1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Mỹ sẵn sàng tung vũ khí kinh tế "chưa từng có" nếu Nga tấn công Ukraine

Nhật Linh

(Dân trí) - Ngoài một số biện pháp trừng phạt như Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố, Nhà Trắng còn cho biết họ đã sẵn sàng triển khai một vũ khí kinh tế khác nếu Nga tiếp tục thực hiện kế hoạch tấn công Ukraine.

Mỹ sẵn sàng tung vũ khí kinh tế chưa từng có nếu Nga tấn công Ukraine - 1

Nhà Trắng sẵn sàng triển khai một vũ khí kinh tế khác nếu Nga tiếp tục thực hiện kế hoạch tấn công Ukraine (Ảnh: Getty).

Loại vũ khí đó là Quy định Quản lý xuất khẩu (EAR), cho phép chính quyền Biden cấm các công ty nước ngoài và trong nước xuất khẩu các sản phẩm như chất bán dẫn công nghệ cao sang Nga.

Vẫn có nhiều nghi ngờ về tính hiệu quả của các quy tắc trừng phạt Nga, song Mỹ đã thực hiện một cách hiệu quả trong các trường hợp và chính quyền Mỹ cam kết đó sẽ là đòn bẩy chính để cắt đứt nền kinh tế Nga. "Đó là một thỏa thuận lớn mà ông Putin không ngờ tới", ông Douglas Rediker, một thành viên cấp cao không thường trú tại Viện Brookings, nói với Yahoo Finance.

"Nga sẽ bị loại ra khỏi những gì quan trọng trong việc phát triển trí tuệ nhân tạo trong tương lai, và đây là những công nghệ có khả năng tạo nên sức mạnh kinh tế trong thế kỷ 21", ông Rediker nói và cho biết đây là lần đầu tiên Mỹ thực hiện lệnh trừng phạt mà không cần có sự tham gia của Liên minh châu Âu.

Quy tắc này không chỉ áp dụng với các mặt hàng của Mỹ mà còn "các mặt hàng do nước ngoài sản xuất bên ngoài Mỹ cũng phải tuân thủ theo EAR nếu các mặt hàng đó là sản phẩm trực tiếp của các ngành công nghệ, phần mềm hay sản xuất của Mỹ.

Rất có thể ông Biden sẽ áp dụng quy tắc này, bởi cuối tuần trước, ông tin rằng ông Putin "đã đưa ra quyết định" tấn công Ukraine và hứa sẽ "buộc Nga chịu trách nhiệm về các hành động của mình".

"Chúng tôi có lợi thế bất đối xứng"

Phát biểu về chiến lược tổng thể với các phóng viên, Phó Cố vấn An ninh Quốc gia của Nhà Trắng Daleep Singh cho biết: "Các lệnh trừng phạt về tài chính từ chối nguồn vốn nước ngoài vào Nga, còn các biện pháp kiểm soát xuất khẩu sẽ chặn các yếu tố đầu vào công nghệ quan trọng mà Nga cần để đa dạng hóa nền kinh tế của mình".

Trong khi các công ty Trung Quốc có khả năng sẽ không tuân thủ quy định này, ông Singh cho rằng: "Chúng tôi nghĩ chúng tôi có lợi thế bất đối xứng khi nói đến các công nghệ nền tảng trong thời đại chúng ta. Thực sự Nga sẽ không có khả năng thay thế hay bù đắp những thiếu hụt đầu vào này từ nơi nào khác, kể cả từ Trung Quốc".

Tuy vậy, Nhà Trắng cũng sẽ phải đối mặt với thực tế là sản xuất chip chủ yếu diễn ra ngoài Mỹ. Theo một báo cáo gần đây từ Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn, vai trò của Mỹ trong việc sản xuất chất bán dẫn đã giảm từ 40% năm 1990 xuống còn 12% hiện nay. Khi nói đến các chất bán dẫn tiên tiến nhất thế giới, 100% đều được sản xuất ở ngoài Mỹ trong năm 2019. Trong đó, 3/4 năng lực sản xuất chip toàn cầu hiện tập trung ở Đông Á.

Các công ty có trụ sở tại Mỹ như Intel, Qualcomm vẫn không thể trực tiếp kiểm soát dù họ đang sản xuất phần lớn ở nước ngoài. Các công ty khác như Samsung, TSMC của Đài Loan có thể buộc phải lựa chọn chống đối thị trường phương Tây bằng cách tiếp tục giao dịch với Nga.

Và mặc dù sức mạnh sản xuất của Mỹ đã suy yếu song nước này vẫn chiếm 47% nhu cầu chip toàn cầu trong năm 2020. Trong khi đó, Trung Quốc đại lục chỉ chiếm 5% thị trường dù chính phủ Trung Quốc đầu tư ồ ạt và nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng nhanh.

"Nếu nói về những công nghệ nền tảng thì hầu hết đều do phương Tây thiết kế hoặc sản xuất", ông Singh nói và lưu ý rằng ông Putin "đã nhiều lần đề cập về mong muốn đối với lĩnh vực hàng không vũ trụ, lĩnh vực quốc phòng, lĩnh vực an ninh, nhưng nếu không có những yếu tố đầu vào quan trọng này thì không có con đường nào để thực hiện hóa tham vọng đó".

Sẵn sàng cho hành động "chưa từng có"

Các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đã được sử dụng trong những năm gần đây. Năm 2019, Mỹ đã thực hiện biện pháp này với gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc Huawei, đặc biệt nhắm vào khả năng mua chất bán dẫn của công ty. Quy tắc này sau đó đã được xem xét lại vào năm 2020.

Các hạn chế này thực sự đã làm tổn hại đến lợi nhuận của Huawei. Công ty này gần đây cho biết doanh thu của họ đã giảm 30%, phần lớn do các hành động của Mỹ. Tuy nhiên, liệu quy tắc này có thể áp dụng hiệu quả với toàn bộ quốc gia hay không?

Nhà Trắng đã tuyên bố ngành công nghiệp chip phải sẵn sàng cho hành động "chưa từng có" và ông Rediker cũng cho rằng: "Các biện pháp trừng phạt tài chính, trừng phạt năng lượng và trừng phạt dựa trên công nghệ là ba biện pháp lớn mà Nga có thể bị ảnh hưởng".

Theo Yahoo Financial