(Dân trí) - "Dù đối mặt với khó khăn nhưng tôi lạc quan vì qua đại dịch này, tôi được chứng kiến các bộ ngành thực sự đồng lòng đứng cùng doanh nghiệp trong nỗ lực bước qua đại dịch", TS Vũ Tú Thành nói.
TS Vũ Tú Thành: Làm thế nào để cái giá chúng ta phải trả trong đại dịch bớt đắt đỏ?
(Dân trí) - "Trong suốt mấy tháng chống dịch hết sức gian nan của Việt Nam vừa rồi, tôi đã nhìn thấy những chuyến vi hành liên tục của Thủ tướng, đã thấy những cuộc họp online từ sáng đến tối của Chính phủ với các cấp chính quyền cơ sở, đã thấy nhiều lãnh đạo địa phương bộc lộ năng lực yếu kém bị người đứng đầu Chính phủ phê bình thẳng thắn. Cả hệ thống đang được vận hành với một động lực mới - được truyền cảm hứng từ một Chính phủ mới".
***
"Dù Việt Nam có thể phải đối mặt với nguy cơ tiếp tục tăng trưởng âm quý cuối cùng của năm 2021 và khó khăn hậu đại dịch Covid-19, nhưng tôi lạc quan, vì qua đại dịch này, tôi được chứng kiến các bộ ngành từ Trung ương đến địa phương thực sự đồng lòng đứng cùng một phía với doanh nghiệp trong nỗ lực bước qua đại dịch, đem lại hy vọng về một cuộc cách mạng về tư duy và cải cách thể chế" - TS Vũ Tú Thành (Phó Giám đốc điều hành khu vực, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - Asean) nhấn mạnh khi trả lời Dân trí.
***
Suối 3 tháng qua, những lo ngại về làn song FDI rời khỏi Việt Nam do đợt giãn cách khắc nghiệt đã nhiều lần được nhắc đến. Là Phó Giám đốc Điều hành khu vực của Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - Asean, ông nhận định thế nào về nguy cơ các doanh nghiệp Mỹ nói riêng và doanh nghiệp nước ngoài nói chung sẽ rời khỏi Việt Nam?
- Trước hết phải hiểu nội hàm của việc FDI rời khỏi Việt Nam là như thế nào?
Việc FDI rời khỏi Việt Nam nếu định nghĩa theo nghĩa hẹp là dừng hoạt động, đóng cửa và thanh lý tài sản, rồi hoàn toàn ngừng việc kinh doanh sản xuất ở Việt Nam thì hầu như chưa xảy ra vào thời điểm này. Còn nếu hiểu theo nghĩa rời đi - tức là tạm thời giảm công suất ở Việt Nam trong vòng vài ba quý tới để chuyển sang nơi khác do Việt Nam không đáp ứng được sản lượng đơn đặt hàng thì thực tế đã đang xảy ra rồi.
Theo số liệu Amcham (Hiệp hội Xúc tiến Thương mại Hoa Kỳ - Việt Nam), tính đến giữa tháng 8, đã có 20% doanh nghiệp phải chuyển một phần công suất ra nước ngoài, 14% đang tính đến việc đó. Việc này không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà cũng xảy ra ở nhiều nước khác trên thế giới (như Mexico, Trung Quốc…) vào những thời điểm nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và giãn cách xã hội.
Nhưng đó sẽ chỉ là xu hướng tạm thời và sự tăng giảm quy mô của xu hướng này trong những tháng tới sẽ phụ thuộc vào các điều chỉnh về chính sách kinh tế của Việt Nam trong mấy tháng tới.
Cuối cùng là nguy cơ về việc có hay không các doanh nghiệp đang tiến hành đầu tư vào Việt Nam sẽ tạm dừng hoặc từ bỏ các kế hoạch đầu tư để chuyển hướng sang thị trường khác? Theo nhận định của tôi, nguy cơ này là không có với các nhà đầu tư nước ngoài có quy mô lớn. Ví dụ, một doanh nghiệp của chúng tôi hiện đang đầu tư một dự án gần 1 tỷ USD vào Việt Nam. Dù tiến độ triển khai dự án xây dựng nhà xưởng bị chậm lại thì cũng là do các chính sách "ngăn sông cấm chợ" mấy tháng qua, chứ không phải do những lo ngại về triển vọng đầu tư.
Không chỉ riêng Việt Nam, mà các nước Asean trong mấy tháng qua đều chứng kiến đợt bùng phát với quy mô lớn chưa từng có về dịch Covid-19 cũng như phải đối mặt với việc giãn cách xã hội kéo dài, nhưng các nhà đầu tư của chúng tôi vẫn nhận định khu vực này là thị trường có triển vọng để tiếp tục đầu tư.
Tóm lại, nguy cơ FDI rút khỏi VN trong ngắn hạn 6 tháng tới gần như bằng 0. Nhưng nếu như Chính phủ không kịp thời có những chính sách kinh tế đúng đắn để thúc đẩy nhanh chóng việc mở cửa lại và phục hồi kinh tế giai đoạn hậu Covid-19 thì sẽ rất khó để dự đoán tình trạng này trong 6 tháng tiếp theo.
Với việc tăng trưởng âm 6,17%, quý III/2021 là quý đầu tiên nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng âm kể từ khi tính và công bố GDP quý đến nay. Có chuyên gia kinh tế đã nhận định rằng Việt Nam có thể phải đối mặt với nguy cơ tiếp tục tăng trưởng âm trong quý IV. Nếu viễn cảnh này trở thành sự thật, khó khăn mà doanh nghiệp sẽ phải đối mặt trong những tháng tiếp theo sẽ là gì?
- Sẽ không có gì là ngạc nhiên nếu kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng âm trong quý IV. Vì bây giờ đã bước vào quý IV rồi, nhưng kinh tế vẫn chưa thực sự mở lại mà một số nơi chỉ đang hoạt động rất cầm chừng. Tôi đang trông chờ một phương án, một kịch bản sáng sủa để mở cửa lại nền kinh tế như thời điểm trước đại dịch. Mà kể cả khi mọi hoạt động quay lại bình thường, thì các doanh nghiệp cũng không thể tăng tốc ngay được, nên sẽ không có chuyện tăng trưởng hình chữ V.
Mảng tạo ra rất nhiều điểm phần trăm tăng trưởng GDP là sản xuất: Giày da, may mặc, đồ gỗ, hàng điện tử, nhưng rất nhiều doanh nghiệp sẽ không kịp sản xuất hàng hóa cho mùa tiêu dùng cuối năm. Nên tôi nghĩ tăng trưởng quý IV vẫn có thể âm, dù không âm sâu.
Cái khó nhất hiện nay với doanh nghiệp là dòng tiền và giải bài toán nguồn nhân lực. Sẽ rất khó để kêu gọi người lao động quay lại thành phố, các khu công nghiệp, sau khi mà họ đã phải rất vất vả mới về được quê nhà. Nếu không có đủ nhân công, các doanh nghiệp sẽ không dám nhận các đơn hàng cho quý I-II sắp tới. Nhưng nếu muốn công nhân quay trở lại, việc đảm bảo giao thông đi lại được thuận tiện, các hàng rào về giấy tờ được gỡ bỏ và mức thu nhập ổn định cho họ ở thành phố là điều bắt buộc.
Các doanh nghiệp FDI vốn có nguồn lực mạnh về dòng tiền và lợi thế về mức lương cạnh tranh sẽ không gặp quá nhiều khó khăn, nhưng đây sẽ là một giai đoạn thách thức với những doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là những doanh nghiệp gia công các mặt hàng xuất khẩu.
Hai quý tăng trưởng âm liên tục đương nhiên là tin xấu. Mặc dù sẽ rất tiếc nếu như chúng ta để lỡ mất cơ hội vực dậy nền kinh tế cho mùa tiêu dùng cuối năm, nhưng nếu Việt Nam đưa ra các tín hiệu chắc chắn và không đảo ngược về các kế hoạch mở cửa sớm của nền kinh tế, và nếu như quý I-II sang năm trở đi vẫn ổn định, thì doanh nghiệp sẽ vẫn yên tâm triển khai các kế hoạch kinh doanh trung hạn. Kể cả các doanh nghiệp FDI đang dịch chuyển một phần công suất ra nước ngoài cũng sẽ quay trở lại Việt Nam khi họ nhìn thấy cơ hội từ các tín hiệu về chính sách.
Điều quan trọng nhất lúc này là cần chấm dứt ngay tình trạng cát cứ. Ví dụ gần đây, Hải Phòng vẫn yêu cầu giấy xét nghiệp với người đến địa phương này, dù không phải đến từ vùng đỏ, hoàn toàn trái với tinh thần của Nghị quyết 128. Có rất nhiều ví dụ như thế mà tôi đã nhìn thấy ở các địa phương trong thời gian qua. Chừng nào chưa giải quyết được thực trạng nhức nhối này, chừng đó chúng ta khó hy vọng về việc phục hồi kinh tế.
Giữa hàng loạt những "tin xấu" như thế, có điều gì để hy vọng vào bức tranh kinh tế Việt Nam trong những tháng sắp tới không thưa ông?
- Thật ra các cuộc khủng hoảng trong lịch sử gây nhiều thiệt hại, nhưng cũng là động lực để thúc đẩy xã hội phát triển, giúp con người nhận ra những khiếm khuyết của hệ thống và sự cần thiết của việc thay đổi nó.
Trong suốt mấy tháng chống dịch hết sức gian nan của Việt Nam vừa rồi, tôi đã nhìn thấy những chuyến vi hành liên tục của Thủ tướng, đã thấy những cuộc họp online từ sáng đến tối của Chính phủ với các cấp chính quyền cơ sở, đã thấy nhiều lãnh đạo địa phương bộc lộ năng lực yếu kém bị người đứng đầu Chính phủ phê bình thẳng thắn. Cả hệ thống đang được vận hành với một động lực mới.
Đây là dịp để chúng ta nhìn nhận rõ tầm quan trọng của việc xây dựng hệ thống, xây dựng cơ chế, thể chế và công tác nhân sự. Trong khu vực kinh tế, một doanh nghiệp tư nhân không có nhân sự tốt, thì chỉ doanh nghiệp đó chết. Nhưng trong một bộ máy, nếu đội ngũ kém năng lực có thể không bộc lộ quá nhiều điểm yếu trong lúc bình thường, nhưng sẽ là điểm chí mạng trong khủng hoảng. Đây sẽ là một tiếng chuông báo động cần thiết để toàn hệ thống đưa ra một cơ chế giám sát, đốc thúc các cấp, khiến cho những vị trí kém chất lượng trong bộ máy không thể trốn mãi sau lưng người khác và phải bị thay thế.
Ở góc độ nghề nghiệp mà tôi quan sát được, thì ở các Bộ ngành, nhất là các Bộ phụ trách về kinh tế như Bộ Kế hoạch & Đầu Tư, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp… đã có một làn sóng thay đổi tư duy tích cực từ cấp chuyên viên đến cấp lãnh đạo trong mấy tháng vừa qua: Làm việc không kể thứ 7, Chủ nhật, không kể ngày đêm, lắng nghe ý kiến các chuyên gia, doanh nghiệp và thực sự đồng hành cùng doanh nghiệp. Việc các bộ ngành đứng cùng phía với doanh nghiệp như thế này, thực sự việc này chưa có tiền lệ, và tôi hy vọng sự thay đổi này không chỉ tạm thời.
Bao năm nay, những người làm doanh nghiệp đã mất rất nhiều công sức để vận động các bộ ngành, nhưng có một thực tế là ở một số "mắt xích" trong chính quyền, tình trạng quan liêu, trì trệ, lợi ích cục bộ vẫn là rào cản cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Mấy tháng vừa rồi là mấy tháng hiếm hoi mà các doanh nghiệp thực sự thuận lợi trong việc tiếp cận với các nhà hoạch định chính sách. Chưa bao giờ các bộ ngành, các lãnh đạo chủ động lắng nghe như thế. Dù còn nhiều bất cập trong vấn đề thực thi chính sách ở địa phương, nhưng cũng phải thừa nhận rằng, giai đoạn vừa qua, Chính phủ đã rất cầu thị.
Nhiều ý kiến của doanh nghiệp, các chuyên gia kinh tế đã thực sự được đưa vào dự thảo và chính sách. Có lẽ khi nền kinh tế ở bên bờ vực, tất cả đều hiểu hóa ra chúng ta cùng trên một con thuyền, không chung tay cứu con thuyền thì tất cả đều nguy nan.
Có lẽ đó là cái rủi trong cái may mà chúng ta có được trong mấy tháng chống dịch vất vả vừa qua. Tôi hy vọng nó sẽ phá vỡ được sự trì trệ về tư duy còn tồn tại ở đâu đó, tạo thành một cơ hội cho Việt Nam thay đổi, cải cách thể chế, nâng cao chất lượng cán bộ. Nếu thế thì cái giá mà chúng ta phải trả trong đại dịch này sẽ bớt đắt đỏ đi rất nhiều.
Cách nào để cái giá chúng ta phải trả trong đại dịch này sẽ bớt đắt đỏ?