DNews

Loạt tổng kho và những cách Trung Quốc làm "rung chuyển" thương mại điện tử

Thanh Thương

(Dân trí) - Trung Quốc đã và đang ồ ạt xây dựng các tổng kho quy mô lớn dọc biên giới nhờ nhiều chính sách ưu đãi đặc biệt của Chính phủ nước này đối với thương mại điện tử xuyên biên giới.

Loạt tổng kho và những cách Trung Quốc làm "rung chuyển" thương mại điện tử

Một chiếc thắt lưng quy ra tiền Việt giá 22.000 đồng đặt từ gian hàng Trung Quốc trên sàn thương mại điện tử Shopee chỉ mất đúng một ngày để được vận chuyển từ nhà bán đến kho quốc tế Nam Ninh (Quảng Tây, Trung Quốc) vào Việt Nam.

Sau đó khoảng 12 tiếng, đơn hàng này đã được giao thành công đến địa chỉ khách hàng ở Hà Nội. Đáng chú ý, người mua được miễn phí vận chuyển hoàn toàn.

Thực tế, tốc độ vận chuyển ngày càng "thần tốc" của các đơn hàng từ Trung Quốc về Việt Nam chứng tỏ sự phát triển vượt bậc của ngành logistics nói riêng và thương mại điện tử xuyên biên giới của Trung Quốc nói chung, đặc biệt là chiến lược xây dựng hàng loạt tổng kho thương mại điện tử sát biên giới Việt Nam của Chính phủ Trung Quốc.

Những kho hàng "khủng"

Từ năm 2015, Trung Quốc đã thành lập khu thí điểm thương mại điện tử xuyên biên giới và liên tục mở rộng đến nay. Hàng loạt khu thí điểm thương mại điện tử xuyên biên giới tích hợp kho bãi, khu livestream, cơ sở hậu cần hiện đại... được hình thành.

Tại các khu vực này, hệ thống thanh toán, thủ tục thông quan, cơ sở hạ tầng hậu cần và kho bãi... được đơn giản hóa các quy trình giao dịch và giảm thiểu chi phí liên quan.

Loạt tổng kho và những cách Trung Quốc làm rung chuyển thương mại điện tử - 1

Một đơn hàng vận chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam chỉ mất 2 ngày (Ảnh: Minh Huyền).

Có thể kể đến như Khu công nghiệp thương mại điện tử xuyên biên giới Trung Quốc - ASEAN tại huyện Hà Khẩu (Vân Nam) với diện tích xây dựng lên tới 660.000m2 với mức đầu tư 3,68 tỷ nhân dân tệ (tương đương 525 triệu USD). Sau khi dự án hoàn thành, doanh nghiệp dự kiến có thể hoàn thành kiểm tra 50.000 bưu kiện/ngày, khoảng 800 tấn, khối lượng giao dịch hàng năm dự kiến vượt 2 tỷ nhân dân tệ (280 triệu USD).

Tại TP Côn Minh và Châu tự trị dân tộc Cáp Nê, Di Hồng Hà thuộc tỉnh Vân Nam cũng đã hình thành Khu thí điểm toàn diện thương mại xuyên biên giới giúp hàng hóa từ quốc gia tỷ dân vận chuyển đến các nước lân cận nhanh chóng... 

Đông Hưng (Quảng Tây) cũng đang đẩy mạnh phát triển Khu thương mại biên giới thành khu thương mại biên giới lớn nhất Quảng Tây.

Ngoài ra, ở TP Nam Ninh của tỉnh này cũng đã hình thành các khu thí điểm thương mại điện tử xuyên biên giới, trong năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt hơn 500 triệu nhân dân tệ (70 triệu USD), theo Cổng thông tin điện tử Quảng Tây.

Ngoài ra, Quảng Tây cũng đã thành lập 20 kho thương mại điện tử tại nhiều quốc gia, trong đó có Thái Lan và Việt Nam nhằm đẩy nhanh việc xây dựng hệ thống hậu cần thương mại điện tử xuyên biên giới...

Loạt tổng kho và những cách Trung Quốc làm rung chuyển thương mại điện tử - 2

Khu công nghiệp thương mại điện tử xuyên biên giới Trung Quốc - ASEAN ở TP Nam Ninh (Ảnh: Văn phòng Thương mại TP Nam Ninh).

Phát triển "đáng kinh ngạc"

China Briefing đánh giá thương mại điện tử xuyên biên giới được xem là một giải pháp để doanh nghiệp mở rộng thị trường và tiếp cận nhiều khách hàng khác nhau tại nhiều quốc gia trong bối cảnh thương mại toàn cầu đang phải đối mặt với nhiều thách thức.

Trong đó, Trung Quốc đã nổi lên như một "thế lực thống trị" trong lĩnh vực thương mại điện tử xuyên biên giới. Trong 5 năm qua, thương mại điện tử xuyên biên giới của nước này đã tăng trưởng hơn 10 lần, trở thành động lực thúc đẩy thương mại đối ngoại của quốc gia tỷ dân, theo Global Times.

Năm 2022, quốc gia trên đã chứng tỏ vị thế dẫn đầu với giá trị xuất nhập khẩu thương mại điện tử xuyên biên giới lần đầu vượt 2.000 tỷ nhân dân tệ. Đến năm 2023, sự tăng trưởng của lĩnh vực này tại Trung Quốc vẫn duy trì sự tăng trưởng.

Bằng chứng là giá trị xuất nhập khẩu thương mại điện tử xuyên biên giới tăng vọt lên 2.380 tỷ nhân dân tệ (336 tỷ USD), tăng 15,6% so với năm trước đó. Đáng chú ý là phân khúc xuất khẩu đã chứng kiến sự tăng trưởng đột biến 19,6%, vượt qua mức tăng 10,1% của năm 2022 và đạt tổng giá trị 1.830 tỷ nhân dân tệ (258 tỷ USD).

Đến quý I năm nay, tổng giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới đạt 577,6 tỷ nhân dân tệ (81,6 tỷ USD), tăng 9,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng xuất khẩu đạt 448 tỷ nhân dân tệ (63,3 tỷ USD), tăng 14%.

Thông qua các sàn thương mại điện tử, hàng hóa giá rẻ Trung Quốc có cơ hội đến nhanh hơn, rộng hơn với người tiêu dùng khắp thế giới, đặc biệt là quốc gia sát biên giới nước này. Thương mại điện tử xuyên biên giới của Trung Quốc đã và đang làm "rung chuyển" hoạt động mua sắm trực tuyến trên toàn cầu.

Theo số liệu từ Bộ Thương mại Trung Quốc, tính đến cuối tháng 5, quốc gia tỷ dân này có hơn 120.000 doanh nghiệp thương mại điện tử xuyên biên giới, hơn 1.000 khu công nghiệp thương mại điện tử xuyên biên giới.

Các công ty Trung Quốc cũng đang sở hữu hơn 2.500 kho hàng ở nước ngoài với tổng diện tích 30 triệu m2. Trong đó, hơn 1.800 kho hàng chuyên phục vụ thương mại điện tử xuyên biên giới, với tổng diện tích 22 triệu m2.

Loạt chính sách trợ lực cho doanh nghiệp 

Sự tăng trưởng "đáng kinh ngạc" của lĩnh vực thương mại điện tử xuyên biên giới của Trung Quốc được thúc đẩy mạnh mẽ nhờ hàng loạt chính sách ưu đãi đặc biệt của Chính phủ và dịch vụ thanh toán ngày càng đa dạng.

Trước hết, Trung Quốc đã đưa ra các chính sách ưu đãi về thuế và cắt giảm các thủ tục hành chính đối với thương mại điện tử xuyên biên giới. Bên cạnh đó, việc kê khai thuế trực tuyến và thủ tục thông quan dễ dàng hơn đã giúp giảm chi phí cho các doanh nghiệp xuất khẩu.

Ngoài ra, Chính phủ nước này cũng đã có kế hoạch thực hiện chương trình thí điểm về việc trả lại hàng hóa xuất nhập khẩu qua các khu vực hải quan. Điều này nhằm giải quyết các lo ngại liên quan đến việc trả hàng, tăng cường niềm tin giữa các doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Đáng chú ý, quốc gia tỷ dân cũng tiếp tục phát triển các khu vực thí điểm tích hợp cho thương mại điện tử xuyên biên giới. Theo đó, tại các khu vực này, hệ thống thanh toán, thủ tục thông quan, cơ sở hạ tầng hậu cần và kho bãi... được đơn giản hóa các quy trình giao dịch và giảm thiểu chi phí liên quan.

Loạt tổng kho và những cách Trung Quốc làm rung chuyển thương mại điện tử - 3

Ngày càng có nhiều kho hàng, trung tâm thương mại điện tử mọc lên sát biên giới Trung Quốc với Việt Nam và các quốc gia khu vực ASEAN (Ảnh: China Daily).

Đến năm 2023, cơ quan chức năng Trung Quốc đã phê duyệt việc thành lập 165 khu thí điểm bao gồm 31 tỉnh, khu tự trị và thành phố. Chính phủ cũng khuyến khích nâng cấp thêm khu vực này thành mô hình tích hợp các khu thí điểm thương mại điện tử xuyên biên giới và vành đai công nghiệp.

Hồi tháng 5, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan và Tổng cục Thuế Trung Quốc cũng ban hành quy định miễn thuế cho hàng hóa nhập cảnh do bị hoàn trả trong các hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới.

Theo đó, các hàng hóa thương mại điện tử bị hoàn trả, sẽ không phải chịu thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt; các khoản thuế xuất khẩu nộp tại thời điểm xuất khẩu cũng được hoàn lại.

Theo China Daily, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết nước này sẽ tăng cường năng lực dịch vụ của các doanh nghiệp thương mại điện tử xuyên biên giới và nâng cao chất lượng của các kho hàng ở nước ngoài.

Cụ thể, Trung Quốc sẽ khuyến khích các công ty thương mại điện tử xuyên biên giới xây dựng mạng lưới bán hàng và trung tâm vận hành thương hiệu tại các thị trường nước ngoài, đồng thời tăng cường năng lực phát triển thương hiệu để mở rộng sự hiện diện trên toàn cầu.