PhotoStory

Người thầy 19 năm vượt sóng gieo chữ cho học trò ở xã đảo duy nhất TPHCM

Thực hiện: Thúy Hường

(Dân trí) - Suốt 19 năm qua, hình ảnh người thầy trên chuyến đò từ thị trấn Cần Thạnh ra xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ, TPHCM) gieo chữ cho học trò đã quá đỗi quen thuộc với người dân nơi đây.

Người thầy 19 năm vượt sóng gieo chữ cho học trò ở xã đảo duy nhất TPHCM - 1

19 năm trước, thầy Lê Hữu Bình (41 tuổi) đã rời quê hương Nghệ An để đến xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ, TPHCM với khát vọng gieo mầm tri thức. Hành trình của thầy bắt đầu với những con đò nhỏ vượt sóng, một ngôi trường đơn sơ và những lớp học trò còn nhiều thiếu thốn.

Người thầy 19 năm vượt sóng gieo chữ cho học trò ở xã đảo duy nhất TPHCM - 2

Huyện Cần Giờ cách trung tâm TPHCM khoảng 70km, từ các quận trung tâm muốn đến Cần Giờ phải đi qua phà Bình Khánh. Xã đảo Thạnh An lại tách biệt với phần còn lại của huyện Cần Giờ. Mỗi ngày, từ đất liền ra xã đảo, thầy Bình phải ngồi đò gần một tiếng đồng hồ mới tới nơi.

Người thầy 19 năm vượt sóng gieo chữ cho học trò ở xã đảo duy nhất TPHCM - 3

Ở xã đảo Thạnh An, thầy Bình không chỉ là một người giáo viên mà còn là điểm tựa tinh thần cho biết bao thế hệ học trò. Thấu hiểu khó khăn của học sinh, thầy Bình kêu gọi hỗ trợ sách vở, đồng phục, học bổng mỗi dịp năm học mới giúp các em vững tâm đến trường.

Không dừng lại ở đó, thầy Bình còn tạo ra nhiều sân chơi, hoạt động ngoài giờ để thu hút học sinh đến lớp. Những tiết học ngoài trời, những buổi trồng cây hay nhặt rác quanh đảo đã giúp các em gắn bó hơn với trường lớp và hiểu rõ giá trị của sự đoàn kết, trách nhiệm với quê hương. Chính sự tận tụy ấy, suốt nhiều năm qua, tỷ lệ học sinh bỏ học ở trường đều bằng 0.

Người thầy 19 năm vượt sóng gieo chữ cho học trò ở xã đảo duy nhất TPHCM - 4

Ngoài chương trình học chính thống, thầy Bình còn chú trọng đến việc giáo dục nhân cách cho các em học sinh.

"Trong thời đại công nghệ 4.0, thứ duy nhất mà chúng ta hơn những con robot, AI chính là trái tim. Các bạn phải luôn giữ cho trái tim của mình biết yêu thương, biết rung cảm với những điều tốt đẹp xung quanh, có như vậy chúng ta mới xứng đáng là con người", thầy Bình nói.

Gần 20 năm qua, thầy Bình luôn yêu thương các em học sinh nơi đây như chính những đứa con ruột thịt của mình. Nhiều lần có cơ hội chuyển công tác đến môi trường có điều kiện tốt hơn nhưng thầy Bình vẫn kiên quyết ở lại xã đảo Thạnh An để mang con chữ cùng ước vọng đổi đời đến với các em.

Người thầy 19 năm vượt sóng gieo chữ cho học trò ở xã đảo duy nhất TPHCM - 5

Sau 4 năm dạy học tại trường Tiểu học Thạnh An, thầy Bình đã được phân công làm Phó Hiệu trưởng rồi đến Hiệu trưởng từ năm 2017.

"Khi chuyển từ công tác dạy học lên công tác quản lý, những ngày đầu tôi nhớ bục giảng, nhớ học sinh vô cùng. Dần dà cũng quen với công việc mới, cũng may mắn là tôi vẫn được dạy những tiết học nghĩa vụ, khi làm Phó Hiệu trưởng thì dạy 4 tiết/tuần, bây giờ thì tôi dạy 2 tiết/tuần. Đối với tôi, được đứng trên bục giảng là điều hạnh phúc", thầy Bình nói.

Người thầy 19 năm vượt sóng gieo chữ cho học trò ở xã đảo duy nhất TPHCM - 6

Gần cuối năm 2022, các em đi học lại sau đại dịch Covid-19, nhận thấy học sinh nam tóc quá dài, ban giám hiệu và thầy cô nhắc nhở mà mãi các em không chịu cắt. Sau khi tìm hiểu, biết được nhiều bạn phải ở với ông bà do cha mẹ đi làm xa. Có bạn, cha mẹ đã ly hôn nên chỉ ở với cha hoặc mẹ.

"Thương học trò, hơn nữa hồi còn là sinh viên tôi có học được cách cắt tóc từ bạn học nên quyết định mở "tiệm" cắt tóc cho các em", thầy Bình tâm sự.

"Khi đó tôi thường cắt tóc vào cuối giờ chiều. Có ngày, gần 10 em đến nhờ cắt. Về sau, số lượng ít dần nên tôi chọn một ngày cố định là thứ sáu của tuần thứ hai trong tháng để cắt cho các em. Nhìn niềm vui hiện trên gương mặt các em, thêm nữa là sau khi cắt tóc, nhiều phụ huynh gọi điện thoại cho tôi cảm ơn. Tôi rất vui", thầy Bình nói thêm.

Người thầy 19 năm vượt sóng gieo chữ cho học trò ở xã đảo duy nhất TPHCM - 7

Đến nay, điều kiện học tập của các em học sinh trường Tiểu học Thạnh An đã được cải thiện đáng kể. "Em thích đi học lắm! Ngoài việc được học chữ, thầy cô còn dạy những kỹ năng sống rất thú vị. Thầy Bình còn hay đến lớp hỏi han tụi em nữa. Em cùng các bạn sẽ cố gắng học thật tốt để không phụ lòng thầy cô", em Nhi nói.

Người thầy 19 năm vượt sóng gieo chữ cho học trò ở xã đảo duy nhất TPHCM - 8

Công tác tại trường đến nay đã 13 năm, cô Nguyễn Thanh Thủy chia sẻ: "Thầy Bình là người luôn đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân, làm mọi việc có lợi cho học sinh và nhà trường. Luôn động viên cán bộ, giáo viên, học sinh ra sức dạy và học để xây dựng nhà trường ngày càng phát triển. Nhờ có thầy mà môi trường làm việc ở đây không chỉ là nơi dạy học mà còn như một gia đình lớn. Tôi nghĩ, không dễ tìm được một người thầy như vậy - vừa nhiệt huyết, vừa giàu lòng nhân ái".

Người thầy 19 năm vượt sóng gieo chữ cho học trò ở xã đảo duy nhất TPHCM - 9

Sau thời gian dài được thầy Bình thuyết phục, cô Lê Thị Tuyết Nhung, giáo viên dạy mỹ thuật quyết định chuyển từ Bình Chánh về xã đảo Thạnh An dạy học.

"Ban đầu tôi khá phân vân. Ở thành phố, điều kiện dạy học tốt hơn rất nhiều, còn Thạnh An thì xa xôi, thiếu thốn đủ bề. Nhưng qua nhiều lần trò chuyện với thầy Bình, tôi cảm nhận được sự chân thành và tình yêu mà thầy dành cho học trò nơi đây. Thầy kể về các em với niềm thương mến và lo lắng như nói về con cháu mình. Điều đó khiến tôi suy nghĩ lại và muốn góp sức mình để giúp đỡ các em", cô Nhung tâm sự.

Người thầy 19 năm vượt sóng gieo chữ cho học trò ở xã đảo duy nhất TPHCM - 10
Người thầy 19 năm vượt sóng gieo chữ cho học trò ở xã đảo duy nhất TPHCM - 11
Người thầy 19 năm vượt sóng gieo chữ cho học trò ở xã đảo duy nhất TPHCM - 12

Những ngày cuối tuần, thầy Bình dành trọn thời gian bên gia đình. Đây là khoảng thời gian để thầy cân bằng giữa trách nhiệm nghề nghiệp và tình yêu thương dành cho tổ ấm nhỏ. Do tính chất công việc, hầu hết công việc trong gia đình đều do vợ thầy quán xuyến.

"Gia đình là điểm tựa để tôi vững vàng trên hành trình của mình. Mỗi khi bên vợ và các con, tôi như được tiếp thêm sức mạnh để quay lại với trường học, với những đứa trẻ cần mình", thầy Bình tâm sự.

Dù nghiêm khắc dạy dỗ mỗi khi con làm sai hoặc có thái độ chưa đúng, nhưng những hành động của thầy Bình luôn xuất phát từ tình yêu thương sâu sắc. Với thầy, mỗi sai lầm của con là cơ hội để các con hiểu rõ hơn về đúng - sai, và học cách sống tử tế, biết quan tâm đến người khác.

Người thầy 19 năm vượt sóng gieo chữ cho học trò ở xã đảo duy nhất TPHCM - 13

Gác lại câu chuyện gia đình, thầy Bình, cô Nhung, cô Thủy hay những thầy cô ở xã đảo duy nhất của TPHCM vẫn luôn vượt lên những khó khăn, vất vả hàng ngày với mong ước gieo chữ, "trồng người", để xã đảo ngày càng phát triển.

Người thầy 19 năm vượt sóng gieo chữ cho học trò ở xã đảo duy nhất TPHCM - 14

Thầy Bình không chỉ gieo chữ mà còn gieo hy vọng, niềm tin vào một tương lai tươi sáng cho những đứa trẻ ở xã đảo Thạnh An. Thành quả sau những trăn trở, cố gắng, nỗ lực ấy chính là danh hiệu trường đạt chuẩn quốc gia mức độ I mà trường vinh dự đón nhận vào 14/11 vừa qua. Đây chính là trái ngọt sau bao năm vun vén cho sự nghiệp "trồng người" của thầy Bình và tập thể thầy cô ở xã đảo xa xôi.

Vốn việc "trồng người" đã vô cùng khó khăn và nhiều hy sinh. Dạy học ở xã đảo lại đặc biệt vất vả hơn đôi phần. "Vào mùa gió chướng, mưa bão, sóng to, chặng đường đến trường như dài miên man. Có những hôm về đến nhà là lã cả người. Nhưng vì thương các em, dù có mệt đến đâu tôi vẫn sẽ đến trường", thầy Bình chia sẻ.