DMagazine

Hậu quả sẽ nặng nề nếu ai cũng nghĩ "chơi" chứng khoán sẽ giàu!

(Dân trí) - TS. Quách Mạnh Hào cho rằng bong bóng niềm tin còn nguy hiểm hơn bong bóng giá. Bởi vì nếu ai cũng nghĩ rằng mua chứng khoán là sẽ giàu, sẽ thắng thì hậu quả sau đó còn nặng nề hơn.

TS. QUÁCH MẠNH HÀO: HẬU QUẢ NẶNG NỀ NẾU AI CŨNG NGHĨ, MUA CHỨNG KHOÁN SẼ GIÀU CÓ

Trong cuộc trò chuyện với Dân trí, TS. Quách Mạnh Hào, PGS về Ngân hàng - Tài chính, sáng lập Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Kinh tế Việt Nam - Anh quốc tại Đại học Lincoln - đã có những chia sẻ xung quanh động lực tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam, những lo ngại xuất hiện bong bóng tài sản và các khuyến nghị về chính sách tiền tệ, tài khóa năm 2021...

ĐỘNG LỰC QUAN TRỌNG TĂNG TRƯỞNG CỦA VIỆT NAM

Trải qua năm 2020 với nhiều cú sốc, theo ông đâu là những động lực phục hồi tăng trưởng quan trọng cho Việt Nam?

- Động lực quan trọng giúp tăng trưởng kinh tế Việt Nam lâu nay vẫn bao gồm 3 nhân tố chính.

Thứ nhất, tăng trưởng kinh tế được dẫn dắt bởi khu vực công nghiệp chế biến chế tạo và các hoạt động dịch vụ.

Thứ hai, có hai yếu tố cạnh tranh căn bản của nền kinh tế là quy mô dân số với sức tiêu dùng lớn và quy mô lực lượng lao động với mức tiền công thấp hơn so với các quốc gia cạnh tranh khác.

Hậu quả sẽ nặng nề nếu ai cũng nghĩ chơi chứng khoán sẽ giàu! - 1

Thứ ba, tăng trưởng kinh tế phụ thuộc nhiều vào thu hút đầu tư nước ngoài và các hoạt động xuất nhập khẩu.

Năm 2020, trong bối cảnh tình hình chung khó khăn thì chúng ta vẫn nhận thấy vai trò của 3 nhóm động lực này, đặc biệt là tiêu dùng và dịch vụ nội địa cùng với xuất nhập khẩu hàng hóa gắn liền với khu vực chế xuất chế tạo.

Cũng cần nhấn mạnh thêm là chính sách tiền tệ và tài khóa đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế trong năm 2020.

Giống như nhiều quốc gia khác trên thế giới, nỗ lực hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn được thực hiện thông qua chính sách tiền tệ nới lỏng và chính sách tài khóa mở rộng thâm hụt.

Hậu quả sẽ nặng nề nếu ai cũng nghĩ chơi chứng khoán sẽ giàu! - 2

TS. Quách Mạnh Hào

NỖI LO HÌNH THÀNH BONG BÓNG TÀI SẢN

Trong cuộc trò chuyện với Dân trí cách đây vài tháng, ông đã bày tỏ lo ngại khi lạm phát dần trở nên quá cao. Nếu tính thêm mặt bằng các lãi suất điều hành giảm, vô tình sẽ đẩy kinh tế vào trạng thái kích thích bong bóng tài sản nhiều hơn. Đến thời điểm này, ông thấy nhận định này có rõ nét hơn?

- Tôi cho rằng chủ trường nới lỏng tiền tệ để kích thích tăng trưởng kinh tế là hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, cần hết sức lưu ý là nới lỏng tiền tệ thường phát huy tác dụng trong điều kiện thông thường khi thanh khoản trong hệ thống ngân hàng khó khăn dẫn tới chi phí vốn cao không khuyến khích các hoạt động đầu tư vào sản xuất và tiêu dùng.

Sự quá đà dễ dẫn tới bong bóng tài sản do sự dịch chuyển ngắn hạn của dòng tiền khỏi sản xuất để đi vào các tài sản rủi ro.

Khi đó, nới lỏng tiền tệ và lãi suất thấp sẽ giúp giải quyết bài toán này và kích thích cầu tiêu dùng và đầu tư dẫn tới tăng trưởng kinh tế.

Nhưng trong điều kiện nền kinh tế bị gián đoạn bởi dịch bệnh chứ không phải bởi thiếu thanh khoản (thiếu tiền) thì việc áp dụng chính sách tiền tệ nên cần có sự cân nhắc nhiều hơn là rập khuôn sách giáo khoa.

Một sự quá đà sẽ dẫn tới bong bóng tài sản do sự dịch chuyển ngắn hạn của dòng tiền khỏi sản xuất để đi vào các tài sản rủi ro.

Nhiều người lập luận rằng cả thế giới đều làm như vậy và cho rằng đó là bình thường. Tuy nhiên, họ cố tình không nói vế thứ hai là các nền kinh tế trên thế giới cũng có chung một nỗi lo giống như ta, đó là bong bóng tài sản.

Bởi vậy, cùng một cách làm, nhưng mức độ nới lỏng tới đâu lại là điều không giống nhau. Do vậy, cảnh báo rủi ro chính sách không bao giờ là thừa.

Những diễn biến thị trường chứng khoán vừa qua không có nghĩa là bong bóng đã xuất hiện hay đã vỡ, nhưng ít nhất nó phản ánh một thực tế là các nhà đầu tư đã trở nên thận trọng hơn và đó là điều tốt cho sự phát triển bền vững của thị trường.

Tôi cho rằng bong bóng niềm tin còn nguy hiểm hơn bong bóng giá bởi vì nếu như ai cũng bị huyễn hoặc rằng mua chứng khoán là sẽ giàu có và và sẽ thắng, thì hậu quả sau đó còn nặng nề hơn.

Ông có thể chia sẻ rõ hơn về những nguy hại của "bong bóng" niềm tin?

- Việc các nhà đầu tư nhận thức rằng có lợi nhuận và có mất mát trên thị trường chứng khoán là điều hết sức cần thiết bởi vì khi đó các quyết định của họ trở nên lý trí thay vì cảm xúc.

Tôi luôn mong muốn một sự phát triển bền vững của thị trường, với sự tham gia nhiều hơn của dòng tiền tiết kiệm đưa vào đầu tư các ngành nghề và doanh nghiệp tốt, thay vì mọi người bị cuốn vào cuộc chơi của dòng tiền mà quên mất công việc chính của mình.

Nền kinh tế không thể phát triển nếu ai cũng ngày ngày nhìn bảng điện rồi hồ hởi hay thẫn thờ. Đề án phát triển thị trường đến năm 2025 hướng tới 5% dân số có tài khoản đầu tư, so với hiện tại khoảng 3% dân số với gần 3 triệu tài khoản, thì sự phát triển bền vững là hết sức cần thiết.

Hậu quả sẽ nặng nề nếu ai cũng nghĩ chơi chứng khoán sẽ giàu! - 3
Hậu quả sẽ nặng nề nếu ai cũng nghĩ chơi chứng khoán sẽ giàu! - 4
Hậu quả sẽ nặng nề nếu ai cũng nghĩ chơi chứng khoán sẽ giàu! - 5
Hậu quả sẽ nặng nề nếu ai cũng nghĩ chơi chứng khoán sẽ giàu! - 6

NGUY CƠ BONG BÓNG LUÔN GẮN LIỀN VỚI MỞ RỘNG TIỀN TỆ

Thời gian vừa qua, thị trường chứng kiến dòng tiền chạy mạnh vào chứng khoán, hàng loạt nhà đầu tư F0 lao vào thị trường. Có thời điểm, báo chí ghi lại khoảnh khắc xuất hiện cảnh tượng dân tình ùn ùn đi đăng ký tài khoản. Ông nghĩ sao khi nhìn lại câu chuyện này thời gian qua?

- Nới lỏng tiền tệ nhìn chung bao giờ cũng là một yếu tố có lợi cho các thị trường tài sản. Mục tiêu của chính sách tiền tệ là hướng tới sự phát triển ổn định của kinh tế vĩ mô bao gồm tăng trưởng, lạm phát và việc làm.

Số liệu vừa công bố của Trung tâm Lưu ký cho thấy, tháng 1/2021có thêm 86.107 tài khoản mới mở của nhà đầu tư cá nhân trong nước. Con số này được cho là kỷ lục được thiết lập. Giai đoạn này cũng là tháng thị trường đạt đỉnh. 

Ngân hàng trung ương khi thực hiện nới lỏng đều với mong muốn là tiền đến được với sản xuất. Nhưng nới lỏng tiền tệ trong điều kiện nền kinh tế còn yếu do sự gián đoạn cung - cầu thường có nghĩa rằng tiền dư thừa vượt quá công suất sẽ chạy vào thị trường tài sản.

Và thị trường chứng khoán thường sẽ "nhạy" với điều này hơn bởi tính thanh khoản của nó so với thị trường bất động sản. Đó là chưa kể tới nguồn tiền tiết kiệm của người dân dịch chuyển sang đầu tư do tác động của lãi suất tiết kiệm thấp.

Nói như thế để thấy rằng nguy cơ bong bóng luôn gắn liền với sự mở rộng tiền tệ, đặc biệt trong trường hợp mở rộng quá đà và công suất quá thấp.

Trong hoàn cảnh hiện tại, khó để nói như thế nào là quá đà nhưng rõ ràng nền kinh tế không thể hết công suất thông thường. Bởi vậy, chính sách tiền tệ thường có điểm dừng để nhìn xem liệu các mục tiêu kinh tế đặt ra có dịch chuyển theo chiều hướng mong muốn hay là không.

Việc thị trường chứng khoán giảm điểm không phải là một điều xấu đối với nền kinh tế bởi nó đang phản ánh một sự dịch chuyển trở lại của dòng tiền về với sản xuất, nơi đáng ra nó phải ở đó.

Một số nước khác, người dân đầu tư ra sao trong khủng hoảng, thưa ông?

- Xu hướng nêu trên cũng đúng với các nước khác trên thế giới. Nhưng điều quan trọng như tôi đã nêu ở câu hỏi trước là mặc dù xu hướng giống nhau nhưng mức độ tại mỗi nước là khác nhau tùy thuộc vào sự mở rộng quá đà của tiền tệ so với công suất và quy mô nền kinh tế.

ĐIỀU HÀNH CHÍNH SÁCH TIỀN TỆ CÓ THỂ SẼ THẬN TRỌNG HƠN TRONG NĂM 2021, SẼ KHÓ GIẢM THÊM LÃI SUẤT

Ông có khuyến nghị gì về chính sách tiền tệ, tài khóa năm 2021 để phù hợp với bối cảnh hiện nay? Lạm phát năm nay sẽ như thế nào? Liệu có ở mức 4% như mục tiêu?

- Tôi nghĩ rằng chính sách tiền tệ và tài khóa có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế Việt Nam hơn 10 năm qua và là nhân tố hỗ trợ giúp Việt Nam đạt kết quả tốt trong năm 2020.

Với Chính phủ, lựa chọn tốt hơn trong giai đoạn hiện tại và sắp tới chính là chính sách tài khóa chứ không phải tiền tệ.

Chính sách tiền tệ đã rất kịp thời trong việc thực hiện nới lỏng tiền tệ, giảm lãi suất 3 lần trong năm qua, nhằm giúp doanh nghiệp và nền kinh tế vượt qua khó khăn. Nhưng thời điểm hiện tại là quan trọng. Rõ ràng chúng ta đang trong một giai đoạn chưa từng có tiền lệ và bởi vậy sử dụng chính sách tiền tệ như là một tiền lệ cần hết sức chú ý về tác động của nó.

Ngân hàng nhà nước đã thành công trong 10 năm qua và tôi nghĩ rằng họ sẽ điều hành chính sách tiền tệ một cách thận trọng hơn trong năm 2021 nhằm hướng tới sự ổn định vĩ mô.

Ngân hàng Nhà nước đủ khôn ngoan để không giảm thêm lãi suất, đặc biệt khi có dấu hiệu của lạm phát quay trở lại.

Sự tăng trưởng trở lại của nền kinh tế - các tổ chức trong nước và quốc tế đều kỳ vọng rằng tăng trưởng kinh tế sẽ trở lại với mức tương đương hoặc thậm chí tốt hơn so với trước đại dịch - là một dấu hiệu tốt cho thấy tác dụng của mặt bằng lãi suất thấp, nhưng đồng thời, sự tăng nhanh và giảm mạnh của thị trường chứng khoán cũng lại là một cảnh báo rằng rất có thể mọi thứ đang ở ngưỡng giới hạn của sự mở rộng quá đà có thể dẫn tới hệ lụy lâu dài cho nền kinh tế chẳng hạn như nợ xấu.

Do vậy, tôi nghĩ Ngân hàng Nhà nước đủ khôn ngoan để không giảm thêm lãi suất, đặc biệt khi có dấu hiệu của lạm phát quay trở lại.

Điều này cũng sẽ giúp cho thị trường chứng khoán phát triển ổn định, thay vì tâm lý đầu cơ, nhất là sau khi nhà đầu tư đã trở lại với thực tế là họ cần phải đưa ra quyết định có cân nhắc thay vì cảm xúc, tức là lựa chọn các ngành nghề và doanh nghiệp tốt.

Với Chính phủ, tôi nghĩ rằng lựa chọn tốt hơn trong giai đoạn hiện tại và sắp tới chính là chính sách tài khóa chứ không phải tiền tệ.

Việc hỗ trợ các doanh nghiệp thực sự gặp khó khăn là điều quan trọng. Đặc điểm của một chính sách hỗ trợ tài khóa thành công bao giờ cũng phải là nó được thiết kế chi tiết, đúng đối tượng và dễ thực hiện.

Xin cảm ơn ông!