1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ
  3. Tư vấn tài chính cá nhân

Giá vàng nhẫn vượt 86 triệu đồng/lượng, đắt hơn vàng miếng

Mỹ Tâm

(Dân trí) - Giá vàng nhẫn xác lập kỷ lục mới 86,03 triệu đồng/lượng. Từ đầu năm, mặt hàng này tăng hơn 35%.

Kết thúc tuần giao dịch từ ngày 14/10 đến ngày 19/10, giá vàng miếng được các doanh nghiệp niêm yết tại 84-86 triệu đồng/lượng (mua - bán), giữ nguyên so với trước đó. Vàng miếng "bất động" tuần qua do Ngân hàng Nhà nước không can thiệp điều chỉnh giá.

Trong khi đó, giá vàng nhẫn tròn trơn tiếp tục tăng mạnh, xô đổ kỷ lục trước đó khi được doanh nghiệp lớn chốt tuần tại mức 84-86,03 triệu đồng/lượng (mua - bán). Giá này đã vượt vàng miếng ở chiều bán ra. 

Từ đầu tuần đến nay, mỗi lượng vàng nhẫn tăng 2,5 triệu đồng, tương đương 2,3%. Còn so với đầu năm, mỗi lượng nhẫn trơn tăng hơn 22 triệu đồng, ghi nhận hiệu suất sinh lời trên 35%.

Giá vàng tăng kéo nhu cầu của người dân tăng theo nhưng không dễ mua. Theo khảo sát của phóng viên Dân trí, vàng nhẫn trơn tại nhiều thương hiệu lớn thường xuyên trong tình trạng khan hàng. Đăng ký mua vàng miếng tại 5 đơn vị được Ngân hàng Nhà nước ủy thác cũng không dễ, số lượng mua tối đa chỉ 1-2 lượng. Nhiều người dân cho biết họ phải tìm đến thị trường "chợ đen".

Trên thế giới, giá vàng hôm nay tiếp tục lập kỷ lục, đạt 2.720 USD/ounce, tăng 28 USD so với trước đó và cũng là mức giá chốt tuần. Đây là phiên thứ 2 kim loại quý thế giới lập đỉnh. Tính chung tuần này, kim loại quý đã tăng 2,4%.

Quy đổi theo tỷ giá chưa thuế, phí, giá vàng thế giới tương đương 83 triệu đồng/lượng. Theo đó, giá vàng trong nước chênh lệch 2-3 triệu đồng so với giá thế giới.

Giá vàng nhẫn vượt 86 triệu đồng/lượng, đắt hơn vàng miếng - 1

Giá vàng nhẫn tăng liên tục (Ảnh: Thành Đông).

Từ đầu năm đến nay, kim loại quý này đã tăng hơn 30%. Giá nhiều lần lập đỉnh nhờ kỳ vọng vào làn sóng giảm lãi suất toàn cầu và bất ổn địa chính trị gia tăng. Lãi suất thấp giúp công cụ không trả lãi như vàng hấp dẫn hơn.

Tuy nhiên, vẫn có ý kiến tâm lý sợ bỏ lỡ (FOMO) đang kéo các nhà đầu tư đổ xô vào vàng, điều này đẩy giá lên cao, nhưng mang theo rủi ro tiềm ẩn cho giá trong tương lai. Nếu tâm lý FOMO giảm đi, giá có thể giảm mạnh.

Naeem Aslam, Giám đốc đầu tư của Zaye Capital Markets, lưu ý tâm lý FOMO ngày càng gia tăng trên thị trường vàng có thể là dấu hiệu của "bong bóng". Theo vị này, đà tăng của vàng là nhờ tâm lý của giới đầu tư. Vì thế, bất cứ sự thay đổi nào trong lộ trình chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ dẫn đến một đợt điều chỉnh.