DMagazine

Chuyên gia Fulbright: Mục tiêu kép ngay lúc này là gì?

(Dân trí) - Trong đại dịch, người nghèo, lao động tự do và hộ gia đình có thu nhập thấp, không có khả năng duy trì sinh kế là những nhóm dễ bị tổn thương nhất, yếu thế nhất và rất cần sự hỗ trợ.

Chuyên gia Fulbright: Mục tiêu kép ngay lúc này là gì? - 1
Chuyên gia Fulbright: Mục tiêu kép ngay lúc này là gì? - 2

Suốt thời gian vừa qua, đã có rất nhiều những thảo luận về "mục tiêu kép", có nên giữ "mục tiêu kép" hay không. Chúng ta không thể phủ nhận những con số tích cực gần đây về thu ngân sách Nhà nước 7 tháng đầu năm vượt cùng kỳ năm trước, những ổn định về vĩ mô như lạm phát khá thấp, tăng trưởng của ngành nông nghiệp, xuất khẩu ấn tượng trong bối cảnh đại dịch đều là kết quả của những nỗ lực của Chính phủ trong việc thực hiện "mục tiêu kép" suốt thời gian qua. 

Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh vẫn phức tạp như hiện tại, việc duy trì mục tiêu phát triển kinh tế ấn tượng như giai đoạn trước dịch chắc chắn sẽ gây ra những mất mát về con người và kinh tế lớn hơn nhiều những lợi ích kinh tế có thể đạt được. Hãy tưởng tượng những hậu quả lớn thế nào có thể xảy ra nếu dịch bệnh lây lan trên diện rộng, tấn công các nhà máy sản xuất và chuỗi cung ứng ngành hàng và hệ thống y tế sụp đổ.

Vì vậy, việc linh hoạt trong thực hiện mục tiêu kép là cấp thiết. Điều này cũng đã thể hiện trong những thay đổi về chính sách những tuần gần đây. Sau một thời gian chần chừ trong việc phong tỏa, Chỉ thị 16 đã được áp dụng ở 19 tỉnh phía Nam và Hà Nội. Đặc biệt, một số địa phương đang thực hiện giãn cách nghiêm ngặt hơn cả Chỉ thị 16 mà chúng ta hay gọi là Chỉ thị 16+.

Chuyên gia Fulbright: Mục tiêu kép ngay lúc này là gì? - 3

Theo tôi, "mục tiêu kép" ngay tại thời điểm này là thực hiện cách ly, giãn cách để giữ tỷ lệ lây nhiễm dịch bệnh ở mức không gây quá tải so với giới hạn năng lực điều trị của hệ thống y tế và bệnh viện tại mỗi địa phương. Mục tiêu quan trọng nhất là bảo vệ sinh mạng của người dân trong mùa dịch. 

Song song đó, chúng ta phải giữ cho nền kinh tế luôn tồn tại, ít nhất là ở mức duy trì được sự cung ứng của các hàng hóa, dịch vụ giúp người dân duy trì cuộc sống cơ bản, giúp quốc gia duy trì các hoạt động kinh tế thiết yếu để chờ đợi sự phục hồi, vực dậy sau khi dịch lắng xuống. Ví dụ như lương thực, thực phẩm, các đồ dùng sinh hoạt cần thiết hàng ngày, thuốc men, thuốc chữa trị các triệu chứng Covid-19. 

Tầm quan trọng của mục tiêu thứ nhất chúng ta có lẽ đều mường tượng được. Thực tế, những người dân ở TPHCM đã và đang cảm nhận được phần nào sự quá tải của hệ thống y tế trong thời gian vừa qua. Việc triển khai chăm sóc và theo dõi sức khỏe cho những người F0 không triệu chứng hay triệu chứng nhẹ hay F1 phải tự cách ly ở nhà là giải pháp để giải quyết tình trạng quá tải tại các bệnh viện điều trị Covid-19 hiện nay. 

Về mục tiêu thứ 2, nếu nguồn cung ứng các hàng hóa cơ bản cho người dân không được đảm bảo, thì việc hỗ trợ tiền mặt sẽ không thực sự phát huy hiệu quả mà chỉ góp phần làm cho giá cả những mặt hàng này leo thang, gây ra lạm phát cục bộ. 

Điều này thực tế đã xảy ra trong những ngày đầu TPHCM thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16. Tuy đã có những cải thiện sau đó nhưng vấn đề lưu thông hàng hóa giữa các tỉnh đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để. Hậu quả của việc này là dẫn đến mất cân bằng thị trường. 

Nhiều nơi người dân phải đổ bỏ sữa, rau, hoa quả... vì không bán được. Còn người dân nhiều nơi vùng dịch thì lại thiếu các mặt hàng này hoặc phải mua với giá đắt hơn nhiều so với giai đoạn trước giãn cách. Để giải quyết vấn đề này, trước hết cần có sự đồng bộ giữa các tỉnh về danh sách hàng hóa có thể lưu thông để tiện cho việc lưu thông hàng hóa giữa các chốt kiểm soát của các tỉnh.

Hiện tại, đã và đang có rất nhiều những đoàn y, bác sĩ từ các tỉnh đến hỗ trợ TPHCM. Song song đó, nhiều tỉnh gửi hàng tấn lương thực, thực phẩm, rau củ quả hỗ trợ người dân TPHCM. Ngoài vật chất, đây còn là sự hỗ trợ rất lớn về mặt tinh thần cho người dân TPHCM.

Sự đùm bọc, tương thân tương ái phần nào giúp người dân vùng dịch cảm thấy bớt căng thẳng do những áp lực về kinh tế do thời gian dài giãn cách xã hội và ổn định hơn về tinh thần để vững vàng hơn trong cuộc chiến có lẽ còn lâu dài này. Duy trì được ổn định trật tự xã hội cũng là việc rất quan trọng trong thời điểm này.

Chuyên gia Fulbright: Mục tiêu kép ngay lúc này là gì? - 4

Khi tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2021 được công bố ở mức 5,64%, nhiều người tỏ ra nghi ngờ. Con số này, theo tôi là có cơ sở, do những hoạt động xuất khẩu vẫn tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước ở nhóm hàng công nghiệp chế biến và nhóm hàng nông, thủy sản. Các doanh nghiệp trong nước đã khai thác hiệu quả các lợi thế từ các FTA song phương và đa phương, trong đó có EVFTA.

Tuy nhiên, mức độ tăng trưởng GDP không phản ánh được tình hình của khu vực kinh tế phi chính thức. Ở Việt Nam, chưa có số liệu thống kê chính thức nhưng theo Tổng cục Thống kê thì quy mô khu vực kinh tế phi chính thức chiếm khoảng 30% GDP. Rất nhiều người lao động thu nhập thấp, lao động tự do, các hộ sản xuất kinh doanh nhỏ, lẻ nằm trong nhóm này. 

Người dân rất muốn giãn cách nếu không chịu áp lực kinh tế. Tuy nhiên, trong đại dịch, người nghèo, lao động tự do và hộ gia đình có thu nhập thấp, không có khả năng duy trì sinh kế là những nhóm dễ bị tổn thương nhất, yếu thế nhất và rất cần sự hỗ trợ. Sự hỗ trợ bằng tiền mặt cũng quan trọng nhưng hỗ trợ bằng hiện vật với họ còn quan trọng hơn.

Chuyên gia Fulbright: Mục tiêu kép ngay lúc này là gì? - 5

Vậy hỗ trợ hiện vật như thế nào để an toàn trong mùa dịch bệnh? Từ cấp tổ, ấp, khu phố, xã, hay quận, huyện cần nắm danh sách cụ thể của những nhóm này và tổ chức các đợt đi cứu trợ dưới dạng hiện vật gồm lương thực, thực phẩm, hàng thiết yếu khác. Việc phân phối có thể diễn ra 2 lần/tuần và cần đưa đến từng khu phố, tổ dân phố, ấp trên địa bàn, với phạm vi thực hiện càng nhỏ càng tốt để tránh việc tập trung đông người, đảm bảo giãn cách. 

Mỗi hộ gia đình chỉ cần một người ký nhận hỗ trợ. Tổ trưởng nên là người chỉ huy các kế hoạch cứu trợ này. Trong thực tế, thời gian qua chúng ta thấy vai trò của những người tổ trưởng được phát huy tích cực trong việc tổ chức các hoạt động tiêm vắc xin, hỗ trợ tiền mặt, hiện vật cho cư dân của khu vực. Tuy nhiên, việc này vẫn chưa được diễn ra một cách nhất quán ở nhiều nơi. 

Ngoài ra, chính quyền có thể nhờ các tổ chức thiện nguyện, công tác xã hội tại địa bàn đóng góp ý kiến cho các hoạt động hỗ trợ người dân, nhóm yếu thế. Họ nắm rõ địa bàn, các hoàn cảnh nên sẽ đưa ra ý kiến thiết thực. Trong giai đoạn dịch bệnh, đã có rất nhiều cá nhân và tổ chức xã hội hỗ trợ nhu yếu phẩm cho cộng đồng xung quanh. Thông qua họ, việc hỗ trợ người dân sẽ nhanh và hiệu quả hơn nhiều.

Không chỉ người dân, doanh nghiệp cũng đang chịu nhiều áp lực. Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, phải đóng cửa, ngừng sản xuất, hoạt động kinh doanh trì trệ trong mùa dịch do giãn cách xã hội. 

Không phải doanh nghiệp nào cũng có thể thực hiện "3 tại chỗ" một cách an toàn, hiệu quả. Khi họ phải ngưng sản xuất hoặc sản xuất ở mức chỉ duy trì hoạt động, không còn lợi nhuận, sẽ không có hoặc không đủ nguồn thu để chi trả cho các khoản vay ngân hàng hay hỗ trợ cho lao động tạm nghỉ việc.

Trong khi đó, ngân sách Nhà nước vẫn có mức thu ấn tượng, vượt dự toán mà tỷ lệ giải ngân của các gói hỗ trợ của Chính phủ còn thấp. Vì vậy, Chính phủ cần tăng cường các gói hỗ trợ doanh nghiệp như hỗ trợ tiền mặt, giảm lãi suất, giảm thuế giá trị gia tăng, kéo dài chính sách miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giãn thuế, gia hạn nộp thuế, các khoản đóng bảo hiểm xã hội, phí công đoàn. Đặc biệt, các điều kiện xét duyệt hỗ trợ không nên quá khắt khe để doanh nghiệp dễ tiếp cận chính sách. 

Tiếp đó, cần vận động ngân hàng giãn, hoãn nợ cho doanh nghiệp hoặc giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp. 6 tháng đầu năm, nhiều ngân hàng báo lãi lớn nên có dư địa để hỗ trợ doanh nghiệp. Ngoài ra, việc tiếp cận gói tín dụng lãi suất thấp hiện còn hạn chế, nhất là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã nông nghiệp, nên cần gỡ bỏ nút thắt này.

Nhìn chung, có những chính sách đúng đắn ở mục đích nhưng lại gặp vấn đề khi thực thi trong thực tế. Nên việc quan trọng là cần lắng nghe phản hồi từ việc thực thi các gói hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp, từ đó cải thiện trong các gói hỗ trợ tiếp theo. Dịch bệnh diễn biến phức tạp đòi hỏi các chính sách cũng phải thay đổi liên tục để đạt hiệu quả khi thực thi.

Ví dụ như gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng năm trước chưa được triển khai một cách hiệu quả nhưng gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng mới đây đã có những cải tiến và được triển khai nhanh chóng, hiệu quả hơn.

Khi nguồn lực để hỗ trợ của Chính phủ có giới hạn, việc khảo sát ý kiến người dân, doanh nghiệp lại càng quan trọng để chính sách thật sự hiệu quả, thiết thực.

Sau bài viết này, Tiến sĩ Lê Thái Hà sẽ tiếp tục chia sẻ với Dân trí về sự chuẩn bị cần thiết để hồi phục kinh tế khi dịch bệnh qua đi cũng như tiền đề để có thể tiến tới sống chung với Covid-19. 

Tiến sĩ Lê Thái Hà, Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, Đại học Fulbright

Chuyên gia Fulbright: Mục tiêu kép ngay lúc này là gì? - 6
Dòng sự kiện: Kiên cường Việt Nam