(Dân trí) - Tổng Giám đốc VinaCapital Don Lam cho rằng những yếu tố vĩ mô và điều kiện nền tảng vững chắc của Việt Nam có sức hấp dẫn và vai trò quan trọng đối với các nhà đầu tư hơn các biến động tạm thời.
CEO VinaCapital lý giải lý do "đại bàng" sẽ tiếp tục đến Việt Nam làm tổ khi dịch bệnh qua đi
Chia sẻ với Dân trí, ông Don Lam - đồng sáng lập kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn VinaCapital tin tưởng rằng những yếu tố vĩ mô và điều kiện nền tảng vững chắc của Việt Nam có sức hấp dẫn và vai trò quan trọng đối với các nhà đầu tư hơn là các biến động có tính chất tạm thời.
"Việt Nam có nhiều điểm tương đồng với các quốc gia đã phục hồi và phát triển mạnh mẽ sau các cuộc khủng hoảng kinh tế. Đó là một trong những lý do mà chúng tôi vẫn lạc quan về khả năng tăng trưởng của kinh tế Việt Nam trong tương lai", ông Don Lam nhấn mạnh.
Chậm lại trong ngắn hạn nhưng vẫn tích cực về dài hạn
Năm ngoái, chúng ta kỳ vọng về làn sóng dịch chuyển FDI khi Việt Nam kiểm soát tốt dịch Covid-19 so với các nước xung quanh. Tuy nhiên, việc giãn cách xã hội kéo dài thời gian qua khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp tại Việt Nam liệu có làm đảo ngược xu hướng này?
- Theo chúng tôi, những biện pháp hạn chế mà Chính phủ Việt Nam phải áp dụng nhằm kiểm soát đại dịch Covid-19 lây lan nhanh do biến chủng Delta nhằm ưu tiên bảo vệ sức khỏe cộng đồng mặc dù có thể làm chậm dòng vốn FDI trong ngắn hạn nhưng sẽ không ảnh hưởng đến triển vọng thu hút đầu tư của Việt Nam trong dài hạn.
Những yếu tố vĩ mô và điều kiện nền tảng vững chắc của Việt Nam có sức hấp dẫn và vai trò quan trọng đối với các nhà đầu tư hơn những biến động có tính chất tạm thời. Dù chúng ta đang phải trải qua giai đoạn thử thách nhất kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, chúng tôi vẫn nhìn thấy triển vọng tích cực của Việt Nam trong dài hạn, đặc biệt là trong việc thu hút dòng vốn FDI.
Các yếu tố giúp củng cố nhận định của chúng tôi bao gồm các công ty đa quốc gia đang buộc phải đa dạng hóa chuỗi sản xuất của họ ra các nước khác bên cạnh Trung Quốc khi đối mặt với tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng trong thời gian qua.
Việt Nam là địa điểm ưu tiên của họ trong chiến lược "Trung Quốc + 1", đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất hàng điện tử, công nghệ cao. Tình trạng đình trệ kéo dài ở Hàn Quốc và Nhật Bản khiến các quốc gia này buộc phải mở thêm nhà máy ở nước ngoài và Việt Nam là một trong những địa điểm được ưa thích nhất.
Các quốc gia lâm vào tình trạng đình trệ kéo dài như Hàn Quốc và Nhật Bản thường phải đối mặt với một số vấn đề, bao gồm tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động giảm (dân số Hàn Quốc đang già đi với tốc độ thậm chí còn nhanh hơn Nhật Bản). Do đó, đây là 2 đất nước đang tích cực xây dựng chuỗi sản xuất bên ngoài. Điều này giúp giải thích lý do tại sao nguồn FDI lớn nhất vào Việt Nam trong nhiều năm qua đều đến từ Hàn Quốc và Nhật Bản.
Mặc dù tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại Việt Nam tạo ra khó khăn đáng kể, hầu hết các doanh nghiệp đều hiểu rằng các quốc gia khác như Thái Lan hay Indonesia cũng đã trải qua tình trạng nghiêm trọng vào năm ngoái. Ngoài ra, cũng có thông tin rằng các công ty đang xây dựng nhà máy mới tại Ấn Độ chủ yếu để sản xuất các sản phẩm phục vụ cho thị trường này chứ không phải phục vụ xuất khẩu. Điều này càng khẳng định lại vị trí của Việt Nam trong chuỗi sản xuất và cung ứng của thế giới.
Mùa cao điểm mua sắm ở EU, Mỹ đang đến gần, trong khi đó, một số nhà máy ở phía Nam đã phải đóng cửa thời gian dài, một số đơn hàng phải chuyển sang các nước khác. Chúng ta có thể sớm lấy lại đơn hàng khi khôi phục sản xuất hay sẽ đối diện nguy cơ mất nhiều đơn hàng dài hạn?
- Chúng tôi hoàn toàn không lo lắng về khả năng tiêu thụ các sản phẩm do Việt Nam sản xuất và xuất khẩu vì nhiều công ty lớn ở Mỹ đã và đang than phiền nguồn cung từ Việt Nam hiện nay không đáp ứng đủ nhu cầu của họ. Chúng ta chỉ cần lo ngại khi nhu cầu của người tiêu dùng Mỹ, châu Âu hay Trung Quốc đối với hàng hóa do Việt Nam sản xuất bị sụt giảm. Tuy nhiên, không hề có dấu hiệu gì cho thấy điều đó sẽ xảy ra trong tương lai gần.
Trong bức tranh FDI từ đầu năm, chúng ta vẫn thấy những điểm sáng. Giá trị giải ngân tăng trưởng dương hay có những dự án lớn như việc LG tăng vốn thêm 1,4 tỷ USD vào nhà máy ở Hải Phòng. Như vậy, liệu chúng ta có thể kỳ vọng các địa phương kiểm soát tốt dịch bệnh sẽ là điểm sáng với nhà đầu tư FDI?
- Chúng tôi không cho rằng chỉ vì một địa phương kiểm soát tốt dịch bệnh mà các công ty FDI sẽ quyết định đặt nhà máy mới hay mở rộng cơ sở sản xuất tại đó. Quyết định của họ được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố như tay nghề của lực lượng lao động, chi phí lao động, vị trí so với chuỗi cung ứng hiện tại của họ ở Trung Quốc và đặc biệt là sự ổn định về chính trị của quốc gia.
Khi một công ty quyết định đặt nhà máy tại Việt Nam, địa điểm cụ thể của nhà máy sẽ được xác định dựa trên các yếu tố về hậu cần, chuỗi cung ứng và khả năng tuyển dụng lao động địa phương.
Ngoài ra, các công ty hoạt động trong cùng một lĩnh vực sẽ có xu hướng đặt trụ sở gần nhau về mặt địa lý vì nhiều lý do, điều này giải thích tại sao hầu hết các nhà máy điện tử ở Việt Nam đều nằm ở phía Bắc trong khi hầu hết nhà máy ngành may mặc lại ở phía Nam.
Chuyên gia Michael Porter của Đại học Harvard đã từng đưa ra các khuyến nghị cho Chính phủ về vấn đề cụm ngành công nghiệp sau khi thực hiện các nghiên cứu về vấn đề này tại nhiều quốc gia khác nhau, bao gồm cả ở Việt Nam.
Không nhất thiết phải ưu đãi thuế để thu hút đầu tư
TPHCM và nhiều địa phương đang bắt đầu quá trình mở cửa nền kinh tế. Dưới góc nhìn của ông, doanh nghiệp, đặc biệt là khối FDI, kỳ vọng những gì vào giai đoạn mở cửa này?
- Hầu hết doanh nghiệp đều muốn hoạt động ổn định trong môi trường mà họ có thể dự đoán được các diễn biến tiếp theo cũng như các yếu tố sẽ ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh để có thể ứng biến trước mọi tình huống.
Các công ty FDI hiểu và đồng thuận rằng việc áp dụng các biện pháp hạn chế là cần thiết để bảo vệ sức khỏe người lao động và sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, họ cần các cơ quan chức năng ban hành các tiêu chí rõ ràng để biết được rằng trong điều kiện nào thì các quy định giãn cách sẽ được nới lỏng hay thắt chặt hơn. Các tiêu chí này cần được cụ thể, dễ hiểu và minh bạch nhất có thể.
Ví dụ, các doanh nghiệp FDI hoàn toàn hiểu và ủng hộ nếu Chính phủ yêu cầu thực hiện "ba tại chỗ" cho đến khi ca nhiễm Covid-19 mới trung bình hàng ngày giảm 20%, và khi con số này giảm thêm 30% thì một số biện pháp hạn chế nhằm phòng chống dịch bệnh sẽ tiếp tục được nới lỏng.
Vậy Việt Nam cần làm gì để giữ chân các nhà đầu tư FDI lớn, đồng thời tiếp tục thu hút thêm dòng vốn đầu tư mới sau khi làn sóng dịch bệnh này qua đi?
- Như tôi đã đề cập, có nhiều yếu tố giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư nước ngoài. Nếu Chính phủ tiếp tục duy trì các chính sách đã góp phần tạo nên thành công trong việc thu hút FDI trong hơn 10 năm qua thì dòng vốn này sẽ tiếp tục đổ vào đất nước. Tóm lại, việc môi trường kinh doanh tiếp tục được duy trì ổn định chính là yếu tố then chốt dẫn đến quyết định thành lập hay mở rộng chuỗi sản xuất tại Việt Nam của các doanh nghiệp đa quốc gia.
Mặc dù đã thành công trong việc thu hút dòng vốn nước ngoài, thời gian qua, Việt Nam cũng có phần hơi bị động và chờ đợi các khoản đầu tư FDI. Do đó, nếu Chính phủ có chiến lược chủ động hơn như một số chính sách và hoạt động quảng bá và thu hút đầu tư gần đây, sẽ khuyến khích được dòng vốn lớn hơn và chất lượng hơn vào đất nước.
Qua quan sát của chúng tôi suốt nhiều năm qua, đã có rất nhiều thay đổi tích cực về thủ tục đầu tư, giúp rút ngắn đáng kể thời gian hoàn thiện hồ sơ và giúp dòng vốn FDI được lưu chuyển nhanh hơn. Tôi vẫn tin rằng, chúng ta có thể tiếp tục làm tốt hơn nữa. Những sáng kiến của Chính phủ đã cho thấy sự cam kết liên tục và nhất quán của Việt Nam trong việc chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực để nắm bắt các cơ hội từ làn sóng chuyển dịch đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia.
Việt Nam không nhất thiết phải giảm hay ưu đãi thuế để thu hút đầu tư. Bởi vì đây không phải là yếu tố quyết định theo nghiên cứu của Brookings Institution và các tổ chức khác. Các điều kiện của Việt Nam hiện nay như lực lượng lao động có tay nghề, có chuyên môn với chi phí cạnh tranh, rẻ hơn 2/3 so với ở Trung Quốc và 1/2 so với Thái Lan, cũng đã phần nào hấp dẫn các công ty FDI.
Trong giai đoạn giãn cách xã hội, những lĩnh vực sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày thuộc nhóm bị ảnh hưởng tiêu cực nhất. Đây có phải là thời điểm để chúng ta nghĩ đến việc sẽ dần chuyển sang thu hút vốn đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật cao ít thâm dụng lao động hơn?
- Trong 12 năm qua, tỷ trọng xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao của Việt Nam đã tăng từ mức dưới 10% lên hơn một phần ba hiện nay. Trong khi đó, đóng góp từ xuất khẩu hàng may mặc và giày dép vẫn dưới 20%. Mức tăng trưởng trên là một thành tích đáng nể cho thấy thực tế nhiều năm qua Việt Nam đã và đang thu hút đầu tư nhiều hơn vào các ngành công nghiệp công nghệ cao.
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới được công bố vào tháng trước cũng chỉ ra rằng đại dịch đã góp phần đẩy nhanh sự chuyển dịch xuất khẩu của Việt Nam sang các sản phẩm công nghệ cao.
Nhưng việc sản xuất, xuất khẩu hàng may mặc, giày dép, đồ gỗ và các mặt hàng có giá trị gia tăng thấp khác cũng mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam, đặc biệt là trong vấn đề tạo công ăn việc làm cho người dân.
Còn việc sản xuất các sản phẩm công nghệ cao mang lại nhiều "lợi ích lan tỏa" cho đất nước. Vì vậy, chúng tôi khuyến nghị Chính phủ vừa tiếp tục thu hút công ty công nghệ cao đến Việt Nam vừa tạo động lực và nền tảng để các công ty công nghệ trong nước phát triển.
Việt Nam sẽ quay lại mức tăng trưởng 7%/năm sau đại dịch
Ngân hàng Thế giới dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 4,8% trong năm nay và có thể trở lại mức 6,5-7% từ năm 2022. Ông đánh giá thế nào về những con số này?
- Tăng trưởng GDP năm nay của Việt Nam sẽ phụ thuộc vào tốc độ mở cửa trở lại của nền kinh tế. Việc người dân có thể trở lại làm việc (đặc biệt là trong các nhà máy) và chi tiêu cho các doanh nghiệp địa phương càng nhanh chừng nào, GDP sẽ tăng trưởng nhanh tương ứng chừng đó.
Chúng tôi cho rằng Việt Nam sẽ gặp khó với mục tiêu tăng trưởng 4,8% trong năm nay, nhưng sẽ dễ dàng quay lại mức tăng trưởng 7% mỗi năm sau khi đại dịch được kiểm soát.
Cá nhân ông và các nhà đầu tư của VinaCapital đánh giá thế nào về triển vọng phục hồi của kinh tế Việt Nam sau đại dịch?
- Khi quan sát một số ví dụ điển hình về khả năng phục hồi của các quốc gia sau khi đối mặt với khủng hoảng kinh tế, chẳng hạn như Nhật Bản sau cú sốc dầu mỏ năm 1793, Indonesia và Thái Lan sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 và Trung Quốc sau khi khủng hoảng lạm phát và xã hội cuối những năm 1980, chúng tôi nhận thấy một số yếu tố đã giúp các nước này vực dậy và triển vọng tăng trưởng kinh tế thậm chí còn được cải thiện mạnh mẽ hơn sau đó.
Ở chiều ngược lại, trong trường hợp của Nga sau khi đồng tiền quốc gia mất giá năm 2014 và Argentina sau vụ vỡ nợ năm 2001, tác động của các cuộc khủng hoảng đã kéo dài nhiều năm sau đó.
Việt Nam có nhiều điểm tương đồng với các quốc gia đã phục hồi và phát triển mạnh mẽ sau các cuộc khủng hoảng kinh tế. Đó là một trong những lý do mà chúng tôi vẫn lạc quan về khả năng tăng trưởng của kinh tế Việt Nam trong tương lai, sau khi tình hình Covid-19 được kiểm soát và người dân có thể quay trở lại các hoạt động thường nhật trong điều kiện bình thường mới.
Cám ơn ông về cuộc trò chuyện này.