(Dân trí) - Trong phiên hôm qua, sàn HoSE một lần nữa rơi vào tình trạng "tắc nghẽn". "Tắc nghẽn" này liên quan đến hạ tầng công nghệ thông tin, điều một "nhà giàu" như HoSe có thể nhanh chóng khắc phục được.
Cổ phiếu lại "tắc đường" và nỗi lo của "nhà giàu" ôm tiền gửi tiết kiệm
Trong phiên giao dịch thứ hai của năm Tân Sửu 2021, sàn TP.HCM một lần nữa rơi vào tình trạng "tắc nghẽn". "Tắc nghẽn" này liên quan đến hạ tầng công nghệ thông tin, điều một "nhà giàu" như HoSe có thể nhanh chóng khắc phục được.
NĂM MỚI "TẮC NGHẼN CŨ"
Trong ngày 18/2/2021, phiên giao dịch thứ hai của năm Tân Sửu 2021, thị trường chứng khoán khá suôn sẻ suốt phiên sáng. Nhưng tới giữa chiều, thời điểm giá trị giao dịch toàn sàn lên đến 15.000 tỷ đồng, bảng điện tử có nhiều thời điểm gần như "đóng băng", nhiều cổ phiếu không được giao dịch thành công.
Trên các diễn đàn về chứng khoán, rất nhiều thành viên than thở về những thiệt hại mà lỗi hệ thống gây ra.
Thành viên P.P viết: "Số nhảy linh tinh, mình đặt bán mấy nghìn cổ phiếu từ sáng mà bảng điện tử không hiện luôn. Cái thì ghi hết hiệu lực. Trả giá chậm là bằng thủ công hả?".
Một số thành viên khác phàn nàn về việc đặt mua nhưng không được, hoặc đặt lệnh nhưng lệnh không xuất hiện trên bảng.
Đây không phải lần đầu tiên. Cách đây không lâu, nhà đầu tư cũng đã bức xúc khi sự cố liên tục xảy ra trên sàn TP.HCM. Trong chiều 22/12/2020 và 17/12/2020, sự cố lên đến "đỉnh điểm".
Nói về điều này, ông Lê Hải Trà, thành viên phụ trách HĐQT Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) khẳng định, quy trình thực hiện của hệ thống giao dịch của HoSE diễn ra hoàn toàn bình thường, không ghi nhận bất kỳ lỗi nào liên quan đến các tiến trình trong việc khớp lệnh.
Không khẳng định nhưng ông Lê Hải Trà cho rằng "có nghe" nhiều về việc các công ty chứng khoán sử dụng phần mềm giao dịch bằng robot, làm số lượng lệnh tăng đột biến.
CHƯA TỚI 70% CÔNG SUẤT ĐÃ "TẮC NGHẼN"
Việc cổ phiếu bị "tắc nghẽn" liên quan đến hạ tầng công nghệ thông tin. Ông Lê Hải Trà cho biết, công suất xử lý tối đa của sàn TP.HCM theo thiết kế là 900.000 lệnh một ngày. Mỗi công ty chứng khoán được phân bổ đều nhau 3.000 lệnh dự trữ một ngày. Phần còn lại được phân bổ dựa trên số lượng lệnh bình quân của từng công ty trong vòng giao dịch.
Trong những tháng cuối năm 2020, do số lượng nhà đầu tư mới (F0) tăng vọt, giá trị giao dịch ở HoSE tăng gấp đôi, thậm chí gấp 3 lên 14.000 tỷ đồng (có lúc tiến sát 20.000 tỷ đồng).
Tuy nhiên, các con số thực tế lại cho thấy tổng lệnh đặt mua/bán mới chỉ nhỉnh hơn 60% công suất thiết kế. Cụ thể, trong 2 ngày "tắc nghẽn" lịch sử 17/12 và 22/12/2020, tổng lệnh mua vào bán lần lượt đạt 593.747 và 593.049 lượt. Như vậy, lượt giao dịch chỉ đạt khoảng 66% công suất tối đa.
Còn trong ngày "tắc nghẽn" mới nhất (18/2/2021), số lệnh đặt mua là 311.783, số lệnh bán là 286.477. Như vậy, tổng lệnh mua bán đạt 598.260, nhỉnh hơn trong 2 ngày "sập sàn" một chút và cũng chỉ đạt 66,5% công suất tối đa.
Tính trung bình từ đầu năm 2021 đến nay, mỗi ngày Hose xử lý 550.000 lệnh.
Có thể thấy, trong các ngày "tắc nghẽn" cổ phiếu, công suất xử lý lệnh của HoSE vẫn thấp hơn nhiều so với công suất tối đa.
Và ngay cả khi nhà đầu tư quá hưng phấn, xài hết công suất tối đa 900.000 lệnh mỗi ngày thì cũng cần phải đặt ra câu hỏi, tại sao một Sở giao dịch lớn lại chỉ có thể xử lý được 900.000 lệnh mỗi ngày.
Một số doanh nghiệp fintech thậm chí vượt xa HoSE về lệnh giao dịch trực tuyến. Trong một thông cáo báo chí, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết bình quân một năm, hệ thống BIDV xử lý gần 200 triệu giao dịch qua kênh số (khoảng 547.945 giao dịch/ngày).
Cần phải biết 1 giao dịch chuyển tiền tại ngân hàng luôn có 2 chiều, chiều phát và chiều nhận. Nhưng chưa cần phải tính chi tiết đến như vậy thì vẫn có thể thấy ngày giao dịch đỉnh cao trên HoSE, số lệnh mới chỉ nhiều hơn số giao dịch trung bình trong năm của BIDV một chút.
Còn nếu so với Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS), số lượng lệnh giao dịch của HoSE còn thấp hơn rất nhiều. Trong năm 2020, NAPAS xử lý 2,8 triệu giao dịch/ngày với giá trị 21.000 tỷ đồng.
"ĐẨY" KHÓ SANG NHÀ ĐẦU TƯ NHỎ LẺ?
Phải ghi nhận HoSE đã nỗ lực xử lý "tắc nghẽn" cổ phiếu. Ngày 4/1/2021, HoSe điều chỉnh nâng lô giao dịch cổ phiếu từ 10 lên 100 mỗi lệnh. Động thái này được tin là sẽ góp phần giảm số lệnh đặt mua, bán của nhà đầu tư, từ đó giúp sàn chứng khoán "đường thông hè thoáng".
Nhưng theo nhiều chuyên gia, đây không phải cách giải quyết từ gốc vì thị trường ngày càng có thêm nhiều F0 nên lệnh đặt mua bán không ngừng tăng. Trong các ngày đầu năm 2021, cách làm này khiến nhà đầu tư nhỏ lẻ gặp không ít khó khăn vì trị giá mua bán theo mỗi lệnh sẽ phải tăng lên gấp 10 lần. Mà hiệu quả chỉ tồn tại trong vòng chưa đầy 2 tháng.
Trong những ngày đầu tháng 1/2021, có rất nhiều ngày ghi nhận tổng lệnh mua bán vượt qua con số 600.000 lệnh. Tới ngày 18/2, tình trạng tắc lại diễn ra.
Vì vậy, muốn giải quyết được "tắc nghẽn", có lẽ hạ tầng công nghệ thông tin là điều đầu tiên HoSE phải xử lý. Tuy nhiên, hoạt động này lại đang bị "nghẽn" bởi… Covid-19.
Được biết, HoSE có dự án công nghệ thông tin lớn nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin của HoSE, HNX... Theo kế hoạch, năm 2020 hệ thống có thể hoàn thành nhưng do dịch Covid-19, nhà thầu Hàn Quốc đã không thể sang Việt Nam để thực hiện.
Trong khi chờ nhà thầu Hàn Quốc, dường như một lần nữa cái khó lại được "đẩy" sang nhà đầu tư nhỏ lẻ. Kế hoạch nâng lô cổ phiếu tối thiểu lần nữa từ 100 lên 1.000 đơn vị cổ phiếu cho mỗi lệnh đang được tính đến. Đại diện HoSE tính toán, sự tăng lô này có thể giảm được 30-40% số lệnh vào sàn. Và như vậy, so với cuối năm 2020, giá trị giao dịch mỗi lệnh sẽ tăng gấp 100 lần. Đây là áp lực lớn với nhà đầu tư ít vốn.
CÂU CHUYỆN MUA 8 MÁY CHỦ PHIẾN GIÁ 457 TRIỆU ĐỒNG
Công nghệ thông tin không phải vấn đề mới của HoSE. Cách đây hơn 10 năm, khi trao đổi với người viết, một môi giới chứng khoán đã phàn nàn về câu chuyện này. Thế nhưng, cả chục năm trôi qua, có vẻ như công nghệ thông tin lại đang trở thành tâm điểm.
HoSE đã chuẩn bị thay hệ thống mới với vốn đầu tư 30 triệu USD (khoảng 693 tỷ đồng). Hệ thống mới sử dụng cho cả sàn TP HCM, sàn Hà Nội và Trung tâm Lưu ký.
Còn theo báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2021 của HoSE, tại thời điểm 30/6/2020, HoSE có khoản mục mua sắm tài sản cố định lên đến gần 344 tỷ đồng, tăng 126 tỷ đồng, tương đương 57,8% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là chi phí dành cho thiết bị tin học cho dự án Xây dựng Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM.
Ngoài ra, HoSE còn có dự án mua sắm 8 máy chủ phiến, thiết bị lưu trữ trị giá gần 457 triệu đồng. Đây là thông tin khá ngạc nhiên vì tại các công ty fintech lớn, chỉ mỗi một chiếc máy chủ đã có giá hàng trăm triệu đồng, thậm chí cả tỷ đồng.
Còn về dòng vốn dành để mua sắm thiết bị tin học cho dự án Xây dựng Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM, phải đến năm 2018, khi mà ông Vương Đình Huệ (thời điểm đó là Phó Thủ tướng) yêu cầu sáp nhập hai Sở giao dịch chứng khoán Hose và HNX, thì dòng vốn này mới tăng mạnh, tăng 124 tỷ đồng, tương đương 135% lên 216 tỷ đồng tại thời điểm 31/12/2018.
Còn trước đó, con số này thường xuyên dưới 100 tỷ đồng. Cụ thể là 92,4 tỷ đồng trong năm 2017 và 73,9 tỷ đồng trong năm 2016.
"ÔM TIỀN TẤN" GỬI NGÂN HÀNG
Đầu tư vào hệ thống công nghệ thông tin là cuộc chơi "đốt tiền" với ngành fintech. Nhưng với HoSE, tiền không phải là vấn đề lớn. Nhìn vào báo cáo tài chính, có thể HoSE là một "nhà giàu" đích thực.
Vốn điều lệ của HoSE là 1.236 tỷ đồng nhưng tại ngày 30/6/2020, HoSE sở hữu lượng tiền gửi có kỳ hạn lên đến gần 915 tỷ đồng. Ngoài ra, HoSE còn có 140 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng. Như vậy, ngân hàng đã "giữ hộ" HoSE 1.055 tỷ đồng, gần bằng vốn điều lệ.
Trước đó, con số này còn lớn hơn khá nhiều. Tại thời điểm cuối năm 2019, tiền gửi ngân hàng của HoSE lên đến 1.256 tỷ đồng.
Càng đáng ngạc nhiên, lãi suất mà HoSE được hưởng lại khá thấp. Trong 6 tháng đầu năm 2020, lãi tiền gửi chỉ là 5,3 tỷ đồng, tương đương… 1%/năm. Còn trong năm 2019, thời điểm chưa xuất hiện "cuộc đua giảm lãi suất huy động" trong hệ thống ngân hàng, lãi tiền gửi của HoSE cũng chỉ là… 4,3%/năm.