DNews

Hàng giá rẻ Taobao, 1688 "đổ bộ": Hàng Việt đối mặt với nguy cơ gì?

Thanh Thương

(Dân trí) - Doanh nghiệp Trung Quốc có động thái mới để hàng giá rẻ nước này gần hơn với thị trường Việt Nam. Chuyên gia cho rằng doanh nghiệp nội địa cần thay đổi để không có nguy cơ "thua trên sân nhà".

Hàng giá rẻ Taobao, 1688 "đổ bộ": Hàng Việt đối mặt với nguy cơ gì?

Chỉ mất hơn 3 ngày với ưu đãi miễn phí vận chuyển sau khi áp mã khuyến mại 15.000 đồng, chị Khánh Huyền (quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã nhận được chiếc đèn bàn từ Trung Quốc đặt qua sàn thương mại điện tử Shopee. Đáng nói, thời gian thông quan cho đơn hàng này chỉ đúng 2 ngày.

Trong khi đó, một đơn hàng khác là mỹ phẩm dưỡng da chị Huyền đặt từ một người bán trong nước nhưng mất gần 5 ngày chị mới nhận được món hàng. "Tôi thường so sánh giá ở các shop (gian hàng) trên sàn và nhận thấy các shop quốc tế đều có giá rẻ hơn nhiều, hơn nữa còn được miễn phí vận chuyển và được trả hàng như khi mua ở gian hàng trong nước", chị nói.

Thực tế, tốc độ giao hàng của các đơn từ Trung Quốc về Việt Nam ngày càng nhanh, cước vận chuyển thấp, hàng hóa đa dạng, thậm chí rẻ hơn các mẫu trong nước... đang giúp người tiêu dùng Việt tiếp cận dễ dàng hơn với nguồn hàng giá thấp, mẫu mã đẹp. Tuy nhiên, điều này lại khiến các nhà bán hàng nội địa gặp không ít thách thức.

Người mua thêm lựa chọn, người bán thêm lo

Gần 2 năm trở lại đây, Nguyễn Hoa (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cũng thường xuyên đặt mua quần, áo, váy và các sản phẩm phụ kiện thời trang từ gian hàng quốc tế trên các sàn thương mại điện tử.

Chị nói, cùng một mẫu mã nhưng các gian hàng quốc tế có giá rẻ hơn trong nước, thời gian giao hàng lại tương đương. Chưa kể, hiện một số đơn vị tại nước ngoài cũng đã hỗ trợ vận chuyển thẳng về địa chỉ của người mua ở Việt Nam và người mua được thanh toán trực tiếp thay vì phải qua trung gian.

Ngày 2/10, sau khi nghe thông tin trang thương mại điện tử 1688 vừa cập nhật bản hỗ trợ tiếng Việt và giao trực tiếp về Việt Nam, chị Hải Nhật (quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã thử đặt một chiếc áo với giá 24,98 nhân dân tệ (tương đương gần 90.000 đồng). Chị thanh toán qua một nền tảng thanh toán nội địa Trung Quốc, phí vận chuyển thẳng về địa chỉ tại Việt Nam chỉ 3,8 nhân dân tệ (tương đương hơn 13.400 đồng). 

Theo chị Nhật, việc hỗ trợ tiếng Việt và vận chuyển thẳng về địa chỉ người mua ở Việt Nam sẽ thuận lợi hơn cho cá nhân mua số lượng ít về sử dụng, tuy nhiên với những hàng cồng kềnh, nặng sẽ không vận chuyển thẳng về Việt Nam, phí vận chuyển rất cao.

Hàng giá rẻ Taobao, 1688 đổ bộ: Hàng Việt đối mặt với nguy cơ gì? - 1

Nhờ nhiều chính sách ưu tiên phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới, doanh nghiệp Trung Quốc đã và đang ồ ạt mở rộng sang thị trường nhiều nước, trong đó có Việt Nam (Ảnh: CFP).

Thực tế, giá cả cạnh tranh, mẫu mã đa dạng, thao tác đặt hàng khá đơn giản... là những lợi ích nhìn thấy được mà thị trường Trung Quốc mang lại cho người tiêu dùng Việt. Tuy nhiên, chính điều này đang tạo áp lực lớn cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh nhỏ lẻ trong nước. 

Hơn 3 năm kinh doanh ốp điện thoại trên sàn thương mại điện tử Shopee, chị H.T. nói chị chưa bao giờ cảm thấy áp lực như hiện tại khi cạnh tranh giá giữa các shop, chiết khấu và các quy định của sàn ngày càng gay gắt. Chưa kể, 1-2 năm trở lại đây, chị còn phải đối mặt mới hàng loạt mẫu ốp giá rẻ từ gian hàng Trung Quốc được bán trực tiếp trên Shopee, Lazada và TikTok Shop.

"Nhiều mẫu từ shop quốc tế có giá tương đương, thậm chí rẻ hơn giá mà tôi nhập sỉ. Hiện nay, các sàn cũng ưu tiên hiển thị sản phẩm của gian hàng quốc tế nên người bán trong nước rất áp lực", chị T. nói.

Không chỉ người bán trên các sàn thương mại điện tử lo lắng mà giới order (đặt hàng thuê) trung gian từ Trung Quốc về Việt Nam cũng đối mặt với không ít khó khăn khi Taobao, 1688 có những động thái mới hỗ trợ khách hàng Việt Nam mua trực tiếp từ sàn. Bởi khi đó, vai trò của những nhà bán hàng trung gian sẽ gần như không còn, người mua hàng có thể tự mua đồ nội địa Trung dễ dàng với mức chi phí rẻ hơn.

"Tuy nhiên, vẫn còn nhiều rủi ro khi người Việt tự đặt mua trực tiếp như phải thanh toán trước hoàn toàn các chi phí; khi xảy ra thất lạc, giao sai hàng sẽ khó giải quyết... Do đó, khách hàng nên tìm hiểu kỹ lưỡng trước khi quyết định đặt hàng trực tiếp", một người chuyên order hàng Taobao nhìn nhận.

Đâu là cơ hội, đâu là thách thức?

Nói với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Bình Minh, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), đánh giá khi các trang thương mại điện tử Trung Quốc có các động thái nhắm đến thị trường Việt Nam, đối tượng được hưởng lợi chính là người tiêu dùng. Người tiêu dùng sẽ có nhiều cơ hội được lựa chọn hàng hóa với giá rẻ hơn.

Tương tự, ông Phạm Bảo Trung - Cố vấn giải pháp tăng trưởng khách hàng của Metric, một nền tảng phân tích dữ liệu của thương mại điện tử - cho rằng sự mở rộng của các nền tảng thương mại điện tử lớn như Taobao và 1688 vào thị trường Việt Nam mang đến nhiều cơ hội cho người tiêu dùng Việt Nam. 

"Đồng thời, các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam có thể học hỏi được cách vận hành thương mại điện tử hiện đại từ quy trình giao hàng, chuỗi cung ứng đến các công nghệ bán hàng trực tuyến như livestream hay tối ưu hóa sản phẩm như thiết kế gian hàng, lựa chọn từ khóa sản phẩm, mô tả sản phẩm...", ông nói.

Đối với các doanh nghiệp Việt, vị này nói đây sẽ là cơ hội để tiếp cận các nguồn cung ứng đa dạng và nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Họ có thể tận dụng sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ livestream, hệ thống kho vận và các trung tâm logistics do Trung Quốc đầu tư dọc biên giới để tối ưu hóa hoạt động kinh doanh của mình.

"Thậm chí, nếu thực sự có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và thế mạnh về sản phẩm đặc trưng, hoàn toàn có thể tận dụng để tiếp cận được người mua hàng tại Trung Quốc, bán ngược những sản phẩm Việt Nam ra thị trường nước ngoài", ông Trung nhận định.

Tuy nhiên, các chuyên gia nêu quan điểm, sự mở rộng của các nền tảng thương mại điện tử lớn như Taobao và 1688 vào thị trường Việt Nam cũng tạo nên thách thức lớn với doanh nghiệp trong nước. "Bởi sự cạnh tranh về giá sẽ ngày càng gay gắt, lợi thế hàng hóa trên các trang thương mại điện tử Trung Quốc như Taobao, 1688 có giá rất rẻ, rẻ hơn nhiều so với việc mua qua người nhận order", ông Nguyễn Bình Minh nhìn nhận.

Theo ông Minh, những người chuyên nhận đặt hàng Trung Quốc về Việt Nam cũng sẽ bị giảm cơ hội khi Taobao, 1688 bán hàng trực tiếp đến tay người tiêu dùng Việt. Ngược lại, một số dịch vụ mới được nảy sinh như marketing (tiếp thị) cho các doanh nghiệp bán lẻ trực tuyến ở Trung Quốc giúp họ tiếp cận nhiều hơn đến thị trường Việt Nam.

"Các doanh nghiệp trong nước sẽ bị cạnh tranh mạnh mẽ hơn, đặc biệt về giá. Ngoài ra, việc quản lý, đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như thu thuế trong lĩnh vực thương mại điện tử cũng sẽ phức tạp hơn do số lượng hàng hóa nhập khẩu tăng nhanh", vị chuyên gia nhìn nhận.

Hàng giá rẻ Taobao, 1688 đổ bộ: Hàng Việt đối mặt với nguy cơ gì? - 2

Từ đầu tháng 10, trang thương mại điện tử 1688 đã bắt đầu hỗ trợ phiên bản tiếng Việt trên phiên bản iOS (Ảnh: Minh Huyền).

Ông Phạm Bảo Trung cho rằng nếu không có biện pháp quản lý và kiểm soát chất lượng, hàng hóa kém chất lượng từ Trung Quốc có thể tràn ngập thị trường, gây thiệt hại cho người tiêu dùng Việt Nam. "Với lợi thế về sự đa dạng mẫu mã sản phẩm, cũng như giá thành cạnh tranh, các sản phẩm từ nhà bán hàng Trung Quốc sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu, lợi nhuận của nhà bán hàng nhỏ lẻ của Việt Nam", ông nhận định.

Trước bối cảnh đó, vị này cho rằng các nhà bán hàng Việt Nam cần nhanh chóng điều chỉnh chiến lược kinh doanh bằng cách cần tập trung vào việc xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm và cải thiện dịch vụ khách hàng để tạo ra sự khác biệt. Đồng thời, họ cần tận dụng dữ liệu và phân tích từ các nền tảng để theo dõi xu hướng thị trường, nắm bắt nhu cầu khách hàng và đối phó linh hoạt với những thay đổi trong môi trường cạnh tranh.

"Tóm lại, trong bối cảnh hàng hóa Trung Quốc ngày càng đổ bộ mạnh mẽ vào Việt Nam, các doanh nghiệp Việt cần không chỉ tối ưu hóa hoạt động nội tại mà còn biết cách tận dụng cơ hội từ các xu hướng toàn cầu để phát triển bền vững", ông Trung chia sẻ.

Tương tự, đại diện VECOM cho rằng việc cạnh tranh trên thị trường là điều rất bình thường. Do đó, việc mở cửa thị trường cho các sản phẩm của 2 nước cũng là điều bình thường. Dù thế, ông nói doanh nghiệp Việt cũng có lợi thế nhất định "trên sân nhà" để cạnh tranh với hàng hóa Trung Quốc như thấu hiểu được thị trường và thị hiếu của người tiêu dùng trong nước, độ tin cậy cao hơn, chất lượng sản phẩm có thể tốt hơn...

"Doanh nghiệp Việt cần tập trung xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh chiến lược người Việt Nam dùng hàng Việt Nam, đi sâu vào chất lượng sản phẩm, tập trung công nghệ mới, nâng cấp các dịch vụ để phục vụ khách hàng nhanh và hiệu quả hơn. Có như vậy, hàng hóa Việt Nam mới có thể cạnh tranh với sự "đổ bộ" của hàng hóa nước bạn. Đây là một áp lực lớn nhưng đồng thời cũng là động lực giúp doanh nghiệp hoàn thiện năng lực dịch vụ", vị chuyên gia khẳng định.

 Làm gì để không "thua trên sân nhà"?

Về phía cơ quan quản lý, theo ông Nguyễn Bình Minh, bên cạnh việc áp thuế hàng nhập khẩu giá trị nhỏ, các cơ quan quản lý cần có sự thay đổi mạnh mẽ. Trước hết, các đơn vị cần kiểm soát hàng hóa ngay khi vào Việt Nam, bên cạnh đó, kiểm soát qua đơn vị giao nhận hàng hóa, tuy nhiên cần tránh sự ùn tắc cục bộ khi tiến hành kê khai, quản lý.

"Ngoài ra, hàng hóa bán xuyên biên giới về Việt Nam cần được kê khai thuế trước khi đưa về các kho hàng trong nước. Nếu để doanh nghiệp Trung Quốc vận chuyển thẳng về địa chỉ của người mua ở Việt Nam sẽ rất khó trong việc thu thuế bởi số lượng hàng hóa giá trị nhỏ nhập khẩu về Việt Nam mỗi ngày rất lớn và nhiều chủng loại khác nhau", ông chia sẻ.

Báo cáo của Ủy ban Tài chính, Ngân sách hồi tháng 6 dẫn số liệu của Tổng Công ty cổ phần Bưu chính viễn thông cho thấy tại Việt Nam, hàng ngày có trung bình 4-5 triệu đơn hàng giá trị nhỏ được vận chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam qua các sàn Shopee, Lazada, Tiki, TikTok Shop…

Chỉ tính riêng tháng 3/2023, giá trị mỗi đơn hàng trên dao động 100.000-300.000 đồng. Với số lượng này, theo tính toán, mỗi tháng có khoảng 1,3-1,9 tỷ USD giá trị hàng hóa được luân chuyển qua các sàn trong nước.

Hàng giá rẻ Taobao, 1688 đổ bộ: Hàng Việt đối mặt với nguy cơ gì? - 3

Đối mặt với "cuộc chiến" khốc liệt ở thị trường trong nước, các công ty thương mại điện tử Trung Quốc bắt đầu rục rịch mở rộng thị phần sang thị trường nước ngoài với nhiều dịch vụ hấp dẫn (Ảnh: Sohu).

"Bình quân một ngày có khoảng 50 triệu USD ra - vào thị trường Việt Nam, nhưng chúng ta hoàn toàn miễn thuế. Như vậy, cơ chế chính sách đang không phù hợp", PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế chia sẻ trong một tọa đàm hồi cuối tháng 9. Ông dẫn chứng, Liên minh châu Âu (EU) từ tháng 1/2021 đã bỏ quy định những hàng hóa có giá trị dưới 22 euro phải đóng thuế, hay với Anh, hàng hóa dưới 135 bảng Anh bây giờ cũng phải đóng thuế.

"Quốc gia cùng khu vực như Thái Lan cũng đánh thuế đồng bộ tất cả hàng hóa ra - vào với mức 7%. Không kể nhỏ hay lớn, nếu mỗi ngày có 4-5 triệu đơn qua biên giới thì con số thất thoát rất lớn", ông nhìn nhận.

Chính vì vậy, chuyên gia cho rằng hoàn chỉnh các cơ chế chính sách là việc cần làm ngay và phải phù hợp với từng điều kiện, theo đúng thông lệ. Theo Quyết định 78/2010, Chính phủ đề nghị không thu thuế đối với những khoản nhỏ dưới 1 triệu đồng để giải tỏa vấn đề thông quan và kiểm tra hải quan. Nhưng đến nay, thời đại kinh tế số lên ngôi, do đó chỉ cần một giây đã có đầy đủ thông tin nên không cần miễn thuế như trước.

Bên cạnh đó cần xây dựng cơ sở dữ liệu lớn, kho dữ liệu về thương mại điện tử để phục vụ cho cơ quan thuế thu đúng, thu đủ, mà còn phục vụ cho việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như việc bảo vệ an sinh xã hội. 

"Ngoài ra, cần tuyên truyền để người kinh doanh chủ động nộp thuế đúng, đủ. Trên cơ sở như vậy, kể cả các chủ thể không ở Việt Nam nhưng người Việt Nam tiêu dùng hàng hóa của họ vẫn phải đòi hỏi, buộc họ phải nộp thuế cho Chính phủ", ông Thịnh nhấn mạnh.