DNews

Chứng khoán và những kỳ vọng khi tháo nút thắt nâng hạng thị trường

Bích Diệp

(Dân trí) - Việc Thông tư 68 bổ sung quy định về giao dịch mua cổ phiếu không yêu cầu có đủ tiền khi đặt lệnh của nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức được cho là bước tiến quan trọng giúp nâng hạng thị trường.

Chứng khoán và những kỳ vọng khi tháo nút thắt nâng hạng thị trường

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 68/2024 (Thông tư 68) sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư quy định về giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch chứng khoán; bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán; hoạt động của công ty chứng khoán và công bố thông tin trên thị trường chứng khoán. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 2/11.

Những điểm mới của Thông tư 68

Dưới đây là những điểm đáng chú ý của Thông tư 68:

Một , nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) có thể đặt lệnh mua cổ phiếu không cần đủ tiền (Non Pre-funding solution - NPS). NĐTNN là tổ chức được phép đặt lệnh mua cổ phiếu mà không cần phải có đủ tiền khi thực hiện giao dịch. Tuy nhiên, điều này không áp dụng đối với các trường hợp giao dịch ký quỹ.

Quy định mới này được đánh giá là mở rộng cơ hội cho NĐTNN tham gia vào thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCK) mà không bị ràng buộc bởi yêu cầu vốn lớn ngay lập tức.

Hai , công ty chứng khoán (CTCK) chịu trách nhiệm nếu NĐTNN không đủ tiền.

Thông tư quy định rõ rằng, CTCK phải chịu trách nhiệm nếu NĐTNN không thanh toán đủ tiền cho giao dịch mua cổ phiếu. CTCK có quyền chuyển nhượng cổ phiếu hoặc bán thỏa thuận trên hệ thống giao dịch để đảm bảo thanh toán.

Điều này nhằm bảo vệ thị trường và các bên liên quan khỏi các rủi ro tài chính không mong muốn.

Ba là, ngân hàng lưu ký phải chịu trách nhiệm khi xác nhận sai số dư.

Thông tư 68 cũng quy định ngân hàng lưu ký nơi NĐTNN mở tài khoản lưu ký chứng khoán sẽ chịu trách nhiệm thanh toán giao dịch thiếu tiền nếu ngân hàng xác nhận sai số dư tiền gửi của NĐTNN với CTCK. Quy định này nhằm đảm bảo tính chính xác và minh bạch trong quá trình thanh toán giao dịch chứng khoán.

Bốn , đảm bảo thanh toán cho giao dịch của NĐTNN.

Thông tư bổ sung quy định về việc đảm bảo thanh toán cho giao dịch của NĐTNN. Cụ thể, nếu NĐTNN đặt lệnh mua cổ phiếu không có đủ tiền, nghĩa vụ thanh toán sẽ được chuyển cho CTCK qua tài khoản tự doanh của CTCK tại ngày thanh toán.

CTCK cũng phải đảm bảo thực hiện các biện pháp cần thiết để tuân thủ quy định này trong vòng một năm nếu vượt quá hạn mức đầu tư.

Năm , hạn mức đặt lệnh không đủ tiền của NĐTNN.

CTCK phải tuân thủ hạn mức nhận lệnh mua cổ phiếu không yêu cầu có đủ tiền của NĐTNN, căn cứ trên vốn chủ sở hữu và dư nợ cho vay ký quỹ chứng khoán. Quy định này nhằm đảm bảo rằng các công ty chứng khoán không nhận lệnh mua vượt quá khả năng thanh toán của họ.

Sáu , công bố thông tin của CTCK và NĐTNN.

CTCK có trách nhiệm công bố thông tin về giao dịch của NĐTNN trong vòng 24 giờ nếu NĐTNN không thực hiện mua lại cổ phiếu. Các tổ chức niêm yết và công ty đại chúng sẽ phải công bố thông tin bằng tiếng Anh theo lộ trình từ 2025 đến 2028, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư quốc tế.

Tháo gỡ "nút thắt" nâng hạng

Theo đánh giá chung của giới phân tích và của các bên tham gia thị trường, những quy định tại Thông tư 68 giúp giảm chi phí tài chính và tăng tính linh hoạt cho nhà đầu tư, thúc đẩy gia tăng dòng vốn ngoại trên thị trường chứng khoán. Đồng thời, điều này còn là tiêu chí quan trọng để nâng cấp TTCK Việt Nam lên thị trường mới nổi (Emerging Market) của FTSE Russel. Dòng vốn ngoại theo đó dễ tiếp cận trên thị trường Việt Nam hơn và sẽ gia tăng thanh khoản và quy mô giao dịch trên TTCK Việt Nam.

Nội dung đang được quan tâm nhất chính là Thông tư 68 cho phép nhà đầu tư tổ chức nước ngoài giao dịch mua cổ phiếu không yêu cầu có đủ tiền khi đặt lệnh. Theo đó, nhà đầu tư tổ chức nước ngoài mua chứng khoán ngay trong ngày (T+0) và thanh toán vào các ngày sau (T+1/T+2).

Được biết, Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSDC), công ty chứng khoán, ngân hàng lưu ký và các nhà đầu tư đang làm việc để hoàn tất quy trình giấy tờ.

Chứng khoán và những kỳ vọng khi tháo nút thắt nâng hạng thị trường - 1

Thông tư 68 mang lại kỳ vọng chứng khoán Việt Nam sẽ sớm được nâng hạng vào năm 2025 (Ảnh minh họa: Hữu Khoa).

Nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán Mirae Asset cho hay, quy định trên không chỉ giúp giảm chi phí tài chính và tăng tính linh hoạt cho nhà đầu tư mà còn là tiêu chí quan trọng để nâng cấp thị trường Việt Nam lên trạng thái thị trường mới nổi theo chuẩn FTSE Russell.

Việc triển khai quy định này thành công sẽ giúp tháo gỡ vướng mắc từ nghiệp vụ Pre-funding (yêu cầu ký quỹ trước giao dịch).

Chứng khoán và những kỳ vọng khi tháo nút thắt nâng hạng thị trường - 2

Sơ đồ ước tính thời gian mang tính tham khảo và thực tế có thể thay đổi.

FTSE Russell chia làm 4 phân hạng, theo đánh giá hồi tháng 3 thì Việt Nam nằm trong danh sách theo dõi nhằm nâng hạng lên thị trường mới nổi hạng 2 (Secondary Emerging) từ tháng 9/2018. Tuy nhiên, dưới ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, cũng như một vài tiêu chí còn bất cập nên mục tiêu chưa hoàn thành.

Hiện tại, Việt Nam vẫn nằm trong danh sách theo dõi với vai trò cận biên và được kỳ vọng phân loại lại lên Secondary Emerging. Hoạt động đánh giá lại sẽ được FTSE thực hiện tiếp tục vào đầu tháng 10 và 2 kỳ tháng 3/2025, tháng 9/2025. 

Theo đợt đánh giá tháng 3 của FTSE, Việt Nam vẫn còn tiêu chí hạn chế để nâng hạng thị trường, việc tháo gỡ vướng mắc từ việc yêu cầu ký quỹ trước giao dịch, cũng như cải thiện quy trình mở mới tài khoản sẽ kỳ vọng nhiều chuyển biến tích cực, là nhân tố hỗ trợ để hiện thực hóa lên thị trường mới nổi.

Nâng hạng và dòng vốn ngoại

Theo nhóm phân tích của công ty chứng khoán trên, quy mô vốn hóa của VN-Index đạt hơn 213 tỷ USD (tính đến 17/9/2024), khá tương đồng với vài quốc gia được phân bổ tỷ trọng thấp trong danh mục FTSE Emerging markets Index.

Đơn vị này ước tính, tỷ trọng của cổ phiếu Việt Nam trong rổ sẽ ở mức khoảng 0,6% khi được thêm vào chính thức. Tiêu biểu là Vanguard FTSE Emerging Markets ETF với quy mô gần 79 tỷ USD.

Với tỷ trọng phân bổ 0,6%, Việt Nam có thể được giải ngân ở khoảng 474 triệu USD. Nhóm phân tích cho rằng, dòng tiền ngoại chảy vào Việt Nam không những đến từ những quỹ sử dụng chỉ số FTSE Emerging markets Index làm tham chiếu, mà còn những quỹ khác khi thị trường được nâng hạng.

Tổng hợp một số quỹ ETF sử dụng FTSE Emerging markets Index làm tham chiếu, với tỷ trọng phân bổ 0,6%, Việt Nam có thể nhận đầu tư như bảng giả định bên dưới, ước tính khoảng 516 triệu USD (gần 12.500 tỷ đồng).

Chứng khoán và những kỳ vọng khi tháo nút thắt nâng hạng thị trường - 3

(Nguồn: MASVN).

Theo quan sát của nhóm phân tích, đa phần các thị trường trước thời điểm nâng hạng chính thức 1-2 năm, thị trường chứng khoán đều có dấu hiệu bật tăng. Cụ thể, Qatar tăng hơn 45% từ tháng 9/2013 đến tháng 9/2014, Saudi Arabia tăng hơn 23% từ tháng 3/2017 đến tháng 3/2018, Romania tăng hơn 18% từ tháng 9/2018 đến tháng 9/2019.

Dự báo thời điểm nâng hạng

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vững ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, giữ vững ổn định chính trị - xã hội để nhà đầu tư yên tâm. "Chúng ta quyết tâm nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên mới nổi trong năm 2025", Thủ tướng nhấn mạnh.

Phát biểu trước các đối tác, nhà đầu tư lớn tại Diễn đàn đầu tư "Từ chính sách đến thực tiễn hướng tới nâng hạng thị trường vốn Việt Nam lên thị trường mới nổi" tổ chức tại Singapore hồi tháng trước, bà Vũ Thị Chân Phương - Chủ tịch UBCKNN - cũng cho biết, nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi là quyết tâm của Chính phủ Việt Nam.

Phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đánh giá, Việt Nam hiện đã đạt được 7/9 nhóm tiêu chí để nâng hạng từ thị trường cận biên lên mới nổi thứ cấp theo FTSE. 2 tiêu chí mà Việt Nam chưa đạt yêu cầu của FTSE, trong đó, tiêu chí "chu kỳ thanh toán (DvP)" được đánh giá "hạn chế" do hiện tại thông lệ thị trường là phải kiểm tra để đảm bảo có đủ tiền trước khi thực hiện giao dịch.

Tiêu chí "Thanh toán - chi phí liên quan đến các giao dịch không thành công" không được đánh giá, vì theo mặc định, thị trường không diễn ra tình trạng giao dịch không thành công.

Sau khi Bộ Tài chính thông qua Thông tư 68 có hiệu lực từ ngày 2/11, sửa đổi 4 thông tư liên quan đến nhà đầu tư tổ chức nước ngoài có thể mua chứng khoán mà không cần có đủ tiền (Non Pre-funding solution - NPS) và lộ trình công bố thông tin bằng tiếng Anh, Việt Nam đã tiến gần hơn đến việc đáp ứng 2 tiêu chí trên của FTSE.

Trong kỳ đánh giá sắp tới vào ngày 8/10, BVSC cho rằng, FTSE sẽ ghi nhận tích cực hơn về quá trình nâng hạng của Việt Nam.

"Chúng tôi đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ được xem xét nâng hạng thời gian sớm nhất vào tháng 3/2025, sau khi có những đánh giá cuối cùng về tiêu chí Chi phí giao dịch thất bại" - phía BVSC nhận định.

Chứng khoán và những kỳ vọng khi tháo nút thắt nâng hạng thị trường - 4

(Nguồn: BVSC).

Về phía SSI Research, đơn vị này duy trì kịch bản Việt Nam sẽ được nâng hạng trong kỳ đánh giá tháng 9/2025.

Bà Lê Thị Lệ Hằng - Giám đốc Chiến lược Công ty cổ phần Chứng khoán SSI - trong lần phát biểu gần đây cũng nhận định, trong kịch bản thuận lợi nhất, Việt Nam sẽ được FTSE nâng hạng vào khoảng tháng 9/2025 và lọt vào rổ chỉ số thị trường mới nổi vào tháng 3/2026.

Theo bà, với việc được FTSE nâng hạng sẽ là tiền đề để MSCI nâng hạng thị trường sau này. Mặc dù không thể kỳ vọng dòng tiền sẽ vào ngay tức khắc nhưng sau này dòng tiền sẽ chảy vào nhiều hơn.

Theo ông Huỳnh Minh Tuấn - Chủ tịch Công ty cổ phần FIDT - với việc thông qua pre-funding (nôm na là cho mua trước trả tiền sau), Thông tư 68 đi kèm các điều khoản xử lý chi tiết và cụ thể, sau đó sẽ có ban hành hướng dẫn thực thi, nên ngày hiệu lực 2/11 là hợp lý để chuẩn bị những văn bản hướng dẫn đó.

Ông Tuấn cho hay, Thông tư 68 được ký vào ngày 18/9, tức là ngay trước ngày thực thi giao dịch (các ETF review), ghi nhận sự thay đổi trong kỳ đánh giá mới của FTSE này. Vị chuyên gia dự báo, khả năng cao FTSE sẽ chính thức công bố nâng hạng TTCK Việt Nam lên mới nổi loại 2 trong kỳ đánh giá này và hiệu lực sau 1 năm tức tháng 9/2025.

Đưa quy định vào thực tiễn

Ông Huỳnh Minh Tuấn đánh giá, sự ban hành Thông tư 68 là "rất tốt" cho TTCK Việt Nam và khi thị trường chính thức "lên hạng" thì sẽ tạo được nhiều tiếng vang, cũng như sự chú ý của giới tài chính khu vực và quốc tế.

Mặc dù vậy, ông Tuấn cũng nhìn nhận, việc hút vốn luôn phải dựa trên nền tảng thị trường, có định giá hấp dẫn và tăng trưởng lợi nhuận. Do vậy, điều này có thể sẽ chỉ tạo ra hiệu ứng ngắn hạn, còn câu chuyện tiếp diễn sẽ là sự thay đổi chất lượng lợi nhuận và tăng hàng hóa cho thị trường.

Nói với PV Dân trí, ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Chi nhánh TPHCM Công ty chứng khoán DSC, cho rằng, mặc dù Thông tư 68 có những quy định quan trọng để "gỡ nút thắt" thị trường nhưng để nâng hạng thị trường thì chặng đường vẫn còn phía trước. Vì thực tế, cần các CTCK triển khai quy định đưa vào thực tiễn. Ở đây, Thông tư 68 mới chỉ gỡ nút thắt pháp lý ban đầu mà thôi.

Theo các tính toán của giới phân tích thì việc được FTSE nâng hạng sẽ giúp TTCK Việt Nam thu hút được khoảng 1 tỷ USD, nhưng ông Huy lưu ý rằng, từ đầu năm đến nay thị trường đã bị bán ròng 2,6 tỷ USD. Điều quan trọng nhất, theo ông Huy vẫn là sức mạnh nội tại và xây dựng niềm tin cho nhà đầu tư.

Liên quan đến quy định pre-funding, theo Thông tư 68, CTCK chỉ được bảo lãnh bằng phần vốn sau khi trừ cho vay margin và tự doanh. Do vậy, để đảm bảo khả năng thanh toán thì nhu cầu tăng vốn là tất yếu.

Vừa qua, một loạt công ty chứng khoán trên thị trường, bao gồm cả những ông lớn như SSI, Bản Việt, VNDirect cũng đang cấp tập tăng vốn.

Bên cạnh đó, vị lãnh đạo công ty chứng khoán này cho biết, phải có tiêu chí để đánh giá khách hàng. Theo đó, cần có quy trình chuẩn và danh mục pre-funding cụ thể để không gây rủi ro cho CTCK và thị trường, cũng như không để xảy ra trục lợi (bản chất là đặt lệnh rồi mới thanh toán ngày T+).

"Tôi lấy ví dụ, nếu thanh khoản lên 20.000 tỷ đồng, giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài chiếm 10-15% tức khoảng 2.000-3.000 tỷ đồng, coi là mua = bán tạm, thì 1 doanh nghiệp thực thi pre-funding phải có 1.000-2.000 tỷ đồng dự phòng để bảo lãnh pre-funding. Lúc này, CTCK có vai trò đánh giá khách hàng và bản thân CTCK cần xây dựng quy trình đánh giá và quản trị rủi ro khách hàng" - ông Huy phân tích.