DNews

Điểm chung của các doanh nghiệp liên quan Vạn Thịnh Phát

Khổng Chiêm

(Dân trí) - Các báo cáo gần nhất cho thấy các công ty liên quan Vạn Thịnh Phát như An Đông, Bông Sen, Quang Thuận hay Chứng khoán Tân Việt đều thua lỗ.

Điểm chung của các doanh nghiệp liên quan Vạn Thịnh Phát

Theo kết luận điều tra của Cơ quan Bộ Công an, hệ sinh thái Tập đoàn Vạn Thịnh Phát gồm khoảng 1.000 công ty con, công ty thành viên trong và ngoài nước. Các công ty này được chia làm 4 nhóm chính có quan hệ chặt chẽ với nhau.

Trong đó, một nhóm công ty có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam phần lớn hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, nhà hàng, khách sạn... đều chung đặc điểm là vốn điều lệ lớn, nắm cổ phần chi phối các công ty con, công ty thành viên.

Công ty An Đông, Quang Thuận phát hành hàng nghìn tỷ đồng trái phiếu và đều thua lỗ

Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông (Công ty An Đông) là một doanh nghiệp thuộc nhóm nêu trên. Vốn điều lệ của An Đông là 9.000 tỷ đồng. Giai đoạn 2018-2019, An Đông phát hành 3 lô trái phiếu với tổng giá trị gần 25.000 tỷ đồng.

Cụ thể, tháng 9/2018, doanh nghiệp phát hành 2 lô trái phiếu, kỳ hạn 5 năm, giá trị lần lượt hơn 11.969 tỷ đồng và 3.000 tỷ đồng. Tháng 1/2019, An Đông tiếp tục phát hành 1 lô trái phiếu với giá trị 10.000 tỷ đồng, thời hạn 5 năm.

Huy động trái phiếu giá trị lớn nhưng lợi nhuận của An Đông lại tụt dốc. Năm 2018, doanh nghiệp lãi 155 tỷ đồng. Đến năm 2019, con số này giảm 76% còn hơn 37,5 tỷ đồng. Theo báo cáo từ doanh nghiệp, đến 6 tháng đầu năm 2020, công ty lỗ gần 23 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lãi hơn 37,5 tỷ đồng.

Công ty An Đông là doanh nghiệp liên quan tới vụ việc được cơ quan điều tra xác định Vạn Thịnh Phát lừa đảo 30.081 tỷ đồng của khoảng 42.000 nhà đầu tư thông qua hình thức phát hành trái phiếu. Thời gian diễn ra từ năm 2018 đến năm 2020. Trong đó, riêng An Đông phát hành gần 25.000 tỷ đồng.

Cùng với An Đông, Công ty cổ phần Đầu tư Quang Thuận cũng là đối tượng có liên quan tới vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Theo nhà chức trách, An Đông, Quang Thuận và một số doanh nghiệp khác liên quan Vạn Thịnh Phát đã có hành vi gian dối, làm trái quy định của pháp luật tạo lập 25 gói trái phiếu để bán cho người mua, huy động tiền và chiếm đoạt.

Báo cáo lên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), công ty Quang Thuận công bố lỗ hơn 641 tỷ đồng nửa đầu năm nay, trong khi cùng kỳ lãi 247 triệu đồng. Con số này nối dài chuỗi âm lợi nhuận từ năm 2022 của Quang Thuận, tương đương lỗ 4,3 tỷ đồng trong khi năm 2021 lãi 412 triệu đồng.

Cũng theo con số doanh nghiệp này từng báo cáo, lợi nhuận qua các năm đều khá khiêm tốn. Năm 2020, Quang Thuận lãi 1 tỷ đồng. Năm 2019 là năm có mức lợi nhuận cao nhất của doanh nghiệp trong 5 năm gần nhất, đạt 5,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận này khá nhỏ so với vốn chủ sở hữu 2.640 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Công ty Quang Thuận, tổng tài sản tới cuối quý II đạt hơn 13.690 tỷ đồng. Nợ phải trả là 12.441 tỷ đồng, trong đó gần 11.000 tỷ đồng là nợ trái phiếu. Vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp giảm 59% trong nửa đầu năm, còn hơn 1.249 tỷ đồng.

Công ty Bông Sen chậm trả lô trái phiếu 4.800 tỷ đồng

Một doanh nghiệp khác cũng được cơ quan điều tra xếp vào nhóm có hoạt động kinh doanh, tạo doanh thu cho Vạn Thịnh Phát là Công ty cổ phần Bông Sen. Nửa đầu năm nay, Công ty cổ phần Bông Sen lỗ 230 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi 280 tỷ đồng.

Báo cáo cũng cho thấy tính đến 30/6, vốn chủ sở hữu của công ty này là 6.973 tỷ đồng. Hệ số nợ/vốn chủ sở hữu là 0,94 lần. Tổng tài sản doanh nghiệp khoảng 13.500 tỷ đồng.

Tại ngày 30/6, công ty có 1 lô trái phiếu giá trị 4.800 tỷ đồng, phát hành ngày 15/10/2021 và đáo hạn dự kiến vào 15/10/2026. Lãi suất trái phiếu là 10,5%/năm. Tuy nhiên, công ty đã chậm thanh toán hơn 668 tỷ đồng, bao gồm lãi vay (150,5 tỷ đồng) và lãi phạt (517,8 tỷ đồng). Lý do là tài khoản công ty bị phong tỏa.

Làm rõ hơn về điều này, tại cuộc họp đại hội cổ đông bất thường tổ chức ngày 30/8 vừa qua, bà Vũ Thị Hồng Hạnh - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Bông Sen - cho biết theo cơ quan điều tra, Bông Sen nằm trong danh sách 762 công ty có liên quan đến Vạn Thịnh Phát. Các nội dung và kết quả làm việc với cơ quan điều tra, lãnh đạo công ty xin báo cáo và cung cấp cho cổ đông sau khi có kết luận chính thức.

Cũng theo bà Hạnh, lô trái phiếu 4.800 tỷ đồng được phát hành để huy động vốn đầu tư dự án 152 Trần Phú, đã trả lãi cho trái chủ 3 kỳ (3 tháng/kỳ). Tuy nhiên, do đối tác đầu tư không thực hiện cam kết nên công ty bị gián đoạn việc trả lãi cho trái chủ. Cơ quan điều tra đang làm việc về các nội dung trái phiếu, trong đó có trái phiếu của Bông Sen.

Tại họp đại hội, HĐQT có đưa ra phương án thanh lý tài sản đảm bảo để thực hiện nghĩa vụ của lô trái phiếu. Tài sản bao gồm cổ phần, phần vốn góp và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của một số dự án "đất vàng" TPHCM như khách sạn Palace (56-66 Nguyễn Huệ), khách sạn Bông Sen 2 (61-63 Hai Bà Trưng), số 5 Nguyễn Thiệp, 24 Đông Du hay 93-97 Đông Du.

Bà Hạnh cũng lưu ý rằng, việc thông qua nội dung thanh lý tài sản để xử lý lô trái phiếu sẽ chỉ thực hiện sau khi có kết luận và phương án xử lý của cơ quan điều tra. Nguyên nhân là hiện tại công ty không được phép thay đổi, dịch chuyển tài sản.

Công ty Bông Sen là doanh nghiệp thành viên của Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist). Đơn vị này sở hữu và quản lý hàng loạt khách sạn, nhà hàng ở vị trí đắc địa quanh khu vực trung tâm TPHCM, như các khách sạn: Palace Saigon, Bông Sen Saigon, Bông Sen Annex, các nhà hàng: Calibre, Bier Garden, Buffet Gánh Bông Sen, Buffet chay Cỏ Nội, Cỏ Nội Vegetarian và Công ty giặt ủi Viet Laundry.

Không chỉ có mặt tại TPHCM, Bông Sen còn nắm cổ phần chi phối tổ hợp khách sạn Daewoo tại Hà Nội vào năm 2015 với số tiền bỏ ra hơn 3.600 tỷ đồng. Dự án khách sạn 5 sao này từng là biểu tượng của Hà Nội.

Chứng khoán Tân Việt kinh doanh ra sao?

Một doanh nghiệp cũng được cơ quan điều tra liệt kê thuộc nhóm định chế tài chính tại Việt Nam là Công ty cổ phần Chứng khoán Tân Việt (TVSI). Chung nhóm này còn có Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và Công ty cổ phần Đầu tư tài chính Việt Vĩnh Phú (Công ty Việt Vĩnh Phú). Trong đó, SCB có vai trò đặc biệt quan trọng, được sử dụng như một công vụ tài chính để cấp vốn cho các công ty trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát.

Sau khi bà Trương Mỹ Lan - Chủ tịch Vạn Thịnh Phát - bị khởi tố, bắt tạm giam (ngày 7/10/2022) thì đến ngày 12/10/2022, bà Bùi Thị Thanh Hiền, Phó tổng giám đốc TVSI - đã làm việc với các nhà đầu tư trái phiếu qua Ngân hàng SCB, khẳng định SCB và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát không phải cổ đông và hoàn toàn không có tác động đến việc điều hành TVSI.

Trong 9 tháng đầu năm nay, TVSI lỗ sau thuế 331 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi 350 tỷ đồng. Doanh thu cũng giảm 92% còn 178 tỷ đồng. Quy mô tài sản giảm 6% so với đầu năm, đạt gần 4.040 tỷ đồng.

Trước đó giai đoạn 2019-2022, lợi nhuận của TVSI đều dương. Cá biệt năm 2021, lợi nhuận đạt cao nhất, đạt 588 tỷ đồng.

Thời gian qua, TVSI cũng có nhiều biến động về nhân sự. Vào ngày bà Trương Mỹ Lan bị bắt (7/10/2022), truyền thông đưa tin ông Nguyễn Tiến Thành - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc TVSI - từ trần ngày 6/10/2022. Sau đó, vị trí Chủ tịch TVSI được bổ nhiệm cho ông Nguyễn Việt Cường và mới đây là bà Trần Thị Cẩm Hạnh (từ ngày 26/6/2023).