Cửa hàng quần áo, quán ăn ở TPHCM ngóng chờ trạng thái bình thường mới
(Dân trí) - Nhiều chủ cửa hàng, quán ăn đang dọn dẹp, soạn lại hàng hóa, ngóng chờ TPHCM nới lõng giãn cách để kinh doanh trong điều kiện "bình thường mới".
Trong khi nhiều hàng quán trên phố đi bộ Bùi Viện (Quận 1) vẫn còn đóng kín cửa thì một số quán ăn cũng rục rịch lau dọn bàn ghế, ly đĩa, chuẩn bị chờ TPHCM chuyển sang trạng thái "bình thường mới".
"Bốn đợt dịch rồi, tụi tui có bán được gì đâu. Đóng rồi mở, mở rồi đóng, dọn rửa đồ đạc xong rồi dẹp vô, chứ không biết có bán được không. Giờ chỉ mong thành phố nới lỏng giãn cách", chủ quán ăn Hòa Ký trên đường Bùi Viện tâm sự.
Đã hơn ba tháng TPHCM siết giãn cách theo Chỉ thị 16 là cũng ngần ấy thời gian gia đình anh Hòa phải bám trụ mặt bằng, cách tuần lại mang đồ đạc ra lau rửa.
"Trước mình cho thuê xe gắn máy, vừa chuyển sang làm quán ăn thì dịch ập đến luôn. Tiền mặt bằng mỗi tháng ba triệu, đợt thứ tư này giãn cách kéo dài thêm nữa, tôi không biết sẽ ra sao", anh Hòa ngậm ngùi.
Trên đường Nguyễn Trãi thuộc Quận 1, chỉ duy nhất quán ăn gia đình của anh Châu Hoàng Du đang hoạt động. Quán anh hiện chỉ phục vụ bán mang về và giao hàng tận nhà.
"Bây giờ đơn hàng chỉ là gà nguyên con, bán 199.000 đồng/con. Tôi phải xuống chợ đầu mối ở Củ Chi, Hóc Môn tìm mua rau củ, hàng khó kiếm. Từ khi thành phố cho bán thức ăn mang đi, hàng chủ yếu phục vụ cho người dân trong khu vực này và chung cư tôi đang ở", anh Du kể.
Trong khi đó, "thiên đường ẩm thực" nổi tiếng Phan Xích Long (quận Phú Nhuận) vẫn nằm im với hàng rào phong tỏa, chưa chuẩn bị "khởi động".
Phố thời trang Nguyễn Trãi (quận 5), chỉ đếm trên đầu ngón tay số lượng các cửa hàng chuẩn bị cho việc mở cửa trở lại. Tại một trong tám cửa hàng của anh Lâm Văn Bình, nhân viên cũng bắt đầu triển khai các phần việc bán hàng trực tuyến.
Bạn Dương Bảo Xuyên, nhân viên cửa hàng thời trang đang chụp các mẫu váy áo để giới thiệu lên fanpage của cửa hàng.
"Bốn tháng ảnh hưởng việc kinh doanh cửa hàng nhiều lắm, tôi có tổng cộng 8 cửa hàng liền kề trên đường này. Chủ nhà cũng có giảm cho chúng tôi 20% tiền mặt bằng. Mấy hôm nay tôi cũng kiểm tra thiệt hại sau thời gian dài đóng cửa, soạn lại hàng hóa. Nhân viên chúng tôi cũng cho tiêm hai mũi, nếu mai mốt cho mở cửa bán lại thì chắc để khách tự lựa, xong ra tính tiền, không cho nhân viên tiếp xúc" anh Lâm Văn Bình, chủ cửa hàng cho biết.
Cách cửa hàng quần áo của anh Bình chừng 100 m chỉ có duy nhất một cửa hàng giầy dép mở cửa.
"Chuyện lương bổng nghĩ gì nữa anh, giờ ở đây chủ lo ăn uống cho hai anh em là quý lắm rồi, chủ cũng khó khăn. Từ tết tới giờ có bán được đâu, chủ có 5 cửa hàng giầy dép, mỗi cửa hàng tiền vốn không tầm 500 triệu đồng, chưa tính mặt bằng", anh Võ Đinh Bảo Cường (bên phải), quản lý cửa hàng giầy dép Miss Lan chia sẻ.
A Chẩy và anh Bảo Cường thay phiên nhau chăm sóc 5 cửa hàng của chủ, từ điện nước đến quét bụi giầy dép trong suốt thời gian giãn cách.
"Để gần 4 tháng, quai đế một số đôi nó tự tróc ra thế này thì coi như bỏ. Ngày thường cửa hàng bán mỗi đôi tầm 150.000-200.000 đồng", em A Chẩy cho biết. Các gian hàng đóng cửa nhiều tháng nên ẩm thấp do bị mưa dột, điều hòa không hoạt động, không được lau chùi thương xuyên...
Hàng hóa phân khúc bình dân nên độ bền cũng không cao, phục vụ cho những khách hàng có nhu cầu thay đổi mẫu liên lục, giá không quá đắt. Để trên kệ lâu nên hư nhiều, một số đôi bị khô keo, chỉ cần chạm nhẹ là có thể dễ dàng tách ra rời đế.