1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Chứng khoán "tắm đỏ": Đau vì mất tiền, ức chế với hệ thống!

Mai Chi

(Dân trí) - Giữa lúc thị trường chứng khoán giảm mạnh, cổ phiếu mất giá hàng loạt thì điều gây ức chế nhất với nhà đầu tư là tình trạng "nghẽn" mạng, hệ thống "đơ", loạn bảng giá giao dịch vẫn diễn ra.

Chứng khoán tắm đỏ: Đau vì mất tiền, ức chế với hệ thống! - 1

Nhiều nhà đầu tư bị thiệt hại do không thể giao dịch khi thị trường giảm sâu

Đà giảm của thị trường chứng khoán trong phiên hôm qua (26/1) dần về cuối phiên chiều đã được thu hẹp lại đáng kể.

Chỉ số đóng cửa mất 29,93 điểm, tương ứng 2,57% còn 1.136,12 điểm. HNX-Index giảm 4,03 điểm, tương ứng 1,74% còn 227,82 điểm và UPCoM-Index cũng giảm 1,03 điểm, tương ứng 1,33% còn 76,39 điểm.

Tuy nhiên, riêng ở sàn HSX, những nỗ lực phục hồi của chỉ số rất khó khăn khi hoạt động giao dịch mua vào bán ra của nhà đầu tư trở nên chật vật. Nhiều nhà đầu tư phản ánh, họ hoàn toàn "bó tay" không thể khớp lệnh, lệnh đặt không thể sửa và không thể khớp.

Thậm chí, ở một số công ty chứng khoán, mức giá hiển thị trên bảng điện tử không đúng với giá thực tế đang được giao dịch. Nhà đầu tư tưởng chừng như đang bị bịt mắt dò đường.

Điều này gây ức chế lớn cho đa số "người chơi" trên thị trường. Trong khi có những người không thể bán cắt lỗ thì cũng có những nhà đầu tư bị lỡ cơ hội mua vào cổ phiếu "đúng điểm". Thiệt hại của nhà đầu tư được tính bằng "tiền thật", thế nhưng cơ quan quản lý vẫn chưa có phản hồi chính thức nào về việc khắc phục sự cố này - vốn đã xảy ra nhiều lần trước đó.

Điểm đáng chú ý là bất chấp thị trường sụt mạnh, có một bộ phận nhà đầu tư có tâm lý bán cổ phiếu thu tiền mặt về trước Tết, thế nhưng thanh khoản thị trường vẫn đạt trên 16.000 tỷ đồng.

Cụ thể, khối lượng giao dịch toàn phiên trên HSX là 780,42 triệu đơn vị tương ứng 16.223,74 tỷ đồng; trên HNX là 183,45 triệu cổ phiếu tương ứng 2.456,52 tỷ đồng và trên UPCoM là 60,8 triệu cổ phiếu tương ứng 819,38 tỷ đồng.

Nếu không xảy ra hiện tượng "đơ" hệ thống thì có thể mức thanh khoản sẽ không dừng lại ở mức nói trên. Điều này cũng đồng nghĩa với việc lực bán lớn nhưng tiền bắt đáy còn rất dồi dào.

Kết thúc phiên giao dịch, nhiều nhà đầu tư vẫn tỏ ra "hoang mang" nhất là khi có những mã cổ phiếu vẫn tăng giá, vẫn giao dịch đặt lệnh được như cổ phiếu FLC, ROS hay MBB vào cuối phiên, nhưng phần lớn lệnh giao dịch đối với cổ phiếu khác lại bị "đông cứng".

Trong phiên "sụp hố" lần này của VN-Index, thị trường chứng kiến có tới 719 mã cổ phiếu giảm giá trên cả ba sàn, có 60 mã giảm sàn. Ngược lại, vẫn 223 mã tăng, 46 mã tăng trần, nghĩa là không phải mọi nhà đầu tư đều mất tiền.

Chứng khoán tắm đỏ: Đau vì mất tiền, ức chế với hệ thống! - 2

Vẫn có những mã tăng giá tích cực, không phải mọi nhà đầu tư đều mất tiền

Với 26 trên 30 mã giảm giá, VN30-Index chịu thiệt hại 29,2 điểm  tương ứng 2,53%. Trong rổ này, nhiều mã cổ phiếu lớn bị vùi dập không thương tiếc bất chấp kết quả kinh doanh ra sao.

STB giảm 6,5%; TCH giảm 6,4%; CTG giảm 6,2%; EIB giảm 6%; VPB giảm 5,7%; SSI giảm 5%; POW giảm 4,6%; BID giảm 4,6%; HDB giảm 4,5%; HPG giảm 3,2%...

Thị trường đang cho thấy có sự phân hóa đáng kể, và việc chọn lọc cổ phiếu để đầu tư có vai trò rất quan trọng, quyết định trạng thái "lỗ" hay "lãi" của nhà đầu tư ở bối cảnh hiện tại.

Trong khi thị trường đỏ lửa thì nhóm cổ phiếu trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh lại khởi sắc. VGT của Tập đoàn Dệt May Việt Nam tăng 10,7% lên 22.700 đồng; TCM của Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công tăng 1,8% lên 85.500 đồng; VGG của May Việt Tiến tăng 2,1% lên 48.200 đồng.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm