1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Tranh cãi quanh sắc thuế "hàng giá rẻ" của Malaysia

Quốc Đạt

(Dân trí) - Việc Malaysia áp thuế đối với sản phẩm giá rẻ bán trên mạng đã gây ra tranh cãi. Bên ủng hộ cho rằng sắc thuế đem lại sân chơi công bằng, còn bên phản đối nêu ra tác động đối với người nghèo.

Tranh cãi quanh sắc thuế hàng giá rẻ của Malaysia - 1

Một người dùng ứng dụng Shopee để mua hàng trực tuyến (Ảnh: Shutterstock).

Từ ngày 1/1, Malaysia bắt đầu áp dụng thuế hàng hóa giá trị thấp (LVG) ở mức 10% đối với hàng hóa nhập khẩu có giá trị từ 107 USD trở xuống được bán thông qua các trang thương mại điện tử.

Theo nhà chức trách, sắc thuế này nhằm tạo sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp địa phương phải cạnh tranh với hàng nhập khẩu giá rẻ. Các sản phẩm được sản xuất trong nước hiện phải chịu 6% thuế bán hàng và dịch vụ.

Các hiệp hội doanh nghiệp địa phương đã ca ngợi động thái này.

Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Malaysia - có hơn 3.500 thành viên - cho rằng sắc thuế sẽ giúp doanh nghiệp địa phương cạnh tranh, đồng thời tăng nguồn thu thuế cho Malaysia, từ đó sẽ hỗ trợ đồng ringgit đang mất giá.

"Trong khi nhà bán lẻ địa phương phải nộp thuế ở nhiều điểm khác nhau trong chuỗi cung ứng, chúng tôi đang bị phá giá bởi người bán nước ngoài và người bán theo mô hình dropship (bán hàng bỏ qua khâu vận chuyển) ở địa phương. Phần lớn những người này đã không phải trả thuế sản phẩm cho Malaysia", Chủ tịch hiệp hội William Ng nói hồi tháng 12/2023.

Nhưng người tiêu dùng địa phương lại tỏ ra không mấy vui vẻ. Nhiều ý kiến cho rằng sắc thuế này sẽ tạo thêm gánh nặng trong bối cảnh người dân đã phải chịu chi phí sinh hoạt cao. Chính phủ Malaysia cũng sắp tăng thuế bán hàng và dịch vụ (SST) lên 8%, tăng 2 điểm %, vào tháng 3 tới.

Một số chính trị gia và nhà phân tích cũng tỏ ra lo ngại về tác động của thuế đối với người tiêu dùng thuộc nhóm thu nhập thấp và trung bình. Nhà lập pháp đảng Barisan Nasional, ông Wee Ka Siong, cho biết sắc thuế này sẽ tạo gánh nặng cho người nghèo.

Tranh cãi quanh sắc thuế hàng giá rẻ của Malaysia - 2

Một phụ nữ ở Malaysia đang xem mỹ phẩm. Người tiêu dùng Malaysia sẽ chịu mức thuế cao hơn trong năm nay giữa lúc chính phủ tìm cách đáp ứng các mục tiêu tài chính (Ảnh: Shutterstock).

Mục đích tăng thuế

Thuế LVG - áp dụng với nhiều mặt hàng từ mỹ phẩm đến đồ lặt vặt và đồ gia dụng được bán trực tuyến - ước tính mang lại khoản thu ngân sách hàng năm cho chính phủ là 43 triệu USD.

Lĩnh vực thương mại điện tử của Malaysia được định giá hơn 51 tỷ USD vào năm 2022, chiếm 13,3% tổng sản phẩm quốc nội của cả nước trong năm đó, theo dữ liệu từ cơ quan thống kê.

Nhưng chuyên gia ước tính rằng thương mại điện tử bán lẻ - ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp từ thuế LVG - chỉ đóng góp gần 430 triệu USD/năm vào tổng số trên. Từ đó, một số người cho rằng việc giá cả tăng do thuế LVG gây ra không tương xứng với mức tăng thu ngân sách của chính phủ.

"Thuế LVG sẽ có rất ít tác động đến thị trường trực tuyến Malaysia ngoại trừ việc gây bất lợi cho người tiêu dùng bằng cách đẩy giá lên cao một cách nhân tạo", ông Geoffrey Williams, nhà kinh tế thuộc Đại học Khoa học và Công nghệ Malaysia, nói với SCMP.

Tuy nhiên, chính phủ Malaysia vẫn cần tăng nguồn thu để đáp ứng các mục tiêu tài chính, bao gồm việc thu hẹp thâm hụt ngân sách xuống 4,3% GDP trong năm nay, ông Mohd Afzanizam Abdul Rashid, nhà kinh tế trưởng tại ngân hàng Bank Muamalat, cho biết.

Hồi tháng 10/2023, chính phủ cho biết họ dự kiến thu thêm khoảng 645 triệu USD hàng năm sau khi tăng thuế SST thêm 2 điểm %.

"Vì vậy, thuế cao hơn và cắt giảm chi phí là các phương tiện để đạt được những mục tiêu đó", ông Mohd Afzanizam nói với SCMP.

Theo SCMP, Straits Times