Các kịch bản về kinh tế nếu Nga động binh với Ukraine

Nhật Linh

(Dân trí) - Theo các chuyên gia, các thị trường sẽ bị "nuốt chửng" nếu Nga quyết định động binh với Ukraine trong những ngày tới như dự đoán của Tổng thống Mỹ Biden.

Trong một bài phát biểu ngắn gọn từ Nhà Trắng hôm 18/2, ông Biden cho biết: "Tại thời điểm này, tôi tin rằng ông ấy (Putin) đã đưa ra quyết định". Khi một phóng viên hỏi liệu ông có nghĩ Nga sẽ tấn công Ukraine không, ông Biden trả lời "có".

Những lo ngại về địa chính trị thường tạo ra sự gián đoạn đối với thị trường trong thời gian rất ngắn. Hàng hóa và các tài sản rủi ro sẽ nhanh chóng phục hồi. Nhưng với cuộc khủng hoảng Nga và Ukraine có thể sẽ khác.

Các kịch bản về kinh tế nếu Nga động binh với Ukraine - 1

Nếu Nga thực hiện một cuộc xâm lược toàn diện với Ukraine sẽ làm rung chuyển các thị trường năng lượng, hàng hóa, kích hoạt làn sóng bán tháo cổ phiếu (Ảnh: EPA).

Các nhà phân tích cho rằng, nếu Nga động binh với Ukraine thì đó có thể là một sai lầm chiến lược khiến Nga sa lầy vào chiến tranh du kích trong nhiều năm và bị cô lập về kinh tế. Mặt khác cuộc tấn công cũng có nhiều cách, đối với thị trường thì vấn đề là ông Putin sẽ chọn cách nào. Nếu Nga thực hiện một cuộc xâm lược toàn diện với Ukraine sẽ làm rung chuyển các thị trường năng lượng, hàng hóa, kích hoạt làn sóng bán tháo cổ phiếu. Nhưng nếu ông Putin rút lui vào phút cuối và duy trì ở mức gây hấn thì có khả năng kích hoạt các biện pháp trừng phạt từ Mỹ và châu Âu.

Dưới đây là 4 kịch bản về tác động kinh tế nếu Nga tấn công Ukraine:

Kịch bản 1 - có cuộc chiến toàn diện: Nhiều nhà phân tích vẫn cho rằng khả năng ông Putin sẽ không tấn công Kiev, thủ đô của Ukraine, vì sẽ gây ra thiệt hại kinh tế và có thể là vấp phải phản ứng quân sự từ châu Âu và Mỹ. Đây cũng sẽ là rủi ro lớn nhất và chịu nhiều thiệt hại nhất mà các nhà đầu tư phải đối mặt từ cuộc khủng hoảng này.

Nếu Nga tiếp quản phần lớn hoặc toàn bộ Ukraine, châu Âu và Mỹ có thể sẽ áp các lệnh trừng phạt, hạn chế hoặc chặn hoàn toàn hoạt động xuất khẩu các mặt hàng quan trọng của Nga như nhôm, niken, paladi, titan, bạch kim và một số loại ngũ cốc. Đây là những mặt hàng quan trọng trong chuỗi cung ứng của các nhà sản xuất Mỹ và châu Âu. Và việc mất nguồn cung quan trọng này sẽ khiến cho giá cả bị đẩy lên. Điều này càng làm cho tình hình lạm phát, vốn đang ở mức cao nhất trong 40 năm ở Mỹ và châu Âu, trầm trọng thêm.

Thị trường dầu mỏ và khí đốt cũng sẽ rung chuyển vì Nga là nhà sản xuất hàng đầu về các mặt hàng này và là nguồn cung khí đốt số 1 cho các nước châu Âu. Nhưng việc ngừng xuất khẩu năng lượng của Nga khó có thể xảy ra. Bởi châu Âu khó có thể tẩy chay hoặc đưa dầu khí của Nga vào danh sách trừng phạt do đang quá phụ thuộc vào nguồn năng lượng của nước này.

Trong khi đó, Nga vẫn rất cần nguồn thu từ việc bán năng lượng để duy trì nền kinh tế vốn đang trì trệ, đặc biệt nếu nước này bị áp các lệnh trừng phạt trong khi đổ tiền vào quân sự.

"Ngay cả khi tấn công vào Ukraine, chúng tôi cũng không cho rằng xuất khẩu dầu và khí đốt của Nga sang châu Âu sẽ bị sụt mạnh", nhà kinh tế Bernard Baumohl của Economic Outlook Group nói và cho rằng: "Chúng tôi cho rằng Nga sẽ tiếp tục bán dầu và khí đốt sang châu Âu ngay cả khi chiến tranh xảy ra".

Các kịch bản về kinh tế nếu Nga động binh với Ukraine - 2

Thị trường dầu mỏ và khí đốt cũng sẽ rung chuyển vì Nga là nhà sản xuất hàng đầu về các mặt hàng này và là nguồn cung khí đốt số 1 cho các nước châu Âu (Ảnh: Shutterstock).

Dù sao, giá dầu và khí đốt cũng sẽ tăng vọt bởi mối đe dọa về một cú sốc cung nhiều khả năng có thể xảy ra. Nhiều công ty có thể sẽ tạm dừng các khoản đầu tư lớn để chờ xem các động tĩnh từ chiến dịch quân sự lớn nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến thứ 2. Dòng tiền chuyển từ các tài sản rủi ro sang các tài sản an toàn như trái phiếu kho bạc Mỹ, đẩy lãi suất giảm và đồng USD mạnh lên.

Ông Baumohl cho rằng một cuộc xâm lược sẽ đẩy nền kinh tế châu Âu vào cuộc suy thoái và giảm tốc độ tăng trưởng GDP của Mỹ từ 3% xuống còn 1%.

Capital Economics cũng cho rằng, việc Nga tấn công quân sự cùng các lệnh trừng phạt và giá năng lượng tăng cao sẽ khiến lạm phát ở các nước phát triển tăng thêm khoảng 2 điểm phần trăm. Điều đó có lẽ sẽ ảnh hưởng đến châu Âu nhiều nhất, nhưng Mỹ với mức lạm phát 7,5% có thể sẽ còn tồi tệ hơn.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương khác sẽ phải đối mặt với câu hỏi hóc búa đó là lạm phát sẽ tệ hơn trong khi nền kinh tế cơ bản đang yếu đi. Điều đó sẽ làm phức tạp thêm khi gần đây Fed đang chuyển từ chính sách nới lỏng kinh tế với lãi suất thấp sang chính sách thắt chặt với lãi suất cao để chống lại lạm phát. Do đó, các chuyên gia cho rằng, Fed có thể phải giảm bớt các đợt tăng lãi suất và rủi ro lạm phát cao hơn để kích thích nền kinh tế đang dễ bị tổn thương.

Nếu năng lượng bị vũ khí hóa và các chuyến hàng dầu hay khí đốt của Nga tới châu Âu bị chậm lại hoặc tạm ngừng, giá cả có thể sẽ tăng vọt. Nhưng điều đó sẽ tồi tệ hơn nhiều cho châu Âu và Mỹ. Vì khoảng 1/3 lượng khí đốt tự nhiên của châu Âu là đến từ Nga, trong khi đó, hiện dự trữ khí đốt của châu Âu đang ở mức thấp. Do đó nếu khí đốt của Nga sang châu Âu bị cắt thì giá cả sẽ tăng vọt và có thể phải phân phối định lượng, thường áp dụng khi cung bị thiếu hụt.

Châu Âu có thể mua nhiều khí đốt tự nhiên hóa lỏng hơn từ Mỹ, Qatar và Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất. Nhưng vấn đề là không phải nước nào cũng trang bị để nhập khẩu khí hóa lỏng từ các nước trên và chúng không thể thay thế được tất cả lượng khí đốt đến từ Nga thông qua đường ống. Với Mỹ, tình hình này có thể ít nghiêm trọng hơn do Mỹ có nhiều khí đốt để đáp ứng nhu cầu và họ sẽ sản xuất nhiều hơn nếu giá tăng cao.

Kịch bản 2 - một cuộc tấn công quân sự có giới hạn: Nếu ông Putin mang quân đến các khu vực ở miền đông Ukraine mà ông chưa kiểm soát nhưng ngừng tấn công vào Kyiv, thì có thể sẽ kích hoạt lệnh trừng phạt từ Mỹ. Còn các quốc gia châu Âu thì chia rẽ, tùy thuộc vào mức độ phụ thuộc vào năng lượng của Nga.

Giá dầu và khí đốt cũng vẫn sẽ tăng vọt do lo ngại điều tồi tệ hơn sẽ xảy ra. Tuy nhiên, giá có thể trở lại mức bình thường nhanh hơn so với một cuộc xâm lược hoàn toàn. Nền kinh tế châu Âu sẽ suy yếu nhưng không rơi vào suy thoái. Lạm phát ở Mỹ có thể tạm thời không tồi tệ hơn. Nhưng nếu quân đội Nga đóng quân ở miền đông Ukraine mà không chạm tới Kyiv, các thị trường có thể hồi phục khá nhanh.

Kịch bản 3 - xung đột phi quân sự: Nga có thể ngừng các cuộc tấn công quân sự truyền thống và quay sang quấy rối Ukraine bằng các cuộc tấn công mạng, chiến tranh thông tin, thậm chí là khủng bố. Điều này sẽ có tác động nhỏ tới thị trường tài chính nếu không có các lệnh trừng phạt hoặc mối đe dọa nào với các hợp đồng năng lượng.

Kịch bản 4 - giải pháp ngoại giao: Theo các chuyên gia, khả năng đạt được một số thỏa thuận giữa ông Putin và phương Tây dường như đã mờ nhạt khi ông Putin đưa ra những yêu cầu mà ông thừa biết phương Tây sẽ không đáp ứng.

Trong khi đó Nhà Trắng ra hiệu không có tiến triển nào. Nhưng cũng có thể những đột phá về ngoại giao sẽ xảy ra vào phút chót. Nếu thỏa thuận ngoại giao xoa dịu được cuộc khủng hoảng này, rủi ro trên thị trường năng lượng sẽ giảm đi và giá sẽ hạ nhiệt.

Các nhà đầu tư chứng khoán cũng trút bỏ được mối lo về căng thẳng địa chính trị, dồn sức cho mối lo về lạm phát. Các ngân hàng trung ương cũng sẽ có lộ trình rõ ràng hơn để tăng lãi suất.

Theo Yahoo Finance