DMagazine

"Lão tướng" FPT hé lộ về cơ hội của Việt Nam với ngành kinh tế 1.000 tỷ USD

(Dân trí) - Viết riêng gửi Dân trí, "lão tướng" FPT Đỗ Cao Bảo nêu ra những ví dụ rất cụ thể về chuyển đổi số, đồng thời hé lộ về cơ hội bứt phá của Việt Nam với ngành kinh tế xấp xỉ 1.000 tỷ USD.

Lão tướng FPT hé lộ về cơ hội của Việt Nam với ngành kinh tế 1.000 tỷ USD - 1
Lão tướng FPT hé lộ về cơ hội của Việt Nam với ngành kinh tế 1.000 tỷ USD - 3

Chuyển đổi số, kinh tế số, chúng ta nói đã lâu và đã nhiều nhưng nó chưa thật gần gũi, chưa dễ hiểu với người dân. Vai trò, đóng góp của chuyển đổi số, kinh tế số với xã hội, với nền kinh tế quốc gia chưa thật rõ, đấy là tâm tư, trăn trở của những người làm ICT.

Thế nhưng bất ngờ là chính trong đại dịch Covid-19 này, chuyển đổi số, kinh tế số đã nhanh chóng trở nên gần gũi, dễ hiểu hơn. Rất nhiều thứ người dân có thể nhìn thấy được, sờ thấy được và vai trò của kinh tế số trong nền kinh tế quốc gia đã và đang rõ rệt hơn rất nhiều.

Việc rõ nhất là họp hành online. Công nghệ Video Conference đã có từ lâu, rất nhiều cơ quan chính phủ, doanh nghiệp đã trang bị hệ thống Video Conference, thế nhưng phần lớn các cuộc họp vẫn offline là chính. Người ta vẫn có thói quen phải gặp nhau trực tiếp, phải bắt tay nhau, phải trao đổi trực tiếp thì mới có kết luận, sau đó công việc mới chạy. Mà không phải chỉ ở Việt Nam đâu, các nước khác cũng thế, kể cả các nước phương Tây, kể cả các tổ chức quốc tế.

Thế nhưng khi đại dịch Covid-19 xảy ra, việc cách ly phong tỏa cả khu phố, cả thành phố, thậm chí cả quốc gia xuất hiện. Các đường bay nội địa bị hạn chế. Các đường bay quốc tế bị gián đoạn thường xuyên. Từ việc gặp nhau dễ dàng, chỉ một chuyến bay thôi chuyển thành không thể gặp nhau được, trong khi nhu cầu họp hành, bàn bạc, trao đổi, ra quyết định lại tăng lên, rất nhiều quyết định cần phải đưa ra nhanh chóng, tức thời.

Thế là họp Chính phủ thường kỳ, khẩn cấp được tổ chức online. Việc nắm tình hình dịch bệnh ở từng tỉnh, từng địa phương, việc thảo luận rồi ra quyết định, quyết sách chống dịch đều thông qua những cuộc họp online ấy. Các cuộc họp online của Chính phủ, của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19, của Bộ Y tế, trưa nào, tối nào cũng thấy trên đài truyền hình cả. Người dân được xem trực tiếp, trực quan nhất hàng ngày. Thế là hiểu: Chuyển đổi số đấy, công nghệ số đấy chứ đâu.

Không chỉ họp Chính phủ, mà kể cả họp ASEAN, ASEAN mở rộng (hội nghị bộ trưởng, hội nghị cấp nguyên thủ quốc gia), họp hiệp hội các nước châu Á - Thái Bình Dương APEC, họp Hội đồng Bảo an Liên hiệp Quốc… cũng đều được tiến hành online cả. Thế là lần đầu tiên người dân các nước trên thế giới chứng kiến các lãnh đạo quốc gia chẳng cần bay các chuyên cơ với cả đoàn tùy tùng đông đảo vẫn họp hành được, vẫn phát biểu, vẫn thảo luận, vẫn ra nghị quyết được. Thế đấy chuyển đổi số đấy, công nghệ số đấy.

Lão tướng FPT hé lộ về cơ hội của Việt Nam với ngành kinh tế 1.000 tỷ USD - 5

Hiệu quả nhất, rõ rệt nhất là ngoại giao vắc xin

Ai cũng biết thời điểm này vắc xin khan hiếm và quý như thế nào. Với các quốc gia đang phát triển ở Á, Phi, Mỹ Latinh, có tiền cũng không mua được. Nguồn lớn nhất là nguồn tài trợ theo chương trình Covax, thế nhưng muốn có nhiều vắc xin thì phải làm công tác ngoại giao, mà dịch bệnh thế này không thể bay đi gặp trực tiếp, chưa kể lãnh đạo còn đang tập trung chỉ đạo quốc gia chống dịch, đâu có thời gian để bay.

Thế là chỉ bằng các cuộc gặp gỡ online giữa Chủ tịch nước với Tổng thống, giữa các Thủ tướng, giữa các Chủ tịch Quốc hội mà gần 10 triệu liều vắc xin tài trợ đã được tiếp nhận để tiêm cho người dân. Như vậy chuyển đổi số đã góp phần đặc biệt quan trọng trong việc tạo ra vắc xin trong bối cảnh khan hiếm vắc xin trên toàn cầu. Chuyển đổi số đấy, kinh tế số đấy, dễ hiểu không, gần gũi không?

Kể từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát cuối tháng 4, qua khai thác từ 4.500 ca nhiễm và nghi nhiễm có sử dụng Bluezone, cơ quan y tế đã tìm ra được hơn 51.000 người tiếp xúc gần, bổ sung thêm vào danh sách truy vết bằng các phương pháp truyền thống. Đặc biệt trong ổ dịch công ty thực phẩm Thanh Nga (ở Hà Nội) chỉ trong một giờ đã truy vết được hàng nghìn người tiếp xúc gần mà nếu áp dụng theo cách truyền thống, thủ công, khó có thể tìm ra nhanh, chính xác các trường hợp nghi nhiễm.

Trong công tác khám chữa bệnh, để giúp các cơ sở y tế tuyến tỉnh tuyến huyện nâng cao năng lực, trình độ, góp phần chữa trị và cứu chữa bệnh nhân nặng thì việc khám chữa bệnh từ xa, tận dụng kiến thức và kinh nghiệm của các bác sĩ đầu ngành quốc gia là vô cùng quan trọng. Muốn vậy phải có hệ thống khám chữa bệnh từ xa Telehealth cho đến tận tuyến huyện. Chỉ trong có 2,5 ngày, Viettel, VNPT đã thần tốc hoàn thành triển khai lắp đặt hệ thống Telehealth cho 328 cơ sở y tế tuyến huyện tại 47 tỉnh, thành phố. Với việc 100% cơ sở y tế tuyến huyện đã được kết nối, đã góp phần xóa nhòa giới hạn giữa các tuyến, xử lý các ca bệnh khó. Đặc biệt, việc điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng ở các tỉnh, các huyện ngoại thành xa sẽ được hội chẩn và tư vấn điều trị bởi các chuyên gia hàng đầu của các bệnh viện Chợ Rẫy, Bạch Mai, Nhiệt đới trung ương mà không phải chuyển lên tuyến trên.

Chưa hết, trong đại dịch người dân Việt Nam cũng đang làm quen dần và bắt đầu thực hiện khai báo sức khỏe online, đăng ký tiêm chủng online, nhận nhắn tin thông báo đi tiêm vắc xin, cấp chứng nhận đã tiêm vắc xin online (và tương lai là hộ chiếu vắc xin online). Tất nhiên, hiện tại, các hệ thống ấy chưa thực sự hoàn thiện, cần phải nâng cấp và hoàn thiện, nhưng như thế cũng là bước tiến rất dài rồi.

Như vậy rõ ràng là chuyển đổi số, công nghệ số đã trực tiếp tham gia và thực sự đã giúp Chính phủ và chính quyền các cấp trong việc chỉ đạo, điều hành công tác phòng chống dịch ở cấp độ quốc gia, cũng như ở các tỉnh thành phố.

Việc đào tạo ở cấp phổ thông, đại học cũng thế. Mặc dù các bậc phụ huynh chưa thật hài lòng với việc học online của con cái mình thế nhưng thử hỏi nếu chúng ta không tổ chức học online thì 2 năm nay hàng chục triệu học sinh sẽ nghỉ học, ở lại lớp chờ đến khi hết dịch học tiếp chăng? Đào tạo sau đại học, đào tạo kỹ năng mềm, đào tạo về công nghệ, kinh doanh, bán hàng, lãnh đạo, quản lý, khởi nghiệp, tài chính, chứng khoán, thậm chí cả ôn thi đại học, đều đã chuyển sang đào tạo online, có những lớp hàng trăm, hàng ngàn học viên tham dự. Đấy chính là chuyển đổi số đấy.

Đại dịch thì không tránh khỏi phong tỏa, giãn cách, trong khi họp đại hội đồng cổ đông thường niên thì lại là sự kiện cần hàng trăm, hàng nghìn cổ đông tham dự. Nếu tổ chức họp đại hội kiểu cũ thì vi phạm qui định phong tỏa, giãn cách, tăng nguy cơ lây nhiễm. Thế là giải pháp họp đại hội đồng cổ đông online ra đời. Với giải pháp này, cổ đông ở khắp nơi trên thế giới cũng có thể tham dự đại hội, cũng có thể bỏ phiếu điện tử để biểu quyết từng vấn đề cần thông qua. Vậy là cổ đông thấy ngay chuyển đổi số, họp đại hội đồng cổ đông online là như thế.

Có thể kể tiếp các hoạt động sản xuất, kinh doanh online như trình bày giải pháp, đề xuất kỹ thuật online, trình bày và bảo vệ thiết kế công trình, phương án thi công công trình online, lễ khởi động dự án, lễ nghiệm thu hợp đồng online… Đó toàn là những sự kiện trước đây phải làm ở một phòng họp lớn, không gian lớn, tụ họp đông người, tốn kém cả tiền bạc, thời gian và nhân lực.

Tất cả những công việc trên, trong đại dịch Covid-19 này đã có những bước tiến rất dài. Một năm qua tiến nhanh bằng cả 5 năm trước đây cộng lại. Nếu không có đại dịch, không thể có bước tiến nhanh và dài như vậy.

Lão tướng FPT hé lộ về cơ hội của Việt Nam với ngành kinh tế 1.000 tỷ USD - 7

Chúng ta ai cũng biết rằng trong 2 năm đại dịch Covid-19, lệnh lockdown, phong tỏa ở hầu hết các quốc gia, giao thông bị gián đoạn, các đường bay quốc tế bị đóng băng… dẫn đến kinh tế toàn cầu bị suy thoái, các chuỗi cung ứng bị gián đoạn. Thế nhưng trong bối cảnh ấy, ngành CNTT, phần mềm, sản xuất mobile game toàn cầu lại là những ngành thích ứng nhanh nhất với đại dịch, không hề bị ảnh hưởng bởi các đợt lockdown, phong tỏa, nhờ đó mà tăng trưởng cao.

Có lẽ rất ít người biết Việt Nam là quốc gia đứng thứ 7 thế giới trong một lĩnh vực mà quy mô thị trường lên đến 77,3 tỷ USD. Đứng thứ 7 trong một cái bánh 77,3 tỷ USD thì Việt Nam được bao nhiêu? Tôi không biết chính xác và đây cũng là lĩnh vực không ai công bố cả, nhưng với những người làm IT lâu năm, có theo dõi thông tin, có nhiều quan hệ trong giới thì đều đoán nó phải tính tiền tỷ USD chứ không tính trăm triệu USD đâu.

Không những thế, lĩnh vực này còn có tốc độ tăng trưởng lên đến 15,8% mỗi năm (cao gấp hơn 4 lần tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu). Điều ấy có nghĩa rằng chiếc bánh 77,3 tỷ USD ấy sẽ càng ngày càng to và tất nhiên phần của Việt Nam cũng sẽ nhiều lên tương ứng.

Vậy tại sao nói lĩnh vực này không hề ảnh hưởng bởi lệnh lockdown? Bởi đây là lĩnh vực hoàn toàn online: Làm việc ở nhà, giao tiếp với đồng nghiệp, cộng sự qua mạng; khách hàng trên toàn thế giới nhận sản phẩm, sử dụng sản phẩm, mua bán, trả tiền cũng online nốt.

Chắc nhiều bạn sẽ tò mò muốn biết đó là lĩnh vực nào vậy? Xin thưa đấy là lĩnh vực đã làm cho Nguyễn Hà Đông bất đắc dĩ trở nên nổi tiếng 8 năm trước đây với game Flappy Bird đấy. Sau 8 năm, giờ Việt Nam đã có hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn Nguyễn Hà Đông.

Sản xuất mobile game là ngành kinh tế trị giá 77,3 tỷ USD và đấy là thế mạnh của người Việt Nam, bởi nó không cần một team nhiều người, không cần thiết kế phức tạp, cần tính sáng tạo, cần làm nhanh. Chính vì vậy mà Việt Nam chúng ta mới đứng đầu "vô đối" ở Đông Nam Á, mới đứng thứ 7 thế giới. Trong top 4 mobile game đứng đầu Đông Nam Á thì Việt Nam chiếm 3 và chiếm luôn vị trí số một, nhường vị trí số 2 cho một game của Singapore. 

Ngành mobile game này phát triển nhanh đến mức mà ngay cả tôi là người trong ngành mà khi nhìn danh sách top 20 studio sản xuất mobile game của Việt Nam tôi chỉ biết đúng có một cái tên (khá nổi tiếng) và cái tên khá nổi tiếng này chỉ đứng thứ 5 thôi (19 cái tên còn lại hoàn toàn xa lạ, tôi nghe đến tên lần đầu).

Lão tướng FPT hé lộ về cơ hội của Việt Nam với ngành kinh tế 1.000 tỷ USD - 9

Điển hình nhất cho mobile game là Sky Mavis. Chỉ mất có 4 năm từ ngày thành lập công ty (2017) và mất có đúng 3 năm ra đời sản phẩm Axie Infinity (2018), vốn hóa của đồng tiền điện tử AXS do Sky Mavis phát hành đã lên đến 4,51 tỷ USD, điều đó đồng nghĩa với giá trị công ty có thể lên đến một tỷ USD. Thật là kỳ tích, chỉ có lĩnh vực công nghệ số, kinh tế số mới có tốc độ phát triển thần kỳ như thế.

Ngoài Sky Mavis ra thì những công ty mobile game chỉ ra đời 5-6 năm trở thành công ty toàn cầu, nhân viên ở khắp nơi trên thế giới, ngồi ở Việt Nam nhưng khách hàng thì ở Mỹ, Canada, châu Âu, Nhật, Hàn, có tốc độ tăng trưởng 100% một năm, có doanh số trên ngàn tỷ, giá trị công ty cỡ 200 triệu USD không phải là hiếm.

Chính vì vậy sẽ không có gì lạ nếu trong vài năm nữa thôi, mobile game sẽ là ngành kinh tế đóng góp cho kinh tế đất nước chẳng kém gì ngành giày da, túi xách, và nếu có kém thì chắc là chỉ kém ngành may mặc mà thôi.

Chuyển sang một lĩnh vực rất quen thuộc là phần mềm, ngành có giá trị lên đến 1.000 tỷ USD. Tôi bắt đầu bằng câu chuyện của công ty dẫn đầu FPT Software. 

Ngày hôm qua, FPT Software chính thức đón nhận nhân viên thứ 20.000, một dấu ấn khẳng định đây là công ty phần mềm không chỉ lớn nhất Đông Nam Á về quy mô mà còn là công ty có tính toàn cầu nhất Đông Nam Á. Có lẽ rằng trong tất cả các lĩnh vực kinh tế, đây là lĩnh vực hiếm hoi mà Việt Nam có thể đứng đầu khu vực. Năm 2020 giữa đại dịch Covid-19, chúng tôi có những hợp đồng kỷ lục 100 triệu USD ở Nhật Bản và 150 triệu USD ở Mỹ.

Nên nhớ rằng năm 1999 khi thành lập FPT Software chỉ có 16 nhân viên, sau 22 năm thì quy mô đã tăng 1.250 lần về quân số, 100.000 lần về doanh thu. Chưa hết, số công ty phần mềm mà các sáng lập viên là người FPT tách ra có quy mô từ 700 đến trên 1.000 nhân viên hiện cũng phải có 5-7 công ty. Rồi trong những công ty ấy, lại có những bạn tách ra thành lập công ty mới, hiện có quy mô 100 nhân viên cũng không ít. Cứ cộng hết các công ty có mối liên hệ với nhau ấy mới thấy hết sự tăng trưởng của ngành phần mềm.

Sức hút của ngành phần mềm Việt Nam lớn đến mức mà đã có khá nhiều người Mỹ, Nhật Bản sang Việt Nam lập công ty phần mềm, tuyển nhân lực Việt Nam, lấy việc từ Mỹ, Nhật đưa về Việt Nam làm.

Sự tăng trưởng cao của ngành phần mềm được minh chứng bằng việc đang thiếu nguồn lực trầm trọng bất chấp đại dịch. Một chủ tịch công ty phần mềm đã than thở "vấn đề lớn nhất hiện tại là nguồn nhân lực, tuyển dụng và đào tạo không kịp nhu cầu tăng trưởng, thành ra các công ty toàn tuyển người của nhau, cạnh tranh nhân lực bằng cách tăng lương để câu người".

Giữa đại dịch, rất nhiều ngành thì giảm bớt nhân lực, thu hẹp quy mô, nhân viên thì mất việc, trái ngược lại ngành phần mềm tỷ lệ nhân viên nhảy việc lại tăng, các công ty phải tìm đủ mọi cách để giữ được người và tuyển thêm nhân viên mới. Cạnh tranh nguồn lực cao chứng tỏ ngành phần mềm, đặc biệt là phần mềm xuất khẩu vẫn đang tăng trưởng cao, bất chấp đại dịch, bất chấp đường bay quốc tế bị đứt đoạn, bất chấp lệnh lockdown phong tỏa.

Ngành phần mềm có đặc điểm là dễ dàng chuyển sang trạng thái làm việc tại nhà (WFH), mỗi người chỉ cần một chiếc máy tính (có thể thêm dăm chiếc smart phone), kết nối internet là có thể làm việc ở nhà với hiệu xuất đôi khi còn cao hơn hiệu xuất làm việc tại văn phòng. Chính vì vậy khi lockdown, phong tỏa, vấn đề lớn nhất là bán hàng, ký hợp đồng chứ không phải sản xuất. Mà bán hàng thì các văn phòng đại diện, công ty ở nước ngoài đảm nhiệm rồi.

Chính đại dịch Covid-19 này đã cho thấy lợi thế và tầm quan trọng của công nghệ số, chuyển đổi số và kinh tế số. Với tốc độ tăng trưởng cao của ngành phần mềm và mobile game, với lợi thế không cần nhà xưởng lớn, có thể làm việc ở nhà khi gặp thiên tai, dịch bệnh, lũ lụt, cộng thêm việc có thể khai thác đúng điểm mạnh của người Việt Nam, tôi tin rằng kinh tế số chắc chắn sẽ là một trong những ngành kinh tế tăng trưởng cao nhất và sẽ dần trở thành ngành kinh tế quan trọng nhất của quốc gia.

Lão tướng FPT hé lộ về cơ hội của Việt Nam với ngành kinh tế 1.000 tỷ USD - 11

Đan Anh (ghi)

Dòng sự kiện: Kiên cường Việt Nam