Chuyên gia hiến kế để TPHCM phục hồi kinh tế
(Dân trí) - Các chuyên gia kinh tế kiến nghị TPHCM cần đi đầu trong việc đón khách quốc tế trở lại, thúc đẩy đầu tư công, xây dựng cơ sở hạ tầng, cổ phần doanh nghiệp Nhà nước để nhanh chóng phục hồi kinh tế.
Đóng góp ý kiến tại "Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội" TPHCM giai đoạn 2022-2025 tổ chức ngày 16/10, các chuyên gia kinh tế có cùng nhận định kinh tế TP đã phải chịu nhiều tổn thất nặng nề sau 4 tháng giãn cách, do đó chính quyền TPHCM cần thực thi đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp mới có thể sớm đưa TP trở lại với vị thế vốn có.
TPHCM cần đi đầu trong mở cửa với quốc tế
Ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, ĐH Fulbright Việt Nam cho rằng, các nền kinh tế thế giới đều kiên định, nhất quán với chính sách mở cửa sau khi bao phủ vaccine cho người dân, dù biến chủng Delta làm số ca nhiễm tăng trở lại. Khi nền kinh tế đang phục hồi sau đại dịch, nhu cầu tiêu dùng rất lớn. Do đó, vấn đề của Việt Nam là liệu xuất khẩu có đáp ứng được nhu cầu tăng cao của các thị trường quốc tế hay không.
Chuyên gia của ĐH Fulbright chỉ ra vấn đề lớn nhất hiện nay trên toàn cầu là tình trạng tăng giá từ nguyên liệu đầu vào đến hàng tiêu dùng cuối cùng. Đây là hậu quả của việc đứt gãy trầm trọng chuỗi cung ứng sau đại dịch, thiếu lao động đặc biệt là vấn đề ùn tắc tại các cảng biển, ngay cả tại quốc gia kiểm soát tốt dịch Covid-19 như Trung Quốc.
Do đó, ông Thành gợi ý TPHCM nếu có thể khơi thông cảng biển, giúp chuỗi logistics thông suốt, để hạ nhiệt giá cước vận tải, sẽ trở thành lợi thế cạnh tranh lớn của TP trong bối cảnh hiện nay để có thêm đơn hàng mới. Khi tình trạng khan hiếm hàng hóa vẫn diễn ra trên toàn cầu, nếu doanh nghiệp có thể sản xuất, giao hàng, tất nhiên sẽ có nhiều đối tác mua hàng.
Ông cũng kiến nghị TPHCM cần đi đầu cả nước trong việc mở cửa đón khách quốc tế trở lại sau khi đã bao phủ vaccine cho người dân. Đây sẽ là động lực lớn kích thích ngành du lịch, khách sạn, nhà hàng trở lại. Kinh nghiệm trên thế giới cho thấy chính những nước trải qua các đợt bùng dịch tồi tệ nhất cũng là những nơi mở cửa sớm nhất.
Chỉ cứu lấy những lò xo không thể bật lại
TS Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế kỳ cựu đã đồng hành cùng chính quyền TPHCM đi qua nhiều cuộc khủng hoảng, chia sẻ: Việc cấp bách nhất là phục hồi sự đứt gãy trong chuỗi sản xuất, cung ứng. Tuy nhiên, ông Lịch nhấn mạnh sự đứt gãy lần này không phải do thị trường mà do dịch bệnh. Do đó, khi chính quyền cho phép đi lại, kinh doanh buôn bán bình thường, nhiều doanh nghiệp sẽ tự phục hồi.
"Đây là một chùm lò xo, có cái tự bật được, nhưng cũng có cái bị liệt hẳn. Lò xo nào tự bật được thì Nhà nước không cần đụng tới. Chúng ta phải lựa chọn đối tượng, chứ không hỗ trợ tràn lan" - TS Trần Du Lịch lưu ý từ kinh nghiệm một số chính sách kinh tế trong quá khứ khi thực thi không phân biệt đối tượng thụ hưởng nên không hiệu quả.
Đồng quan điểm với nhiều chuyên gia kinh tế, ông Lịch nhấn mạnh vai trò của đầu tư công để kích thích tổng cầu. Theo ông, TPHCM nên nghiên cứu triển khai cả những dự án đầu tư công nằm trong kế hoạch giai đoạn 2026-2030 ngay trong 4 năm tới nếu có thể. Nếu làm được, TPHCM tạo ra đột phá lớn, vừa cứu được kinh tế, vừa giải quyết bài toán hạ tầng, giao thông.
"Trong 4 năm tới, nếu làm được cả các dự án giai đoạn 10 năm (2021-2020), TPHCM sẽ đủ sức bật dậy, trở thành một thành phố hoàn toàn mới. Phải làm sao để TP trong 4 năm sau này như một đại công trường xây dựng", TS Trần Du Lịch đề xuất với chính quyền TP.
Cũng tại hội thảo, PGS. TS Hoàng Công Gia Khánh, Hiệu phó ĐH Kinh tế - Luật TPHCM, cho rằng: Việc hỗ trợ bằng chính sách tiền tệ, lãi suất khó có thể phân chia địa giới hành chính rõ ràng. Do việc sử dụng chính sách tiền tệ với TPHCM rất hạn chế, TP cần tập trung vào chính sách tài khóa.
PGS Khánh cho rằng với mặt bằng lãi suất trái phiếu Chính phủ đang ở mức rất thấp, nợ công cũng dưới ngưỡng trần, TPHCM có thể đề xuất Chính phủ phát hành trái phiếu, chuyển nguồn tiền cho TP thực hiện các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, phục hồi kinh tế. TPHCM sẽ chịu trách nhiệm thanh toán số trái phiếu Chính phủ này.
Vị PGS này nhấn mạnh nếu TPHCM tự phát hành trái phiếu đô thị, tính thanh khoản không thể cao như trái phiếu Chính phủ. TP cũng khó lòng thu hút các định chế tài chính lớn mua vào trái phiếu đô thị của mình.
Ngoài ra, PGS Khánh chia sẻ thêm, TPHCM có thể đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp, đấu giá quyền sử dụng đất công thuộc quyền sở hữu của TP để tạo nguồn tài chính cho chương trình phục hồi kinh tế giai đoạn tới. Tuy nhiên, TP phải giữ lại những "con gà đẻ trứng vàng", bảo vệ các tài sản có còn gia tăng nhiều giá trị trong tương lai. Đặc biệt, khi chuyển nhượng tài sản công, TPHCM sẽ thu được ngay nguồn tiền rất lớn nên cần có kế hoạch sử dụng rõ ràng.
Lắng nghe góp ý, hiến kế của các chuyên gia, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi khẳng định sau khi mở cửa, TPHCM tiếp tục vừa phòng chống, kiểm soát dịch, vừa tính toán lộ trình phục hồi kinh tế. Ông Mãi khẳng định, trong ngắn hạn, TPHCM tập trung vào những vấn đề khẩn cấp, nhưng song song đó phải giữ vững vai trò đầu tàu của kinh tế cả nước trong dài hạn, giữ vị trí trong tương quan với các thành phố lớn trong khu vực.
Người đứng đầu chính quyền TPHCM khẳng định, với truyền thống của năng động sáng tạo, TP sẵn sàng nghiên cứu, đề xuất cơ chế thí điểm để triển khai những giải pháp mới nếu chưa có trong cơ chế, chính sách hiện hành.