DNews

Chờ mua vàng miếng, vàng nhẫn khi giá lên kỷ lục: Nhiều người về tay không

Mỹ Tâm Vĩ Quang

(Dân trí) - Lực mua lớn trong lúc giá tăng vọt khiến không ít thương hiệu tại Hà Nội, TPHCM hết vàng miếng và nhẫn trơn hoặc giới hạn số lượng mỗi lần mua. Chuyên gia đưa ra gợi ý để kìm giá vàng.

Chờ mua vàng miếng, vàng nhẫn khi giá lên kỷ lục: Nhiều người về tay không

"Cháy hàng" khi giá vàng liên tiếp phá đỉnh

Nhìn bảng giá cập nhật liên tục, Linh Anh (quận Cầu Giấy, Hà Nội) sốt ruột gọi cho các cửa hàng vàng của SJC nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu. Nhân viên SJC nói với Linh Anh qua điện thoại cửa hàng hiện chưa có vàng để bán. Khi hỏi liệu khi nào có thể tới mua, cô kể nhận được câu trả lời từ cửa hàng "đang khan hàng lắm".

Anh Thực (quận Đống Đa, Hà Nội) thấy mọi người thi nhau xếp hàng mua vàng những ngày vừa rồi ở tiệm vàng anh hay đi làm qua, nên "thấy nôn nao". Hỏi mua vàng tại một số điểm, anh chỉ nhận được thông tin cửa hàng chưa có lịch nhập hàng mới. "Dù có tiền cũng không mua được", anh nói.

Trong bối cảnh giá vàng nhẫn liên tục tăng cao, Ngọc Nhi (quận 7, TPHCM) đã liên hệ với nhiều cửa hàng kinh doanh vàng trong khu vực. Cô kể, các cửa hàng phản hồi vẫn gặp khó khăn trong việc tìm nguồn cung. Hầu hết "nhà vàng" đều báo hết hàng hoặc chỉ có sẵn số lượng rất nhỏ, từ 0,3 đến 0,5 chỉ, không đáp ứng đủ nhu cầu của cô.

Tình trạng khan hiếm vàng nhẫn tại Hà Nội, TPHCM xuất hiện từ sau dịp Tết và ngày Vía Thần Tài. Nhu cầu mua vàng của người dân đã tăng đột biến, đặc biệt sau khi giá vàng thế giới tăng mạnh. Mặt hàng này càng trở nên khan hiếm. Không ít người mua như Ngọc Nhi rơi vào tình trạng không thể sở hữu vàng dù đã chuẩn bị tài chính đầy đủ.

Ngọc Nhi lo ngại giá vàng sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, khiến việc mua vàng trở nên khó khăn hơn. Cô dự định mua vàng nhẫn để tích trữ giá trị, nhưng việc các cửa hàng liên tục thông báo hết hàng khiến cô phải cân nhắc lại thời điểm và chiến lược đầu tư của mình.

Nhi cũng thử tham khảo một số trang mạng xã hội, thấy vàng nhẫn đang được rao bán với giá 87-88 triệu đồng/lượng (mua - bán), đắt hơn 1-2 triệu đồng so với giá các "nhà vàng" niêm yết nên vẫn cân nhắc chưa xuống tiền mua.

Chờ mua vàng miếng, vàng nhẫn khi giá lên kỷ lục: Nhiều người về tay không - 1

Người dân xem vàng trang sức tại cửa hàng trên phố Trần Nhân Tông (Ảnh: Thành Đông).

Như Ánh (quận 6, TPHCM) cho biết "thấy sốc" khi giá vàng nhẫn tăng vọt lên 86 triệu đồng. Cô định rút toàn bộ khoản tiết kiệm ở ngân hàng, chuyển qua vàng. Cô nói tiếc vì không mua vàng từ sớm hơn nhưng tin rằng kim loại quý này sẽ còn lên nên không lo. "Chỉ không biết liệu có mua được không", cô cho hay.

Giao dịch vàng nhộn nhịp trong vài ngày gần đây, gồm cả 2 chiều mua và bán ở Hà Nội và TPHCM. Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, khách chờ mua lấn át bán ra.

Chị Vân (quận Hà Đông, Hà Nội) tự nhận là người theo dõi thị trường lâu năm, nói giá vàng miếng SJC khó đoán hơn hẳn vàng nhẫn. "Chỉ khác nhau ở bao bọc bên ngoài" nên chị thường khuyên người thân, bạn bè xung quanh mua vàng nhẫn để giữ tiền. "Không có kinh nghiệm mà đòi đầu tư vàng miếng là lỗ như chơi", chị này nói. Chị nói giá vàng nhẫn sẽ còn tăng tiếp, theo diễn biến của quốc tế nên mua để tích thì không bao giờ lo lỗ.

Sẵn sàng bán vàng ở thị trường chợ đen kiếm lời

Không chỉ cân nhắc mua vào, một số người nắm giữ vàng cũng nghĩ đến bài toán bán ra để chốt lời, đồng thời tránh thiệt hại nếu chẳng may giá quay đầu giảm.

Tính từ đầu năm đến nay, vàng miếng ghi nhận hiệu suất sinh lời 18%, trong khi vàng nhẫn lên tới 35%, cao hơn nhiều so với gửi tiết kiệm và nhu cầu mua của người dân vẫn lớn.

Trong khi đó, giao dịch vàng miếng SJC bị hạn chế so với trước đây, khi 5 đơn vị được ủy thác gồm Công ty SJC và 4 ngân hàng có vốn Nhà nước (Agribank, BIDV, VietinBank, Vietcombank) bán ra với số lượng giới hạn và yêu cầu đăng ký trực tuyến. Các thương hiệu được kinh doanh vàng miếng còn lại cũng gần như ngừng bán vàng miếng ra thị trường từ sau khi Ngân hàng Nhà nước can thiệp "định giá" vàng miếng, do không có nguồn cung.

Với vàng nhẫn, thị trường thường diễn ra tình trạng khan hàng. Hàng loạt hệ thống kinh doanh vàng lớn nhiều thời điểm thông báo hết vàng nhẫn trơn, nơi còn thì hạn chế lượng bán khi giá tăng vọt. Người mua phải xếp hàng chờ đợi có khi cả tiếng đồng hồ.

Chờ mua vàng miếng, vàng nhẫn khi giá lên kỷ lục: Nhiều người về tay không - 2

Khách hàng nói sốt ruột khi bảng giá cập nhật liên tục (Ảnh: Hải Long).

Điều này dẫn đến một thị trường "chợ đen" hình thành khi mà người dân có nhu cầu có thể tự lên mạng để tìm nguồn cung.

Trên các nhóm giao lưu vàng, người dân đăng bài tìm khách liên tục. Đơn cử, nếu giá vàng được niêm yết ở mức 86-88 triệu đồng/lượng (mua - bán), người này sẽ bán ra với giá 87 triệu đồng. Như vậy, người mua đã mua thấp hơn được 1 triệu đồng, còn người rao bán cao hơn được 1 triệu đồng. Người bán cũng được hưởng giá cao, người mua cũng được mua giá thấp hơn so với giao dịch tại cửa hàng chính thống.

Trên các hội nhóm, trang cá nhân cũng không khó để tìm những tin rao, chào mời đăng ký mua vàng hộ với những lời cam kết "uy tín, tỷ lệ thành công đến hơn 90%", giao vàng mới nhận tiền phí, hoặc có mã QR thanh toán, có mail báo xác nhận mới nhận phí, không nhận tiền cọc…

Nhà đầu tư sợ bỏ lỡ khi giá vàng đang đà tăng cao

PGS. TS Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Đại học Kinh tế TPHCM, cho biết giá vàng miếng SJC, vàng nhẫn tròn trơn tăng do nhiều yếu tố.

Trước hết, về yếu tố mùa vụ, thời điểm cuối năm, đặc biệt từ tháng 10 đến tháng 12, là mùa cao điểm tiêu thụ vàng tại các nước châu Á trong đó có Việt Nam. Thời điểm này là mùa cưới, chuẩn bị Tết Nguyên đán, và theo truyền thống, nhu cầu mua vàng để làm quà hoặc tích trữ thường tăng mạnh, điều này tạo áp lực lên giá vàng.

Ngoài ra, giá vàng tăng còn đến từ xu hướng tích trữ dài hạn. Nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước Trung Quốc và Nga, đang có xu hướng mua vàng để tăng dự trữ ngoại hối, nhằm giảm sự phụ thuộc vào đồng USD. Việc này xuất phát từ chiến lược kinh tế và chính trị dài hạn, đặc biệt khi căng thẳng địa chính trị ngày càng phức tạp. Việc các nước giảm sự phụ thuộc vào USD có thể làm suy yếu đồng tiền này, từ đó tăng giá vàng.

Chờ mua vàng miếng, vàng nhẫn khi giá lên kỷ lục: Nhiều người về tay không - 3

Giao dịch vàng của một khách hàng (Ảnh: Mạnh Quân).

Cùng với đó, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có xu hướng giảm lãi suất hoặc duy trì mức lãi suất thấp có thể làm giảm giá trị đồng USD. Khi đồng bạc xanh yếu, vàng thường trở nên hấp dẫn hơn như một công cụ lưu trữ giá trị, đẩy giá vàng lên cao hơn.

Giá vàng thế giới đã vượt qua mốc 2.700 USD/ounce sớm hơn so với dự kiến. Điều này phản ánh kỳ vọng tích cực của các nhà đầu tư về giá vàng trong tương lai, đặc biệt khi họ lo ngại về sự bất ổn kinh tế toàn cầu. Nhu cầu đầu tư tích trữ từ các cá nhân và tổ chức cũng góp phần đẩy giá vàng lên cao.

Ông Huân cũng cho rằng việc nhóm BRICS (gồm Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Brazil, và Nam Phi) có thể đưa ra cơ chế thanh toán quốc tế mới không sử dụng USD có thể thay đổi cục diện kinh tế toàn cầu. Nếu điều này xảy ra, sẽ làm suy yếu vai trò của USD trong thanh toán quốc tế, làm tăng nhu cầu vàng như một tài sản an toàn. Theo đó, đồng tiền chung BRICS được kỳ vọng thế chỗ USD, trở thành nhân tố thay đổi cuộc chơi tài chính toàn cầu.

Ngoài tác động của thị trường quốc tế thì giá vàng nhẫn leo thang, còn bắt nguồn từ chính sách siết nhập khẩu vàng nguyên liệu của Ngân hàng Nhà nước. Hơn một thập kỷ qua, thị trường vàng trong nước không có thêm nguồn cung vàng nguyên liệu trong khi nhu cầu mua để tích trữ, phòng chống lạm phát của người dân vẫn hiện hữu. Một khi nguồn cung không có mà nhu cầu tăng, tất yếu giá vàng sẽ ngày càng trở nên đắt đỏ hơn.

Cùng với đó, giá vàng miếng SJC cũng đem lại lợi nhuận đáng kể cho nhà đầu tư và mức tăng vẫn thấp hơn so với vàng nhẫn do nhà đầu tư lo ngại về rủi ro chính sách.

Ông nói: "Nhìn chung, xu hướng tăng giá vàng được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố cơ bản, và khả năng giá sẽ còn tiếp tục tăng trong những tháng cuối năm là khá cao, đặc biệt nếu các yếu tố địa chính trị và kinh tế tiếp tục phức tạp".

Về hiện tượng người dân đổ xô đi mua vàng khi giá vàng tăng, ông Huân cho rằng đây là tâm lý FOMO (Fear of Missing Out - sợ bỏ lỡ). Nhiều nhà đầu tư sợ bỏ lỡ khi giá vàng đang đà tăng cao, nếu không mua thì mai mốt giá tăng cao không có để bán hoặc thấy mọi người đổ xô đi mua thì mình cũng mua.

Làm gì để kìm giá vàng?

Ông Nguyễn An Huy, chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân tại FIDT, cho rằng việc kiểm soát giá vàng nhẫn là rất khó vì mặt hàng này chịu tác động trực tiếp từ giá vàng thế giới.

"Ngân hàng Nhà nước trước đây đã can thiệp để kiểm soát giá vàng miếng. Còn việc can thiệp vào giá vàng nhẫn có thể không hiệu quả và không cần thiết. Giá vàng nhẫn, do có tính liên thông với thị trường quốc tế, thường biến động theo cung cầu và giá vàng toàn cầu", ông Huy nhận xét.

Theo ông, Ngân hàng Nhà nước thay vì can thiệp trực tiếp thì có thể tập trung vào việc duy trì chính sách tiền tệ ổn định và theo dõi biến động của thị trường vàng quốc tế để có những biện pháp phù hợp, ví dụ như điều chỉnh tỷ giá hối đoái hay lãi suất.

Về dài hạn hơn, cơ quan quản lý cần phát triển lành mạnh thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản, để người dân có thêm nhiều kênh tích sản khác ngoài vàng.

Dự đoán xu hướng giá vàng từ nay đến cuối năm, vị chuyên gia cho rằng sẽ phụ thuộc nhiều vào diễn biến kinh tế thế giới, đặc biệt là các biến động địa chính trị. Nếu tình hình địa chính trị tiếp tục leo thang, vàng có thể vẫn sẽ còn tăng giá tiếp.

Nếu tình hình địa chính trị dịu bớt, kinh tế phục hồi thì có thể sẽ là trở lực của giá vàng. Ngoài ra, các yếu tố như tỷ giá USD cũng sẽ ảnh hưởng tới giá vàng trong nước trong thời gian tới.

Chờ mua vàng miếng, vàng nhẫn khi giá lên kỷ lục: Nhiều người về tay không - 4

Người dân đeo thử vàng (Ảnh: Mạnh Quân).

Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Huân đưa ra gợi ý, cơ quan quản lý có thể phát hành chứng chỉ vàng để thay thế vàng vật chất. Người dân sẽ gửi vàng vào Ngân hàng Nhà nước để nhận lại chứng chỉ này.

"Chứng chỉ vàng có thể giao dịch như vàng thật, và khi cần thiết, người dân có thể đem chứng chỉ vàng để rút tiền mặt. Điều này sẽ giúp hạn chế việc tích trữ vàng vật chất trong dân, giảm áp lực nhu cầu, và tạo điều kiện để cơ quan quản lý kiểm soát nguồn vàng trong nước", ông đưa ra quan điểm.

Theo ông, việc này không chỉ giúp quản lý thị trường vàng tốt hơn mà còn đảm bảo an toàn cho người dân, tránh được rủi ro khi lưu trữ vàng tại nhà.

Chia sẻ một số ví dụ kìm giá vàng của các quốc gia trên thế giới, ông Huân nói, Anh và Mỹ có những giai đoạn người dân nắm giữ vàng quá nhiều, làm ảnh hưởng đến đồng nội tệ. 

Tại Anh, Chính phủ nước này kiểm soát về số lượng khi cho phép mỗi người dân chỉ được sở hữu một lượng vàng nhất định, không được nhiều hơn.

Còn với Chính phủ Mỹ, từ năm 1933 đến năm 1971, cơ quan này kiểm soát bằng cách cấm người dân sở hữu vàng nguyên chất, hay còn được gọi là Pure Gold. Người dân chỉ được phép sở hữu vàng trang sức theo quy định cụ thể.

Cũng theo ông Huân, tại Mỹ, ở một số thời điểm nhất định cũng cấm người dân sở hữu vàng nguyên chất. Fed sẽ bán cho người dân một tín chỉ vàng (ETF) ghi nhận số vàng mà người dân đang nắm giữ là bao nhiêu.

"Người dân có thể mua bao nhiêu lượng vàng cũng được, nhưng Ngân hàng trung ương sẽ phát hành cho người dân một tín chỉ thay vì là vàng nguyên chất. Ngân hàng vẫn nắm giữ lượng vàng nguyên chất làm dự trữ ngoại hối. Người dân có thể mua bán tín chỉ đó với nhau và bán lại cho ngân hàng trung ương", ông nêu.

Ở một số thời điểm nhất định khi đồng nội tệ bị mất giá, Chính phủ một số nước cũng thực hiện việc phát hành tín chỉ quỹ ETF như vậy cho người dân. Với các giải pháp này, thị trường vàng vật chất sẽ không còn hấp dẫn.

Ông Huân cho rằng, thay vì cấm người dân nắm giữ vàng nguyên chất, Nhà nước nên có những quy định khuyến khích người dân đem vàng gửi cho ngân hàng trung ương với mức lãi suất thấp.

"Việt Nam đang dành khá nhiều nguồn lực và sự quan tâm về thị trường vàng, làm thị trường này càng thêm sốt. Vì vậy, cần phải có những biện pháp làm giảm sức hấp dẫn của thị trường vàng, hướng người dân sang những kênh đầu tư khác hỗ trợ phát triển nền kinh tế", ông Huân nói.