phục và phát triển kinh tế) sẽ vẫn là động lực chính của tăng trưởng trong năm 2023.
Tuy nhiên thời gian qua đây luôn là một vấn đề khó giải quyết, với tỷ lệ giải ngân luôn ở mức thấp. Cũng hy vọng là thường các dự án đầu tư công sẽ cần thời gian chuẩn bị tương đối dài (trong năm 2022), nên sang tới năm 2023, khi công tác chuẩn bị đầu tư được thực hiện tốt hơn (do có nhiều thời gian hơn, áp lực lạm phát giảm, nhiều nút thắt về cơ chế chính sách được xử lý), tốc độ giải ngân của năm 2023 sẽ được cải thiện, nhất là khi, đây là năm cuối của chương trình và khả năng có thể gia hạn là rất thấp.
Cũng nói thêm là Việt Nam là một trong số rất ít các quốc gia vẫn còn dư địa của chính sách tài khóa để hỗ trợ tăng trưởng và việc tận dụng được lợi thế này trong năm 2023 là yếu tố tiên quyết để có thể duy trì được tốc độ tăng trưởng không quá thấp so với tăng trưởng tiềm năng.
Đối với vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong bối cảnh mới (thuế tối thiểu toàn cầu) cần được xem xét một cách kỹ lưỡng, với việc chuyển dần từ tận dụng lợi thế nhân công rẻ, thuế thấp, sang việc hưởng lợi từ sự phát triển của ngành chế biến chế tạo (điện/điện tử), nhân công chất lượng cao, có các chính sách hỗ trợ về môi trường, tăng trưởng xanh và bền vững, đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường khó tính (ví dụ nhờ vào việc tham gia CPTPP, EVFTA hay IPEF).
Đối với vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài, vẫn là câu chuyện "biết rồi khổ lắm nói mãi", nếu công tác triển khai Luật chứng khoán 2019 tiếp tục ì ạch (ví dụ như triển khai mô hình đối tác bù trừ thanh toán trung tâm CCP), hay các vấn đề liên quan đến công bố thông tin bằng tiếng Anh, sở hữu nước ngoài… việc nâng hạng vẫn còn xa vời và rất khó để kỳ vọng có sự tăng trưởng đột biến.
Cuối cùng, với các nhà đầu tư, cũng qua rồi cái thời bùng nổ theo gà, kể cả lên (2020-2021) hay xuống (2022) và đối với một số người thì năm con hổ đúng là "ky cóp cho cọp nó xơi". Tới năm con mèo (2023), tuy vẫn không thể chắc chắn "mèo nào cắn mỉu nào" giữa phe bò và gấu, nhưng có thể thấy những khó khăn trong ngắn hạn từ việc thanh lọc và minh bạch thị trường, sẽ giúp làm giảm nguy cơ về những đổ vỡ lớn hơn trong tương lai. Và dù kinh tế 2023 vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng cũng không phải là quá muộn để có những sự chuẩn bị cho những cơ hội đầu tư mới. Tiền bạc (dù là dưới dạng lợi nhuận, hay vốn đầu tư), cũng giống như mèo.
Nếu ta muốn có ngay và luôn, lao tới bắt, chú mèo sẽ chạy mất. Nhưng nếu ta bình tĩnh chuẩn bị để có được những thứ mà mèo muốn, nó sẽ tự đến tìm ta. Sẽ chẳng có những game để chúng ta có thể phá đảo bằng những mẹo vặt hay "cheat code" có thể tìm được trên mạng xã hội, mà chỉ có những phần thưởng xứng đáng cho những người chăm chỉ làm bài tập về nhà.
Ông Phạm Lưu Hưng - Kinh tế trưởng SSI
Thiết kế: Thủy Tiên