DMagazine

Công trường xây dựng - nơi không chỉ có sắt đá bê tông

(Dân trí) - Mỗi ngày, chúng ta vô tình bắt gặp hình ảnh những người công nhân xây dựng giữa dòng người kẹt xe và nhận ra họ nhờ bộ trang phục đặc trưng. Nhưng phía sau màu áo ấy, là nhiều câu chuyện đáng ngưỡng mộ về tinh thần thép với nghị lực phi thường.

Landmark 81 là tòa nhà cao nhất Việt Nam, kể từ khi được khánh thành từ cuối năm 2018. Những tầng cao nhất, vận thăng (thiết bị nâng hạ để thi công các công trình cao tầng) không lên tới. Để thi công, đội công nhân phải vác từng bao vật tư đi theo lối thang bộ. Đưa được bao xi măng 50kg lên 3 tầng lầu ở độ cao trên 400m, mỗi người phải ngồi nghỉ 20 phút mới đủ sức làm tiếp. Ai giỏi lắm, mỗi ngày cũng chỉ vác được 15 bao.

Những ngày đó, anh Hồ Minh Sang (sinh năm 1971, quê Sóc Trăng) vừa bước chân vào nghề công nhân xây dựng. Cứ hôm trước vác vật tư, là hôm sau 2 bắp chân anh cứng đờ, tưởng chừng không điều khiển được. Đó là chưa nói đến những đêm gió to, vận thăng không được hoạt động để đảm bảo an toàn. Công nhân đang làm việc ở tầng 50, 70 hay 80 cũng phải lội bộ xuống để về.

Anh mặc kệ, vẫn lên xe theo anh em ra công trường làm việc, tăng ca bất kể ngày đêm. Có thời điểm anh ở lại công trường liên tục 3 ngày 3 đêm, đến lúc sắp ngủ gục tại chỗ mới chịu về lại nhà trọ. Vừa nằm được vài tiếng, chủ thầu gọi, anh lại quay lên công trường làm việc tiếp tục.

Tranh thủ giờ giải lao hiếm hoi, anh lấy điện thoại gọi video cho con gái, khoe mình là một trong những người đầu tiên được đứng trên "đỉnh" công trình cao nhất Việt Nam. Cô con gái, lúc đó đang là sinh viên năm nhất Đại học Ngoại ngữ - Tin học, dịu giọng hỏi: "Công việc có nặng nhọc lắm không cha?". Anh cười hề hề: "Trời ơi, cha làm phẻ (khỏe) lắm, kiếm đồng tiền phẻ re à".

Công trường xây dựng - nơi không chỉ có sắt đá bê tông - 1

"Phải nói vậy cho con yên tâm mà ăn học, chứ mình than vất vả, khổ cực thì con nản lòng, lại nghĩ chuyện bỏ học mà làm chuyện khác", anh phân trần về lời nói dối khó tin của mình.

Công trường xây dựng - nơi không chỉ có sắt đá bê tông - 4

Sinh ra trong một gia đình nghèo khó, anh Minh Sang và vợ bươn chải hơn nửa đời với vài công ruộng thuê và gánh xôi, bánh mì để nuôi 2 con ăn học. May mắn, 2 cô con gái đều hiểu chuyện và chăm học. Đứa nào cũng 12 năm liền là học sinh giỏi, thường xuyên nhận học bổng từ trường hoặc địa phương.

Nhưng hoa lợi kiếm được từ ruộng đất ngày càng ít, trong khi chi phí đầu vào tăng cao. Năm con gái lớn báo tin đậu đại học, anh quyết định rời quê lên Sài Gòn kiếm công việc thu nhập tốt hơn để lo cho con ăn học thành tài.

"Ở quê, nhiều người bảo vợ chồng tôi đua đòi. Người ta có ruộng đất, gặp khó khăn thì bán vài công ruộng lo cho con; vợ chồng mày cục đất chọi chim cũng không có mà đòi cho con học đại học. Nhiều người khuyên, nó học hết cấp 3 cho có cái bằng để đi làm công nhân được rồi. Nhưng tôi nói không, bằng mọi giá, tôi phải lo cho con mình ăn học đến nơi đến chốn, để nó không phải làm thuê làm mướn khổ cực như đời cha mẹ nó", người đàn ông ngoài 50 trải lòng.

Công trường xây dựng - nơi không chỉ có sắt đá bê tông - 5

Hè năm 2018, lần đầu anh đặt chân lên Sài thành - nơi mà người ta vẫn nói là xứ dễ sống, dễ kiếm tiền. Anh lên trước con gái vài tháng để tìm việc và "quen nước quen cái", sau này thuê nhà trọ, dẫn con đi học. Anh kể với giọt nước mắt chực rơi khỏi khóe mắt: "Từ chỗ con học đến chỗ nhà trọ hơn một cây số, bắt con lội bộ - đau khổ lắm. Sau tôi ráng mua cho nó chiếc xe đạp, đi lại đỡ vất vả".

Về phần mình, qua người quen, anh xin làm công nhân xây dựng cho một nhà thầu phụ của Coteccons - lúc đó đang thi công một số hạng mục cho công trình Landmark 81. Khi anh bày tỏ lý do lặn lội lên TPHCM tìm việc ở tuổi gần 50, người cai thầu cười: "Em làm thầu còn không nuôi nổi con học đại học, anh làm công nhân sao nuôi nổi". Nhưng anh vẫn quyết tâm bất kể công việc khó khăn, nặng nhọc đến đâu. Khi có lịch tăng ca, anh luôn sẵn sàng đăng ký. Nhiều đêm 2-3h khuya mới về đến phòng trọ, nhưng 4-5h sáng anh đã quay lại công trường.

Khi con lớn vừa ra trường, bé thứ 2 cũng đậu Đại học Tài chính - Marketing. "Sự nghiệp" xây dựng của anh Sang lại nối dài thêm 4 năm. Hiện tại, anh đảm nhận khâu bơm nước cho công trường của Coteccons tại dự án Vinhomes Grand Park (quận 9, TPHCM). Do đặc thù công việc phải đảm bảo khu vực thi công khô ráo trước khi công nhân vào làm, nên giờ làm việc của anh thường rơi vào giờ nghỉ của người khác. Nhiều khi đang làm mà trời đổ mưa, mọi người được vào nghỉ, anh vẫn phải đội mưa cho xong việc.

Công trường xây dựng - nơi không chỉ có sắt đá bê tông - 7

"Đời mình đã khổ, đi làm thuê làm mướn mà không có của cải gì cho con. Bây giờ mình phải ráng tạo cho nó cái bằng để sau này nó có tương lai sáng sủa hơn. Bằng mọi giá phải ráng, cỡ nào cũng phải làm", đôi mắt anh luôn rực sáng mỗi lần nhắc đến quyết tâm nuôi con ăn học thành tài.

Cùng đích đến với anh Sang, nhưng "chuyến tàu" của Nguyễn Thị Nhung (sinh năm 1993, ở Sóc Trăng) vừa rời ga xuất phát chưa bao lâu. 2 con của cô, đứa lớn 12 tuổi còn đứa nhỏ Tết này mới được 5 tuổi.

Ngày cô cưới chồng, tài sản chẳng có gì ngoài căn nhà được xã cấp sổ hộ nghèo. Vợ chồng kiếm sống bằng nghề cày thuê cấy mướn. Nhưng thu nhập hơn trăm nghìn đồng mỗi ngày, thì cứ ngày nào làm đủ ăn ngày ấy. Đến mùa nông nhàn, chẳng ai thuê mướn gì, cả nhà lại rơi vào cảnh thiếu trước hụt sau.

Khi sinh con thứ 2, gia cảnh càng khốn đốn. Vợ chồng cô bàn nhau lên Sài Gòn tìm việc làm. Đứa nhỏ chưa tròn tuổi được gửi lại cho bà ngoại.

Công trường xây dựng - nơi không chỉ có sắt đá bê tông - 9

"Những ngày đầu lên đây khó khăn trăm bề. Tụi em không có tiền, nhiều khi 2 vợ chồng ăn chung một gói mì. Tiền nhà trọ thì phải vay mượn, rồi đến khi lãnh lương trả lại", nữ công nhân kể.

Giống như nhiều người từ các vùng quê khác đến với thành phố lớn, vợ chồng cô xin vào làm công nhân xây dựng. Bởi đây là công việc luôn "mở cửa" với những người lao động không bằng cấp, không tay nghề như cô. Trung bình, mỗi công nhân chỉ mất 3-6 tháng để quen việc và mức thu nhập khá cao so với các ngành thâm dụng lao động khác.

Vợ chồng Nhung, tổng thu nhập hiện tại 16-17 triệu đồng mỗi 2 tuần, nếu làm đủ ngày. Mỗi tháng sau khi trừ đi khoảng sinh hoạt phí và gửi về quê 8 triệu đồng để lo cho mẹ già và con dại, vợ chồng cô vẫn còn một khoản tích cóp, với giấc mơ nuôi con ăn học đến nơi đến chốn.

"2 đứa con thấy ba mẹ đi làm có thu nhập nên cũng yêu thích nghề xây dựng. Đứa nào cũng nói ước mơ sau này làm kiến trúc sư. Vợ chồng em cũng quyết tâm phải nuôi con đến khi nào lấy được tấm bằng đại học mới thôi", cô nói.

Công trường xây dựng - nơi không chỉ có sắt đá bê tông - 11

Theo số liệu do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội công bố gần đây, Việt Nam có khoảng 7 triệu công nhân xây dựng. Nếu so sánh với gần 52 triệu lao động đủ 15 tuổi tính đến quý III/2022, lực lượng này đang chiếm tỷ trọng gần 13,5%. Nhưng chưa có một báo cáo chuyên biệt hơn về chân dung của công nhân xây dựng: họ là ai? độ tuổi trung bình là bao nhiêu? thu nhập thế nào? những tổ chức nào đang bảo vệ quyền lợi cho họ?...

Nhưng một điều dễ nhận thấy là công nhân xây dựng phải làm việc trong môi trường khắc nghiệt. Không chỉ dãi nắng dầm sương, họ còn đảm nhiệm những công việc nặng nhọc, thậm chí có phần nguy hiểm. Kết quả phân tích của dự án nghiên cứu về điều kiện làm việc, bệnh tật của công nhân xây dựng do Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tài trợ cho thấy, họ phải tiếp xúc với 10 yếu tố nguy hiểm, nhiều nhất là nguy cơ ngã cao (61,8%), trơn trượt (35,8%), mảnh văng bắn (35,5%) và nguy cơ về điện (24,9%).

Công trường xây dựng - nơi không chỉ có sắt đá bê tông - 13

Theo ông Phạm Anh Thắng - Phó chánh văn phòng Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội, Trưởng đại diện Văn phòng Bộ tại TPHCM - thu nhập bình quân của người lao động cả nước vào khoảng 7,6 triệu đồng/tháng trong quý III/2022. Riêng lĩnh vực công nghiệp - xây dựng, tiền lương của công nhân ở khu vực Đông Nam Bộ cao hơn các khu vực khác. Nhưng, mức thu nhập này vẫn chưa tương xứng với công sức mà công nhân xây dựng bỏ ra. Bởi bình quân, mỗi công nhân làm việc 8-12 tiếng/ngày và 6-7 ngày/tuần.

Những biến động của thị trường bất động sản trong khoảng 2 năm gần đây cũng tác động không nhỏ đến thu nhập của người công nhân xây dựng. Nhiều dự án bị đình đốn khiến các nhà thầu không có việc làm hoặc không thể duy trì chế độ đãi ngộ như trước. Ngay thềm xuân Quý Mão, nhiều đơn vị đã phải cho công nhân về quê "ăn Tết sớm" hoặc sa thải hàng loạt.

"Công nhân xây dựng luôn đối mặt với nắng mưa, có mặt ở tầng hầm sâu dưới lòng đất đến cao chót vót trên trời. Chính vì vậy, chế độ tiền lương, phúc lợi phải tương xứng hơn, đáp ứng nhu cầu cuộc sống của họ. Họ cần được tôn vinh và thụ hưởng chính sách nhiều hơn", ông Thắng chia sẻ.

Công trường xây dựng - nơi không chỉ có sắt đá bê tông - 15

Trong khi, đây là lực lượng đóng vai trò quan trọng, nếu không muốn nói là chủ lực của ngành xây dựng Việt Nam. Họ là những người trực tiếp thi công, đảm nhiệm hầu hết khối lượng công việc tại các dự án, từ khâu tạo nền móng đến hoàn thiện.

"Nếu so sánh với mặt bằng chung thế giới, tay nghề của công nhân xây dựng Việt Nam thuộc top đầu. Với đôi tay của mình, họ đã trực tiếp cùng chúng tôi tạo ra những dự án hào nhoáng, những công trình mang tính biểu tượng của cả quốc gia", ông Phạm Quân Lực - Phó tổng giám đốc Công ty CP Xây dựng Coteccons - chia sẻ.

Công trường xây dựng - nơi không chỉ có sắt đá bê tông - 17

Là "đối tác" của gần 20.000 công nhân xây dựng khắp cả nước, đại diện Coteccons cho biết luôn đặt người công nhân lên hàng đầu trong chiến lược phát triển của doanh nghiệp. Không chỉ tạo công ăn việc làm, công ty luôn ưu tiên thanh toán đúng hạn cho các nhà thầu phụ, nhà cung cấp - ngay cả trong giai đoạn khó khăn - để người công nhân đảm bảo thu nhập, chủ động trong các kế hoạch tương lai của mình. Cùng với đó, doanh nghiệp không ngừng cải thiện điều kiện làm việc, xem an toàn là yếu tố tiên quyết và dành phần lớn thời gian, phân bổ ngân sách để đảm bảo an toàn cho người lao động.

Ngày 12/12/2022, Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons đã khởi động dự án "Xây Tết 2023", với sự đồng hành của Báo điện tử Dân trí. Chương trình nhằm mang cái Tết tươm tất và ấm áp hơn đến cho 12.000 công nhân từ các nhà thầu phụ, nhà cung cấp đang làm việc tại 60 công trường của Coteccons trên khắp cả nước. Chương trình nhận được sự ủng hộ từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, khi trong bối cảnh khó khăn chung, Coteccons không chỉ đảm bảo đời sống cho người lao động của mình mà còn chăm lo cho lao động của các đối tác.

Trong tuần đầu tiên của năm mới, những món quà Tết đã được đồng loạt gửi đến hơn 6.000 công nhân cùng nhiều khoảnh khắc đẹp được ghi nhận tại các dự án: Vinhomes Grand Park, Lancaster Legacy, CR8 - 2B&3 (TPHCM); Dolce Penisola Quảng Bình; Diamond Crown Hải Phòng, Xưởng lắp ráp ô tô Vinfast (Hải Phòng); Vinhomes Smart City, khu Biệt thự Nam Cường (Hà Nội)...

Công trường xây dựng - nơi không chỉ có sắt đá bê tông - 18

Coteccons sẽ tiếp tục hành trình "Xây Tết 2023" tại các công trường khắp các tỉnh thành trên toàn quốc; đồng thời ưu tiên thanh toán, để công nhân yên tâm làm việc và đón một cái Tết ấm no sau 2 năm ảnh hưởng của đại dịch. Bên cạnh những phần quà thiết thực dành tặng cho 12.000 lao động, dự án "Xây Tết" còn tổ chức các hoạt động ý nghĩa như cắt tóc miễn phí tại công trường, chụp hình lưu niệm và trao tặng những chuyến xe về quê...

Dù chỉ là những thực phẩm đơn giản ngày Tết, nhưng hầu hết công nhân nhận quà từ chương trình cho biết không nỡ sử dụng. Thay vào đó, họ sẽ mang quà về quê để chia sẻ cùng gia đình, như một thành quả đáng tự hào sau cả năm dài lao động.

"Phần quà này, tôi sẽ đem về cho bà xã với 2 đứa con, cho gia đình thấy mình đi làm công trình cũng có quà Tết với người ta. Rất cảm ơn Coteccons đã tạo một cái Tết vui vẻ cho anh chị em công nhân chúng tôi", anh Hồ Minh Sang bày tỏ. Những ngày này, với nữ công nhân Nguyễn Thị Nhung như dài hơn. Xa con cả năm, giờ chỉ còn mấy ngày nữa, cô sẽ được về nhà với con, với ba mẹ. Những bữa cơm tạm bợ nơi hàng quán sẽ được thay bằng mâm cơm gia đình đầm ấm.

Công trường xây dựng - nơi không chỉ có sắt đá bê tông - 21

Cô đã mua nhiều quần áo, giày dép và nóng lòng chờ đợi đến giây phút được nhìn thấy khuôn mặt hạnh phúc của các con khi thử đồ mới. Những đứa trẻ mỗi năm chỉ được thay đồ mới một lần vẫn giữ sự háo hức với Tết, y như cô ngày xưa.

"Không phải nhà xa hay công việc bận rộn mà em ít về thăm con. Nhưng về nhìn tụi nó khóc, em không nỡ lòng nào mà đi được. Mỗi lần đi, bà nội phải ẵm đi đâu đó rồi vợ chồng trốn đi. Mấy nay cận Tết, mấy đứa nhỏ nôn lắm, gọi khóc hoài làm em cũng không kìm được nước mắt", người mẹ 9x tâm sự.

Ôm trong tay món quà từ dự án, Nhung cho biết làm công nhân xây dựng 4 năm nay, đây là lần đầu tiên được nhận quà Tết. Cô dự định mang 2 phần quà về, trang trọng đặt lên bàn thờ gia tiên nội ngoại.

Công trường xây dựng - nơi không chỉ có sắt đá bê tông - 22

Vượt qua những giá trị về vật chất mà mỗi người công nhân nhận được, chương trình còn mang đến món quà tinh thần lớn lao cho người công nhân - để họ thấy rằng mình cũng được quan tâm và không bị bỏ lại phía sau. Qua đó, kêu gọi cả xã hội ghi nhận xứng đáng với sự đóng góp của lực lượng lao động này và có nhiều hành động, chính sách thiết thực hơn hướng đến họ.

Cũng từ chương trình này, chân dung của nhiều công nhân xây dựng được vẽ nên. Họ không chỉ là những người lầm lũi, thoáng xuất hiện trên đường mỗi sáng sớm hoặc tối muộn. Họ có thể là lao động chính trong một gia đình. Họ cũng có thể đang ấp ôm giấc mơ xây dựng gia đình hạnh phúc cho riêng mình. Hay họ đang ngày đêm làm việc, hy sinh bản thân để lo cho thế hệ tương lai... Đó đều là những ước mơ, hoài bão đáng trân trọng và đáng được quan tâm, chắp cánh.

Nội dung: Ánh Thúy

Thiết kế: Tuấn Huy

Dòng sự kiện: Xây Tết cùng Coteccons