DMagazine

Điều gì xảy ra với kinh tế toàn cầu khi tình hình Ukraine "nóng" lên?

(Dân trí) - Các quốc gia phụ thuộc vào nguồn cung dồi dào về năng lượng, lúa mì, niken và các mặt hàng chủ lực khác từ khu vực này có thể bị ảnh hưởng nặng nề khi giá tăng đột biến.

Sau khi bị "vùi dập" bởi đại dịch, chuỗi cung ứng bế tắc và giá cả tăng vọt, nền kinh tế toàn cầu lại rơi vào một kịch bản khó lường khác bởi tình hình ở biên giới châu Âu.

Ngay cả trước khi Điện Kremlin ra lệnh cho quân đội Nga tiến vào các vùng lãnh thổ ly khai của Ukraine hôm 21/2, căng thẳng giữa Nga - Ukraine đã trở nên tương đối nghiêm trọng. Lời hứa đáp trả bằng các lệnh trừng phạt của Tổng thống Mỹ Biden và khả năng trả đũa của Nga đã đẩy lượng dự trữ khí đốt đi xuống và giá cả tăng vọt.

Một khi căng thẳng "nóng" lên có thể khiến giá năng lượng và giá thực phẩm tăng chóng mặt, gây lo ngại về lạm phát tăng cao và khiến các nhà đầu tư sợ hãi. Tất cả những điều này là mối đe dọa đối với đầu tư và tăng trưởng của các nền kinh tế trên thế giới.

Tuy nhiên, theo New York Times, những tác động tức thời từ cuộc khủng hoảng này sẽ không tàn khốc bằng việc đóng cửa đột ngột nền kinh tế hồi đầu năm 2020 khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát.

Điều gì xảy ra với kinh tế toàn cầu khi tình hình Ukraine nóng lên? - 1

Căng thẳng giữa Nga - Ukraine đã trở nên nghiêm trọng (Ảnh: BBC).

KHÁCH HÀNG CỦA NGA VÀ UKRAINE THIỆT NẶNG

Nga là một cường quốc xuyên lục địa với 146 triệu dân và một kho vũ khí hạt nhân khổng lồ. Nước này cũng là nhà cung cấp chính về dầu mỏ, khí đốt và nguyên liệu thô cho các nhà máy trên thế giới. Nhưng không giống như Trung Quốc - một cường quốc về sản xuất và có mối quan hệ chặt chẽ trong chuỗi cung ứng toàn cầu, Nga đóng vai trò khá nhỏ trong nền kinh tế toàn cầu.

Trong khi đó, dù chỉ bằng một nửa dân số và ít tài nguyên thiên nhiên hơn Nga, song Italia lại có nền kinh tế lớn gấp đôi Nga. Còn Ba Lan thì xuất khẩu nhiều hàng hóa sang Liên minh châu Âu hơn cả Nga.

Ông Jason Furman, nhà kinh tế học tại Đại học Harvard, từng là cố vấn của Tổng thống Barack Obama cho biết: "Nga không đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu, ngoại trừ dầu khí. Về cơ bản đó là một trạm xăng lớn". Tất nhiên, một trạm xăng đóng cửa vẫn có thể làm tê liệt những ai phụ thuộc vào nó. Nhưng bất kỳ thiệt hại về kinh tế nào cũng sẽ không lây lan dữ dội ở những quốc gia không phụ thuộc.

Tuy nhiên, người đứng đầu chiến lược hàng hóa toàn cầu của Ngân hàng Hoàng gia Canada (RBC) Helima Croft cho rằng, Nga không chỉ là một trạm xăng mà nước này còn là "siêu thị hàng hóa, một nhà sản xuất kim loại lớn".

Châu Âu hiện tiêu thụ 40% khí đốt tự nhiên và 25% dầu mỏ từ Nga. Đây sẽ là những nước có khả năng bị ảnh hưởng khi các hóa đơn sưởi ấm và khí đốt vốn đã tăng cao. Trong khi đó, dự trữ khí đốt của khu vực này đang ở mức thấp hơn 1/3 công suất dự trữ. Các nhà lãnh đạo châu Âu đã cáo buộc Tổng thống Nga Vladimir Putin giảm nguồn cung để đạt lợi thế chính trị.

Điều gì xảy ra với kinh tế toàn cầu khi tình hình Ukraine nóng lên? - 2

Nga là nhà cung cấp chính về khí đốt, dầu mỏ cho châu Âu (Ảnh: Bloomberg).

Cùng với giá năng lượng, giá thực phẩm cũng đã tăng lên mức cao nhất trong hơn một thập kỷ qua, phần lớn do chuỗi cung ứng bị tê liệt trong đại dịch. Nga là nhà cung cấp lúa mì lớn nhất thế giới, cùng với Ukraine, cả hai đang chiếm 1/4 tổng kim ngạch xuất khẩu toàn cầu. Với nhiều quốc gia, sự phụ thuộc này còn lớn hơn nhiều. Bởi dòng ngũ cốc đó chiếm hơn 70% tổng lượng nhập khẩu lúa mì của Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ.

Do đó nếu tình hình Ukraine "nóng" lên chắc chắn sẽ gây căng thẳng cho Thổ Nhĩ Kỳ. Quốc gia này đang vừa phải vật lộn với cuộc khủng hoảng kinh tế vừa phải chống chọi với lạm phát tăng cao tới gần 50%, trong đó giá thực phẩm, nhiên liệu và giá điện tăng như tên lửa.

Và như thường lệ, gánh nặng sẽ rơi vào những người dễ bị tổn thương nhất. "Người nghèo sẽ phải dành phần lớn thu nhập cho lương thực và sưởi ấm", ông Ian Goldin, giáo sư toàn cầu hóa và phát triển tại Đại học Oxford nói.

Ukraine, từ lâu được coi là "giỏ bánh mì của châu Âu", khi nước này xuất khẩu hơn 40% lượng lúa mì và ngô sang Trung Đông và châu Phi. Vì vậy, chiến sự bùng phát ở đất nước này sẽ khiến cho các nước nhập khẩu của Ukraine lo ngại về tình trạng thiếu lương thực và giá cả gia tăng sẽ gây ra bất ổn xã hội.

Ví như Lebanon, quốc gia đang trải qua một trong những cuộc khủng hoảng kinh tế tàn khốc nhất trong hơn một thế kỷ qua, đang nhập hơn một nửa lượng lúa mì từ Ukraine. Quốc gia Đông Âu này cũng là nước xuất khẩu dầu ăn từ hướng dương và hạt cải lớn nhất thế giới.

Điều gì xảy ra với kinh tế toàn cầu khi tình hình Ukraine nóng lên? - 3

Trung Đông và châu Phi đặc biệt phụ thuộc vào lúa mì và ngô của Ukraine (Ảnh: New York Times).

ĐÒN GIÁNG MỚI VÀO NỀN KINH TẾ TOÀN CẦU

Hôm 21/2, Nhà Trắng đã đáp trả quyết định của ông Putin về việc công nhận nền độc lập của hai vùng lãnh thổ ly khai của Ukraine bằng cách tuyên bố sẽ bắt đầu áp các lệnh trừng phạt hạn chế đối với hai vùng ly khai Donetsk và Luhansk.

Bà Jen Psaki, Thư ký báo chí của Nhà Trắng, cho biết ông Biden sẽ sớm ban hành lệnh cấm về đầu tư, thương mại và tài trợ đối với 2 khu vực này.

Các nhà phân tích theo dõi cuộc xung đột này đã đưa ra các kịch bản từ mức độ nhẹ đến nghiêm trọng. Trong đó, phố Wall sẽ diễn biến ra sao phụ thuộc vào mức độ của tình hình chiến sự và liệu cuộc giao tranh sẽ kéo dài nhiều ngày hay nhiều tháng, những biện pháp trừng phạt của phương Tây là gì, và liệu ông Putin có đáp trả bằng cách ngừng cung cấp khí đốt sang châu Âu và tiến hành các cuộc tấn công mạng hay không.

Như những gì đã diễn ra trong đại dịch, những gián đoạn nhỏ ở một khu vực cũng có thể tạo ra sự gián đoạn lớn hơn. Tình trạng thiếu hụt và giá cả tăng đột biến, cho dù là khí đốt, lúa mì, nhôm hay niken, cũng có thể dội gáo nước lạnh vào một thế giới đang vật vã phục hồi từ đại dịch.

"Bạn phải nhìn vào bối cảnh sắp xảy ra. Đó là lạm phát cao, chuỗi cung ứng căng thẳng và sự không chắc chắn trong hành động của các ngân hàng trung ương cũng như mức độ tăng giá của các loại hàng hóa", ông Gregory Daco, nhà kinh tế trưởng của EY-Parthenon cho biết.

Những căng thẳng này nếu tách biệt có thể tác động không đáng kể, song nếu diễn ra cùng lúc thì nó sẽ đè nặng lên các nền kinh tế vẫn đang phục hồi yếu ớt sau đòn giáng của đại dịch.

Điều rõ ràng là, theo ông Daco, đó chính là sự không chắc chắn và biến động về chính trị đang đè nặng lên các hoạt động kinh tế. Điều đó có nghĩa cuộc xung đột có thể tác động kép làm các hoạt động kinh tế chậm lại và tăng giá.

Tại Mỹ, Cục Dữ trữ Liên bang đang đối mặt với tình trạng lạm phát cao nhất trong 40 năm, ở mức 7,5% trong tháng 1, và dự kiến bắt đầu tăng lãi suất vào tháng tới. Giá năng lượng cao hơn do tình hình ở Đông Âu có thể chỉ là tạm thời nhưng cũng có thể làm dấy lên những lo ngại về vòng xoáy tiền lương - giá cả.

"Chúng ta có thể sẽ chứng kiến một đợt tăng lạm phát mới", ông Christopher Miller, thành viên dự thính tại Viện Doanh nghiệp Mỹ và là trợ lý giáo sư tại Đại học Tufts nhận định.

Cùng với những lo ngại về lạm phát là tình trạng thiếu hụt có thể xảy ra với các kim loại thiết yếu như palladium, nhôm và niken, tạo ra một sự gián đoạn khác về chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đang chịu tổn thương do đại dịch, đó là tình trạng ùn ứ xe tải ở Canada hay thiếu chất bán dẫn.

Ví như giá Palladium - loại kim loại được sử dụng trong hệ thống xả của ô tô, điện thoại di động, thậm chí là chất hàn răng - đã tăng vọt trong những tuần gần đây khi lo ngại Nga, nước xuất khẩu kim loại lớn nhất thế giới, có thể bị loại ra khỏi thị trường toàn cầu. Giá niken, được sử dụng để sản xuất thép và pin ô tô điện, cũng tăng vọt.

QUÁ SỚM ĐỂ ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG?

Tuy vậy, ông Lars Stenqvist - Giám đốc công nghệ tại Volvo, nhà sản xuất xe tải Thụy Điển - cho rằng, vẫn còn quá sớm để đánh giá tác động của cuộc khủng hoảng địa chính trị này. Nhưng theo ông, đó là điều cực kỳ nghiêm trọng.

"Chúng tôi đã đưa ra một số kịch bản và đang theo dõi diễn biến từng ngày", ông nói.

Điều gì xảy ra với kinh tế toàn cầu khi tình hình Ukraine nóng lên? - 4

Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine leo thang sẽ khiến cho giá năng lượng và lương thực tăng vọt (Ảnh: New York Times).

Phương Tây đã thực hiện các bước để giảm bớt tác động đối với châu Âu nếu ông Putin quyết định trả đũa. Mỹ cũng đã tăng cường cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng và yêu cầu các nhà cung cấp khác như Qatar bổ sung nguồn cung cho châu Âu.

Nhu cầu về dầu có thể tạo ra động lực cho các cuộc đàm phán khôi phục thỏa thuận hạn chế hạt nhân của Iran. Iran, ước tính có khoảng 80 triệu thùng dầu, đã bị loại bỏ ra khỏi hầu hết các thị trường thế giới từ năm 2018 khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi hiệp định hạt nhân và tái áp các biện pháp trừng phạt.

Còn với Nga, chính quyền của Tổng thống Mỹ Biden đang xem xét áp một số lệnh trừng phạt như cắt quyền truy cập vào hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT hoặc chặn các công ty bán bất cứ thứ gì có chứa các thành phần do Mỹ sản xuất cho Nga. Điều này cho gây tổn hại cho bất kỳ ai đang làm ăn với Nga. Nhưng nhìn chung, Mỹ sẽ ít bị tổn thương hơn so với Liên minh châu Âu - đối tác thương mại lớn nhất của Nga.

Với Mỹ, như ông Biden đã cảnh báo, giá xăng sẽ có thể cao hơn. Nhưng vì Mỹ là một nước sản xuất khí đốt tự nhiên lớn, nên những đợt tăng giá đó không quá sốc như các nước khác. Nhưng châu Âu thì có, bởi khu vực này nhiều mối liên kết với Nga hơn và dính líu đến nhiều giao dịch tài chính hơn, bao gồm cả việc thanh toán khí đốt cho Nga.

Các công ty dầu lửa như Shell (của Hà Lan) và Total (của Pháp) đều có liên doanh ở Nga trong khi BP (của Anh) lại cho biết họ là một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại châu Âu và có quan hệ với công ty dầu khí của Nga Rosneft. Hãng chế tạo máy bay khổng lồ của châu Âu - Airbus - cũng mua titan từ Nga. Các ngân hàng châu Âu, đặc biệt là Đức, Pháp, Italia đều cho người Nga vay hàng tỷ USD.

"Các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc không chỉ làm tổn thương đến Nga mà còn có khả năng gây thiệt hại lớn cho các khách hàng từ châu Âu", ông Adam Tooze, Giám đốc Viện châu Âu tại Đại học Columbia nói.

Tùy thuộc vào những gì đang và sắp xảy ra, những tác động đáng kể nhất đối với nền kinh tế toàn cầu có thể sẽ biểu hiện rõ ràng hơn về lâu dài. Nhưng có một điều là diễn biến này sẽ thúc đẩy Nga có quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn với Trung Quốc. Hai quốc gia này gần đây đã đàm phán một hợp đồng kéo dài 30 năm về việc Nga cung cấp khí đốt cho Trung Quốc thông qua một đường ống mới.

"Nga có thể xoay chuyển toàn bộ năng lượng và hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc", ông Carl Weinberg, nhà kinh tế trưởng tại High Frequency Economics, cho biết.

Cuộc khủng hoảng cũng góp phần đánh giá lại cấu trúc nền kinh tế toàn cầu và lo ngại về khả năng tự cung tự cấp. Đại dịch đã nêu bật những mặt trái của chuỗi cung ứng toàn cầu là quá phụ thuộc vào sản xuất tinh gọn. Và giờ đây, sự phụ thuộc của châu Âu vào khí đốt của Nga đang thúc đẩy các cuộc thảo luận về việc phải mở rộng các nguồn cung năng lượng. Điều này có thể ngăn cản sự hiện diện của Nga trong nền kinh tế toàn cầu.

"Về lâu dài, nó sẽ thúc đẩy châu Âu đa dạng hóa nguồn cung", ông Jeffrey Schott, một thành viên cấp cao về chính sách thương mại quốc tế tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson nói. Theo ông, đối với Nga, chi phí thực tế "sẽ bị bào mòn theo thời gian và thực sự gây khó khăn hơn nhiều khi các nhà đầu tư làm ăn với các thực thể của Nga".